GÌN Y PHÁP ĐẠO (1)
LH. 21-1-1966 ( Mùng 1 Tết Bính Ngọ )

Thầy ghi công các con biết cố giữ cho được Pháp Đạo, cả Hữu lẫn Vô.
Giờ Tý đầu Xuân, Thầy ban cho các con bồ đào hoan ẩm, đắc huệ, công phu thanh tịnh được hiểu thời cơ. Trên Thầy bố điển dẫn dắt nguyên nhân, dưới các con hành y luật pháp không xê, không lệch thì phẩm Đạo của Thầy càng cao mà các con cũng đầy toại nguyện.
Khó là chỗ các con hành y. Tuy hai tiếng hành y nghe qua rất thường nhưng kỷ cương nền Đại Đạo, cầm lái một con thuyền là cả một công trình vĩ đại.
                                                                             ***
Đàn nay Thầy dạy các con tu lâu, có phận sự truyền lưu Chơn Pháp và các con được học Pháp tu Chơn truyền. Thầy lưu lý, không nên để lạc Đạo. Nếu tâm các con không được vững chắc thì Cơ Đại Đạo ngày một sai.
Thầy giáng thế mượn xác phàm mà hành Chơn Đạo đặng làm gương mai hậu cho các con theo đó mà hành. Vậy thì Pháp Đạo từ Hữu sang Vô đều có truyền lưu tại thế. Nếu có một con không được hiểu cho thấu lý Đạo, không hiểu thấu lý Đạo thì hay nghe,
hay nghe mà không nhận định.
Các con thử nghĩ : Nếu Thầy không dùng độc tôn thì ngày ngày càng lạc dấu của Thầy.

GÌN Y PHÁP ĐẠO (2)
LH. 19-2-1966

Ngày các con được hiển linh thì các con mới hiểu luật Trời.
Các con nên nhớ : Thầy chịu cực lìa ngôi xuống phàm, vậy con nhận định Cơ Đại Đạo ra sao ? Nếu Thầy không vì Cơ Đại Đạo để cứu rỗi Linh căn thì Thầy đâu lìa nơi Bạch Ngọc. Vậy, Cơ Đại Đạo không phải dễ nghe các con !
Trước khi nhập môn thọ Chơn Pháp các con đã dâng hai bài Thệ, Nguyện cùng Thầy, Thầy mới phê y. Không phải Thầy quá hẹp lượng với các con, mà vì Cơ Đại Đạo Thầy phải buộc các con, đặng ngày sau, trăm năm hậu, những Chơn Linh đó còn đắc về Thầy.
Từ nay trở đi, Thầy khuyên các con nên thận trọng về sự tu hành, dầu hữu hình là bề ngoài cũng vậy, chẳng được xê lệch. Từ một món nơi Thiên Bàn, nếu các con không gìn cho đúng theo kiểu của Thầy, thì một ngày kia, kiểu của con đang hành sai và có người noi theo dấu đó thì các con sẽ đắc tội cùng Thầy.
Các con là đệ tử của Thầy thì phải hành y theo Thầy, cho in, cho tạc, muôn con cũng như một, như vậy mới đúng phận làm trò và các con trả ơn Thầy.
Thầy không cần các con gia thêm, hay bớt lại, của Thầy dạy trao các con gìn tu và hành Đạo cho đến ngày qui vị thì các con trả lại cho Thầy không sai, không lạc.
Thầy rất vui lòng được các con hiểu ý Thầy.
Thầy bồ đào thưởng các con, Đàn nay nghe cho kỹ mà gìn cho kỹ.

GÌN Y PHÁP ĐẠO (3)
LH. 30-8-1966

Thầy chứng sự tu hành và sự hành Đạo của các con.
Các con bao giờ cũng rán tìm hiểu mà noi theo ý Thầy truyền dạy khi còn tại thế và những lời còn lưu lại trên giấy mực.
Nhưng Cơ Đạo ngày nay không được qui nhứt bổn và các con cũng rất buồn lòng.
Trên Thầy chứng minh lòng chơn thành các trẻ.
Trên đời, những sự việc Đời hay Đạo không bao giờ xuôi theo dòng nước,
nhưng Chơn thì sẽ đạt thành theo Thiên lý, còn không Chơn, không sớm cũng chiều,
phải nhường bước cho sự thật.
Trong một thời gian đó các con cũng lập được nhiều công, giải bày đâu là lời nói của Thầy, đâu là cách tu luyện của Thầy. Những gì của Thầy các con đều nêu trên giấy trắng, mực đen cho người hậu tiến, Thầy cũng ghi công các con

Trung Ngươn Thầy giáng giải bày,
Việc đời, nẻo Đạo, đêm ngày trầm tư.
Thấy con lập đức hạnh từ,
Trên Thầy bày giải, thiệt hư con tường.
Tu hành xa lánh nghiệp vương,
Theo lời Thầy giải con đường quang minh.
Đêm ngày lập chí rèn tinh,
Nhứt tâm hành Đạo khiếu linh mở đường.
Lời Thầy con giữ kỷ cương,
Viết lên mặt giấy chỉ đường cho nhau.
Người, người đều hướng Đài Cao,
Tu hành tránh quả, công nào hơn đâu ?
Cao Đài sáng lập từ đâu ?
Ngày thành Đại Đạo, cơ mầu hiển linh.
Tai nghe, mắt thấy, chơn tình,
Xem qua Đời hiểu công trình người tu.

GÌN Y PHÁP ĐẠO (4)
LH. 10-8-1969

Thầy bố hóa lòng con vững chắc,
Noi gương Thầy giữ chặt lòng tin.
Công phu bốn buổi ngồi rình,
Theo lời Thầy dạy, Thầy mừng biết bao.
Chịu khó cực như dao rẽ nước,
Một lời Thầy hiểu được là nên.
Mặc ai một dạ khép kềm,
Gương Thầy chẳng đổi, chẳng thêm bớt gì.
Lời Thầy dạy đã ghi Thiên ý,
Chẳng hai lời, đổi lý do Cơ.
Hiểu thầm con hiểu Thiên Cơ,
Vừa tu vừa giữ Đơn thơ của Thầy.
Cho hậu thế hiểu Thầy mà học,
Phép song tu nếu học là nên.
Tu lâu rõ máy càng bền,
Thiên cơ tay nắm lần lên thang Trời.

Thầy ban bồ đào ân tứ các con đầy đủ lương tri mà gìn giữ Cơ Đại Đạo Chiếu Minh…
Thầy ban điển quang rọi chiếu các con một lòng lo mối Đạo một ngày một quang minh. Bề ngoài tuy hữu hình, nhưng các con cũng giữ được in khuôn để cho Thầy dẫn dắt người sau không thối bước. Đó là công của các con : Thầy ghi sổ son.
Thầy ban cho các con được nhiều sáng suốt mà gánh mối Đạo Vô Vi của Thầy truyền giáo.

GÌN Y PHÁP ĐẠO (5)
LH. 29-6-1969

Thương các trẻ luôn luôn Thầy nhắc,
Mong các con vững chắc lời Cha.
Dầu khi mưa nắng không hòa,
Lòng con chẳng đổi, lời Cha chẳng dời.
Tánh thói tục đổi dời tánh Phật,
Phải minh tâm hiểu tất lời Thầy.
Đêm ngày luyện tập đừng khuây,
Tập hoài cũng giống khuôn Thầy khó chi.
Khó là chỗ gìn y sau trước,
Một Chơn truyền gìn được chẳng lay.
Thương cho con trẻ lòng hai,
Bất minh, bất định có ngày sa chơn.
Lạc một kiếp ngậm hờn một kiếp,
Thất Chơn truyền mất dịp thăng thiên.
Mong con thoát khỏi buồn phiền,
Nên Thầy nhắc nhở luân phiên mỗi Đàn.
                ***
Bồ đào ban con an trí huệ,
Minh cho con gìn thệ lời nguyền.
Muôn năm vững chắc Chơn truyền,
Không sai lạc dấu để truyền người sau.

Đi theo dấu kiểu của Thầy truyền,
Ngày tháng cứ đi trẻ thấy yên.
Vạch lối khác thường Thầy chẳng dạy,
Công lành con trẻ tịnh tầm nguyên.

GÌN Y PHÁP ĐẠO (6)
LH. 31-5-1970

Còn trong khi các con đang tu học mà lòng con muốn chuyển bước- chuyển bước tức là chuyển hướng, chuyển hướng tức là sai điểm chánh là không giống Thầy truyền.
Không giống Thầy truyền, Thầy rất thương, rất tiếc vậy…

Trở Lại Mục Lục