Đan cốc sinh Thần thủy, Huỳnh đình hữu thái thương.
Cánh vô cơ khát tưởng, nhất trực nhập tiên hương.
(Đan cốc sinh ra nước Thần (Thần thủy), Huỳnh đình có kho lớn.
Không còn nghĩ chuyện đói khát, đi thẳng vào đất tiên.)

Đan cốc là tên gọi khác của Giáng cung trong thân người, Huỳnh đình đã nói ở chương trên. Cốc giữa có thể tự sinh khí, từ cốc dưới xoáy vòng lên trên hội với thần, sinh ra thần thủy tưới khắp toàn thân, do đó cốc thần cũng được khí dâng lên, liên tục thu chứa như một cái kho lớn, xoay vần lên xuống khiến thần thủy tràn đầy toàn thân. Cho nên trong thân tự có chất dịch tưới đẫm không khô khát, và không có cảnh tượng nước động. Cốc thần tự có lương thực no nê không đói, mà không có dáng vẻ tích trữ.
Biết như vậy thì cái mà đời gọi là “bú mớm” không cần phải bận tâm nữa,
mà tâm ta đã không còn lo lắng về chuyện đói khát. Đói khát không cần lo lắng,
ngoài điều này ra còn lo về gì? Đại khái có thể an tâm thoái ẩn, vào thẳng đất tiên.
Đó là dạy người cách để một niệm cũng không sinh, vạn ảo đều ngủ yên.
Trên đây là chương mười bốn, ở đây thừa tiếp các chương trên,
dạy người chuyên tâm giữ chính niệm, luyện công phu tàng ẩn sâu kín,
chớ phân tâm lo lắng, sẽ ngộ được Đại đạo mà thành tiên.

Ý mã quy Thần thất, tâm viên thủ động phòng.

(Ý như con ngựa chạy đã về nơi thần thất, tâm như con vượn nhảy nhót đã trấn giữ phòng hoa.)
Mọi ý đều ẩn đi thì thần tự nhiên không tán lạc,
đã quay về nơi sâu kín tức là thiên tâm. Vạn duyên buông xuống cả,
tâm nằm trong thân, nhân đó thực hiện vô vi, cũng là tàng ẩn nơi kín đáo.

Tinh thần hồn phách ý, hóa tác tử kim sương.
(Tinh, thần, hồn, phách và ý đều hóa thành giọt tử kim sương (sương màu vàng tía).

Tinh tàng ẩn ở thận, thận khí đầy đủ thì tinh ở an nơi thận tạng nên con người có trí tuệ; thần ẩn ở tim, tim khí đầy đủ thì thần ở an nơi tạng tim nên con người có lễ; hồn tàng ẩn ở gan, khí ở gan đầy đủ thì hồn ở an nơi gan nên con người có lòng nhân; phách ẩn ở phổi, phổi khí đủ thì phách ở yên nơi phổi mà con người có nghĩa; ý tàng ẩn ở tỳ, tỳ khí đầy đủ thì ý ở an nơi tỳ nên con người có tín – Đây là do ngũ tạng mỗi tạng giữ một khí, mỗi tạng có một đức. Có như vậy, nếu con người có thể thành ý, chính tâm thì năm khí đều đầy đủ và mỗi khí ở an nơi tạng của nó, năm đức dồi dào. Đây là đương lối mà bậc thánh luôn quán triệt để thoái tàng vào nơi sâu kín, tức là cách để người luyện đan gôm tụ ngũ hành quay về tàng ẩn ở nhất khiếu. Năm khí hòa thành một, có thể ngưng kết thành thần - thần tức là đan. Đạo giáo gọi là đan, tức điều Nho gia gọi là nhân, giống như nhân trong hạt quả.
Tử (màu tía) – kim đan ban đầu do thủy và hỏa hợp thành, thủy đen hỏa đỏ, hòa vào nhau thành màu tía, nên quan Doãn tử thấy khí của Lão tử là khí tía. Ở đây không gọi là đan mà gọi là sương, vì e người đọc câu nệ theo chữ mà ngộ nhận nó có dạng hạt (viên), suy nghĩ nhiều hóa ra ảo giác, thì trong thân sẽ bị chứng nghẽn khí sưng nề, phần lớn là do ngộ nhận, nên ví nó với làn sương do nhiều hạt mốc tạo thành. Để làm rõ hình tượng cho dễ hiểu thì không thể vòng vo, nên lấy hình tượng về sự trống rỗng và vụn vặt để hình dung sự vi diệu của kim đan là từ trong vô tướng sinh ra thực tướng, nên viết là tử kim sương (làn sương vàng tía).
Đọc hai chương này đủ chứng minh sự tu dưỡng của người có công phu ngang cùng trời đất. Vì sao? Trời có hình dạng rũ xuống để che trùm vạn vật, trời chỉ dưỡng lấy cái vô hình nên hình tượng của trời càng cao qúy sáng ngời, luôn che trùm vạn vật khắp vô cùng; đất ngưng kết thành hình thể để chở vạn vật, đất chỉ dưỡng lấy cái vô thể nên thể của nó càng dày rộng, luôn nâng đỡ vạn vật mà không lọt vật gì ra ngoài. Con người ngụ trong hình hài mà thành vật, người có thể dưỡng cái vô hình của mình thì hình càng lâu dài, bao lấy sự biến hóa của trời đất mà không sai trái, uốn thành vạn vật mà không để sót, có thể trường sinh nhìn ngắm mãi mãi, trí tuệ bao trùm vạn loài, vượt trên người đời, đứng giữ trời ba đất hai thành ba ngôi. Do đó Bạch tử nói: “Người ta nếu không bị hình hài làm lụy thì trước mắt chính là cõi trời Đại la.” Còn nói: “Quên hình để dưỡng khí, quên khí để dưỡng thần,quên thần để dưỡng hư, quên hư để hợp với đạo.” Một chữ “quên”
này chính là không có vật nào cả. “Vốn không có vật nào cả,
vì đâu mà nhiễm trần ai?” Vậy việc gì phải chấp vào đâu là tinh, đâu là thần,
đâu là hồn, là phách, là ý? Tất thẩy quy về một câu: Dưỡng lấy cái vô hình,
tự nhiên theo sự chuyển hóa của khí mà nắm rõ hết cái thành thực nhất về tính của ta.
Trên đây là chương mười lăm, chương này nối tiếp ý các chương trên, nói rõ rằng kim đan không phải là vật chất, dạy người bắt tay vào luyện công, chỉ cốt ở chân thành theo một, không có tư tưởng phân biệt thành hai, dưỡng lấy cái vô hình để hợp với cái vô tượng, vô thể, thì chính khí tự chảy trong trời đất, nguyên thần tự tập trung ở thân, được như vậy thì tự nhiên có sự thanh tĩnh kỳ diệu. Trần Nê Hoàn gọi đó là “tam nhất âm phù”, Trương tử gọi là “Đến được nền ly khảm thì tam giới ở trong thân.” Từ chương đầu đến đây là tổng kết. Chín chương dưới nói rõ việc ôn dưỡng khiếu thành đan, và làm sáng tỏ thêm ý các chương trên.

Nhất khổng tam quan khiếu, tam quan yếu lộ đầu.
Hốt nhiên khinh vận động, Thần thủy tự chu lưu.
(Một lỗ cùng ba cửa đểu là khiếu, ba cửa là đầu đường trọng yếu.
Bỗng nhiên vận động nhẹ, thần thủy tự chảy khắp nơi.)

Nhất khổng là chỉ nhất khiếu mà bảy lỗ trên thân quy về. Tam quan gồm: Hạ quan nơi luyện tinh thành khí, trung quan nơi luyện khí thành thần, thượng quan nơi luyện thần thành hư – là đạo luyện đan bậc cao. Trên mặt sau thân thì huyệt Vĩ lư là hạ quan, Hiệp tích là trung quan, Ngọc chẩm là thượng quan. Mặt trước thân thì Thước kiều là thượng quan, Giáng cung là trung quan, Quan nguyên là hạ quan. Các bậc tông sư của ta cũng theo cách nói này cho rằng: Khi lập nền thì làm thông hai mạch Đốc và Nhâm, xóa bỏ bệnh tật, nhơ bẩn tích lũy từ trước đến nay, để giúp cho sau này chân khí được vận hành thông suốt, không bị ứ trệ. Nhưng cũng chỉ lấy sự tẩy sạch lo toan, quên tình mà thông nó, chứ không có hành động nào cả. Ở đây nói đến tam quan nhưng không nên câu chấp theo lời đó. Khiếu là chỉ nhất khổng này. Khiếu là một lỗ trong chân thể,
là con đường chuyển đổi quan trọng để tích lũy tinh và khí, ngưng tụ thần. Chỉ cần giữ thật hư tĩnh, dưỡng đến vô hình, tự nhiên sẽ thấy diên hống đều xuất hiện đúng lúc, là do tinh đã hóa thành khí, tự nhiên vận động dâng lên cốc - tức năm khí chầu về cội nguồn. Lúc này thần khí giao cảm lẫn nhau, khí liền hóa thành thần, thần ngưng khí tụ, chuyển hóa thành thần thủy tràn trề khắp thân - tức thần thủy chảy vào ao Hoa trì. Để mặc nó lưu chuyển vận động, không lúc nào ngưng nghỉ, tự nhiên như thế, không cố biết mà có thể biết. Thần của ta hoàn toàn an tĩnh, ở vào trạng thái như như bất động, nên mới có câu “tam hoa tụ đỉnh (tinh, thần, khí tụ nơi đỉnh.)
Khi ta đã hiểu ra sự hóa thành khí của tinh, hóa thành thần của khí, hóa ra hư và hợp đạo của thần, thì chỉ dựa vào tâm và tức (hơithở) của ta mà quên lãng trong cõi vô hình vô vật. Phương pháp là, ban đầu thì nương tựa lẫn nhau, dần tàng ẩn,
từ đó cùng tựa vào vô, nương tựa rồi dần ẩn ở vô là đã đạt đến chỗ ẩn kín,
đây là quên cả; trong trẻo và luôn u tịch, tức là đã hóa thành hư,
đạt đến mức tịch tĩnh không cảm thấy tịch tĩnh nữa thì đã luyện hư hợp với đạo.
Thầy ta Thái hư ông từng nói “Để học thành thiên tiên, tinh khí thần ba cái này chuyển tiếp trong lỗ nhất khiếu, cũng giống như đứa trẻ lúc nằm trong bào thai chưa liệu lường được, người mẹ mang thai trong bụng cũng không căng thẳng giữ lấy, mẹ và con cùng quên lãng và cùng an ổn; cũng như viên trân châu trong mâm thủy tinh, lăn nhẹ nhàng, nhảy lách cách, tự nhiên tròn trịa, sáng lấp lánh, ban đầu không có cặn bã hay hạt nhân bên trong. Không như những cách luyện đan khác, hạn định mấy giờ thì luyện tinh hóa thành khí, mấy giờ thì luyện khí hóa thành thần, mấy giờ thì luyện thần hóa ra hư. Tất cả đều do chưa nhận thức được diệu quyết chuyển tiếp ở lỗ nhất khổng này, cho nên không giảng tới công phu gần gũi và chân thực như vậy, chỉ đem những cách vụn vặt bàn chơi, lấy tên gọi, hình tượng, mức độ mà hạn chế lời giảng giải của ta, dạy người nhầm lẫn giữa thị phi.” Tâm truyền của thầy tôi là đan pháp bậc cao. Nên tâm truyền của thầy tôi lấy việc tàng thần hỗn trộn mà chuyển hóa làm công phu luyện thành thiên tiên. Do đó khảo cứu đến châu báu tự có, từng thứ từng thứ chỉ rõ chứng cứ chân thực; dạy người tu luyện đầu tiên phải tìm ra chủ nhân, mọi việc đều hết sức chuyên cần, nơi nơi đều vô cùng chất phác; sau đó bắt tay vào luyện đan, như thế việc hàng phục rồng hổ, bồi dưỡng hồn chế ngự phách, tự nhiên là việc dễ; quay về bí quyết nhất khổng, tạo ra ngộn nguồn cho tam quan càng không khó khăn. Do đó dùng công phu luyện ba trăm ngày sẽ thành tựu kim dịch đại hoàn đan. Phàm, ta cũng như người, gặp gỡ chớ kỳ thị, ngờ vực, nếu ngộ nhận cho rằng nhất khiếu là một huyệt nằm bên tỳ, tập trung tư tưởng đưa khí lên xuống, gọi là khí bốc ngùn ngụt, tinh nhỏ tí tách, thần linh nghiệm, hư trống rỗng. Như vậy thì nhổ mất gốc, chẹn mất nguồn, càng lúc càng tồi tệ; như đói mà ăn muối, càng thêm khát, vĩnh viễn không có ngày luyện được tinh thành thần, sao có lúc luyện cho hư hợp đạo. Uổng công ngồi thiền,
khí nóng nảy, thần mệt mỏi, không biết cách lập nền đan trong khoảnh khắc,
phải đưa thần vào vòng tạo hóa, thật đáng tiếc.
Trên đây là chương mười sáu, chương này chỉ ra bí quyết chuyển tiếp ở nhất khổng, và riêng nêu rõ yếu chỉ của việc luyện chung khí tinh để thành thần, toàn bộ đều là công hiệu của sự tịch tĩnh, u mật, dưỡng cái vô hình.

Hống thị Thanh Long tủy

Nữ đan hiệp tập

Nội Đan, Ngoại Đan

Cao Đài đại thụ

 Trở lại Mục Lục