KHUYÊN CON NHÌN CHƠN LÝ ĐẠO
THÁNH THẤT BÌNH HÒA (Gia Định)
Ngọ thời Rằm tháng 8 Đinh Mùi (18-9-1967)
            THỂ-LIÊN TIÊN-NỮ chào chư Thiên sắc, Chị mừng các em nam nữ. Chị vâng lịnh báo đàn, có VÔ-CỰC TỪ-TÔN DIÊU-TRÌ KIM-MẪU giáng cơ. Vậy các em nghiêm chỉnh đàn tràng, thành tâm tiếp giá. Chị chào các em, Chị xuất ngoại ứng hầu, thăng...
            (Tiếp điển:)
            DIÊU-TRÌ KIM-MẪU VÔ-CỰC TỪ-TÔN Mẹ linh hồn các con nam nữ.

Mẹ mừng các con toàn thể lớn nhỏ trong ngoài.


THI:
vi mà có mới là ngoan,
CỰC Lạc lòng đây Mẹ ước rằng:
TỪ thiện mỗi con đà sẵn có,
TÔN vinh hành Đạo cứu đời an.

            Mùa Thu này, Mẹ đến trần gian để chứng lòng thành kỉnh của các con hiến lễ cho Mẹ. Mẹ cũng vui mà nhìn thấy các con cũng như những đóa hoa sen đang vượt lên trong cảnh bùn đen nước đục, và những khóm trúc cội tòng đang vươn mình trước gió Thu thổi loạn lá vàng rơi.
            Mẹ sẽ chan rưới ân hồng cho những đóa hoa sen được gội nhuần sắc hương ngào ngạt và tòng trúc được hùng vĩ xinh tươi.

THI:
Trải mấy mươi Thu dụng lý huyền,
Đạo mầu rộng mở cõi Nam Thiên;
Phá mê khi trẻ đang mơ mộng,
Đánh thức người đời lúc đảo điên.
Vượng khí thái hòa yên sóng gió,
Ban tình Vô Cực đoạn trần duyên;
Thu Đông rồi cũng sang Xuân Hạ,
Thoát kiếp phàm phu lại cảnh Tiên.

            Các con đã chung tâm hiệp sức, kẻ có của, đứa có công, đã xây cất nên hình thể trụ tướng, để tượng trưng lòng kỉnh thành ngưỡng mộ đối với Mẹ. Đó là về mặt tinh thần của các con. Còn về phần công quả hành đạo đối với ngôi Diêu-Trì Bửu-Điện cần phải có một tác dụng gì đáng kể để cứu thế độ dân. Nếu không phải nhằm vào tác dụng ấy thì không thể hiện đúng lòng đại từ đại bi của Đức Mẹ Diêu Trì nơi Cung Vô Cực.
            Các con thử nghĩ lại: Một bà mẹ phàm trần nhục thể có khi nào bằng lòng nhìn thấy sự hy sinh đói rét dốt nát tội lỗi để tạo phần vật chất xây dựng lầu đài cho mình an hưởng đâu con?
            Có ý thức được như vậy rồi các con mới hiểu được lời Mẹ dạy kế tiếp theo đây. Mẹ miễn lễ,

các con đồng an tọa.
            Hỡi các con! Thiên Địa tuần hườn, châu nhi phục thỉ. Trước mọi sự vật biến chuyển như ngày nay đều nằm trong luật ấy. Hễ vận hành giáp mối rồi cũng trở lại chỗ khởi thỉ. Các con hãy bình tâm tiếp nhận mọi sự biến chuyển hiện tại và tương lai.
            Do luật đó cho nên Đức Chí Tôn đã sắc chiếu ân phê cho các Đấng Thiêng Liêng dụng huyền linh điển ban ra Thánh Ngôn Thánh Giáo để dạy dỗ các con nhìn rõ chơn lý Đại Đạo, đâu là chánh? đâu là tà? đâu là vàng thau chì thiếc? để các con khỏi ngộ nhận giữa lý trí và chơn tâm.
            Các con ôi! mọi sự ở thế gian phát khởi đều do nhân dục. Hễ có nhân dục lại đồng chung với bản ngã. Hễ có bản ngã thì ắt có tư tâm, ích kỷ, tự ái, tự tôn, làm cho lý trí phải bị mờ lu, không phân biệt được cái nào là chơn, là giả.
            Đời nay, nhân loại thường bị lý trí chế ngự lương tri, nên mới nảy sanh bao nhiêu thảm cảnh mà các con đang chứng kiến và ảnh hưởng đến mọi sự hành thiện.
            Vì lý trí chế ngự lương tri nên rất đổi Đạo Trời là lối giải thoát cho nhân loại, mà vì lý trí chế ngự mọi phương cách hành sự cùng lãnh đạo, nên mới nảy sanh ra cảnh loạn ly tang tóc, từ ngoài đến trong tôn giáo. Tự nơi đó mà các nhà lãnh giáo không còn giữ đúng tâm niệm lương tri và sứ mạng cao cả của mình.
            Đáng lý tôn giáo là nguồn an ủi tâm hồn của người đau khổ, đem yên tĩnh chế ngự loạn động, đem tình thương bác ái chế ngự sự thù oán vô lương, đem sự sinh tồn chế ngự điều giết chóc. Nhưng trái lại, tôn giáo kỳ thị tôn giáo, gây bao sự thù hiềm giết chóc, đau khổ, tang tóc cho sanh linh. Bởi đó các con chưa được hưởng sự bảo tồn che chở và tình thương của đạo lý và tôn giáo.
            Các con ôi! Chân lý là gì? Nghĩa nhân là gì? Đạo là đâu? Mà đời là đâu?

THI:
Đời là thể xác, Đạo linh hồn
Thể xác tượng hình bậc Thế Tôn;
Đạo ấy là hồn linh bất diệt,
Đạo đời xa cách khó sinh tồn.

            Các con! Cuộc tuần huờn không ngừng lại để cố định một thời gian, mà nguơn phản cổ không phải là nguơn tận diệt. Những thảm trạng ngày nay là luật nhân quả của sự vay trả của mỗi cá nhân đã thành

cọng nghiệp khi tái tạo dinh hoàn.

THI BÀI:
            Mẹ nhìn chiếc lá Thu rơi,
Xót thương con trẻ trong thời Hạ Nguơn.
            Sống cuộc đời bao cơn thống khổ,
            Khổ của đời đến độ gian nguy;
            Động lòng Kim-Mẫu Diêu-Trì,
Lâm trần giữa lúc Thu về với con.
            Còn Xuân Hạ thì còn Thu tới,
            Tới hồng trần để gởi niềm riêng;
            Hồng trần đang lúc đảo điên,
Tang thương cảnh vật, ngửa nghiêng đạo Trời.
            Mưa Thu rưới cho vơi lửa Hạ,
            Trăng Thu soi mát cả lòng người;
            Hương Thu nhụy thắm hoa tươi,
Lòng Thu Thu vẫn vì đời thiết tha.
            Đời là chỗ phù ba vật chất,
            Con vào đời đắc thất dinh hư;
            Kim thân nung giữa lò cừ,
Vàng mười giữ vẹn chơn như mới còn.
            Con hiểu Đạo là con giải thoát,
            Hiểu Đạo rồi con đoạt thiên nhiên;
            Dầu con sanh cõi hậu thiên,
Tánh hằng Thượng-Đế ban riêng mỗi người,
            Cơ Tạo Hóa thuận thời sanh hóa,
            Lý vô vi nghịch giả vô sanh;
            Cũng trong cái Đạo lập thành,
Pháp luân thường chuyển vận hành càn khôn.
            Nào những bực Thế Tôn vô thượng,
            Nào những hàng danh tướng vĩ nhân;
            Cũng đều sanh ở trong trần,
Song tu tánh mạng giữ phần chấp trung.

            Mùa Thu đến với các con để điều hòa vạn vật. Các con hãy vui lên, nhận lãnh lời Mẹ dạy để làm phương châm trên quãng đường đi đến cuối Đông.
            Các con ôi! đời không có loạn ly con không mơ ước hòa bình, nếu không có đau khổ thì người không khát vọng điều an lạc.
            Nếu các con muốn được hòa bình an lạc, thì con hãy nhìn nhận chơn lý, hãy tạo lại lòng nhân để làm phương châm cải thiện cho cá nhân mình. Các con ôi! Chơn lý là đâu? Lòng nhân là gì? Mỗi đứa đều có hết cả.

THI:
Lý là lý tánh của Trời ban,
Cho trẻ làm người ở thế gian;
Tánh chẳng lập qui, tâm chẳng thiện,
Người không nhân nghĩa, thế không an.
Lòng nhân bền bỉ như dòng bạc,
Ý ngụy tiêu ma tợ lá vàng;
Chơn lý lòng nhân đem thực hiện,
Bên con sẵn nẻo đến Thiên Đàng.

            Hỡi các con! học Đạo, hành Đạo, các con hãy ý thức điều này: Mẹ là sự sống và trong sự chết. Ở đâu có sống có chết là có Mẹ. Mẹ không khởi điểm và không tận cùng. Không hẳn ở đâu có Thánh Thể của Thầy là phải có Cung Vàng của Mẹ. Chính Tòa Thánh, vì là tượng trưng biểu thị nên phải đủ đầy nghi thể đó thôi. Các con đừng tưởng ở đâu đều cũng phải như vậy.
            Con ôi! Mẹ vẫn biết các con càng khổ lụy lại càng nhớ đến Mẹ. Có thể ví Mẹ như Từ Mẫu hằng ngày gần gũi bên con chắt chiu nâng đỡ, an ủi, dỗ dành lòng con. Mẹ đã bù lại bằng ân huệ vô biên khi các con nên người và hiểu Đạo.
            Nhưng hỡi con! Nơi đâu có Thánh Thể của Thầy là đã có Mẹ bao vòng trong và ngoài ngôi Thánh Thể ấy, vì Mẹ là Vô Cực Vô Vi. Nên từ đây về sau, các con đừng có ý tạo ngôi Diêu Trì Bửu Điện song hành với ngôi Thánh Thể là sai lý Đạo nghe con. Những nơi nào đã có rồi, hay thay vì lòng tưởng niệm, các con được phép tượng trưng và hãy dùng đó làm nơi cứu khổ cho nhơn loại chúng sanh.
            Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu có đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.
            Mẹ không nắm quyền sanh phạt các con. Ngược lại. Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ, tha thứ, sinh dưỡng, bảo tồn, tất cả đều là Mẹ. Các con có nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng?

TIẾP BÀI:
            Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận.
            Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
            Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.
            Ôi! Thế sự ngày nay không thể,
            Lòng chúng sanh càng kể càng đau;
            Tình thương biết nghĩ làm sao,
Hố thù vực hận không đào mà sâu.
            Cùng một nhà thương nhau đùm bọc,
            Cùng một đoàn chí dốc đỡ nâng;
            Binh nhau vì một giống dân,
Giúp nhau vì một tình thân đạo đồng.
            Ngoài gia đình thì lòng không nghĩ,
            Ngoài tập đoàn không ý giúp vùa;
            Không tình dân tộc không ưa,
Không đồng tôn giáo không vừa tình thương.
            Lý do đó tạo đường nghiệp quả,
            Thế nhân rồi mất cả từ tâm;
            Giàm danh khóa lợi giam cầm,
Làm sao nhơn loại muôn năm thái bình?
            Hỡi con ôi! Đây tình Từ Mẫu,
            Có con nào hiểu thấu lòng Già;
            Gieo mầm bác ái vị tha,
Tu thân học Đạo cho hòa vạn dân.

            Từ đây về sau, các con nữ phái hãy bảo với nhau làm sống dậy tinh thần đạo đức, đem lý trí phục vụ lương tri, để vun trồng hạnh phúc chung cho con và nhơn loại. Các con không nên dừng bước trên đường hành Đạo trong khi mọi người đang đau khổ, mà cũng chớ nên đi hẳn trên đường vật chất, đem ủy mị làm cho nhụt chí râu mày. Các con hãy xây dựng lại Nữ Chung Hòa để đào sâu giếng nước giữa bãi sa mạc, để biến thành đám ruộng phì nhiêu và hãy gieo lên hạt giống lành cho mai hậu.
            Các con có kinh khủng khi nhìn thấy các giống vi trùng độc đã lan tràn trong thế hệ này chăng? Nếu các con không sớm đem sở năng đạo đức của mỗi đứa để thực hành phổ tế, tìm phương pháp chữa trị kẻ bịnh, và tách rời đứa mạnh ra khỏi những khung cảnh bịnh hoạn, thì ngày kia con sẽ thấy những cảnh hãi hùng trong cơ hủy diệt.
            Con ôi! Hãy dốc vươn lên khi triền đi xuống…
            Không một Thánh Ngôn nào Tiên Phật bảo rằng tiên tri, nhưng đứa nào biết hãy giữ lấy…
            Bao nhiêu lời dạy đó đủ rồi, Mẹ ban ơn lành toàn thể các con vui vẻ một mùa thu đầy ý nghĩa, đầy đạo lý, đầy lòng nhân. Từ giã các con, Mẹ hồi Diêu Điện, thăng.

PHỤ CHÚ

lý trí chế ngự lương tri: Lý trí: nhận thức , phán đoán bằng cảm quan , kinh nghiệm, bằng sự phân biệt ta người, hơn thua, tốt xấu. Lý trí thường có tính chủ quan.Lương tri: nhận thức bằng lương tâm, phán đoán khách quan, vong kỷ, không lệ thuộc cảm tính

Thiên Địa tuần hườn, châu nhi phục thỉ: trời đất chuyển động lập đi lập lại, giáp vòng thì trở lại chỗ khởi đầu. Câu nầy nói về qui luật của vũ trụ được diễn giải bằng những câu: “ Thu Đông rồi cũng sang Xuân Hạ” hay “ Còn Xuân Hạ thì còn Thu tới”

cọng nghiệp :nhiều nghiệp quả kết hợp lại
dinh hoàn : cõi thế gian
Hiểu Đạo rồi con đoạt thiên nhiên: đọat thiên nhiên: hiểu được qui luật của trời đất. Đó là luật tiến hóa trong vũ trụ: “    Dầu con sanh cõi hậu thiên, Tánh hằng Thượng-Đế ban riêng mỗi người,” Con người tuy sanh ở cõi trần ( hậu thiên ), nhưng ai cũng có tánh Trời tiềm ẩn ( tiên thiên), nhờ đó có thể tu hành siêu thoát.

Cơ Tạo hóa thuận thời sanh hóa, Lý vô vi nghịch giả: đây là hai giai đọan thuận nghịch của chu trình vận chuyển của vũ trụ. Giai đọan thuận từ Khởi thỉ là nguồn gốc (vô vi) của vũ trụ , sanh hóa ra vạn vật ( hữu hình, hữu vi) ; giai đọan nghịch  là giai đoan từ hữu vi tiến về vô vi hay bản thể trời đất, tức cõi vô sanh bất diệt.
vô sanh: Không sanh, không khởi. Không sanh thì không tiêu diệt, không có sống thì không có thác, không khởi thì không diệt, đó là chơn lý của Niết Bàn, chơn lý của nền Trung đạo. Ai quán tưởng cho đắc nhập cái lý Vô sanh thì phá vỡ các mối Phiền não, các mối đau khổ dính với cuộc sanh tử: luân hồi, dính với các cuộc phát hiện và tiêu diệt. Chư tu hành đắc quả A La Hán, A La Hán có nghĩa là Vô sanh, Bất sanh thì nhập Niết Bàn. Đối với những vị ấy, cuộc sanh diệt, sanh tử của mình đã dứt, bèn trông ra các pháp, cũng chẳng còn cái tâm sanh diệt. Thật là những vị hoàn toàn đắc nhập cái chơn lý Vô sanh. ( Phật Học Tự Điển – Đoàn Trung Còn )
Lê Anh Minh giải thích hai câu trên:
«Cơ Tạo Hóa thuận thời sanh hóa,
Lý vô vi nghịch giả vô sanh.»
(giả chứ không phải giá).
thời = thì ;
sanh : sinh
vô sinh : không còn tái sinh, tức là giải thoát (đồng nghĩa với vô lậu ).
nghịch giả : kẻ chuyển động ngược lại.
Chữ giả này có chức năng giống như chữ giả trong : học giả, hành giả, sứ giả, v.v... ám chỉ « cái hay người làm việc gì ».

Hai câu này minh hoạ lẽ Đạo vốn được trình bày qua Thái Cực đồ và Thái Cực đồ thuyết của Chu Liêm Khê.
Về sau này, Bs Nguyễn Văn Thọ tóm tắt bằng hình vẽ :

Pháp luân thường chuyển vận hành càn khôn: Pháp luân :  Dharmachakra
 Bánh xe Đạo lý. Pháp luân tức là Giáo pháp mà đức Phật vận chuyển. Bánh xe là tượng trưng Giáo pháp của Phật, cũng như Hoa sen là tượng trưng quả vị của Phật.
Cũng như bánh xe lăn tới trước chớ chẳng thối lui, giáo pháp mà Phật thuyết ra đưa chúng sanh lên đường tấn hóa, lên cõi Giải thoát. Cũng như bánh xe lớn lăn tới đâu thì diệt sạch các gai cỏ, Giáo pháp mà Phật thuyết ra có thể dùng để diệt tận các phiền não, mê hoặc. . . .( Phật Học Tự Điển – Đoàn Trung Còn )

Pháp luân trong phạm trù vũ trụ có nghĩa là nguyên lý vận hành hay Đạo lý (nghĩa rộng) thúc đẩy cuộc sanh hóa và tiến hóa không ngừng trong vũ trụ vạn vật.

Càn khôn : tổng thể vũ trụ hữu hình lẫn vô hình, tiên thiên lẫn hậu thiên. Trong phạm trù con người, càn khôn chính là tiểu vũ trụ nhân thân mà con người có thể dùng đạo pháp vận hành trong nội thể để tiến hóa trở nên bậc chơn nhơn hay thánh hiền. Nói theo đạo thơ, đó là song tu tánh mạng.

Mẹ là sự sống và trong sự chết. Ở đâu có sống có chết là có Mẹ.

Mẹ không khởi điểm và không tận cùng:

_ Mẹ là sự sống và trong sự chết.: Mẹ là Bản thể vô cực nên sự sống và sự chết đều được bao hàm trong lòng Bản thể. Bản thể thì thường hằng bất biến, sự sống sự chết thuộc về vô thường, chỉ là những biến dịch nhất thời.

_Ở đâu có sống có chết là có Mẹ: Cõi có sống có chết là cõi trần gian, cõi ta bà, là thế giới của vạn hữu, vạn vật. Đức Mẹ là tình thương vô cực bao trùm vạn sanh vạn vật, tình thương đó chan rưới mọi lúc; mọi nơi; mọi người, mọi vật, không phân biệt. Nên Đức Mẹ dạy: Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu có đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.”
_Mẹ không khởi điểm và không tận cùng: tức là tự hữu và hằng hữu, Phật gọi là Bản thể chơn như; không do cái gì sinh ra, không bởi cái gì làm kết thúc. Trong bài viết NIẾT BÀN TRONG TRUNG QUÁN LUẬN của Giáo sư Trần Ngọc Ninh có đọan: “Niết-bàn và tất cả những gì trong cõi Niết-bàn đều ở ngoài vòng nhân duyên nên không có sự tương liên tương đối và không có sự sinh sự tử; vì lẽ ấy cũng không có sự tái sinh và luân hồi. Niết-bàn không hiện hữu và là cõi vô sinh.

    BAN BIÊN TẬP

Thư Viện 1      4   5