Bủu Minh Ðàn
 

HÒA ĐỒNG NỮ ĐẠO

HUỲNH-QUANG-SẮC, Ngọ thời, 12 tháng 11 Tân-Hợi (29-12-1971)

      Mẹ linh hồn các con!

Thi:
Vô hữu con ôi chớ biệt hai,
Cực đoan đi ngược lẽ Cao Đài;
Từ bi, bác ái, công bình đó,
Tôn chỉ kỳ ba chớ để sai.

Mẹ mừng chung các con nam nữ đàn tiền. Mẹ đến với các con giờ đây, trong lúc mà tiết trời thế gian oi ả, trong lúc mà thời gian các con được yên nghỉ đôi chút sau những hồi bận rộn, để đáp lại lòng thành của các con hướng về Mẹ. Vậy Mẹ ban ơn toàn thể các con an tọa nghe lời Mẹ dạy.

Thi:
Lạnh nóng trần gian vẫn đổi dời,
Có chi yên đứng các con ôi!
Bình tâm nghe Mẹ phân hơn thiệt,
Chỉ có lòng son mới vững thôi.

Này các con! lần này cũng như những lần khác, Mẹ đến với các con cũng những lời khuyên lơn an ủi, cũng những lời đạo lý khô khan. Nhưng với tâm chí thành vì đạo thắm thiết của các con, Mẹ tưởng nó sẽ mềm dẻo và hòa tan trong hồn con muôn thuở. Vì con ơi! cõi đời của các con chẳng có gì là mới cả. Mới với cũ chẳng qua là sự chuyển tiếp luân hồi của ngày với đêm, sáng với tối mà thôi.
Nói điều đó để các con ý thức rằng Đạo-lý hay giáo-lý được diễn tả bằng lời nói, bằng ngôn từ, thì bao giờ cũng vẫn có giá trị muôn đời của nó. Sự nhắc nhở, sự lập lại là để thối thúc con người mau đến chỗ sống trọn cho lẽ sống Đạo. Mẹ muốn nói với các con về tính chất hòa đồng trong mọi sinh hoạt hằng ngày của các con.
Hỡi các con! vẫn biết rằng Mẹ đem đến cho các con danh từ “Hòa Đồng Nữ Đạo” để các con hòa với nhau mà sống theo lý Đạo, phổ truyền lý Đạo.
Vẫn biết rằng Thượng-Đế đem đến cho nhân loài hình thức tôn giáo tổng hợp để con người đi đến nếp sống thanh bình an lạc với nhau trong tình dân tộc, tình nhân loại, và vẫn biết rằng các con khi trút bỏ phần nào gánh nặng thế gian để khoác vào một tấm áo tu hành, để mong tâm hồn được thảnh thơi hòa lẫn vào cảnh thanh tịnh diệu mầu của Đạo, hay để đem lẽ diệu mầu của Đạo để chan hòa trong mọi kẻ mọi loài.
Nhìn qua vài nét đại cương như vậy, hẳn các con cũng thấy chữ Hòa nó không phải là cái chữ bằng nét dọc ngang, nét cong hay nét thẳng nữa, mà chính nó là nguồn sống vô biên, bàng bạc trong thời gian hữu hạn và không gian vô cùng. Lẽ sống tiết điệu trung hòa ấy được thể hiện thường xuyên vào đời sống của các con. Như trong phạm vi cá nhân, nếu con là một người làm một nghề nghiệp nào đó, chẳng hạn như thợ may, lúc người thợ may đang làm công việc thì phải tập trung tất cả tinh thần vào đường kim nét chỉ. Nếu không chú ý để sơ suất bởi những ngoại tưởng bao đồng, thì lưỡi kéo vô tình có thể làm hỏng cả công trình tốn kém. Nếu tình trạng hỏng vào trường hợp đó là tại người thợ may không hòa vào công việc người thợ may hoặc là không thiết tha với công việc, hoặc là chưa đạt đến mức thiện nghệ, cứ xem mình là người mới tập may. Những nỗi bồi hồi lo sợ trong lúc cắt cũng gây nên điều sống sượng rồi,
bởi hòa thời đã không có nơi người ấy.
Một điển hình nho nhỏ nữa: nếu con là người chạy xe hai bánh hay xe gì chăng nữa, trong lúc lái, con một đàng thì tưởng vẫn tưởng vơ, một đàng thì tay lái chưa làu, ắt phải gặp điều bất trắc, vì các con chưa hòa được với việc các con làm, thấy mình rõ ràng đang cầm tay lái bánh xe, đang chạy và rồi phải làm sao khi chạy trong đám đông. Những nỗi hồi hộp ấy làm cho con hoảng hốt, có thể xảy đến rủi ro.
Tất cả đều tại chưa hòa vào công việc.
Sang đến sự sinh hoạt cộng đồng, như ban nãy các con đọc kinh cầu Mẹ chẳng hạn, đứa thì đọc rằng đang giờ Ngọ, đứa thì đọc đang giờ Tý canh thâm nhẹ bước... Những điều trái ngược khiến thính giả bất bình, cũng tại chưa đạt đến chỗ hòa thời,
nghĩa là có con thì biết hòa đồng tùy nghi vào thời gian và hoàn cảnh,
có con bởi những thông lệ cố hữu hạn hẹp ràng buộc, làm cho đến khi gặp việc,
nên dùng trái hẳn, chẳng nhịp nhàng với cộng đồng.
Mẹ điển hình sự kiện nhỏ nhoi ấy để các con lấy đó mà ý thức đến đại cuộc của tiền đồ Đại-Đạo.
Các con ôi! mỗi cá nhân của các con, nếu phơi bày ra thì không có gì để nói, không có gì để ngăn cách với nhau, thì tại sao các con không tập tành sống với bầu không khí bao la ngào ngạt tình nhân loại? Ngồi ở đây nhiều người, có những là các con, nhưng nếu các con đạt được lẽ trung hòa thì không còn thấy có con ngồi giữa đám đông kia nữa. Đám đông là con, các con là đám đông, cùng làm cùng nói một việc một lời.
Trạng thái hòa đồng ở chỗ đó. Như vậy cũng làm một mãnh lực Thiêng-Liêng cảm hóa người ngoại cuộc hòa theo, chớ giữa số người đông mà thử có con nào đọc lên một giọng khác, nói lên một lời mâu thuẫn khác, khiến không gian trở nên mất thăng bằng, người ngoại cuộc cũng trở nên càng xa lánh.
Như vậy, những cái gì thể hiện có tánh chất trung hòa đồng nhứt trong cái thể dị biệt, đều là Đạo, là Thượng-Đế, cũng như là Mẹ vô hình đến với các con giờ nay nơi này vậy.
Trái lại, những gì thể hiện ra bằng tư cách, bằng ngôn ngữ, bằng hành động có tính cách phân ly chia rẽ, thì đó là không phải của Đạo, không phải của Thượng-Đế chốn hòa quang.


Thi:
Mẹ đến trần gian đem lẽ sống.
Cho đàn con dại sống an lành,
Nhịp nhàng tâm cảnh trong thiên lý.
Thể hiện ra ngoài đức háo sanh.
* * *
Ban ân con trẻ đàn trung,
Trần gian ở lại, Diêu Cung Mẹ về...

Thư Viện 1      4   5