Chơn Lý Ðạo Tiên (Lão)
qua
Tam  Kỳ  Phổ  Ðộ

Soạn giả Trần Văn Quế

 Chương   I
  Ðịnh nghĩa đề tài

Chơn : Cũng được gọi  là chân và có nghĩa là thật

( thực), không giả dối, có thật, không hư ảo. Chân cũng có nghĩa là bản chất.
Lý : Có nghĩa là Lẽ .
a) Chân lý đạo Tiên : Có nghĩa là : Phần căn bản hay là Bản chất có thực, không hư ảo của Ðạo Tiên hay là Lão Giáo hoăc Ðạo Giáo.
Ðạo Tiên hay là Ðại Ðạo là Ðạo dạy người theo một phép bí truyền riêng biệt. Pháp nầy chỉ được khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tượng thọ, dể ngày cùng, đương sự được "Phản bổn hoàn nguyên" siêu phàm thoát tục chứng quả "Ðại Giác Kim Tiên", thoát vòng luân hồi, tiêu diêu nơi Bồng Lai lạc cảnh.
b) Tam kỳ phổ độ : Là tên gọi tắt của Tân Tôn Giáo do Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế tá danh Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát đã dùng Thần Cơ Diệu Bút khai mở tại Miền Nam Việt Nam năm Bính Dần (1926) để dạy Ðạo kỳ nầy cho phương Nam.

Danh hiệu Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ngay từ buổi đầu đã được kèm theo hai tiêu ngữ nữa là :

Tam Giáo Qui Nguyên và Ngũ Chi Phục Nhứt.

1) Tam Giáo Qui Nguyên : Có nghĩa là Ba mối Ðạo lớn và lâu đời nhứt ( trước kỷ nguyên Tây lịch) nay cùng nhìn nhận là cùng một nguồn gốc mà ra để tránh những sự kỳ thị tranh chấp giữa nhau trong công cuộc hoằng dương chánh pháp cứu độ quần sanh trong kỳ Hạ Nguơn mạt kiếp nầy.
Tiêu ngữ vừa nói trên ám chỉ rằng : Trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có sự tổng hợp các tinh hoa của ba Tôn Giáo làm một hệ thống chặt chẽ, hợp lý.
2) Ngũ Chi Phục Nhứt : Có nghĩa là : năm cấp bậc tu Tiên trong phạm vi Ðại Ðạo nay đều nhìn nhận rằng cùng bắt nguồn ở một gốc là Lý Nhứt Nguyên, Lý Thái Hư hay Ðại Ðạo (Thượng Ðế không thị hiện hay là Ðại Bản Thể của Vũ Trụ).
Ngũ Chi gồm có :
a) Phật Ðạo ( để chung qui vào cảnh Niết Bàn)
b) Tiên Ðạo ( để ngày cùng phản bổn hoàn nguyên)
c) Thánh Ðạo (Ðạo trị quốc của các vị Thánh Vương thời xưa).
d) Thần Ðạo ( Ðạo làm tôi con trong nước)
đ) Nhơn Ðạo (Ðạo làm chồng vợ, làm cha mẹ, làm con cháu, làm anh em trong gia đình, làng xóm).
chương II

tiểu sử và công nghiệp của đức lão tử
IThân thế : Ðức Lão Tử sanh nhằm ngày rằm tháng hai vào năm 600 trước Tây lịch, nhằm năm thứ ba đời Vua Ðịnh Vương nhà Châu. Theo sử sách Tây phương thì Ngài sanh độ vào năm 604 trước Tây lịch. Sở dĩ có sự hàm hồ về năm sinh của Ngài là vì Ngài sống một cuộc đời ẩn dật, ít ai biết rõ tung tích. Nơi sanh ra là Huyện Khúc Nhơn thuộc nước Sở xưa kia ( thuở trước là Huyện Khổ của nước Tần và nay thuộc tỉnh Hồ Nam bên Tàu).
Theo sử chép lại, họ của Ngài là Lý, tên thật là Nhĩ, tên chữ là Ðam ( Ðam có nghĩa là lổ tai lớn, có trái tai dài thòng xuống).
Ngài cũng có tên khác là Bá Ðương ( Ðam là tên thụy), nghĩa là tên người đời tặng cho Ngài sau khi chết).
Thường người ta hay gọi Ngài là Lão Tử. Tại sao Ngài họ Lý mà lại gọi Ngài là Lão Tử ?

Có ba giả thuyết khác nhau như sau :
Giả thuyết thứ nhứt : trong quyển Thái Thượng Huỳnh Ðình Kinh Chú có đoạn như sau : Mẹ của Ngài mang thai Ngài lâu đến 82 năm rồi sanh Ngài ra thì râu tóc đã bạc, hình tướng đã già. Ngài bèn chỉ cây lý mà nói rằng :"Ðó là họ của ta !" và tự xưng là Lão Tử. Lão là ông già ; Tử là con trẻ. Lão Tử có nghĩa là: "Con trẻ mới sanh ra đã già".
Giả thuyết thứ hai : Theo truyện Cao Sĩ bên Tàu, chữ Lão có nghĩa là già, chữ Tử có nghĩa là Thầy. Vậy Lão Tử có nghĩa là "Ông Thầy Già". Ðời sau có tặng cho Ngài danh hiệu "Ðạo Ðức Thiên Tôn" và quyển Kinh do Ngài trước tác gọi là "Ðạo Ðức Kinh".
Giả thuyết thứ ba : Theo quyển Triết học sử đại cương của Hồ Thích thì người đời Xuân Thu khi xưng tên thì thường trước đề tên chữ, rồi sau mới đề tên thiệt. Như vậy Ðức Lão Tử có tên chữ là Lão và tên thiệt là Ðam, nên gọi Ngài là Lão Ðam.
Lại nữa, theo lối xưa, dưới cái tên chữ người ta hay thêm chữ Tử, chữ Phu v.v...
Thí dụ : Thầy Nhiễm Cầu, học trò của Ðức Khổng Tử có tên chữ Hữu mà người thời ấy gọi là Hữu Tử.
Theo Hồ Thích, người xưa có hai họ là : Thị và Tánh.
Người thường dân lấy theo họ thiệt của mình nên gọi là Tánh. Thí dụ : Bá Tánh ( trăm họ, ám chỉ nhân dân trong nước).
Người giàu sang lấy tên nước mình ở hoặc lấy chức quan là họ như : Ðào Ðường ( họ Vua Nghiêu ở đất Ðào Ðường) họ Tư Mã ( vị thủy tổ làm chức Tư Mã) v.v... Họ cũng gọi là Thị. Thí dụ Phục Hi Thị, Thần Nông Thị, Hồng Bàng Thị ...vv..
Theo sách sử để lại, Ðức Lão Tử thuộc dòng quí tộc bên Tàu. Có chỗ cho rằng Ngài là cháu Vua Chuyên Húc (2513 trước Tây lịch). Vua Chuyên Húc lại là cháu ba đời của Vua Hiên Diên Huỳnh Ðế (2.697 trước Tây lịch).
Vì thế Tánh thường của Ngài là Lão mà Thị của Ngài là Lý.
Ðức Khổng Tử có đến hỏi Lễ với Ðức Lão Tử vào khoảng 518 hoặc 511 trước Tây lịch. Lúc ấy Ðức Lão Tử đã già trên 50 tuổi và hiện đang làm quan Trụ Hạ Sử của Triều U Vương nhà Châu ( Trụ hạ sử : chức quan giữ Tàng thất sử , nghĩa là gìn giữ các công văn của Triều đình nhà Châu).
Ðức Khổng Tử lúc ấy độ 34 tuổi ; khi tiển chân Ðức Khổng Tử ra cửa, Ðức Lão Tử có nói như sau :" Người xưa tiển nhau bằng vàng, nay ta không có vàng, ta tiển ngươi bằng lời nói. Ta nghe rằng : Kẻ buôn giỏi khéo giữ của quí hình như không có gì, người quân tử đức tánh dung mạo dường như kẻ ngu ! ( Lương cô thâm tàng nhược hư, Quân tử thinh đức dung mạo nhược ngu).
Khi về đến nhà, Ðức Khổng Tử nói với các môn đệ rằng :" Chim, ta biết nó bay như thế nào, cá, ta biết nó lội làm sao, thú, ta biết nó chạy cách nào. Thú chạy , thì ta có lưới bắt nó, cá lội, thì ta có dây câu nó, chim bay, thì ta có bẫy gài nó. Chớ như con Rồng thì ta không biết nó theo mây theo gió mà bay như thế nào ? Nay ta thấy Lão Tử như con Rồng vậy".
Khi U-Vương thất chánh và Nhà Châu suy vi, thì Ngài cáo lão từ quan rồi đi về phương Tây. Ðến ải Hàm Cốc, Ngài có ở tại đó 1 tháng để truyền Ðạo cho quan coi giữ cửa ải là ông Doãn Hỉ.
Câu chuyện như sau:
Theo truyện Ðông Du Bát Tiên thì một bữa kia Vua Nhà Châu thấy một vùng mây màu tía (màu nâu) bay từ Ðông sang Tây ở trên Trời, nhà Vua bèn đòi quan coi Khâm Thiên Giám vào hỏi đó là điềm chi ? Quan coi Khâm Thiên Giám tâu rằng :"Ðó là điềm Thánh Nhơn đi về phương Tây ; một ngàn năm nữa sẽ trở lại Trung Quốc".
Câu trả lời của Quan Khâm Thiên Giám làm cho nhiều học giả nghĩ rằng Ðức Thích Ca Như Lai phải chăng là hậu thân của Ðức Lão Tử ? Vì lẽ trong tiểu sử của Ðức Thích Ca có đoạn rằng :"Bà mẹ của Ngài nằm mơ thấy một vị Bồ Tát ở Cung Ðâu Suât Ðà cỡi con voi sáu ngà ở trên Trời bay xuống xoi hông bên mặt của bà mà vào và sau đó bà sanh ra Thái Tử Tất Ðạt Ta  ( tức là Ðức Thích ca Như Lai sau nầy). Mà Ðâu Suất Ðà Cung lại là nơi thường ngự của Ðức Thái Thượng Lão Quân  ( Ðức Lão Tử).
Ðức Phật ra đời tại Ấn độ, truyền Ðạo được ngoài một ngàn năm. Ðến đời vị Tổ thứ 28 là Ðức Bồ Ðề Ðạt Ma hay là Ðức Ðạt Ma Sư Tổ. Vị nầy đem mối Ðạo truyền sang Trung Quốc vào đời Lương Võ Ðế và được tôn làm Tổ Sư thứ nhứt của Phái Thiền Tông ( Phái tu thấy Tánh) bên Trung Hoa. Vậy Ðức Ðạt Ma Tổ Sư phải chăng cũng là hậu thân của Ðức Lão Tử ? Sự ước đoán ấy khiến người ta nghĩ đến ý tưởng Phật Lão Ðồng Nguyên ?
Cũng ngày nói trên, quan lịnh giữ ải Hàm Cốc là Doãn Hỉ xem vừng mây màu tía bay qua, bèn đoán biết là điềm Thánh Nhơn qua ải, cho nên ông truyền lịnh cho quân lính quét dọn cửa ải sạch sẽ và dặn chúng, hễ thấy người dị tướng qua ải thì phải mau mau vào báo.
Ðến trưa, quả có Ðức Lão Tử cỡi độc giác thanh ngưu qua ải, theo sau có đệ tử là Từ Giáp. Thấy Lão Tử có dị tướng ( lổ tai lớn và dài, lổ mũi lớn và như chẻ hai, răng thưa mà lồi, râu tóc đều bạc), quân canh lật đật vào báo. Ông Doãn Hỉ bèn sửa sang áo mão, bổn thân ra cửa nghinh tiếp. Khi thấy Ðức Lão Tử thì ông Doãn Hỉ phủ phục xuống đất mấy lần, gọi Ðức Lão Tử là Thánh Nhơn và van xin Ngài ở lại truyền Ðạo cho. Lúc đầu Ðức Lão Tử  không nhận mình Thánh Nhơn và nói rằng :"Ngươi lầm rồi ! Ta đău phải là Thánh Nhơn ! Nếu ngươi muốn được học Ðạo thì ở núi phía Tây trước mặt kia có vị Tiên Quỉ Cốc truyền Ðạo, sao ngươi không qua đó mà học ?".
Ông Doãn Hỉ van xin mãi với tất cả lòng tôn kính. Thấy thế, Ngài mới nhận ở lại Hàm Cốc một tháng và truyền Ðạo cho ông ấy bằng cách viết ra quyển Ðạo Ðức Kinh 5.000 chữ đủ lời và dặn ông ấy theo đó mà tu sẽ thành chánh quả.
Trong thời gian ấy ông Doãn Hỉ có bạch với Ðức Lão Tử, xin cho biết danh tánh của Ngài, Ðức Lão Tử nói:"Ta sinh ra đã nhiều đời, tên họ không biết bao nhiêu mà kể" (Ðọan nầy sẽ được giải thích sau).
Sau khi thảo xong quyển Ðạo Ðức Kinh, Ðức Lão Tử bèn từ giả ông Doãn Hỉ rồi cùng với đệ tử là Từ Giáp đi về phương Tây mất dạng.
Trong bài Kinh Xưng Tụng công đức của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân có đọan ám chỉ việc ra Kinh Ðạo Ðức tại ải Hàm Cốc như sau :
"Nhị ngoạt thập ngũ,
Phân tánh giáng sanh,
Nhứt thân ức vạn,
Diệu huyền Thần biến,
Tử khí Ðông lai,
Quảng truyền Ðạo Ðức".
Thích Nôm :
Tháng hai ngày Rằm,
Chia Tánh sanh xuống trần,
Một mình mà hóa thành ức vạn kiếp,
Huyền diệu biến hóa như Thần,
Mây màu tía từ phía Ðông bay đến,
Rộng truyền Kinh Ðạo Ðức.
IỊ Ðức Tánh : Ðức Lão Tử ưa xem sử sách xưa mà Ngài được đọc nhiều bộ sách quí. Ngài thường thanh tịnh lo tu dưỡng tinh thần hơn là dự vào việc đời phồn hoa náo nhiệt  mưu sinh lợi danh.
Ðức Lão Tử nói rằng :"Loài người mà tranh nhau là bởi có nhiều lòng dục vọng. Nay tuyệt hẳn lòng dục vọng đi mà giữ theo lẽ tự nhiên thì thiên hạ tự họ được trị."
I I  Công nghiệp : Về đời tư của Ðức Lão Tử , người ta chỉ biết rằng Ngài có ra làm quan Trụ Hạ Sử đời Châu U Vương chớ không biết chi khác hơn.
Khi đi ngang qua ải Hàm Cốc, Ngài có để lại cho ông Doãn Hỉ quyển Ðạo Ðức Kinh là một bộ Kinh căn bản của Ðạo Giáo hay Lão Giáo, giải rõ nghĩa hai chữ Ðạo và Ðức.
Ngoài ra, Ngài còn để lại về Hình Nhi Thượng Học quyển Huỳnh Ðình Kinh, là bộ Kinh sách cao nhứt của Lão giáo, dạy sự tu luyện cho đến cảnh tuyệt đối hư vô. Quyển Thanh Tịnh Kinh dạy về phép Tịnh Luyện Vô Vi.
Về Hình Nhi Hạ Học, Ngài có để lại quyển Kinh cảm Ứng dạy về lẽ lành ,dữ, trả, vay.
Theo quyển Thanh Tịnh Kinh, công nghiệp của Ðức Thái Thượng Lão Quân chẳng phải chỉ ở một kiếp Ngài lâm phàm lấy tên là Lão Tử mà thôi đâu ! Ngài thiên biến vạn hóa, lâm phàm nhiều kiếp, kể không xiết.
Từ đời hỗn độn sơ khai cho tới bây giờ không có đời nào mà không có Ngài hạ thế.
Ðời Thượng Tam Hoàng hiệu của Ngài là Vạn Pháp Thiên Tôn hay là Vạn Pháp Thiền Sư, Thần Ngọc hay Bàn Cổ.
Ðời Trung  Tam Hoàng hiệu của Ngài là Bàn Cổ Thần Vương.
Ðời Hạ  Tam Hoàng hiệu của Ngài là Uất Hoa Tử,
Ðời Thần Nông hiệu của Ngài là Ðại Thành Tử,
Ðời Hiên Diên Huỳnh Ðế hiệu của Ngài là Quảng Thành Tử.
Ðời Châu Văn Vương hiệu của Ngài là Nhiếp Ấp Tử,
Ðời Châu Võ Vương hiệu của Ngài là Dục Thành Tử,
Ðời Châu Khương Vương hiệu của Ngài là Quách Thúc Tử.
Ðời Châu Ðịnh Vương hiệu của Ngài là Lão Tử hay Lý Ðam,
Ðời Hán Sở tranh hùng ( Tây Hán) hiệu của Ngài là Huỳnh Thạch Công v.v...
IV. Cách Lập Giáo của Ðức Lão Tử : Sở dĩ Ðức Lão Tử phải giáng trần nhiều kiếp là cốt để dìu dắt chúng sanh lần lần hướng về cứu cánh của Ðạo.
Ngài không có bày ra cái chi mới, trái lại, Ngài sưu tầm và sắp đặt lại cho có hệ thống những tư tưởng theo Kinh Dịch thuộc về các thời đại tối cổ của nước Tàu.
Thí dụ Giáo thuyết của Vua Hiên Viên Huỳnh Ðế đã xuất hiện rất lâu đời trên nước Trung Hoa và rải rác ở khắp các sử sách. Tựu trung, giáo thuyết ấy chính là giáo thuyết của Phái Tu Tiên hay Ðạo Giáo. Vì lẽ đó mà Ðạo Giáo hay Tiên Giáo cũng được gọi là Ðạo Huỳnh Lão ( Huỳnh : Huỳnh Ðế ; Lão : Lão Tử ) và thầy của Vua Hiên Viên Huỳnh Ðế là Ðức Quảng Thành Tử, tiền thân của Ðức Lão Tử.
V. Sự truyền bá Ðạo Pháp : Khi Ðức Lão Tử còn tại thế thì Ngài chỉ truyền Ðạo cho một số ít người đệ tử như ông Doãn Hỉ nói trên. Ông nầy sau khi đắc Ðạo lấy hiệu Văn Thỉ Tiên sanh và có soạn một bộ Kinh gọi là Xung Hải Chơn Kinh.
Kế theo đó thì có ông Trang Tử, là một người rất thông minh và hùng biện. Ông nầy binh vực giáo thuyết của Ðức Lão Tử và soạn ra quyển Nam Hoa Kinh.
Trong giai đoạn nầy Ðạo Giáo vẫn còn ở trong thời kỳ triết lý và chỉ có hàng thượng lưu trí thức mới thưởng thức nổi.
Ðến đời Ðường, Vua Cao Tôn nhìn Ðức Lão Tử là một trong các thỉ tổ của mình, vì Ngài cũng là họ Lý như nhà Vua, vì vậy mà nhà Vua truy phong cho Ngài chức Huyền Nguơn Huỳnh Ðế.
Sau Vua Ðường Huyền Tôn lập điện thờ Ngài ở trong cung. Từ đó mối Ðạo của Ngài bắt đầu truyền bá trong nước.
Ðến đời Ðông Hán nhờ ông Trương Thiên Sư (Trương Ðạo Lăng) Ðạo Giáo mới bắt đầu truyền rộng ra dân gian.

Ðến đời Tấn có ông Ngụy Bá Ðương và ông Cát Hồng hiệu là Bảo Phát Tử, hai ông nầy cố gắng chỉnh đốn Ðạo giáo lại để được có một học thuật hẳn hoi và đường hoàng, có tư cách một Tôn giáo. Kể từ ngày ấy thì Ðạo Giáo được nhiều người theo.
Trong hàng liệt Thánh quần chơn đắc Ðạo theo Lão Giáo và được dân chúng chiêm ngưỡng thờ phượng thì có :
1) Ðức Văn Ðế ( Ðức Văn Vương Ðế Quân) có giáng bút truyền bộ Kinh Âm Chất Vân.
2) Ðức Võ Ðế ( Ðức Quan Thánh Ðế Quân, Ðức Quan Công hay Quan Vân Trường đời Tam Quốc) có giáng bút truyền ba bộ Kinh như : Giác Thế Chơn Kinh, Cửu Kiếp Vinh Mạng Kinh và Minh Thánh Kinh.
3) Ðức Phù Hựu Ðế Quân ( Ðức Lữ Tổ hay Lữ Ðồng Tân Ðại Tiên trong Bát Tiên) có giáng bút truyền ra nhiều thứ như : Chỉ Huyền Thiên.
Các vị Ðế Quân nói trên thường giáng bút trong các đàn Tiên khuyên độ nhơn dân tu hành, nhứt là Ðức Lữ Tổ không có đàn cơ nào mà Ngài không giáng.
chương iii  Giáo lý của đức Lão Tử
Ðể nhận thức rõ rệt giáo lý của Ðức Lão Tử, tưởng cần biết qua quan niệm của Ngài về Vũ Trụ và Nhân Sinh.
I Vũ Trụ theo Ðức Lão Tử :
Trong chương I của Ðạo Ðức Kinh, quyển Thượng của bộ Ðạo Ðức Kinh, Ðức Lão Tử có nói như sau :
Ðạo khả Ðạo phi thường Ðạo,
Danh khả danh phi thường danh.
Vô danh Thiên Ðịa chi thỉ,
Hữu danh Vạn Vật chi mẫu.
Thích Nôm :
Cái Ðạo mà nói lên được chẳng phải là Ðạo hằng còn  ( bất diệt).
Cái tên mà nói lên được chẳng phải là cái tên hằng còn (bất diệt).
Lúc không có tên là khởi thỉ của Trời Ðất,
Lúc có tên là Mẹ sanh của muôn vật.
Lại có bài thơ tóm tắt Vũ Trụ quan nói trên như sau :
Ðạo tự Hư Vô sanh Nhứt Khí ( Vô Cực)
Tiên tùng Nhứt Khí sản Âm Dương ( Thái Cực).
Âm Dương tương hiệp thành Tam Thể ( Hoàng Cực),
Tam Thể trùng sanh vạn vật trương.
Thích nôm :
Cái Ðạo từ Hư Vô sanh Nhứt Khí ( Vô Cực )
( Khí là Khí Vô Cực)
Từ cái Một Khí ấy mà sanh ra Âm Dương
(Ngôi Lưỡng Nghi tức là Ngôi Thái Cực)
Hai Khí Âm Dương hiệp hòa lại mà thành ra Ngôi Thứ ba ( là Ngôi Tứ Tượng hay là Ngôi Hoàng Cực).
Ngôi Hoàng Cực lại sanh ra Bát Quái và từ đó sanh sanh hóa hóa mà tạo nên Trời Ðất và muôn vật.
ở dây, cái mà Ðức Lão Tử tạm gọi là Ðạo tức thị Lý Thái Hư hay Lý Nhứt Nguyên. Lý Nhứt Nguyên ấy vô hình, vô ảnh, vô xú, tựa hồ như không có mà tuyệt diệu, tuyệt huyền ở khắp cùng Vũ Trụ, là nguồn sống của muôn loài vạn vật. Lý Nhứt Nguyên tức thị Thượng Ðế không thị hiện, là Thiên của người Trung Hoa, là Trời của người Việt Nam, là Brahman của Ðạo Bà La Môn, là Pháp Thân hay Chơn Như Bản Thể của Phật Giáo, là Thiên của Ðạo Nho.
Bổn tánh của Lý Nhứt Nguyên hay là Ðạo là : Hư Tịnh.
Hư : Trống rổng
Tịnh : Lẳng lặng, trang bằng.
II Nhơn sinh quan theo Ðức Lão Tử :
Theo Ðức Lão Tử thì :
" Nhơn thân Tiểu Thiên Ðịa "
Nghĩa là : Thân thể con người là Trời, Ðất thâu nhỏ lại. Nói một cách khác, trong Trời Ðất có cái chi thì trong con người có cái nấy. Thí dụ : Trời Ðất và vạn vật vô tri vô giác cũng như hữu tri hữu giác đều có Lý Nhứt Nguyên hay là Ðạo ẩn tàng bên trong , thì trong thân  thể con người cũng có Lý Nhứt Nguyên ẩn tàng chỉ huy sự sống con người gọi là Linh Hồn.
Trong Trời Ðất có Tam Quang : Nhựt, Nguyệt, Tinh thì trong con người có Tam Bửu : Tinh, Khí, Thần. Trong Trời Ðất có Ngũ Hành ; Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và Ngũ Nguyên, Ngũ Khí, thì trong con người cũng có Ngũ Hành tượng trưng bằng Ngũ Tạng ( Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận) và Ngũ Ðức ( Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).
Vậy thân thể con người được cấu tạo ra là do phụ tinh, mẫu huyết, nhưng nguồn cội của loài người là Lý Nhứt Nguyên, là Ðạo, cũng được gọi là Kim Ðơn.
Con người sanh ra với mục đích là tiến hóa không ngừng đến mức cuối cùng là Chân, Thiện, Mỹ , được Ðạo Tiên gọi là Phản Bổn Hòan Nguyên, được Ðạo Phật gọi là Nhập Niết Bàn, được Ðạo Nho gọi là "siêu phàm nhập Thánh".
Muốn đạt đến trình độ siêu thoát ấy, con người phải vừa Tu Tánh và vừa Tu Mạng hay Tánh Mạng Song Tu. Trong hai phần, nếu thiếu một thì không được. Về điểm nầy, Ðức Lữ Tổ Ðại Tiên ( Ðức Lữ Thuần Dương) có nói như sau:
Tu Tánh bất Tu Mạng tu hành đệ nhứt bịnh.
Tu Mạng bất Tu Tánh anh linh nan nhập Thánh.
Phép Tánh Mạng Song Tu chỉ được thị hiện theo một khuôn khổ luật phép riêng gọi là phép Tu Ðơn. Phép nầy chỉ được "khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ" mà thôi.
Mục đích của phép Tu Ðơn nầy là thực hiện cho được hai chữ Hư+Tịnh, là bổn Tánh của Lý Thái Hư hay Ðại Ðạo.   Có như thế mới về hiệp với Lý Thái Hư được.
Có lời khuyên những vị tu Tiên như sau :
"Học Ðạo cho mình lẳng lặng làm thinh, đừng lo, đừng rán, chớ khá tổn tinh, giữ đặng tánh tình là thuốc trường sinh".
Lại cũng có lời khuyên như sau :
"Tu theo Ðạo Tiên phải thị hiện cho được : Lòng trống mà bụng đặc". Nghĩa là người tu Tiên phải diệt tánh phàm, diệt điều sân hận, tâm địa lúc nào cũng vô phiền, vô ưu, vô dục ; Tam độc : Tham, Sân, Si đều không : Ngày ngày phải lo tu dưỡng Khí tồn Thần, giữ gìn Tam Bửu cho đầy đủ.   Ấy là làm cho bụng đặc.
Những điều kiện nói về Tánh Mạng Song Tu trên đây thuộc về phần Tu Thân. Trái với quan niệm thông thường về Ðạo giáo mà người ta gán cho danh từ tiêu cực. Ðức Lão Tử chủ trương " Tu Thân Xử Thế" làm một. Phần nầy sẽ được trình bày trong mục tông chỉ của Ðạo Lão.
I I Tông chỉ của Ðạo Lão
"Cái Ðạo Tu Thân Xử Thế" của Ðức Thái Thượng vốn thiệt là Nhứt Quán (thông suốt cả hai), chẳng phải chia riêng biệt hai việc đó, nếu chẳng giải thích rõ ràng, mà chỉ nói : Phép Tu Thân cũng là Phép trị Thế, thì phần Trị Thế lép đi, chỉ còn phần Tu Thân mà thôi.
Sách Ðại Học mở đầu liền nói câu :" Minh minh tức đức ..." rồi thôi, mà không bàn rộng đến "Tân Dân" cũng là thuộc về cái học thiên chấp một bên. Thế thì đủ thấy cái Ðạo của Thánh nhơn là dạy luôn Thể và Dụng gồm cả bổn mạt, hai bên đều tiến đồng thời.
Số là cái Ðạo của Thánh Nhơn chẳng ra ngoài một chữ Kỉnh mà thôi. Con người nếu quả lấy chữ Kỉnh mà tồn tâm ứng sự, thì việc trị thiên hạ có gì là khó đâu ?
Ðức Khổng Tử nói :"Có thể lấy lễ mà lập quốc chăng?  ( Nếu dùng lễ nhượng thì có chi mà không làm được ?")  Lấy lễ nhượng mà lập quốc là như thế nào ? Thánh Hiền từ xưa chẳng phải là chỉ vụ tu thân mà không tiếp ứng với đời. Hãy xét qua Trời đất thì biết được việc Thánh Hiền làm. Trời đất lấy khí "Nhứt Nguyên" mà tự vận động,tức là lấy khí nhứt nguyên để nuôi dân.Trong đó cũng có : hàn thử,ôn lương (như bốn mùa) cùng là phong,vân, lôi, vũ. Tức là hành động của Trời là : thi, bố, sanh, hóa. Tuy biến chuyển vô cùng nhưng Trời chỉ thuận theo lẽ thường của khí cơ. Luận về Thánh Hiền thế là lấy kỉnh mà giữ mình,tức là lấy kính  mà đối với mọi người ở trong đó là phải có : ai, lạc, hỉ, nộ chăng ? nói về lễ nhạc hành chánh,tức là Thánh Hiền thuận hành theo cách trị Ðạo để định cái tình của nhơn vật, tuy phong thổ chẳng giống nhau,mà Thánh nhơn chỉ tận tánh của mình là được.
Cho nên nói : "Trời không thể chẳng có phong,ân, lôi, vũ ; mà cũng không được nói : phong, vân, lôi, võ tức là Trời".
Thánh nhơn cũng không thể chẳng có : Ai, nộ, hỉ, lạc mà không được nói : Ai, nộ, hỉ , lạc. Ai, nộ, hỉ, lạc tức là Thánh nhơn.
Trời có Thiên thể, Thánh nhơn có Thánh tâm , thảy đều lấy kỉnh đó làm chủ. Một khi Thánh nhơn lo việc thiên hạ biến hóa vạn đoan rối ren, mà Thánh nhơn cũng không có một việc chi chẳng sắp xếp chánh đáng.
Ôi ! Ðại Ðạo bất minh ! ( không sáng) lâu rồi ! Nếu luận Ðạo đức mà chỉ nói " Hư tịnh vô vi" ( trống lặng không làm ) bàn về cách trị nước mà chỉ nói " công
nghiệp bư bính" ( sự nghiệp rực rỡ) thì đã phân Thiên đức và Vương Ðạo ra làm hai đoạn. Ðiều nầy từ Tam Ðại khó mà tìm người giải thích.
Ðức Thái Thượng nói :"Tu thân, trị thế, không phải chia làm hai việc, nghĩa là chấp cứng một việc tu kỷ mà thôi, nhưng cũng không thể hoàn toàn lo quản trị dân sự mà chẳng trước nhờ đến tu kỷ bên trong".
Biết được cái tông chỉ đó để tu thân mà cũng là để trị nhơn, thì bên trong tự mình không có chi tổn, bên ngoài người khác không có chi tổn, tức là chỗ sách Trung Dung gọi  "Thành kỷ là Nhân, Thành vật là Trí" ( chữ vật ở đây có nghĩa là người, vật ), là đức của tánh, là Ðạo hiệp cả , là Ðạo hiệp cả trong, ngoài. Bên trong ( ở nhà tu thân) thì gọi là Thánh công.  Bên ngoài ( đi làm quan) thì gọi là Vương Ðạo. Bởi thế mới gọi là Nội Thánh, Ngoại Vương.
Ai nói rằng Học Thuyết của Lão Tử tịch diệt, vô vi  ( Tịch : không có tiếng người, yên lặng ; Diệt : dứt, tiêu mất, tắt mất ; Tịch diệt : tiêu diệt hết thảy tư tưởng và nói phô. Tịch diệt cũng có nghĩa như Niết Bàn ). Vô Vi : không làm . Từ ngữ nầy có nghĩa là : Không làm những việc chỉ có ích lợi cho riêng mình mà không ích lợi cho kẻ khác hoặc cho muôn vật. Trời chỉ làm việc có ích lợi cho quần sinh mà thôi.
Ðạo Vô Vi là Ðạo của Trời. Ta hãy xem mấy câu thơ sau đây thì rõ :
Hai chữ Vô Vi  mối Ðạo Thầy,
Bốn mùa luân chuyển cứ vần xây,
Chim bay , cá lội , hoa đua nở,
Nào thấy thợ Trời có để tay ?
Ðức Khổng Tử có câu : "Thiên hà ngôn tai ! Tứ thời hành diên ! Vạn vật sanh diện ! Thiên hà ngôn tai ! ( Trời có nói đâu ? Bốn mùa cứ vần xây không ngừng nghỉ, muôn vật cứ sanh sản không ngừng nghỉ ! Trời có nói đâu ? )
Ðức Lão Tử là người phương Nam nước Tàu ( Tỉnh Hồ Nam). Nơi đây khí Trời đầm ấm, màu đất phì nhiêu, cỏ cây tốt tươi, nhơn dân có một đời sống dễ dàng, đủ cơm ăn áo mặc. Nhờ vậy mà nơi đây mới phát sanh ra một khoa triết học cao siêu, ưa thích cái Ðạo tự nhiên của Trời Ðất.
Ðó là điều kiện duy nhất mà miền Bắc nước Tàu ( nơi phát tích Ðạo Khổng là tỉnh Sơn Ðông ) không thể có được. Vì lẽ đó mà trong bộ Ðạo Ðức Kinh Lão Tử cũng có dạy đạo đức mà hai chữ đạo đức của Ngài dùng ở đây không đồng một nghĩa với hai chữ đạo đức trong Nho giáo, một giáo thuyết dành cho nhơn dân miền Bắc mà đời sống rất khắt khe, cơ cực.
Ðức Lão Tử sanh nhằm đời Chiến Quốc, các chư hầu đều chuyên việc tranh bá đồ vương, lòng ham muốn vô hạn và thiên hạ đại loạn, đồ thán, khổ sở đến cao độ.
Theo Ngài, nếu lòng dục ấy mà không dẹp thì thiên hạ bao giờ được thái
bình ?
Nay muốn sửa chữa tình trạng hỗn loạn ấy thì không gì bằng trở về với cảnh hư tịnh ban sơ, huờn lại ở con người tánh hồn nhiên như trẻ nít vậy.
Vì lẽ đó mà Ðạo của Ngài ( Ðức Lão Tử ) lấy hai chữ "Thanh tịnh" làm chủ nghĩa. Thanh tịnh có nghĩa là : lặng lẽ trong sạch, không nhiễm bụi nhơ ( dục vọng, ham muốn ).
Bởi lẽ ấy mà Ðạo của Ngài bị người thời ấy cho là Ðạo tiêu cực, là Ðạo yếm thế, trốn đời, chỉ ngồi không ( không làm: vô vi ) cho khỏe xác và sống lâu ! Ý nghĩ ấy thật là sai lầm vậy.
Kinh Thanh Tịnh  mà Ðức Lão Tử là tác giả có nói rằng :"Chơn thường ứng vật, chơn thường đắc Tánh. Thường ứng thường tịnh, thường thanh tịnh hỉ !". Câu Kinh ấy được giải nghĩa như sau : Ngũ đức ( Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) ; Ngũ nguơn ( Ngũ Khí thuộc Ngũ Hành : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa , Thổ ) được chơn thiệt gọi là "Chơn thường ứng vật mà có nghĩa là : ứng sự, tiếp vật, giao thiệp với đời".
"Chơn thường đắc Tánh" có nghĩa : Chơn thường không theo dục vọng, mà trái lại, hoàn toàn thuận hiệp với Lý Tánh. Nói một cách khác, câu Kinh nói trên có nghĩa là : "Lấy Chơn thường mà giao thiệp với người, vật, bất câu là việc gì, vào cảnh nào, giữ chơn thường hoàn toàn hiệp với Lý Tánh, đừng cho xen vào mọi dục vọng, mỗi lần giao thiệp thì mỗi lần đều được Thanh Tịnh".
Theo kinh Ðạo Ðức có câu :"Thượng đức vô vi nhi vô bất vi", có nghĩa như sau : Bực thượng đức không làm cái chi hữu tâm có lợi riêng cho mình, mà trái lại, với tính cách vô tâm, vô tư ý, vô ích kỷ, thì không việc gì mà không làm. Hai chữ vô vi ở đây có nghĩa là : tự nhiên, vô dục, chớ không phải là không làm gì hết.
Nói tóm lại, Ðức Lão Tử dạy con người làm phận sự mình cho đúng theo lẽ phải, đúng theo Lý Tánh hay là Lương Tâm bên trong, chớ không xu hướng theo thần thức dục vọng bên ngoài mà phải đau khổ.
Nhưng tiếc thay ! Người theo Lão giáo phần nhiều hễ đọc đến Ðạo Ðức Kinh, Thanh Tịnh Kinh, mỗi câu đều có dạy lấy cái "không" ( vô vi ) làm gốc thì đều tưởng rằng :" Cứ thực hiện cái "không" mà chẳng làm gì hết. Làm như thế thì làm sao mà thành đại sự được ?
Vì lẽ ấy mà Lão giáo ngày càng sai lạc chơn truyền.
III Các Loại Kinh do Ðức Lão Tử ban cho đời :
Các loại Kinh trên là : Ðạo Ðức Kinh, Huỳnh Ðình Kinh, Thanh Tịnh Kinh và Cảm Ứng Kinh.
Ðạo Ðức Kinh : Quyển Kinh nầy gồm có hai quyển : Ðạo Kinh hay quyển Thượng và Ðức Kinh hay là Quyển Hạ.
a) Ðạo Kinh : Quyển Kinh nầy gồm 37 Chương giải về chữ Ðạo.Ðạo là hình thức tính của Lý Nhứt Nguyên hay Lý Thái  Hư Ấy là Thể ( Noumène) của Lý Thái Hư ( Receuilli on l'appelle Ðạo ) ( Yên tịnh người ta gọi cái ấy là Ðạo). Ðạo Bà La Môn gọi là Brahman. Ðạo Phật gọi là Pháp Thân.
Theo Ðức Lão Tử , chữ Ðạo có nghĩa là phép tắc của Vũ Trụ. Ðạo là một ký hiệu của toàn thể Vũ Trụ. Ðạo không có hình tích, vốn là Hư Tịnh, (lặng lẽ, trống không) và Bản Thể ấy của vạn vật trong Vũ Trụ. Vì Bản Thể ấy hư tịnh nên cá nhân con người phải hết sức khép mình theo lẽ tự nhiên để phục  qui về cảnh hư tịnh. Ðó là nguyên tắc cốt yếu của Lão giáo vậy.
Ðến trình độ ấy rồi người ta mới đến thời kỳ "Phản bổn hoàn nguyên", đắc thành chánh quả.
b) Ðức Kinh : Quyển nầy nối tiếp quyển trên và gồm 44 Chương.
Ðức tức là Dụng ( Phénomène) của Lý Thái Hư hay là Lý Nhứt Nguyên ( Agissant on l' appelle Ðức) : Hoạt động người ta gọi cái ấy là Ðức, tức là những hoạt động vô tâm, tự nhiên.
Theo Ðức Lão Tử, chữ Ðức ở đây cũng có một  ý nghĩa tương tự như chữ Ðức của Ðạo Nho. Ðức Lão Tử cho rằng :"Người đời xưa bất thức, bất tri cho nên vô vi  ( không vì mình, không ích kỷ, vô dục).
Nói một cách khác, người đời xưa không hay, không biết, cho nên không làm, không muốn cái chi chỉ có ích lợi cho mình mà thôi và nhiều khi hại đến kẻ khác. Tánh tình của người xưa hồn nhiên như trẻ nít vậy. Vì vậy họ có thể theo Ðạo được. Sau rồi lần lần trí thức con người phát triển và con người bị vật dục mê hoặc mà Ðại Ðạo ở trong con người lần lần tiêu ma.
Luân lý lại không xét tới gốc mà chỉ lo ngọn là khuyên người ta nói và làm theo nhơn, nghĩa, lễ, nhạc.
Chương 18 Quyển Ðạo Ðức Kinh nhan đề là :Tục bạc  (phong tục hư hỏng suy đồi), có đoạn Kinh văn như sau :
Thái Thượng viết :
Ðại Ðạo phế, hữu nhân, nghĩa,
Tuệ trí xuất, hữu đại nguy.
Lục thân bất hoà, hữu hiếu từ.
Quốc gia hỗn loạn, hữu trung thần."
nghĩa là : Ðức Thái Thượng nói : "Ðại Ðạo bị phế bỏ, nên mới có nhân nghĩa. Trí tuệ phát ra, nên mới có dối giả lớn. Sáu thân không hòa thuận, nên mới có cha lành, con thảo. Nước nhà đen tối, loạn lạc nên mới có tôi trung thần."
Nói tóm lại, theo Ðức Lão Tử, ở cõi đời nầy cái tuyệt đối tốt, tuyệt đối lành làm gì có mà chỉ có những cái tương đối thôi. mà cái tương đối ấy lại đối chọi nhau. Thí dụ : Bên cạnh cái lành thì có cái dữ, bên cạnh cái tốt thì có cái xấu, bên cạnh cái dài thì có cái ngắn v.v... và trong cái cảnh cùng tột thì có phản ứng lại. Cực loạn chí trị : Thời loạn mới có Thánh nhơn ra.
B. Huỳnh Ðình Kinh
1) Ðịnh nghĩa : Huỳnh là màu vàng, màu đất, ám chỉ trung ương mồ ,kỷ, thổ.  Ðình là cái sân trống ở trước nhà. Từ ngữ Huỳnh Ðình có nghĩa là Trung Không. ở
trong thân con người từ rún sắp lên là phân nữa trên của con người, như trong thân cây của thực vật. Phần trên ấy là phần sinh cơ hướng thượng.
Từ rún sắp xuống là phân nửa dưới của con người, cũng như thân gốc rễ của thực vật và được gọi là sinh cơ hướng hạ. Cái tổng cơ sinh lý gồm hết cả hai động lực trên và dưới. Theo thực vật thì cái tổng cơ sinh lý ấy ở chỗ chia ranh giới thân cây và gốc rễ. Còn về thân con người thì nó ở tại rún.
Vậy Huỳnh Ðình là quyển Kinh quí báu nhứt của Tiên Giáo, dạy cách luyện Ðạo mà nơi qui căn trong con người là chỗ trống không ở trong rún gọi là Huỳnh Ðình.
Huỳnh Ðình Kinh gồm hai quyển là : Huỳnh Ðình nội cảnh và Huỳnh Ðình ngoại cảnh.
C. Thanh Tịnh Kinh
Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ khi đã thành Ðạo rồi, chứng ngôi Thanh Tịnh trên Trời , ý muốn cho người đời tu Ðạo đồng hưởng thanh tịnh cho nên Ngài mới đặt ra quyển Kinh Thanh Tịnh nầy diễn pháp trường sanh mà lưu truyền trong thiên hạ, để thức tỉnh nguyên nhân. Kinh nầy rất giản dị, rất diệu huyền.
Thật là một cái bè báu để độ người đời, lại cũng là một cái búa rìu để đoạn Bàng Môn ( tà thuyết).
D. Cảm Ứng Kinh.
Ðức Thái Thượng Lão Quân ban ra quyển Cảm Ứng Kinh là cốt để dạy về lẽ lành dữ , trả vay.
Ðây xin trích lục hai đoạn ( Ðoạn Kinh và đoạn Minh Nghĩa đệ nhứt ): KINH :
Thái Thượng viết :
Họa phước vô môn duy nhơn tư triệu.
Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình.
Minh Nghĩa đệ nhứt :
Thi dĩ Thiên Ðịa hữu tư quá chi Thần,
Ý nhơn sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhơn toán.
Toán giảm tắc bần, hao đa phùng ưu loạn.
Nhơn giai ô chi,
Hình hoạ tùy chi,
Kiết khánh t��í,
Toán tận tắc tử.
Hựu hữu Tam Thai Bắc Ðẩu Thần Quân.
Tại nhơn đầu thượng lục nhơn tội ác,
Ðoạt kỳ ký toán,
Hựu hữu Tam Thai thần tại nhơn thân trung.
Mỗi đáo canh thân nhựt triếp thượng,
Nghê Thiên Tào, ngôn nhơn tội quá,
Nguyệt hối chi nhựt, Táo Thần diệt nhiên,
Phàm hữu nhơn hữu quá, đại tắc đoạt kỷ,
Tiêu tắc đoạt toán
Kỳ quá đại tiểu hữu sổ bá sự,
Dục cầu trường sanh dã, tiêu tu tị chi.
Diễn Kinh Nghĩa :
Tiên Ông Thái Thượng dạy rằng :
Rủi may không cửa, níu phăng tại mình,
Ðạo Trời thưởng phạt chí minh,
Dữ lành như bóng theo hình chẳng sai,
Thứ nhứt minh nghĩa tỏ bày:
Ai người tỉnh ngộ lánh rày họa tai,
Thưởng răn Trời chẳng vị ai,
Sai Thần biên chép hôm mai chẳng lầm.
Cân theo tội lỗi khinh thâm,
Giảm phân phước lộc cũng năm ba phần,
Khó nghèo chờ đợi trước sân
Gặp nhiều ưu hoạn tìm lần đến thân.
Hễ là chẳng giữ nghĩa nhân,
Khiến người đều ghét họa gần chẳng sai.
Nếu theo việc dữ gây hoài,
Ðiều lành xa lánh họa tai khó rời.
Khuyên đời chớ gọi rằng chơi,
Lộc Trời đã hết, lưng vơi khó nài.
Dữ lành báo ứng chẳng sai,
Có Thần Bắc Ðẩu Tam Thai trên đầu.
Hễ ai tính việc cơ cầu,
Biên cho đúng tội giảm thâu số người.
Luật Trời chớ khá dễ ngươi !
Trong mình sẵn có ba người Thần Linh,
Ngay gian chép đủ sự tình,
Ðến ngày Canh nhựt Thiên Ðình cáo tâu,
Lại còn Thần Táo trên đầu,
Ba mươi mỗi tháng đều tâu y lời,
Hễ ai tính việc lưng vơi,
Nhẹ thời giảm toán, nặng thời hai năm,
Thần Tiên giữ sổ chẳng lầm,
Tùy làm nặng nhẹ mỗi năm ghi vào.
ở đời chớ tính thấp cao,
Muốn cho trường thọ chớ vào thị phi ...
. . . . . . . . . . . . . . .
V. Ảnh hưởng của Lão Giáo
A.Tại Trung Hoa : Tại Trung Hoa trên mấy ngàn năm nhơn dân đều thực thi Khổng Giáo, nghĩa là chú ý về sự thực tế ở đời là Nhơn sinh quan. Nhưng nếu chỉ có thế thì khuôn khổ rất là chật hẹp, không có gì là siêu việt. Vì lẽ đó mà Khổng Giáo cần được Lão Giáo bổ túc thêm về mặt Vũ Trụ quan. Khổng Giáo hiệp với Lão Giáo tạo nên cho nước Trung Hoa một nền học thuyết vẻ vang đầy đủ về mọi mặt và được lưu truyền từ đời Thượng Cổ đến bây giờ.
B. Tại Việt Nam : Trong lúc Lão Giáo hay Ðạo Giáo được thịnh hành ở Trung Hoa thì chính lúc ấy nước Việt Nam ta lại bị đặt dưới quyền cai trị của Hán tộc.
Cuối đời Nhà Hán ( Ðông Hán) nước Trung Hoa có loạn Vương Mãng, nhiều bậc sĩ phu và tu sĩ chạy sang nước ta lánh nạn. Trong số nầy có Sĩ Nhiếp, người đầu tiên đã chánh thức truyền bá Tứ Thư, Ngũ Kinh ở nước ta.Tiếp theo Ðạo Khổng, Ðạo Phật và Ðạo Lão lần lượt đã du nhập vào nước ta.
Ðến thời kỳ tự chủ, với các Triều chính thống như : Ðinh, Tiền-Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn vv... ba Tôn Giáo nói trên đều được đối đãi ngang nhau, nhứt là dưới hai Triều Lý Trần. Ấy là ảnh hưởng của tư tưởng Tam Giáo Ðồng Nguyên.
Ðời nhà Lý,Vua Lý Thái Tôn rất trọng vọng các Ðạo sĩ Trần Tuệ Long và Trịnh Trí Không. Các vị nầy đều được giữ địa vị quan trọng trong Triều.
Dưới Triều Trần, Ðạo Lão vẫn được Triều Ðình liệt ngang hàng với Ðạo Phật và Ðạo Khổng nhưng không phát triển mạnh bằng hai mối Ðạo nầy.
Năm 1302 có Ðạo sĩ Hứa Tông Ðạo, người Tàu, vượt biển sang nước ta bày ra mọi khoa nghi trai đàn của phép phú thủy. Hiện nay ở nước ta, ngoài các chùa tu theo Ðạo Minh Sư, Minh Ðường hay Ðại Ðạo tức là Phái Tu Ðơn theo Lão Giáo hay Ðạo Giáo, thì có thuật phù thủy chuyên việc làm trò mê tín, khiến cho Lão Giáo bị giảm giá trị rất nhiều.
chương  vi
 

 mối liên quan mật thiết giữa đạo lão hay đạo giáo với " t a m  kỳ
Ph ổ  đ ộ "

Là tên gọi tắt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ phải được viết là : Ðại Ðạo : Tam Kỳ Phổ Ðộ tức là Ðại Ðạo ( Ðạo lớn, Ðạo của Trời, Lý Nhứt Nguyên) xuất hiện lần thứ ba để độ rỗi quần linh, với hai Tiêu  Ngữ như sau :

a) Tiêu ngữ "Tam Giáo Qui Nguyên" gồm ba mối Ðạo lớn và lâu đời nhứt ở Á Châu là : Nho, Thích, Ðạo.
b) Tiêu ngữ  "Ngũ Chi Phục Nhứt" gồm năm trình độ tu hành trong Ðại Ðạo
là :
* Phật Ðạo
* Tiên Ðạo
* Thánh Ðạo
* Thần Ðạo
* Nhơn Ðạo
IỊ các Thánh Giáo tiếp được từ buổi sơ khai của Ðại Ðạo Tam Kỳ PHổ Ðộ cho đến nay chứng minh mối liên quan mật thiết nói trên.
1) Ðàn cơ tại Vĩnh nguyên Tự ( Cần Giuộc) đêm   4.4.1926:
Ngọc Hoàng Thượng Ðế viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Ðạo Nam Phương :
Nhiên Ðăng Cổ Phật thị ngã,
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị ngã,
Thích Ca Mâu Ni thị ngã
Kim viết Cao Ðài.
2) Ðàn cơ tại Chùa Giác Hải ( Phú Lâm, Chợ Lớn) đêm 15 tháng 8 Bính Dần (1926) :
Thích Ca Mâu Ni Phật viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát chuyển Phật Giáo Nam Phương .
Chư Nhân ! Con nghe Thầy :
" Khi giáng trần Chí Tôn phật Tổ ( Thầy dạy) đặng có 5 môn đệ, chúng nó đều chối Thầy. Khi giáng trần lập Ðạo Tiên, Thầy có một trò là Nguơn Thỉ. Khi giáng trần lập Ðạo Thánh, Thầy đặng 12  môn đệ. Song đến khi bị bắt và hành hình thì chúng nó đều trốn hết, lại còn bán xác Thầy nữa..."
Cước chú : Theo các Ðạo gia, Ngôi Tam Thanh gồm có :
Thái Thanh . Ðức Thái Thượng Ðạo Quân,
Ngọc Thanh : Ðức Nguơn Thỉ Thiên Tôn,
Thượng Thanh : Ðức Kinh Bửu Thiên Tôn.
Ba  Ngôi Tam Thanh đều do Ðức Thái Thượng Lão Quân hóa thân ra cả. Bởi thế mới có câu :
Lão Tử  hóa Tam Thanh
hoặc là :
Tam Thanh Ứng Hóa Thái Thượng Ðạo Quân.
Ðức Thái Thượng Ðạo Quân là một phân thân của Ngôi Thái Cực. Chúng ta hãy xem bài Kinh Xưng Tụng Công Ðức của Ngài thì rõ : ( trích câu đầu như sau ):
Tiên Thiên Khí Hóa Thái Thượng Ðạo Quân,
Thánh bất khả tri, công bất khả nghị,
Vô Vi cư Thái Cực chi tiền,
Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng,
Ðạo cao nhứt khí, diệu hóa Tam Thanh.
3) Ðàn cơ tại Chiếu Minh Ðàn ( Cần thơ) vào năm 1931):
Ðức Văn Xương Ðế Quân giáng điển lời tựa quyển Kinh Tam Nguơn giác thế như sau :
"Hỗn độn sơ khai Càn Khôn dĩ định,Bàn Cổ kế truyền, là Chúa loài người, phân ra Tam Tài, dĩ khinh thanh chi khí mà làm Tiên, làm Thánh, trọng trược hạ ngưng vi địa, ở thế làm phàm".
Qua đời Nhà Châu, Lão Tử lập ra Tam Giáo là : Nho, Thích, Ðạo. Tuy chia ba nhánh mà hành Ðạo do Tam Tài chớ kỳ trung một gốc, vạn sự tùng Nho dữ xuất, nhưng để truyền sau, Ðạo là tại thế gian.
Ðại Ðạo ( Ðạo Tiên, Lão giáo hay Ðạo giáo).
Hỗn độn sơ khai Càn Khôn phối hiệp, nhứt hoán Thiên Ðịa Nhơn tài chi khí, mới sanh loài người và sanh muôn vật, do nơi Diêu Trì Kim Mẫu chi chất mà ra, còn người biết tu cũng trở lại làm Tiên, làm Thánh đặng.
Hiểu rằng :
Người thọ bẩm Thiên Ðịa chi khí mà sanh ra, nếu muốn trở lại Tiên Thánh thì loài người phải cùng thông Thiên Ðịa, Âm Dương Tạo Hóa chi có, trong phải dùng nhơn thân điên đảo, phản bổn chi pháp mà luyện đặng Dương Thần mới siêu phàm nhập Thánh. Muốn biết mấy phép ấy trước phải thuộc câu :"Khí chi khinh thanh, tượng phù ngưng dã vi Thiên, Khí trọng trược hạ ngưng vi Ðịa, mà tu Tâm luyện Tánh và giữ Tam Qui Ngũ Giới chi bổn". Ðạo có dạy người từ đời Bàn Cổ.
Chương VII Chơn Lý Ðạo Tiên Qua Tam Kỳ Phổ Ðộ
I Về Hình Nhi Hạ Học :
Về phần nầy có mấy điểm như sau :
1) Trên Thiên bàn có :
a) Tượng hay Linh Vị Ðức Lão Tử trên cấp Tam Giáo Thánh Nhơn.
b) Tượng hay Linh Vị Ðức Lý Ðại Tiên , Ðại Diện Ðạo Tiên trên cấp bực Tam Trấn Oai Nghiêm.
2) Lễ phục :
Chư chức sắc từ cấp bực Ðàu Sư xuống đến Lễ Sanh thuộc Phái Thượng mặc áo và đội mão màu xanh dương (xanh da Trời) tượng trưng cho Tình ( là Bác Ái). Chư Chức Sắc từ cấp Chưởng Pháp đến Lễ Sanh thuộc phái Thái, tượng trưng Ðạo Phật thì mặc áo màu vàng, chít khăn vàng và đắp y đắp khâu, đội mão màu vàng. Màu vàng tượng trưng cho Ý ).
3) Lễ phẩm : Hương, trầm, hoa, quả, rượu.
Hoa tượng trưng chi Tinh
Trà tượng trưng cho Thần,
Rượu tượng trưng cho Khí.

Thư Viện 1      4   5