CÁC LỜI TIÊN TRI
CAO ĐÀI GIÁO XUẤT HIỆN

1. Kinh sấm truyền báo trước Cao Đài giáo xuất hiện
Trong càn khôn vũ trụ, theo Pasteur không có định luật ngẫu nhiên, mọi sự việc đều có do lai riêng của nó. Cao đài giáo trước khi xuất hiện cũng đã cónhiều kinh sấm truyền báo trước.
a) Lời tiên tri trong sách Phật tông nguyên lý : Đức Thế Tôn Văn phật đã huấn dụ : " Sau Ngài sẽ có một Đức Phật lớn hơn Ngài ra đời".
b) Lời tiên tri trong quyển Thanh tịnh Kinh : "Thanh tịnh Kinh hữu di tích. Công việc quả mãn chỉ thọ đơn thơ Thiên mạng phương khả truyền đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Kinh Thanh Tịnh có dấu tích để lại rằng : công đầy quả đủ sẽ được lãnh thọ đơn thơ. Người có mạng trời khá nên truyền đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
c) Lời tiên tri trong quyển Vạn pháp qui tông : " Cao Đài tiên bút thì văn tự". Trong Đạo Cao Đài mai sau này sẽ có thơ văn của chư tiên do thần diệu cơ bút viết ra.
d) Jésus Christ đã phán trong Thánh kinh ( Thesalonians I5 : 2) : "Ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy".
đ) Sự tiên tri trong Đạo Tam Thanh, Vào thế kỷ XV bên Trung Hoa có vị đạo sỹ tên Ngô Chi Hạc lập phái "Tam Thanh, thờ giáo chủ 3 đạo lớn : Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử, Đức Thích Ca. Đạo này là bước đầu tiên của nền Đại Đạo.
e) Lời tiên tri của Chi Minh Sư. Khi nhà Thanh (Trung Hoa ) chiếm ngôi nhà Minh, một số vong thần chạy sang Việt Nam và một nhóm lên núi lập ra chi Minh sư, Minh Đường ( hai chi trong ngũ chi của Đại Đạo sau này). Ngoài bìa sách kinh của các chi ấy có 2 câu thơ :

Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng
Đài tại Nam phương đạo thống truyền.

Đã tiên đoán cho việc khai đạo Cao Đài tại phương Nam nước Tàu tức Việt Nam.
g) Lời tiên tri trong"Minh Thánh Kinh linh sám" : "Mạng hữu Cao Đài minh nguyệt chiếu". Danh của Đức Cao Đài sáng tỏ như trăng sáng.
h) Lời tiên tri trong sách " ấu học tầm nguyên"
" Đầu Thượng viết trên Cao Đài" trên đầu mọi người gọi là Cao Đài.
i) Lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong quyển " Bạch vân am thi tập" có ghi :

Con mừng búng tít con quay
Vù vù chong chóng gió lay trên đài
Nhà cha cửa đóng then cài
Ầm ầm sóng dậy, hỏi người đông lân

Hai câu đầu ám chỉ chữ "Vạn" trên nóc các Thánh Thất đạo năm 1939-1945, cũng gọi là đài. Biểu hiện này trùng với hiệu đảng Đức quốc xã nên người Pháp ra lịnh đóng cửa các Thánh thất, hợp ý với 2 câu sau. Rồi sau nhờ Nhật đảo chánh (1945) các Thánh thất được mở cửa lại tức "ầm ầm súng vậy hỏi người đông lân".
k) Lời tiên tri trong quyển " Giác mê ca".

Hữu duyên mới gặp Tam kỳ phổ độ
Muôn đời còn Tử phủ nên danh
l) Lời tiên tri trong quyển Kinh " Tỉnh thế ngộ chơn"
Đại thiên tiên hoá hoằng chơn đạo
Trợ quốc cứu dân tích thiện luân
Nam Hải cừ Hàng chân vận tế
Tây Phương tiếp dẫn, Phật Đông Lâm.

Trước khi có cuộc thay đổi lớn sẽ có một nền đạo chân chánh xuất hiện giúp nước cứu dân, làm điều thiện đáng khen. Biển Nam có Phật Từ Hàng đi khắp nơi để độ rỗi.
Phương Tây có Phật tiếp dẫn đưa người đến Đông độ.
m) Lời tiên tri trong quyển Kinh " Vạn diệu thiên thư cổ bổn".

Tam giáo kim tùng cổ hoá sanh
Tiên thiên phương hữu thi Tam Thanh
Phật pháp Nho hề quy nhứt bổn
Tự nhiên tả đạo thống trương tranh
Vạn ức sơn hà giai hữu thử
Tổng quy nhất phái đắc an thành
Xà vĩ, mã đầu khai đại hội
Tam Kỳ hậu thế hiển phương danh.
n) Lời tiên tri tại Trung phần trước năm 1926
Canh dần mậu dần niên
Kỷ mão, canh thìn tiền
Tự nhiên Thiên phú tánh
Cao đài tân chân truyền

Lời tiên tri trong kinh các tu sĩ tại Trung phần theo phái Minh Sư có câu :

Con cầu Phật tổ Như Lai
Con cầu cho thấu Cao đài Tiên ông.

o) Lời tiên tri của cụ Thủ Khoa Huân. Vào ngày 3 tháng I năm 1913 tại Cao Lãnh (Kiến phong) các kỳ hào hợp tại nhà ông Lê Quang Hiển, nhạc phụ của ông Diệp Văn Kỳ để thỉnh tiên. Chơn linh cụ Thủ Khoa Huân có cho 2 bài thơ sau :

Dung tất Cao Đài nhiệm khuất thân
Tứ triêm đào lý nhứt môn xuân
Cánh tân bôi bức giang sang cựu
Trừ cựu thời thiêm tuế nguyệt thân
Cửu thập thiều quang sơ bán lục
Nhất luân minh nguyệt vị tam phân
Thừa nhàn hạc giá không trung vụ
Mục đỗ Cao Đài tráng chi thân
Cụ lại thích nôm luôn :
Co dũi Cao Đài khoẻ tấm thân
Dạo xem đào lý đượm mùa Xuân
Giang san chẳng khác ngàn năm cũ
Ngày tháng chờ thay một chữ tân
Chín chục thiều quang vừa nửa sáu
Một vùng trăng rạng chửa ba phân
Thừa nhân cỡi hạc không trung ruổi

Chạm mắt Cao Đài khoẻ tấm thân. (TRẦN VĂN HUẾ, Cao đài giáo sơ giải Saigon Thanh Hương 1963)
Chữ Cao Đài được nhắc đi nhắc lại 4 lần, nhưng mãi đến năm 1927, chức sắc đi truyền đạo tại Cao Lãnh, ông Hiển đem 2 bài thơ trên ra mới rõ lẽ mầu nhiệm của nền Tân tôn giáo.
p) Lời tiên tri của Tào Quốc Cựu ở Miếu Nổi : Tại Miếu Nổi ( Gò Vấp) đêm 17-6-Qúi Hợi ( dl 30-7-1923) Tào Quốc Cựu giáng cơ dạy :
" Chư nhu có phước có duyên nên mới gặp Đạo ở kỳ này là kỳ thứ ba. Thiết chư như có đại căn mới gặp trước phiên hạ đó. Hữu duyên đắc ngộ Tam Kỳ độ. Trên Thánh điều lâm phàm mà độ kẻ nguyên nhân" ( Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên, Saigon 1930 tr.9)
q)Lời tiên tri của Huê Quang tại chùa Ngọc Hoàng (ĐaKao) : Vào đêm 22-7-Qúi Hợi ( 2-9-1923), Huê Quang Đại Đế giáng đàn tại chùa Ngọc Hoàng ở Đất Hộ cho bài thi quán thủ như vầy :

HUÊ phát Tam Kỳ Đạo dĩ khai,
QUANG minh tứ hướng thướng anh tài.
ÐẠIphước kêu đau thân đắc ngộ,
ĐẾ Quân giáng hạ, nhữ vô tai

( Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên, Saigon 1930 tr.9)
. Câu hai tiên tri bốn phương đều kéo cờ ba màu vàng xanh đỏ ( tứ hướng thướng tam tài).
2. Hoàn cảnh xã hội Việt Nam chung đúc cho nền Tân Tôn giáo
Đời nhà Lý, nhà Trần ,Phật giáo cực thịnh, được xem như là quốc đạo. Trong gần 1.000 năm, từ thế kỷ X, đến cuối thế kỷ thứ XIX, các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý Trần, Hậu Lê và Nguyễn đã dùng chữ Nho trong các công văn, trong sự học hành, các khoa thi, và hành chánh. Trong triều nhà Trần mở khoa thi Tam giáo ( Nho, Thích, Lão) được gọi là tam giáo đồng nguyên và được tôn sùng ngang hàng. Tinh thần tam giáo chẳng những biểu lộ trong văn chương từ cú mà còn là những gì linh động được thể hiện qua mọi lề lối sinh hoạt của dân tộc. Tinh thần Tam giáo đã trở thành một ý thức hệ đơn thuần trong xã hội Việt Nam, tạo cho dân tộc một tinh thần bất khuất biết lý hoà đồng để làm cơ giới tranh đấu. Đó là một thần trí đặc thù mà người Việt Nam lấy làm hãnh diện. Đã bao nhiêu lần Bắc thuộc, kế đến Pháp thuộc mà phong tục dân tộc vẫn không mất bản sắc, bất khả đồng hoá, chính là nhờ cái thế tôn giáo đồng nguyên Thích, Nho Lão.
Nền văn hoá Việt Nam lại phải đương đầu với sự du nhập văn minh vật chất Tây phương, kèm ý thức hệ tâm linh thiên chúa giáo. Sóng gió đạo lý đã nổi loạn, nền luân lý cổ truyền Khổng Mạnh bị lung lay, nhưng rồi với thời gian đâu vào đấy, bước đến chỗ hoà đồng tôn giáo. Dù đông hay tây, cổ kính hay tân thời đã kết tinh lại tạo thành một ý thức hệ tổng hợp,dung hoà mọi bất đồng tiểu dị trên mảnh đất nhỏ bé bất hạnh nhưng nhiều diễm phúc và hồng an Thiêng liêng này. Do đó, người ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ là nơi Đại phục hưng Tôn giáo trên toàn thế giới.

3. Đấng Chí Tôn dành ân sủng do dân tộc Việt Nam :
Đàn đêm 24-4-1926 Đấng Chí Tôn đã dạy :

"Vốn từ trước thầy đã lập ra Ngũ chi Đại Đạo là : Nhơn đạo, Thánh đạo, Phật đạo. Tuỳ theo phong hoá của nhân loại mà gầy chánh giào, là vì khi trước ; càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành Đạo nội tư phương mình mà thôi.
" Còn nay thì nhân loại cũng đã hợp đồng, càn khôn dĩ tân thức thì lại bị phần nhiều Đạo, mà nhân loại bị nghịch lẫn nhau nên thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt. Lại nữa, trước thầy giao Thánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà lập ra cuộc phàm giáo.
" Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót rỏ ngàn năm, nhân loại đã bị sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A - Tỳ. Thầy nhứt định đến chính mình thầy mà độ rỗi các con, chẳng chịu giao Thánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng buộc phải lập Thánh thể có lớn có nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Đảo.
" Chẳng còn một ai dưới thế này còn đặng phép nói rằng : thế quyền cho Thầy mà tư phần hồn cho nhân loại. Ai có đức hạnh lớn mới ngồi địa vị Thầy ban thưởng, còn cả môn đệ ai cũng như ai, không đặng phe lập đảng. Nhược bằng kẻ nào phạm tội thì thầy trục xuất ra ngoài cho khỏi điều rối loạn" ( THÁNH NGÔN HIỆP TUYỀN (quyển I) Tây Ninh 1964)
Đức Lý Giáo Tông chủ trì về hồn toàn đạo cũng giảng đàn đêm 13 tháng 1 năm 1927 như sau :
" Hiện nay nhân loại đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, trật tự và thanh bình thuở xưa không còn nữa. Luân lý sụp đổ, nhân tâm sa đoạ. Đối với những kẻ hoài nghi. Thượng Đế chỉ còn là một tiếng suông. Họ không biết rằng trên Cao Đài kia ngự trị của Đấng Chí Tôn, Chúa tể cả vũ trụ và cả số phận loài người".

4. Tổng tắt

Xem như thế, việc xuất hiện Cao Đài giáo là Thiên thơ dĩ định, mở kỳ ba tam chuyển này để độ 92 ức nguyên nhân và truyền đạo đến thất ức niên.
Bởi lẽ, đạo Cao Đài hợp với mọi thời đại vì "Tân luật trong một thời gian nữa sẽ phải thay đổi cho phù hợp với dân trí". ( Pháp Chánh Truyền chú giải , Paris Gasnier 1952, tr.25) , sinh động với mọi thời đại, với mọi cuộc sống và mọi xứ sở.
" Ngày kia, Đạo sẽ xuất dương ra ngoại quốc thì sẽ có nhiều dân tộc chẳng có thể thờ phượng như Việt Nam" ( PCT, Sđd, trang 52) thì sẽ thể hiện một đạo Cao Đài kiểu Pháp, kiểu Mỹ…nhưng có cùng chung một giáo lý là nhìn nhận chỉ một Đấng Cha Chung, một cộng đồng huynh đệ cùng nguồn gốc.

 

 Trở lại Mục Lục