DI ÐÀ PHẬT TỔ

DI truyền diệu khuyết giải trần lao,
ÐÀ chiếu thâm ân nhuận trí vào,
PHẬT pháp Chuyển-Mê qui đức tánh,
TỔ thành Ðại-Ðạo tá thâm cao.

Chào các con. Giờ này Thầy giáng đàn cốt yếu chuẩn phê Thánh-Ðức Chuyển-Mê và giải thêm đôi lời bí khuyết mầu vi tỉnh đời mê muội. Các con nghe:
Thi bài:
Ðại-Ðạo là phương châm thoát khổ,
Cao-Ðài khai phổ độ quần-linh,
Tỉnh cơn giấc điệp mộng huỳnh,
Giải nàn chúng loại phục bình Thuấn Nghiêu.
Cậy lương sanh dắt dìu quần chúng,
Vẹt ngút mù tế khổn cứu dân,
Phá mê cho khách phong trần,
Dùng phương ly thoát chung phần sớt chia.
Lời bí quyết canh khuya giáo huấn,
Khuyên Nhẫn Hòa bổn phận phải lo,
Làm sao khỏi hổ danh trò,
Nam-nhi quân-tử sánh so Thánh-Hiền.
Trước chữ Hòa, Nhẫn, Kiên sẽ đáo,
Âm-dương Hòa hóa-tạo Thánh Tiên,
Bốn mùa xây chuyển hạo nhiên,
Dân lành nước thạnh người hiền an vui.
Cây cỏ đượm màu tươi hoa nở,
Quốc dân Hòa ngàn thuở thái bình,
Lưu xưa Hòa rất thâm tình,
Tôn-Quyền khiếp vía hoảng kinh cũng Hòa.
....... (Bản chánh thiếu hai câu bảy)
.......
Tào-Man thất sắc phong ba,
Thiên-thời địa-lợi nhơn-Hòa bất như.
Lấy chữ Hòa khắc khư đoàn thể,
Cột chữ Hòa phổ tế quần sanh,
Noi Hòa ngăn cuộc chiến tranh,
Ghi Hòa đối thế lạc thành dân Thang.
Nhơn Hòa thời đời càng thạnh trị,
Chúng sanh Hòa đắc chí thuần phong,
Hòa mạnh, dẫu phá núi sông,
Xô thành, lấp biển, cũng không khó gì.
Huynh đệ Hòa, trọn nghì lễ nghĩa,
Tiết xuân Hòa ngàn tín muôn hồng,
Hòa lo kết chặt giải đồng,
Phụ tùy phu xướng mặn nồng Hòa duyên.
Hòa dẫn độ sang miền Tây-Vức,
Hòa đưa người khỏi vực biển mê,
Hòa nhau cựu vị lo về,
Hòa tâm gánh Ðạo thuận huề ôn lương.
Hòa bước đến con đường thiện lạc,
Hòa chung tâm khai phát Ðạo-Huỳnh,
Hòa nhau độ tận quần linh,
Hòa sao thế giới Hòa-bình phương phi!
Hòa nhứt lý vô-vi chánh giáo,
Hòa chung lo giáo đạo tỉnh đời,
Thật hành Hòa-hảo nhiều nơi,
Hòa nhau bước kịp Ðạo Trời tu tâm.
Hòa cùng nhau phương châm độ khách,
....... (Bản chánh thiếu một câu bảy)
Dỉ Hòa vi quí nay xưa,
Muôn dân an hưởng sớm trưa Hòa-bình.
Ðạo huyền-vi khai minh thế giới,
Dụng chữ Hòa mới phải người tu,
Hòa nên rạng tiếng ngàn thu,
Hòa tâm hiệp lực đền bù ơn sâu.
Hòa thủ tín gồm thâu nhơn loại,
Hòa háo sanh lẽ phải lời lành,
Hòa cho hết thói giựt giành,
Hòa rồi Bản-Ngã tan tành ngữa nghiêng.
Hòa diệt tánh lợi quyền tư kỷ,
Hòa khuyên nhau chung thỉ đoàn viên,
Hòa lo tam-ngũ vẹn-tuyền,
Hòa không hờn oán giận phiền mới hay.
Hòa gây cuộc tương lai an hưởng,
Hòa nhứt môn liệu lượng giúp đời,
Hòa vui bạn tác tùy thời,
Không Hòa thì phải nhiều nơi sanh lòng.
Hòa tâm đạo quả công lo lập,
Hòa chung lưng mà đắp nền nhân,
Hòa rồi chẳng nỡ rẽ phân,
Hòa nên khắc cốt đạo đồng tương giao.
Hòa bước thấp lên cao cũng tới,
Hòa cải canh lý mới dạy dân,
Hòa không luận kẻ phú bần,
Hòa không giai-cấp quan dân một nhà.
Hòa hiệp bạn gần xa chung trí,
Hòa tạc thù chánh lý vui nhàn,
Hòa rồi thì mới đặng an,
An rồi mới tịnh cửu quan ngũ hành.
Hòa muôn việc tán thành mối cả,
Hội Liên-Hòa khám phá mầu vi,
Hòa cho rõ Ðạo Tam-Kỳ,
Hòa chung một gốc mà tri vong tồn.
Hòa kẻ dại lẫn người khôn nhủ,
Hòa Ðại-Ðồng tề tựu giúp nhau,
Liên-Hòa kể trước người sau,
Hòa tô lương thiện một màu bạch quang.
* * *
Ðây luận về đôi hàng Kiên-Nhẫn,
Nhẫn rất cao bổn phận tu hành,
Muốn sao cho đặng bạch thanh,
Khuyên rèn Kiên-Nhẫn vun cành lương tâm.
Nhẫn muôn việc khỏi sanh cải lẩy,
Nhẫn cho người sái quấy muội mê,
Người tu lấy Nhẫn làm nền,
Từ-Bi cũng Nhẫn, tâm huề bởi Kiên.
Trương-Công-Nghệ lương hiền đại-đức,
Gìn Nhẫn mà hiệp lực tịnh an,
Trăm họ ở chung một đàng,
Mà không chích mích song toàn vầy vui!
Vua hay đặng bước xuôi gia Nghệ,
Hỏi rằng "Người làm kế chi hay?
Mà không hờn oán cùng nhau,
Im-lìm tâm địa một màu chia lo?"
Nghệ rằng: "Vẫn chữ Nhẫn lo",
Vua khen Công-Nghệ ban cho lê đào,
Thử coi Nghệ liệu thể nào
Chia nhau cho đủ kế cao Nghệ dùng.
Xắc ra bỏ nấu một thùng,
Kêu nhau nhỏ lớn mỗi chung chia đồng.
Thiệt là chữ Nhẫn rất công,
Chín đời chung ở mà không mích lòng.
Trăm súc vật cũng đồng ý chủ,
Khi bửa ăn không đủ cũng chờ,
Thật là súc vật không ngờ,
Cũng gìn Kiên-Nhẫn bao giờ mến yêu.
Gương trước đó là điều quái lạ,
Súc vật còn giữ dạ Nhẫn-Kiên,
Người sao bao nở không chuyên,
Tánh linh hơn vật chí thiền trau-tria.
Nước không Nhẫn dân tình rối loạn,
Sanh chiến tranh họa hoạn chẳng không!
Nhẫn vua ngôi quí mới mong,
Vững vàng an trí thuần phong thái bình.
Quan-lại Nhẫn còn vinh huờn tuớc,
Mà tâm điền cũng được an vui,
Cha con không Nhẫn khó xuôi,
Luân thường chẳng kể, phong đồi tục suy.
Nhỏ không Nhẫn hóa thì thành lớn,
Nhỏ không trừ đến lớn khó thay,
Xã-hội biết Nhẫn khỏi tai,
Nhơn sanh biết Nhẫn đâu phai nước vàng.
Lấy chữ Nhẫn làm thang vượt cảnh,
Nhẫn thì lòng minh-chánh thung-dung,
Phá mê lánh khổ trần lung,
Thất-tình lục-dục khó tùng từ-bi.
Mượn Nhẫn mà dằn khi tâm hỏa,
Làm người thì chớ khá tranh đua,
Từ-bi đạo-đức lòng mua,
Ở cho khiêm-tốn giả thua qua ngày.
Tánh oán nộ mới bày chữ Nhẫn,
Ðặng tảo trừ diệt tận hỏa thiêu,
Tu hành chớ khá nói nhiều,
Ðể tâm thanh tịnh lượng điều từ-bi.
Ðức khiêm Nhẫn vô-vi an-tịnh,
Lấy chơn tâm thủ tín hòa-bình,
Không ham tranh tụng chí thành,
Mặc người giành giựt, mặc tình tu tâm.
Kìa Hàn-Tín cao thâm quân-tử,
Lúc phong trần giữ chữ Nhẫn-kiên,
Lòn trôn giữa chợ não phiền,
Chìu theo thời thế vững yên tâm thần.
Sau lãnh ấn Tề-Vương quí hóa,
Ngũ-Viên còn chịu đọa thổi tiêu,
Vinh sang quyền cả mai chiều,
Nhẫn vì Ðạo-Ðức, Nhẫn điều bạo hung.
Sợ mà Nhẫn thì không phải Nhẫn,
Yếu mà lui là phận đê-hèn,
Khiếp nhược gọi Nhẫn ai khen,
Nhẫn không phải sợ cái lằn binh đao.
Nhẫn vì nước, đồng bào nhơn loại,
Nhẫn vì thời, không phải yếu thua,
Nhẫn là hòa-hảo mến ưa,
Nhẫn cho đồng loại ý vừa noi theo.
Các môn đồ có muốn tu chữ Nhẫn chăng?
Nhẫn là vì Ðạo-Ðức tu hành mà nhẫn, chớ không phải sợ mà nhẫn nghe:
Thi:
Chữ Nhẫn rất cao, vững trụ đồng,
Nhẫn này luyện đặng phải dày công,
Nhẫn là thành sắt che tên đạn,
Nhẫn gốc người tu diệt lửa lòng.     Cười!...
Hựu
Hòa, Nhẫn noi theo bước khó khăn,
Hòa không chích-mích giữ công bằng,
Hòa trong thế-giới nên đồng loại,
Hòa đặng thì không có chuyện xằng.      Cười!...
Ban ơn các con, có Lý-Thái-Bạch đến.        Thăng.

Bủu Minh Ðàn.Trang Web Phục Vụ Nhơn Sanh Miễn Phí.,Webmaster Trương Ngọc An  

Thư Viện 1      4   5