Thánh Giáo của
Đức Phù Hựu Lữ-Thánh Đế Quân


Ớ trò! Ớ các trò! Hãy đem lời ta dạy truyền trao lại cho anh em các bạn trò, nếu ai muốn giữ gìn Chơn-Lý thì phải để lòng nghe kỹ những lời ta sẽ nói sau đây mà suy xét chín chắn trong Tâm mình , đặng trau Tánh xưa của Trời ban phú, phòng có ngày đến chốn Đại-Đồng, giáp mặt Đức Chí Tôn không còn hổ ngươi rằng là không đáng mặt con cái của Người; vì đương buổi cuối cùng như bây giờ, tai trời ách nước, sanh dân điều đứng chung trong một hoàn-cảnh với nhau, nên đều phải chịu cảnh khốn-khổ như nhau; kẻ lao tâm, người lao lực, giải nắng dầm sương, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới vừa đủ mà chi độ là may. Còn những kẻ ỷ thế hiếp cô, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ giàu hiếp nghèo, ỷ khôn hiếp dại, ỷ hơn hiếp thua, thì cũng đều là đồng một loại người với nhau, mà sao chẳng biết thương nhau, lại đành phá hại lẫn nhau? Xét cho chí lý, đều bởi cái lòng tham lam mà ra. Kẻ tham công danh, người tham phú quí, nên mới gây ra những điều công-lý nói đến đều phải thương tâm. Rắn là độc, hùm là dữ, nhưng còn hiền hậu hơn lòng dạ của con người.
Các trò thử nghĩ, từ xưa tới nay biết bao nhiêu kinh sách của các vị Tiên Thánh giáng bút dạy đời, chỗ nào cũng có, nước nào cũng có, là cũng trông mong cho đời sửa đổi phong-tục tàn-ác, khốc-hại ấy đi, đặng đem về Tánh lành của Trời ban phú. Ta đây cũng vậy, cũng đã từng đi theo sau, rung chuông gõ mõ, ráo lưởi khô môi, khuyên đời sửa mình, noi theo đường ngay lẽ phải, lánh dữ làm lành nhưng than ôi, đến ngày nay chưa thấy ai kể đếm đến.
Thương cho một nỗi khác nữa, là tót trên trăm năm nay, có một bọn mượn danh hiệu của Ta, xưng mình là thầy, gọi mình là tổ, kiếm phương-pháp dẫn người tu hành một cách dối-trá, nào là thiêu-đơn luyện-hống, nào là giáng-hổ thăng-long, ma chẳng ra ma, Phật không nên Phật, bốc lột cướp thâu tiền bạc của người, khôn còn con số nào mà đếm cho được, toan làm những việc chống trời vọc nước, vạch đất, thét vàng, nhen lửa, đổi gió, rốt cuộc rồi thì chỉ thấy chốn Phong-đô phải lo cất thêm ngục mới.
Ta vì khóa cửa động chẳng bước ra ngoài đã trót có ba trăm năm rồi, ngày đêm lo bồi bổ Chơn-Ngươn nên không hay không biết việc ấy. Đức Thượng-Đế quở ta về tội để cho nhơn-gian mượn tiếng làm việc trái ngược Đạo-Lý chơn-chánh của Trời,
dạy ta phải lo chấn-chỉnh lại.
Năm rồi, có đôi ba trò nơi Tòa-Thánh của Giáo-Hội Ngọc-Hoàng Đại-Đế, thành tâm thượng sớ cầu khẩn xin người Giám-Đốc Đạo-Tràng, đặng khêu tỏ ngọn đuốc Chơn-Lý của Đại-Đạo. Đức Ngọc-Đế y phê, phú cho ta lập công đền tội.
Ta vì vậy, nên phải giao động-phủ lại cho Liểu-Chơn-Quân cai quản, liền vén mây xem xuống trần-gian, thiệt thấy phong tục đã suy tồi, nhơn tình thêm dối trá, đua chen nhau, xô đẩy nhau, tranh giành nhau, dốc lòng làm những việc phạm luật Trời phép nước mà lại vui cười. Ôi thôi! Biết nói sao cho cùng! Coi lại thì thấy dưới cái bóng mặt trời kia, biết bao nhiêu là tấn tuồng cay nghiệt bởi lòng sâu cay độc ác, của con người gây ra. Lòng người đã như thế rồi, biết nương nơi đâu mà dạy bảo cho được nữa.
Ta đến nơi Ngọc-Hư-Cung xin phép Chưởng-Giáo Đại Sư-Bá vào lục nơi Tàng-Kinh Bữu-Viện, thì thấy những bổn thảo kinh sách và những lời vàng đá của Tứ Đại Thánh-Nhơn cùng chư Tiên Thánh giáng bút dạy đời chất đống, nếu muốn chuyên chở đi thì phải dùng sứ đến trăm voi, kéo không muốn nổi! Ôi thôi Trời Đất nào có hẹp chi với người, mà người nỡ phụ lòng Trời Đất! Kinh sách ban hành ra thì cũng ham coi, nhưng coi qua rồi kẻ thì chê là dạy rất tầm-thường, kẻ thì chê dạy theo lối xưa, không hạp với thời-đại ngày nay, kẻ thì gọi mình đã cao thượng rồi, nên đam lòng kiêu ngạo phê bình vào, đặng khoe tài hay với chúng bạn. Cũng có kẻ ham đọc, đọc chưa rồi trương, thì thấy co ma ngủ nó đã trì níu, có khi cũng chăm chỉ đọc, song đọc thì đọc, kinh dạy một nơi, việc làm một ngả, thành ra kinh là kinh mà người cũng là người. Than ôi! Kinh dạy đời là vụ cho đời bỏ thói mê, sửa đổi trau giồi cái tâm phàm cho nên Tâm Thánh mà thôi, dầu cho trước sau cũng vậy, xưa nay cũng vậy, có cuốn Chơn-Kinh nào dạy người việc chi khác lạ nữa đâu, bởi Tâm người quá vọng, ham ước những việc cao xa viễn vong mà quê rằng cái xác thân nầy vẫn còn tanh hôi chưa cổi, lại đành chê rằng kinh sách thấp thỏi, coi lắm hóa nhàm, đành để những lời châu ngọc của Trời Đất dạy đặng làm vật nuôi cho no bụng loài sâu, kiến, mối, mọt. Ôi thôi! Đọc kinh sách mà chê cũ, chê xưa, chê thường, mà không chịu xét để sửa mình, thì khác nào kẻ đói thấy cơm không chịu ăn, kẻ lạnh gặp áo không chịu mặc, mà lạ trách Trời phiền Đất sao nỡ để cho mình lạnh mình đói!
Kinh sách của Trời Đất hoặc giáng thế kim khẩu dạy ra, hoặc giáng cơ thần bút ghi chép, đều là những lời dạy người coi học đặng suy xét tìm kiếm những sự lỗi lầm, tì tích trong Tâm, phòng tìm phương thế sửa mình cho trong sạch mà bước đến địa vị Thánh Hiền. Thử xét coi Tứ Đại Thánh Nhơn lúc sanh tiền dạy người nói theo bực thường, thì không ngoài hai chữ Hiếu Để, dạy theo bực cao thì không qua hai chữ Tâm, Tánh, dẫu cho muôn vàn lời dạy, thì cũng trọn lòng dạy người phải tuân theo bôán chữ ấy mà tu thân. Nếu thân nầy không sửa cho xong được, thì trông chi đi đến bực nào? Dầu cho Tứ Đại Thánh đã qua đời rồi, thì chư Thần Thánh ngày nay giáng búùt dạy đời cũng chẳng ngoài bốn chữ ấy. Thương hại thay cho người đời, kinh sách thấy chất chứa đầy rương đầy gác, mà hỏi lại thử coi, thì một chữ chưa thông. Đã chưa thông một chữ, nhưng mà thuộc làu cả muôn vàn cuốn kinh. Thuộc đặng chi vậy? Thuộc đặng khoe danh rằng mình thuộc kinh nhiều, cho người đời kỉnh phục. Hỏi bằng cớ sự làm, thì chỉ đem sự trì trai giái sát làm bằng chứng. Ôi thôi! Kẻ gọi mình là người tu hành đến bực Tối Thượng Thừa mà chỉ biết có bao nhiêu đó làm bùa hộ thân, thì có khác chi kẻ muốn ra làm quan chỉ biết lão thông năm xe kinh sử, dốc học cho thuộc lòng đặng đến trường mà tranh giải cử, đến khi đậu được ra làm dân-Mục, thì chỉ biết viết, biết nói những lời Minh-Đức Tân-Dân! Hỏi lại trong Lương-Tâm, vậy chớ lời nói và việc làm co giống nhau không?
Cái tục ham học đặng khoe danh mua chức như vậy, lẽ thì để cho bọn làng văn nó làm, vì lòng nó còn tham công, danh, phú, quí, thương thay cái tục ấy nay nó đã tràn lan qua tới làng Đạo-Đức rồi, nghĩ cũng thêm thảm!
Làng văn biết nói Minh-Đức Tân-Dân, mà chẳng biết Trung Hiếu Liêm Sỉ, làng Đạo biết nói Trì Trai Giái Sát, mà không biết Tâm Tánh Định Huệ, thì dầu cho thuộc cả muôn kinh ngàn sách, điếc cũng còn câm, mê cũng còn mộng. Một dạy mười, muời dạy tram8, dạy cho nhiều, nhóm cho đông, đặng thành một cái tục điên cuồng, chớ có ích chi, nói lắm càng thêm chua xót!
Ta nay vưng lịnh Đức Thượng-Đế đến đây nhắc nhở dạy dổ các trò, trò nào có duyên muốn tìm Đạo, khuyên hãy chẩm rãi chín chắn nghe theo lời ta chỉ bảo mà làm theo thì một ngày kia cũng sẽ đem mình đến Ngọc Kinh, Bổn-Thân chầu Đức Thượng-Đế như ta vậy.
Bởi ta dạy đây, chỉ dùng văn tầm thường, công việc tầm thường, không dùng lời cao xa, không dùng việc làm quái gở, miễn sao cho cát trò hãy vưng theo mà làm cho được. Đến chừng các việc tầm thường thấp thỏi nầy mà các trò làm được xong rồi, khi ấy ta sẽ chỉ cho thêm. Việc học càng ngày càng tới, việc nhỏ việc thường làm chưa xong, trông chi việc lớn việc cao làm được. Ví dụ như con chim, trước khi bay liệng cao tột mây xanh, thì nó cũng phải năng tập nhịp cánh, chừng biết sập-sận được rồi, lần lần ban đầu bay gần bay thấp, thủng thẳng một ngày một quen, sau mới có thể bay xa bay cao. Các trò ngày nay, đường Đạo thì nghe nói chớ chưa thấy, có trò tuy thấy được chút ít, nhưng chơn chưa bước đến được tới thềm, vậy thì làm sao mà gọi rằng biết được? Các trò còn đương đóng cửa nhà mình, mà muốn bàn luận công việc kẻ đi đường nói chuyện vượt biển trèo non, thì biết sao mà bàn cho trúng? Nếu bàn chẳng biết ai nói đó, người nói đó quả đã có đi đến và làm đến, hay là người ấy cũng là người nghe nói mộng, tưởng mộng đặng bàn cãi với nhau trong lúc đi đường mà các trò nghe mộng theo? Nếu trong các trò, có trò nào như vậy, thì nào có khác chi kẻ muốn đi xem trò, mà chẳng chịu bước tận đến mặt kẻ đóng vai, cứ ở nhà nghe kẻ đi xem về thuật lại, ai khen hay thì khen theo, ai chê dở cũng chê theo, mà khen chê lại chế thêm giọng mặn lạt, cho người tin rằng mình thật đã đến tận tại chầu, làm như vậy nếu gặp kẻ chẳng biết thì nó tin theo cũng gọi là được cho, thoảng gặp tên kép có đóng vai, thì các trò mới định làm sao với nó? Các trò có được phép trách bầu gánh, hay người chủ rạp sao không dắt các trò đi coi hay không? Nếu các trò mà có trò nào như vậy, thì nào có khác chi con chim con kia còn đương ở tại ổ, đóng trong dám cỏ lau, cánh lông chưa mọc, một con bò mắc đậu đến, thì đã đau rồi, lạ muốn bắt chước chim mẹ bay liệng giữa trời trống mimh-mông, ước có được cùng không? Ví dầu có ai chìu theo lòng nó muốn, đem để nó trên tận nhành cao đặng nó coi trời, thử hỏi nó có thấy được trới ra thể nào không? Nó có đứng vững được hay không? Hay là nó đứng đó đặng làm mồi cho loài ó, loài diều, hay làm vật nuôi cho ruồi cho kiến? Nếu đến nước đó, thì nó có trách ai đem nó đứng trên nhành cao làm chi, có được không?
Ta nay cũng vì hết lòng muốn dìu dắt các trò cho đến nơi đến chốn, chẳng vội đem để các trò trên nhành cây cao, trước khi các trò chưa đủ lông đủ cánh, chưa biết tập nhảy tập bay, nên ta chẳng nệ tiếng trò nào chê bai rằng dạy diều tầm thường thấp thỏi. Ta khuyên các trò hãy bền chí nghe theo ta thì được. Kẻ đương say mộng, chớ nên kêu la lớn tiếng làm cho nó giựt mình, e nó phát cuồng là vậy đó.
Ta lúc còn ở thế, tánh cũng như cá trò ngày nay vậy, muốn tọc-mạch dò kiếm những máy mầu nhiệm Trời Đất, sách nào ta cũng coi, kinh nào ta cũng đọc, không chê một lời nào của bực trước ta hay là bực đồng thời với ta; nếu gặp được một câu nói nào có ý nghĩa cao sâu, ta đều trù-nghĩ chín chắn, chẳng vội phê bình, chẳng kể vì lời của kẻ nghịch ý ta, mà ta bỏ, chẳng lượm lặt góp nhóp đặng đem vào trí-nảo của ta mà làm thêm tài liệu cho ta trong việc học Đạo. Các trò phải nghĩ rằng: Đạo của Trời lập ra dạy đời, chẳng khác nào con đường của Vua đắp; Vua đắp đường là vụ cho dân biết đường mà đi cho đến chỗ đô-thành nào của Vua đã lập cho dân tựu tập. Những chỗ đô hội nào có lịnh Vua cho phép tựu-tập thì chỗ ấy là chỗ chánh, kẻ lương dân đươb5c phép đến đó tự do mà lập gia-trụ, hay lui tới mà chuyên việv nông tang, thương-mãi, kỹ-nghệ. Kẻ có vốn nhiều thì đến nơi đô-thành lớn, người vốn ít thì đến thành thị nhỏ, miễn là do theo đường chánh, lẽ ngay mà làm, đừng theo thói gian tà xảo quyệt thì thôi. Hễ ai biết nhằm con đường phải của Vua đã đắp ra đó, thì đi trúng chỗ mình muốn đi đến, đi đến rồi mà tuân theo luật lệ nhà Vua mà ở, gìn giữ sự tật tự của người thay mặt nhà Vua cai trị, thì lo chi chẳng đặng bình an tất phát.
Đã biết con đường chánh ấy là của nhà Vua đắp, đô-thành thị tứ ấy là nhà Vua lập, người cai trị ấy là của nhà Vua phong, những bực dân cư ấy đều là người con dân của nhà Vua ở, nhưng mà kẻ nào chưa từng bước ra khỏi nhà, cũng phải coi chừng con đường mà đi mới được, chớ thấy hễ có đường đắp mà đi bướn, e phải đi chẳng nhằm đường của lương tâm mình muốn đi, mà phải mang hại, vì vậy nên hễ người nào muốn xuất thân ra đường, trước hết là phải có người thạo đường dìu dắt cho, thì đi mới trúng, cũng đừng quá tin nơi mình biết coi địa-đồ, hoặc tin nơi mấy tấm thẻ dẫn lộ ấy mà đi càn; thoảng hoặc không ai dẫn lộ cho, may mà đi trúng nhằm đường, đến nhằm nơi, lại còn phải đề phòng kẻ giả mạo quan sai hoặc giao-du với phường không lương thiện, ngọt mật giết ruồi, đánh lừa mà thâu hết vốn liến, đến chừng biết dược thì ăn năn không kịp, chừng ấy mới tỉnh lại tiếc vì lúc trước ra đường, ỷ mình là người thông minh, nên chẳng chịu cần người dẩn lối, tiếc như vậy có ích chi chăng?
Các trò cũng dư biết rằng con đường của Vua đắp thì có một đường thẳng, từ đông chí tây, hoặc từ nam chí bắc, đều nổi luôn nhau, mà đô-thành của Vua lập thì nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều trạm, đâu đâu cũng đều chia ra có nhiều thị-thành, hương-ấp, lân lý, nếu người nào không thuộc đường, trông chi không lầm lộn được, nếu người nào không phải là người đã có từng trải đường đời, thì tránh sao cho khỏi mắc kế những bợm lừa nó dẫn theo đường quanh lối lộn. Lấy đó mà suy, rất đỗi con đường trước mắt dễ thấy, con người trước mắt dễ nhìn, mà nếu có ai chẳng phải là người từng trải còn phải lầm phải lộn, phải bị nhiều kẻ gian-xảo, quỉ-quyệt gạt gẩm, cho đến đỗi phải hoặc hư thân mất nết, hoặc phá sản khuynh gia thay, huống chi con đường Đạo, là con đường con mắt lỗ tai các trò khó thấy khó nghe, thì lấy đâu mà phân biệt tà chánh cho nỗi, mà các trò chẳng gia tâm để ý đến?
Cũng thì một con đường của nhà Vua dắp đó, mà kẻ gian còn lập ra nhiều thế chia tẽ, đặng ngánh ra nhiều con đường khác mà gạt người cướp của được thay. Thương hại thay cho đời, xe trước đã ngã, xe sau không chừa, cũng cứ lầm lủi chăm chúi vui nghe theo những chước phỉnh lời phờ của bọn gian, mà chẳng chịu nghe theo lời phải của người thônh thạo chỉ dẫn. Đã biết rằng lời ngay sao cũng trái tai, nhưng sao chẳng xét kỷ lại coi thử lời ngay ấy và lời ngọt dịu kia, lời nào có bổ ích cho công việc của mình toan tính?
Đường đi trên con đường đời, chẳng phải có một đường bộ là phải đễ ý cho khỏi bị những sự lường gạt mà thôi, cũng cò nhiều con đường khác, như đường nước thì có sông có biển, đường rừng thí có núi có truông, đã biết mỗi nơi thì nhà Vua cai trị cũng đều có sắp đặt đề phòng cho có đồn, có ngữ đặng phòng thủ giùm cho kẻ lương dân, song bộ cũng có cướp bộ, mà thủy cũng có cướp thủy, nếu kẻ đi đường hớ-hinh, hoặc ỷ mình một chút, liền thấy sự hại theo tay. Đã biết sông, biển, rừng, núi kia là của Trời lập ra, chẳng ai giả mạo được, nhưng sự lầm lạc nọ là tại nơi người chớ nào phải tại nơi Trời đâu!
Người sanh ra ở đời, mỗi người đều phải có một cái mục-đích, muốn đi cho tới cái mục-đích của mình định cho mình ấy, thì phải cần có một con đường, song con đường của mình định đi ấy, thì phải lựa con đường cho ngay thẳng, cho bình yên, cho chánh đáng, thì sẽ để chơn vào. Con đường ấy nếu nói ra tiếng chữ thì kêu là Đạo, vì chữ Đạo nghĩa là Đường. Trời muốn làm cho nên Trời, thì Trời cũng phải giữ gìn cái mục-đích của Trời, và luân-chuyển theo con đường của Trời đã định, chẳng hề được phép sai chạy phân hào, nếy sái một ly, thì Trời kia cũng phải sập; Đất, Nước, Núi, Non, Sông, Biển chi cũng đều phải tan rã, huống chi Người muốn làm cho nên Người mà chẳng chịu gìn giữ cái đường làm Người cho chánh đáng?
Các trò tự bấy lâu nay thường nói rằng: “Tôi học Đạo, Tôi hành Đạo”. Vậy ta nay xin hỏi: Học Đạo nghĩa là chi? Hành Đạo nghĩa là chi? Biết nói Học mà khôn chịu Hỏi, chịu kiếm, vậy thì học với ai? Vì hễ Học thì phải Hỏi, và phải kiếm phải xét, mới gọi là người biết Học.
Ngày nay, các trò muốn Học Đạo, vậy nên Ta chỉ con đường Đạo cho các trò, khuyên hảy ráng gia công nghe theo, chớ chê rằng lời Ta nói đây là tầm thường mà bỏ qua.
Các trò đã đội Trời đạp Đất làm Người, rất xứng đáng Ngôi Tam Tài rồi, Ta nay thử hỏi: Vậy các trò đã chọn con Đường nào chưa? Bởi Học Đạo thì phải Hỏi, phải kiếm con Đường cho phải, cho rõ, cho biết mà học; còn Hành Đạo là đi trên con Đường của mình đã kiếm, đã Hỏi, đã Biết rõ rồi đó mới đi. Vậy nay các trò định phải đi trên con Đường nào?
Ta từng nghe người trên thế-gian hay xưng mình rằng: “Tôi học Đạo Tiên, tôi học Đạo Phật”. Cũng có người lại nói: “Tôi tu theo Đạo Tiên, tôi tu theo Đạo Phật”. Chớ không nghe nói rằng: “Tôi tu theo Đạo Thánh”. Cớ sao Đạo Tiên, Đạo Phật thì người chịu Học, chịu Tu, còn Đạo Thánh thì người chịu Học mà không chịu Tu? Đã không chịu Tu theo Đạo Thánh, mà lại chịu xưng mình rằng mình là người Đạo Nho. Cá trò thử nghĩ coi Tiên là ai? Phật là ai? Thánh là ai ? Hay gọi Tiên, Phập, phải Học phải Tu mới thành, còn Thánh thì phải Học mà không cần Tu? Hay là gọi Tiên Phật có Con Đường đi đến, mà Thánh thì không có Con Đường đi đến, hoặc là khôn cần kiếm Con Đường mà đi cũng đến?
Ta hỏi như vậy, chắc các trò trả lời rằng: “Tiên Phật là Tiên Phật, là một Đấng rất tôn trọng, rất thiêng-liêng, còn Thánh là người phàm, vì vậy nếu ai muốn thành Tiên, thành Phật, thì phải học chữ cho nhiều, đặng đọc sách mới hiểu rõ cách tu hành thể nào mà tu mới thành; nên cần phải Học phải Tu; còn Thánh thì phải học chữ cho nhiều, đặng thi làm quan phò Vua giúp nước mà thôi, chớ Thánh không phải là một Đấng Thiêng-Liêng như Tiên Phật, nên không phải Tu mới thành được như bực Tiên Phật vậy. Nếu ai muốn thành Thánh thì phải hay chữ, phải cho thông thuộc sự tích xưa nay, đặng làm sách như Đức Khổng-Phu-Tử, đến khi chết rồi thì vua phong Thánh cho; hoặc là quan mà trung-quân ái-quốc, tử tiết hiển Thánh cho linh-thiên, thì cũng là Vua phong cho mới thành, chớ không nghe ai nói ai Tu theo Đạo nào mà thành Thánh, thành Thần, bao giờ, vì vậy nên không ai Tu”.
Nếu các trò trả lời như vậy, thì các trò đã hiểu rằng: Dầu cho Tiên Phật hay là Thánh Thần, trươc hết cũng là Người ta, có hình vóc như các trò, nhưng khác là Tiên Phật phải Tu mới thành, còn Thần Thánh thì phải đợi ơn Vua phong mới được, chớ không phải Tiên Phật là một Đấng vô-hình, không ai sanh đẻ ra, mà gọi là tiên là Phật được.
Nếu tưởng như các trò, thì con Đường thành Thánh, thành Thần là phải làm làm sao cho được có Vua phong cho sau khi chết rồi, còn con Đường thành Tiên Phật là con Đường nào? Chẳng lẽ đợi học cho hay chữ đặng đọc sách rồi mới biết Tu? Còn trước khi chưa có chữ, thì phải học ở đâu, mà có nhiều người thành được bực Đại Tiên, hoặc cũng có nhiều vị hượt Phật vậy? Nếu người muốn thành Tiên Phật, phải đọc sách mới biết mà học, đặng kiếm con Đường mà tu; người muốn thành Thánh thành Thần, phải đợi Vua phong, vậy thì sách ấy ai làm? Vua ấy là người bực gì? Sao chẳng xét sách cũng là của người dặt để ra, của người viết ra, Vua ấy cũng là con người như mình. Nếu người phải đợi học sách của người đặt thì mới thành Tiên Phật, người đợi người phong mới thành Thần Thánh, nếu quả như vậy thì Chơn-Lý ở đâu? Chẳng lẽ Chơn-Lý cũng phải đợi có người lập ra mới là được nữa sao? Xét lại Thánh, Thần, Tiên, Phật và Vua đều là Người, mà người nầy phải đợi có người kia phong cho, hoặc làm sách mà học,
thì mới được biết con Đường của mình chọn đặng đi đến mục-đích của mình muốn,
vậy thì người nầy hơn người kia là bởi cớ sao vậy?
Thánh Thần Tiên Phật ấy, ai đặt tên ra cho biết mà kêu, Vua ấy ai tôn ra cho có mà đợi? Có phải cũng là người như mình, rồi mình đặt tên đặng kêu,
mà người kia lại trọng, còn người mình thì khinh?
Nay các trò đã chia Thánh, Thần, Tiên, Phật ra làm hai con Đường phải đi mới đến được, một là phải Học chữ cho nhiều đặng đọc sách, hai là phải có Vua phong, vật ta cũng nương theo ý các trò, đặng giải bày rộng thêm ra dễ hiểu cho. Những bực Thánh Thần của các trò tưởng rằng đều là nhờ Vua đời sau phong cho mới được ấy, các trò nào dè đâu các bực ấy đã tự mình làm ra được Thánh Thần cho mình khi đương lúc còn sống rồi, nào cần phải có ai là người đời sau phong cho mới thành được đâu. Bởi người đời sau nhớ lại những công ơn hay là công nghiệp của con Người đời trước đã gầy dựng để lại cho mình nhờ, những người đời sau đều đáng tôn trọng và sùng bái hoài hoài chẳng quên, nên phải dùng những tiếng của Người ấy đã tự gầy dựng cho mình khi lúc sanh tiền, mà người đương đời ấy đã từng tôn xưng cho rồi, đặng nhắc nhở kêu gọi ra cho người đời sau phải đồng kêu một tiếng như vậy, đặng làm gương sự kính trọng, nên phải tôn xưng một cái danh hiệu mà thôi, dùng theo tiếng của người đời trước đã từng tặng cho rồi, chớ nào phải đợi cho người đời sau có phong mới được đâu! Người đời sau nào có phong cho Con Người đời trước được! Như Khổng-Phu-Tử thì đương đời của Ngài, người đã từng gọi Ngài là Thánh rồi. Những bực Trung, Nghĩa thì lúc sanh tiền, người đời cũng đã tôn xưng cho Thần Thánh rồi. Khổng-Phu-Tử, Lão-Tử, Thích-Ca Mâu-Ni, buổi còn đương sống ở thế, thì người đều kêu là Thánh, chớ nào có ai chia ra đặng kêu ai rằng là Thánh. Ai là Thần, ai là Phật đâu! Bởi chữ Thánh nghĩa là Sáng, Tâm Sáng nên mọi việc đều thông hiểi biết được cả thảy. Các trò tại Khổng-Môn và Vua các nước đương thời đều tôn Khổng-Phu-Tử là thánh, nhưng Ngài chẳng dám chịu, Ngài tự gọi mình là người ham học, học thì nhớ, rồi dạy người mà không biết mệt mỏi mà thôi. Ngài lại gọi Thích-Ca là Thánh ở phương Tây, vì Tây Ấn-Độ không có tiếng Thánh như Trung-Quốc, nên gọi những người bực Thánh là Phật, vì tiếng Phật là tiếng nói của người Ấn-Độ; Ngài cũng gọi Lão-Tử rằng Thánh vậy. Các trò xét đó thì biết, dầu cho Thánh Tiên Phật chi cũng đều là Người thông-minh trí-tuệ, ham dạy dỗ người bỏ đường tối theo đường sáng, bỏ đường quấy theo đường phải, bỏ vạy theo ngay, bỏ dữ theo lành, vụ cho mỗi người đều biết sửa mình do theo lương-tâm đặng đi một Con Đường sáng suốt, kỳ cho đến chỗ tận-thiện tận-mỹ mới thôi. Cái chỗ tận-thiện tận-mỹ của Con Người mà Thánh Nhơn dại người sửa mình cho trong sạch mới thôi ấy,
nó chẳng phải ở đâu xa mà khó đi, khó làm,
ấy là cái chỗ mà mỗi người đều có sẵn lúc Trời đã cho gọi là Người rồi.
Người sở dĩ hơn thú vật, là vì có cái “Đó”, thú vật sở dĩ thua Người, là vì không có cái “Đó”. Nhưng chớ tưởng rằng thú vật đều không cái “Đó” hết thảy đâu, cũng có loại, nếu nó tự biết xét lấy nó và lần lần nó đi được đến địa-vị như Người, thì nó liền được cái “Đó” của Trời ban, rồi nó cũng là Người như Người, mà nó cũng còn phải lo sửa mình cho được hoàn như Người một cách, thì Trời nào có phân biệt nó rằng cốt thú, mà Người là cốt Người đâu! Người với thú khác nhau là có cái “Đó” hay không có caí “Đó”, hoặc đã có rồi mà làm cho mất nó thôi. Tiếc vì loài Người không chí kiên-nhẫn, ít ai trước sau như một, hễ có trước, thì không sau. Có sau không trước, mà đến chừng có trước lại được rồi, thì cũng quên sau nữa, vì vậy mới phải quanh lộn xoay vần hoài trong vòng đường quấy, nên mới không được trọn trước sau như một mà hóa ra chịu sự luân-hồi đặng tìm kiếm lại cho được cái “Đó”.
Các trò thử nghĩ coi, có người nào mới sanh ra mà giàu có hay là sang trọng liền hay không? Thật vẫn là không. Ai mới sanh ra cũng vẫn trần truồng như ai vậy. Ấy là sự công-bình và bình-đẳng của Tạo-Vật đó. Sanh ra đã trần truồng mà Cha Mẹ cũng tùy theo bổn-phận , kiếm thế che kín cho, nuôi no cho, dạy dỗ cho, ấy là sự công-bình và bình-đẳng của Cha Mẹ đó. Đứa trẻ thì ban đầu không biết nói, rồi lần lần tự tập mình cho biết nói, ấy là sự công-bình và bình-đẳng của các trẻ đó. Cá trẻ hễ có Học thì có Biết, có Hỏi thì có Thông, cũng như hễ có ăn thì có no, có uống thì có khoẻ, chẳng có đứa bé nào mà không vậy, ấy cũng là sự công-bình và sự bình-đẳng của Hóa-Công vậy. Sự Biết và sự Thông ấy bởi đâu mà có? Có phải là nhờ cái “Đó” của Trời đã ban cho từ khi nào cho đến khi nào, chẳng hề lấy lại bao giờ, nên gọi cái sự Biết đó là “Lương-Tri” (cái Biết đã có sẵn), còn gọi cái Thông ấy là “Lương-Năng” (cái Hay Giỏi sẵn có). Vậy thì mỗi người đã đều có Sẵn trong mình rồi, chớ nào có ai thiếu đâu. Cái Biết cái Thông ấy đều là Thông Biết về con Đường Phải chớ nà có quấy bao giờ! Cái Lương-Tri và Lương-Năng ấy nó ở đâu? Nó đều ở trong Tâm, mà ở trong cái Lương-Tâm, mới có cái Lương-Tri và Lương-Năng được, vì Lương-Tâm cũng là cái Tâm đã có sẵn và gồm đủ sự Biết, sự Thông-Hiểu và sự Phải. Hễ có Biết có Thông Hiểu, có Hay Giỏi về sự Phải, thì nào có Quấy bao giờ? Nên mới trọn đủ điều Phải, không một mảy điều Quấy, nên mới gọi là Lành, vì cái Lương-Tri, Lương-Năng ở trong cái Lương-Tâm ấy nó đều lành lẻ không chút mẽ-khờn, nức-nẻ, tì-tích, răn-ria chi hết; nên Lương-Tâm cũng gọi nghĩa là cái Tâm Trọn-Lành về Con Đường Phải.
Biết được con Đường Phải, theo được con Đường Phải, Thông Hiểu trọn được các Việc Phải, là nhờ cái Lương-Tri và Lương-Năng, nên cũng gọi nó là Tánh; Tánh ấy là “Cái Đó” là cái của Trời ban phú cho đó. Cái Tâm còn phải nhờ sức Người gìn giữ nó cho trọn, thì nó mới trọn lành, trọn phải, bằng Người không cẩn thận kềm chế nó, thì nó sẻ trở nên xấu, ra hư, ra quấy, vì vậy nên Tâm có phải, có quấy, có xấu, có tốt, có hư, có nên, có lành, có dữ, là bởi nơi Người Tạo nó ra, chớ Tánh là của Trời ban cho, chẳng hề có xấu, có quấy, có dữ bao giờ! Trừ ra khi nào Người muốn tập nó thì chịu lấy.
Muốn các trò mau hiểu Tâm Tánh ra thể nào, Ta đem một hột Lúa ra ví-dụ cho các trò dễ bề xét mà tự hiểu lấy.
Trời phải sanh cho có loài Người, cũng như Người phải sanh cho có hột Lúa vậy. Người là Lúa cuả Trời, mà lại là Trời của Lúa. Người sanh Lúa, nào phải vụ có đặng mà ăn nó đâu! Cũng như Trời sanh Người, nào dốc để ăn Người bao giờ. Nhưng mà Người sống bởi Lúa, cũng như Trời sống bởi Người. Người không Lúa thì Người đâu còn, cũng như Trời không Người, thì Trời nào có! Nhưng mà Lúa ấy phải nhờ có Người mới có, cũng như Người nầy phải nhờ Trời mà ra vậy.
Lúa kia đã nhờ Người mới có, mà cũng phải có Đất mới nên, thì Người nầy cũng vậy, là cũng bởi Trời mà ra, mà phải nhờ Đất mà lớn, vậy thì: trong Lúa thì đủ Trời Đất và Người, cũng như trong Người đủ có Trời Đất và Người vậy, vỉ vậy nên Người và Lúa chẳng hề rời rã nhau được. Người phải nhờ Lúa mới sống mà Người chẳng hề ăn Lúa bao giờ. Ta nói như vậy, chắc các trò nói rằng: “Người chẳng ăn Lúa thì Người ăn Gạo, ăn Cơm, Cơm Gạo ấy nó cũng là Lúa chớ chi, vì Cơm Gạo là vật ở trong hột Lúa. Người xay Lúa, nấu Gạo ra làm Cơm mà ăn, thì cũng là Lúa chớ chi?”
Các trò rất lầm, Người nào có ăn cơm bao giờ! Người là của Trời sanh, nào có ăn vật chi của Đất sanh? Người thì phải dùng những món chi của Trời sanh đặng nuôi sống mới phải Lý cho chớ! Cái thân thể của Người kìa, Cái Người kìa, thì mới dùng hột cơm nuôi sống cho, chớ Con Người nào có dùng hột cơm mà nuôi sống đâu! Các trò mảng còn lầm Con Người và Cái Người hoài, hai vật nầy, nếu các trò chưa phân biện ra cho rành được trong mỗi khi các trò muốn xét một cái lý chi, thì làm sao các trò tìm kiếm được Chơn-Lý cho rõ được! Cũng như các trò ham nói Cách-Vật Trí-Tri mà không chịu thiệt Cách-Vật Trí-Tri, có trò chịu Cách-Vật mà không chịu Trí-Tri, cũng có nhiều trò chịu Cách-Vật, chịu Trí-Tri, mà chịu Cách-Vật Trí-Tri những vật hữu-hình mà thôi, còn những vật vô-hình thì lại bỏ qua; cũng có hiếm trò chịu Cách-Vật vô-hình mà Trí-Tri lại dùng Cái Tri của Cái Người mà xét. Nếu như vậy hoài, thì bao giờ mới được gọi là Cách-Vật Trí-Tri theo Tinh Thần? Cái Tri của Cái Người là cái sự Biết sau khi Con Người có cái xác thân nầy rồi mới Biết; còn cái sự Biết trước khi Con Người có cái xác thân nầy, cái ấy là cái Lương-Tri, cái sự Biết sẵn có của Trời ban cho, nó là cái Tánh đó. Nếu Người Biết dùng cái Lương-Tri thì Cách-Vật mới đến nơi Cùng-Tột Sự-Lý của nó. Có dùng cái Lương-Tri ấy mà xét tột những Lý của mỗi vật, thì mới tìm được Chơn-Lý, bằng chẳng vậy, thì là dùng cái Tri của Cái Người đặng xét cái Lý của cái Vật mà thôi.
Phần sau nầy, Ta thấy nhiều trò hay dùng lắm. Bởi phần đông trong các trò hay dùng cái Tri của cái Người đặng tìm cái Lý của cái Vật đã quen rồi, nên quên rằng trong cái tri nó có Lương-Tri. Đã quên tri có Lương-Tri nên lộn Tâm Tánh; quên rằng Tâm có Nhơn-Tâm Đạo-Tâm, cũng như Tánh có Thiên-Tánh vá Tập-Tánh vậy.
Ta nói đây khuyên các trò, trò nào đã hiểu rồi, vậy thì các trò hãy thử nghĩ sao mà Ta gọi Người không ăn cơm gạo và các trò ấy hãy xét sao mà ta dùng hột Lúa đặng ví dụ Tâm-Tánh cho Ta nghe thử coi. Đem một việc tầm-thường như vậy hỏi thử các trò,
coi trò nào chịu Trí-Tri hay là trò nào chịu Trí Lương-Tri cho Ta rõ,
rồi Ta sẽ chỉ lại sự Tầm Thường ấy cho mà hiểu lần trước đi.
Bấy nay, tự bấy nay và tự bấy lâu nay, các trò hễ trò nào muốn bước vào đường Tu, thì trong lòng đã sao cho được làm Thánh làm Thần, làm Tiên làm Phật. Nên phải lo Tu. Aáy là cái Tâm của các trò rất tốt đó, vì là các trò dốc lòng làm cho được Người tốt, Người lành, người trọn tốt, Người trọn lành, Người trọn tốt trọn lành đó. Ta cũng nên khen cho. Song các trò muốn làm Thánh Thần tiên Phật, mà trò chưa bước vào một bực nào trong năm bực như ta mới vừa kể trên đây, thì làm sao mà các trò bước vào con Đường Thánh Thần Tiên Phật cho được. Trước nay, từ bao giờ cho đến bây giờ, thì các trò mãi chia Thánh Thần Tiên Phật là bốn hạng khác nhau, vì gọi rằng trong ấy Thần là bực nhỏ hơn hết, kế đến bực Tiên, rồi đến bực Thánh, lớn hơn hết là bực Phật, mà rốt lại, các trò còn cho rằng Phật còn lớn hơn Trời. Mà nếu có ai hỏi trò Trời là chi, thì các trò không có trò nào biết đâu mà chỉ, mà cắt nghĩa, một cứ gọi cái Không Không, Xanh Xanh, Biệt-Mù phía trên ấy là Trời mà thôi. Có trò cũng gọi bướng rằng Ngọc-Hoàng ấy là Trời. Còn nếu có hỏi Phật Thánh Tiên Thần là chi, thì cứ chỉ cho những bụt gỗ, hoặc tượng tranh vẽ của những người nước ngoài làm ra, rồi dặt tên người nầy ở xứ nầy, tên người kia ở xứ kia, sự tích phiêu phiêu hưởng hưởng, không biết đâu làm bằng cớ chắc chắn mà nhận vào, mà các trò cũng cứ tin làm thật vậy. Nếu các trò vẫn giữ một cái Tin Vọng Tưởng Vọng như vậy hoài, thì biết bao giờ cho thoát khỏi đem cái Vọng hoài vào mình. Nếu cái Vọng còn dính chặt vào mình các trò, thì bao giờ mới rõ được Chơn-Lý ? Nếu không rõ được Chơn-Lý thì làm sao mà đến bực Thánh Thần Tiên Phật như ý các trò muốn trước khi các trò để bước vào Con Đường Tu. Nếu chưa rõ được Chơn-Lý mà bước vào Con Đường Tu, thì làm sao đi cho đến mục-đích đặng đứng vào hạng Thánh Thần Tiên Phật là hạng của các trò muốn đó ? Hạng nầy còn chưa biết Con Đường đặng đi đến thay, thì còn mong chi biết đặng Con Đường Trời mà ngó vào ? Lỗi ấy tại đâu ? Lỗi ấy bởi ai ? Lỗi ấy tại sao mà ra ?
Ngày nay, Ta đã vưng lịnh Đức Thượng-Đế, đến đây đặng nhắc nhở các trò là người có duyên muốn tìm Đạo. Ta một khuyên các trò hãy dằn cái vọng-tâm, vọng-tưởng ấy xuống, đặng lần lần nghe theo lời Ta chỉ bảo cái nấc thang cho mà bước : nếu các trò vẫn cứ gọi lời ta là tầm-thường nên vẫn bỏ qua hoài, không chịu nghe đặng xét cho kỹ, thì làm sao Ta chỉ cho đến cùng được.
Ta trước đã hỏi con đường đi cho đến mà làm cho được Thánh Thần Tiên Phật, thì các trò đã chia bốn bực ấy ra làm hai con đường rồi, các trò thử nghĩ coi : Con Đường Đạo nào có hai bao giờ ? Nếáu Con Đường Đạo phải có hai, thì Trời phải có mấy ?
Chơn-Lý phải có bao nhiêu ? Nhơn loại phải có vô số hay sao ?
Chớ chi theo ý các trò tưởng, má các trò chịu đem lòng xét thêm đến một nước nữa, cho hiểu rằng : Thánh, Thần, Tiên, Phật ấy vẫn có một, là vì những bực ấy trước kia cũng là Người như các trò vậy, thì các trò liền hiểu rằng các bực ấy với các trò cũng là Một mà thôi, chớ nào phải là năm.
Các trò thử nghĩ đặng xét coi, một con chim, từ khi còn ở trong trứng cho đến lúc biết bay liệng trên các từng mây xanh, thì cũng là Một con chim đó, hay là mấy con ? Chim con nở ra không lông cánh lần lần đến biết bay, ấy là tại sao vậy ? Có ai dạy nó không ? Hay là nó tập nên quen ? Khi nó lớn biết bay, biết chọn cây mà đậu, biết thời tiết, biết phương hướng, biết vầy bầy hiệp bạn, biết thương đồng loại, biết dìu dắt nhau sớm tối, ấy tại sao nó vậy ? Có ai dạy nó không ? Hay là tại nó tập nên quen ? Nếu rằng có ai dạy nó nên nó biết, hoặc là tại tập nên quen, thì cái sự biết và cái sự quen của nó bởi đâu mà ra ? Nó có cần chi phải dùng sách nào để lại cho nó học hay không ? Hay là nó chỉ dùng cái Tánh của Trời ban phú cho nó, rồi nó có sẵn cái Luơng-Tri, Luơng-Năng của nó, nên tự mình nó cất cánh bay cao, và tự mình nó biết Cách từ mỗi Vật, Trí hết cái Tri của nó, đặng nó tránh khỏi bẫy khỏi dò, đặng biết phải cây mới đậu, đặng biết phải vật mới ăn, cùng là đặng biết, biết hết thảy những việc của nó phải biết mà nuôi sống cho nó và dìu dắt cho đồng loại nó ? Từ khi nó ở trong trứng nở ra, đến lúc mọc lông mọc cánh, thẳng đến biết cách dìu-dắt đồng loại nó, có ai đem sức ngoài vào giúp cho nó được vậy, hay là nó nhờ lấy cái sức tự-nhiên của nó nên nó được vậy ? Nó có biết cái sức tự-nhiên của nó bởi đâu mà có hay không ? Hay là nó nhờ nó tuân theo cái sức tự-nhiên đó nên nó mới được tự-nhiên mà biết, mà quen, mà làm theo sự tự-nhiên đó mà thôi ? Còn phần các trò, các trò có biết cái sức tự-nhiên giúp cho nó đó là bởi đâu nó được có hay không ?
Ta hỏi vậy, chắc các trò trả lời rằng : Cái sức tự-nhiên ấy là nơi Trời. Các trò đã gọi rằng cái xanh xanh ở biệt mù kia là Trời rồi, hoặc là vị Ngọc-Hoàng nọ là Trời rồi, thì hai cái vật ấy một cái là cảnh sắc nơi không-trung, còn một cái là cái danh hiệu để gọi một vị Thiên Thần của người muốn tôn-trọng, mà cũng chẳng biết ai là ai, hai vật ấy là hai vật, nào phải là Trời đâu. Nó đã là hai vật, thì nó là hai vật, chớ nó nào phải là cái Lý Tự-Nhiên, thì nó nào có tài gì làm được sức tự-nhiên, mà đến nỗi mỗi con chim từ lúc ở trong trứng cho đến lúc thành tài, đặng theo chỉ dạy cho nó hoài ? Các trò sao mỗi việc cứ ỷ-lại nơi thần-quyền hoài ? Cái thần-quyền, tự-nhiên đã có sẵn có trọn trong mình từ mỗi vật rồi, sao các trò không xét ? Thần quyền nghĩa là một cái Lý Chơn-thật tự-nhiên rất mực Thần-diệu, đã trao trọn quyền cho mỗi sự mỗi vật sẵn có trong mình rồi, chớ nào phải là một vị Thần nào có quyền đặng làm cho chim bay, cho cá lội, cho đất xay, cho nước chảy đâu ?
Các trò nên hiểu rằng : Tự-Nhiên ấy là Lý, chớ chẳng phải tự-nhiên ấy là Vật, còn Trời là một tiếng để dành chỉ chung, hoặc khen chung, hoặc trách chung cho Sự Lý hay Sự vật bởi Tự Nhiên mà có, mà nên, mà hư, nên Tự-Nhiên ấy là tiếng để chỉ cho Lý nơi Trời, chớ chẳng phải để chỉ cho Vật của Trời ; còn Thần cũng là một cái Chơn-Lý bởi Tự-Nhiên mà có. Sự biến hóa thay đổi trong võ-trụ nầy, cho đến đỗi không ai lấy mực thước mà đo lường được, sự biến hóa ấy gọi là Thần ; Thần nghĩa là làm vậy đó, chớ nào phải trên cao-xanh tuyệt vời kia có một vị nào tên là Trời, hay tên là Ngọc Hoàng, có quyền hành, có năng lực, đủ sức thay đổi được kiền khôn thế-giái đâu, mà các trò mỗi việc cứ mỗi đổ trúc cho quyền của vị thần ấy hoài.
Ta nói vậy chắc các trò lấy làm lạ, chắc các trò tưởng và nghĩ rằng ta nói nghịch với Đạo, các trò nào dè các trò đã nghịch hẳn với Đạo tự bấy lâu rồi, vì các trò vẫn quên lời Đức Chí Tôn đã dạy rằng : « Đạo là Chơn-Lý mà Chơn-lý là Đạo », chớ nào Đức Chí Tôn có dạy Đạo là một vị Thần Thánh nào có quền đâu ! Dầu cho có Thánh Thần Tiên Phật nào nữa, là cũng phải do nơi Chơn-Lý của Đạo mới có được chớ ! Mà các Thánh Thần Tiên Phật ấy, lúc sanh tiền cũng phải làm thân Con Người, đã biết do theo Chơn-Lý của Đạo đặng Học và Hành theo nên mới được thành thì nay các trò cũng đã làm thân Con Người rồi, sao các trò lại quên Con Đường ấy đi ?
Ta thường đem lòng khen các trò, biết các trò có chí ham tu lắm, hay bàn luận nên ta thường thấy các trò hay bàn luận với nhau những khoa thông-thần, thông thiên, nên các trò biết chia võ-trụ ra làm mấy từng mấy lớp ; biết toán Trời Đất có ra đã mấy kiếp mấy đời ; và đến bao-giờ phải tan phải rã ; biết luận theo Aán, sáu nẻo luân-hồi ; biết nói theo Aâu, bảy từng khí chất ; nào là chất lỏng chất đặc ; đâu là cõi Phật cõi phàm, hồn hồn phách phách sắc sắc thân thân ; những triết-lý huyền-cơ cũng đem ra đặng phân-biệt được, những trí-tri cách-vật cũng tìm đến đặng giải quyết xong ; thật sự học của các trò rất lấy làm công-phu lắm, thật đáng khen.Tuy vậy nhưng Ta cũng chẳng khỏi có lòng trách các trò một điều, là vì sao những sự-lý viễn-vong như thế, mà các trò chịu gia công tìm kiếm đặng học, đặng nhớ, đặng nói ; còn một cái sự-lý sát-cận mật-thiết trong mình của các trò, là cái mà các trò phải nhờ mà Sống, phải có mới Sanh, sao các trò lại đành quên hẳn, không chịu đem lòng suy xét đặng hiểu, dặng làm cho Sống và cho Sanh thêm ra ? Nếu vậy có phải là các trò ham chuộng những điều cao xa không bằng cớ, đặng nói cho người gọi các trò là học cao biết rộng, đặng làm cho mất thời giờ của các trò và của nhiều người khác, vì phải bị những giấy tờ kẻ mộng đó, trùng trùng điệp diệp, biết mấy chuyến tàu chở xe chuyên ; lại cũng vì những giọng quến kẻ mê kia, huyền-huyền, diệu diệu, dám khiến được đá chạy cát bay. Vậy ta hỏi thử các trò, những sử học nói như thế, nó có bổ ích chút nào cho sự Sống của các trò hay không ? Các trò đã gọi là người học Đạo, sao nỡ quên thân mình nhờ chi mà Sống, bởi đâu mà Sanh, làm sao mà Sống làm sao mà Sanh, thì làm sao mà học Đạo được ? Bởi thân mình các trò đây mà các trò còn đành bỏ quên đi, nên mới tập ra tiếng xả-thân đặng gạt-gẫm người, đặng che chở khuất lấp cáigiả cái dối, cái dốt cái quê, đặng làm cho người lầm tưởng rằng mình thật có lòng lo cứu vớt đời, nên mới khổ-hạnh mới xả-thân đó. Nào dè nếu một người xả-thân đặng kiếm điều mơ mộng mà dạy ra nhiều người khác làm theo, lâu ngày chầy tháng, thì cái nước có những người như vậy sẽ thành một cái nước tro tàn cây mục, chớ nào có ích chi cho nhơn loại. Nếu vậy thì Tạo-Hóa sanh giống Người đây để làm chi ? Nếu trong các trò, có trò nào muốn xả thân, Ta khuyên hãy noi gương của Thích-Ca Văn-Phật thì mới gọi là trúng bằng trái lại, thì là hủy thân vô-ích, hoặc là làm cách dối giả đặng đánh lừa gạt-gẫm kẻ mê, tội ấy có chi lớn bằng. Các trò cũng thường nói Tu-Thản, Tu-Tâm, sao các trò không học cách ấy mà làm theo cho đúng, lại học chi những cách nói mộng, đặng làm cho người tin vơ ?
Kìa loài phi-điểu có chim anh-võ, loài tẩu-thú có giống tinh-tinh, hai loài nầy biết học tiếng người và biết nói tiếng người in như người vậy ; song le nếu nó có học tiếng người cho giống đền bực nào đi nữa, thì phi-điểu cũng còn là phi-điểu, tẩu-thú cũng nguyên tầu-thú, chớ nào có thấy ích lợi chi cho nó. So lại với loài Người đã là loài biết nói rồi, sao lại còn học Nói làm chi nữa ? Tinh-tinh và anh-võ không biết nói, nên nó phải học nói, đặng giả bộ là loài Người, còn loài Người đã biết Nói rồi, sao không học “Làm” cho đáng là loài Người, mà cũng cứ học nói như tinh-tinh anh-võ mà chi ? Hãy thật-hành lời nói của mình đã học đã biết, thì mới đáng gọi là Con Người.
Con Người sở dĩ khác hơn cầm-thú là nhờ có cái Linh-Tánh Linh-Tâm. Bởi có Linh-Tâm Linh-Tánh nên Linh-Hồn mới được Linh-Thông hoạt-bác không chỗ trở ngại. Hãy xét cho kỹ thì thấy rõ ràng rằng : Loài chim là loài phải biết bay, cái tánh bay là tánh tự-nhiên của nó ; loài thú là loài phải biết chạy, biết leo trèo, tánh ấy cũng là tánh tự-nhiên của nó vậy. Nay tinh-tinh anh-võ bỏ cái tánh tự-nhiên sẵn có của nó, đặng tập học nói theo tiếng loài người, là sao vậy ? Là vì nó có tánh muốn tấn-hóa thêm, nó biết loài người là một loài rất quí, nhưng mà nó chẳng biết sự quí của loài người là tại nơi đâu, nó tưởng rằng loài người sở dĩ được quí là tại có biết nói mà thôi, nên nó mới tập nói theo. Tuy sự muốn tấn-hóa ấy có lẽ phải cho nó, nhưng nó quá cái vọng-tâm đặng vọng cầu vọng tưởng những điều ngoài phận-sự của nó phải làm, vì hễ có chút Vọng thì chẳng hề Chánh bao giờ. Bởi nó có cái vọng trái lẽ như vậy, nên loài người mới kiếm bắt nó đem về cầm nhốt đặng nuôi cho nó nói nghe chơi. Ban đầu nó cũng đắc chí lắm, vì khỏi thất công bay chạy đặng kiếm ăn, đã ở nhà tốt lại được đồ ăn ngon, còn có chịu khó đặng tập nói mà thôi, song sái cái tự-nhiên của nó đã sẵn có, nên tự-nhiên nó phải chết vì cái vọng của nó đó vậy.
Vì cớ chi cầm thú muốn tấn-hóa học theo nhơn-loại mà gọi rằng là Vọng ?
Là vì loại ấy chưa có Linh-Hồn, mới vừa vừa có Thần-Hồn mà thôi,
nên cần phải nuôi cái xác thân cho đầy đủ, đặng thơ thới cái Thần Hồn,
đến lúc cái Thần Hồn đã được trọn lành rồi thì nó sẽ tấn-hóa tự-nhiên.
Loài Người đã vượt qua khỏi chẳng biết bao nhiêu bực, nên mới được có Linh-Tâm, Linh-Tánh, được có Linh-Hồn rất hoạt-bát ; sao chẳng lo tiếp dưỡng tài bồi cho được Chí-Thiện Chí-Mỹ, lại đành trở lại tập ăn tập nói mà chi ? Lại trong sự tập ăn tập nói chẳng biết rõ mà phân biện được, thì tự-nhiên Linh-Hồn phải mất,
thì cái kiếp Sanh làm Người nầy chẳng là uổng lắm thay !
Muốn xét cho biết Tâm Tánh Con Người ra thể nào, nên Ta đã đem Hột Lúa dùng làm ví-dụ và bảo các trò xét lấy thì hiểu, nhưng các trò mãi tìm kiếm nơi đâu xa vời, nên không chịu xét một vật tầm thường trước mắt mà các trò thường thấy thường dùng hằng ngày.
Cả thế-giái chẳng có chỗ nào mà chẳng có giống Lúa cũng như chẳng có chỗ nào mà chẳng có giống Người, vì hễ có Đất thì có Lúa, có Người, mà có Người thì mới nên Đất. Thử xét coi Lúa ấy Trời sanh hay là Đất sanh ? Người nầy Đất sang hay Trời sanh ? Cớ sao ai cũng nói rằng hễ có Đất thì có Cỏ ? Vậy Lúa kia cũng là một giống Cỏ sao ? Nếu Lúa cũng là một giống Cỏ, thì Người ăn Lúa cũng như Thú ăn Cỏ sao ? Có giống Thú phải ăn Cỏ, có giống Người hải ăn Lúa, mà giống Thú phải ăn Cỏ kia nó cũng biết Lúa là ngon hơn Cỏ vậy, còn cái giống Người phải ăn Lúa đây, có giống nào biết khen Cỏ là ngon hơn Lúa hay không ? Nếu gọi Thú biết Lúa là ngon hơn Cỏ nên tìm Lúa đặng ăn, còn Người là một con thú biết khôn, nên trong lòng không còn phải biết tới Cỏ nữa, nên mới gieo trồng các giống Lúa đặng ăn, nếu quả như vậy, nếu quả thật như vậy, thì quả Người là một con Thú biết khôn rồi mà ! Tiếc thay, đã được sanh ra đứng vào hạng là Giống Người rồi, mà nỡ để cho gọi rằng giống Thú biết khôn ! Nếu loài Người quả là một giống Thú biết khôn, thì chẳng là uổng sanh cái kiếp làm loài Người lắm chăng ? Vì cũng chẳng biết bao nhiêu là thú biết khôn vậy, chớ chẳng phải có một giống Người mới là biết khôn mà thôi. Thì hãy xét coi, cũng chỉ là một giống Thú với nhau, mà có con nầy lại khôn hơn con kia nhiều, vậy thì những con khôn hơn ấy cũng đều được gọi là Người hay sao ? Nếu Người mà chỉ biết tự gọi mình rằng là Người, là khôn hơn Thú mà thôi, thì Người nầy sanh ra đặng làm chi ? Trời sanh ra loài Thú đặng giúp đỡ cho Người, còn sanh ra loài Người đây đặng khôn hơn Thú, đặng bắt Thú giúp cho Người hay sao ? Giúp cho Người đặng làm chi ? Xét rõ các điều đó, thì các trò thấy rằng Người là Người, Thú là Thú, cũng như Lúa là Lúa, mà Cỏ là Cỏ vậy.
Các bực Hiền-Triết Tiền-Bối đều nói rằng : Loài Người là một vật khôn hơn muôn vật, chớ nào có nói rằng loài Người là một vật khôn hơn muôn Thú đâu. Vì vật là Vật, gồm đủ các loài, chớ chẳng phải một loài Thú đủ gọi là vật được. Cái xác thịt của Người đây cũng là một vật trong muôn vật vậy, những món chi có hình-thể, có khí-chất, đều gọi là Vật, nên mới có tiếng gọi chung là vật-chất, nhưng phải chia ra làm nhiều chất nào là hình-chất, nào là thể-chất, nào là khí-chất, nào là vật-chất, chia như vậy cho dể phân biệt. Như Trời, Biển, Sông, Núi, Đất, Nước, Cỏ cây, Cầm Thú, Vật dụng, đều là Vật hết thảy, vì vậy nên có tiếng gọi chung là Võ-Trụ Vạn-Vật. Lại còn những món chi tuy vô-hình, song trong óc Người có đem tư-tưởng đặng tưởng-tượng ra có trước có sau, có nên, có hư, có phải, có quấy, có được, có không, thì cũng gọi là Vật vậy, nhưng đổi tên nó lại kêu là Sự, vì Sự là một Vật không có hình, nhưng mà nó đã có Thể cho tư-tưởng của Người tưởng-tượng nó ra được, vì nó có Lý. Vì nó có Lý nên nó mới có thể đựng cái tư-tưởng vào óc của Người được, nên mới có tiếng gọi là Vật-Lý, Sự-Lý.
Loài Người sở dĩ được gọi rằng khôn hơn muôn Vật là nhờ có cái Đức rất Sáng của Trời ban cho. Cái Đức rất Sáng ấy gọi là Linh-Tánh hay Linh-Hồn. Người có Linh Tánh ấy nên mới biết cội rễ của Con Người gốc nơi Trời mà ra, từ Trời mà có, nên phải lo giúp Trời hành Đạo. Người nhờ có Linh-Tánh ấy và phận-sự như vậy, nên có thể giao thông với Trời. Sự giao-thông ấy gọi là Cảm-Ứng. Trời Người Cảm-Ứng với nhau chẳnh hề sai chút phân hào cũng như kim nam-châm với đá từ-thạch vậy ; hai vật là hai vật khác nhau, nhưng nếu chẳng gần nhau thì thôi, bằng gần nhau thì Khí-Chất và Tánh-Chất nó liền rút hít với nhau. Nếu chẳng được vậy, thì nghĩa là trong hai Vật ấy ắt có một Vật, hoặc kim bị sét, hoặc đá bị chết nên mất cái Tự-Nhiên của nó rồi, nên cái Chất Vật của nó tuy còn nguyên đó, song cai Khí-Chất hay là cái Tánh-Chất của nó đã tuyệt rồi nên nó mới không hưởng-ứng với nhau được. Người cũng vậy, nếu Người không Cảm-Ứng được với Trời, là cũng do nơi cái Linh-Căn của Người đã hư, đã mục, khiến cho Linh-Tánh không còn được Linh-Thông, Linh-Hồn phải bị mê-muội mà ra đó.
Đã gọi rằng Trời Người Cảm-Ưùng với nhau được, nhưng trong sự Cảm-Ứng ấy, chẳng phải tự Trời tạo trước, ấy là do nơi Người gây lấy, hễ Người gây điều lành thì được lành trả, mà gây dữ thì có dữ đền, cũng như trồng dưa thì được dưa, trồng đậu, thì được đậu vậy ; giây Cảm-Ứng nối chặt Trời với Người cũng như ánh sáng dọi Hình với Bóng vậy. Dây cảm-ứng do nơi đâu mà được ảnh hưởng chắc chắn như vậy ? Ấy là do nơi mộ cái Lý mà thôi. Lý ấy bởi tự nơi Trời, mà Trời đã trao một Mối nơi Tâm Người rồi. Nếu Người biết gìn giữ Lương-Tâm cho chánh đáng đặng làm cho trúng Lý, thì cái Mồi ấy nó sẽ Cảm vào Mối Chánh nơi Trời thì tự-nhiên cái Mối nơi Trời nó sẽ Ứng lại cho Trúng Lý ; bằng Mối Cảm mà sai, thì Mối Ứng sẽ lạc và Người sẽ bị rối. Nếu Mối Cảm nơi Người mà chẳng lạc, thì nghĩa là đi trúng Đường, hễ trúng Đường thì là Nhằm Đạo, nên mới có tiếng Đạo-Lý. Đạo-Lý lúc phát ra đặng Cảm một Mối chi, thì gọi là Tánh, nên cũng có tiếng gọi là Tánh-Lý, Đạo Lý ấy tuy chứa ở nơi Tâm Con Người, mà Nguồn Cội của nó là ở nơi Trời, nếu ai biết do nơi Nguồn Cội mà làm thì trúng Con Đường Chơn-Lý đó,
nên mới có tiếng gọi Đạo là Chơn-Lý mà Chơn-Lý là Đạo vậy.
Người được gìn giữ Lương-Tâm cho trọn Thiên-Tánh, do theo Chơn-Lý làm cho trúng Đạo-Lý, mới thật là đáng gọi Con Người, là thật Người khôn hơn muôn Vật đó. Người được vậy, mới đem cả Võ-Trụ Vạn-Vật vào lòng, đặng làm Một với mình, mới có thể giúp ích cho nhơn-loại quần-sanh, mới hiểu sự thay thế cho Trời là thể nào, đặng làm cho trúng Thiên-Lý, mới rõ thấu Thiên-Lý là Thiên-Đạo vậy. Các tròxét rõ coi Tâm-Lý, Tánh-Lý, Đạo-Lý, Chơn-Lý thảy đều do nơi một Con Đường của trời ban phú cho Người thì Con Đường ấy là chi ? Có phải là Thiên-Lý chăng ? Bởi vậy nên có chỗ gọi Thiên-Đạo là Thiên-Lý nơi Tâm. Người có được Thiên-Lý nơi Tâm rồi, thì mới biết làm phận sự cho trúng Đạo, nhưng mà đến lúc Thiên-Lý ấy đã được ở vào Tâm rồi, thì chẳng gọi là Nhơn-Lý, mà gọi là Nhơn-Đạo. Bởi Người phải do nơi Lý đặng làm Đạo mà thôi – Ở nơi Người thì không có Lý, cũng như ở nơi Trời thì không có Trí. Lý là của Trời, Trí là của Người riêng, nó sanh ra bởi nơi cái Tập-Tánh của Người đặng tranh lấn lẩn nhau theo cái Ý riêng của Người muốn. Vì vậy nên có tiếng gọi là Lý-Trí. Người nếu dùng Lý-Trí mà hành Đạo, tức là trộm danh Thiên-Lý của Trời vậy. Hễ trộm dang Thiên-Lý mà hành Đạo, thì tự nhiên phải phá hại Nhơn-Đạo của Người vậy. Lý vẩn có Một là ở nơi Trời phú, nào có ở trong Trí của Người đem tư-tưởng riêng mà tưởng-tượng nó ra được cho trúng với tự-nhiên bao giờ ?
Các trò nghe kỹ những lời Ta đã nói, rồi các trò tự xét rõ coi trong thế-gian nầy, trên mặt trái đất nầy, có mấy hạng Người, Người bực nào nhiều, bực nào vừa vừa, bực nào ít, rồi các trò liền thấy bực nào phận-sự để dành làm chi, chẳng cần ta phải giải nữa.
Muốn cho các trò rõ thêm đặng xét cho trúng Lý, nên Ta đã bảo các trò hảy xét lấy hột Lúa thì rõ. Kìa Lúa với cỏ, nó khác nhau bởi chi ? hay là các trò nói Lúa là một giống có ích lợi, còn Cỏ là một giống vô-ích hay sao ? Giống nào cũng dều có ích cho nhơn-loại hết thảy. Nếu các trò gọi Cỏ là giống vô-ích, thử các trò đem một giống nào đến một chỗ đất nào không Cỏ coi các trò trồng gieo thứ giống của các trò muốn đó có được sống cùng chăng ? Hỏi như vậy chắc các trò trả lời rằng : không, vì nếu Đất nào không Cỏ, thì chỗ đất ấy đã chai, hết Sanh-Khí rồi, nên không thể gieo trồng vật chi, giống chi hết – Các trò rất lầm. Sao các trò không xét coi tại sao chỗ đất ấy chai, tại sao hết Sanh-Khí ? Tạo-Hóa nào có sanh chỗ Đất nào mà chai, hết Sanh-Khí đâu. Nếu nó chai hay là hết Sanh-Khí, là Duyên bởi các trò làm cho nó mất hết cái Tự-Nhiên của nó mà thôi đó. Các trò đã quá dùng cái Sự Sống Tự-Nhiên của nó nên nó mới chai, mới hết Sanh-Khí đó. Các trò đã rút hết cái Sanh-Khí của nó, đặng các trò thâu dụng làm sự ích-lợi riêng cho các trò, mà các trò chẳng biết Nuôi Dưỡng lấy nó sao các trò trở lại đổ thừa rằng nó chai, nó hết Sanh-Khí ? Nếu các trò chịu khó bón phân vào đặng Nuôi Dưỡng nó, rồi cho nó hấp thọ cái Lý Tự-Nhiên Khí Hóa của Võ-Trụ trong một thời-gian, thử coi Sanh-Khí của nó có trở lại và Cỏ sẽ mọc xanh rậm cùng chăng ? Nếu Cỏ đã mọc xanh rậm được rồi, thì Cỏ nầy sẽ vun bồi cho miếng Đất chai hết Sanh-Khí kia trở lại tươi tốt, thì nào có thứ giống nào mà các trò gieo xuống mà không mọc ! Lương-Tâm của Con Người cũng thế.
Ta dùng Đất làm tỷ-dụ cho Lương-Tâm Con Người, chắc các trò trách Ta nỡ dùng một Vật vô-tri vô-giác như vậy đặng làm tỷ-dụ thí với Lương-Tâm. Sao các trò chẳng xét coi cái Tri-Giác là cái chi ? Sao các trò nỡ gọi Đất là một Vật vô Tri-Giác. Vậy chớ Vật nào có Tri-Giác ? Các trò tưởng Người có tri-Giác lắm sao ? Các trò hãy Định-Tâm lại xét lời Ta đây cho kỹ. – Tri-Giác vận động cho Thiên-Lý nơi Lương-Tâm, gồm có hai phần là Sự và Vật, song nó Vô-Hình. Tuy nó là Vô-Hình mà nó vẫn cứ thuận theo Lý Tự-Nhiên. Còn cái Tri-Giác vận động phần Nhơn-Dục của Vọng-Tâm nó cũng gồm có Sự và Vật vô-hình vậy, song le hễ mỗi lần Vọng-Tâm phát ra thì sa ngã qua về những Sự Vật Hữu-Hình. Bởi chuộng về Hữu-Hình, nên nó mới phá hại Sanh-Khí và Khí-Lực Tự-Nhiên của nó, lại thường khi nó phải đốn phải hủy lấy cái Thiên-Ngươn của nó mà nó không hay ; trái lại nó còn tự-đắc khoe rằng thắng được Thiên-Lý. Vì sao vậy ? Vì Người mảng quen dùng Lý-Trí, chớ ít thấy ai tuân Đạo-Lý. Thử nghĩ coi, nếu vậy thì Lương-Tâm nó còn được trọn không? Còn Đất kia, cả thảy các mặt Đất kia, cả thảy các giống Đất kia, có thứ Đất nào mà tự-nhiên nó, nó có phá lấy cái Sức Tự-Nhiên của nó hay không? Có thứ Đất nào mà tự-nhiên nó, nó có sửa cái Lương-Tri của nó hay không? Có thứ Đất nào mà tự-nhiên nó, nó có phá cái Lương-Năng của nó hay không? Nếu tự-nhiên nó, nó không phá, không sửa, không cãi Sự Tự-Nhiên của nó, thì tự-nhiên nó, nó ắt giữ gìn cái Lương-Tri Lương-Năng của nó hoài.
Cái Vật mà tự-nhiên nó, nó không sửa, không phá, không làm hư Lương-Tri Lương-Năng Tự-Nhiên của nó, thì còn có Vật nào mà giữ trọn được Lương-Tâm hơn nó nữa không? Ta dùng một Vật như vậy đặng tỷ dụ cho Lương-Tâm Con Người, sao các trò lại có ý trách Ta và chê Đất rằng không Lương-Tâm? Bởi Đất có Lương-Tâm mà lại còn biết gìn giữ nguyên trọn Lương-Tâm của nó, biết thi hành theo Lương-Tri, Lương-Năng của nó nên Thiên-Tánh của nó chẳng hề sai, vì Thiên-Tánh ấy là Lương-Tri Lương-Năng chứa đựng sẳn có trong Lương-Tâm vậy.
Muốn cho các trò rõ chắc Lương Tâm và Thiên Tánh của giống Đất, Ta cần phải chỉ rõ thêm nữa, đặng xét cho kỹ. Có mặt Đất, giống Đất nào mà không lo làm bổn phận nó không? Bổn phận nó là gì? Là nó phải lo như các trò đã nói rằng: hễ có Đất thì có Cỏ đó. Đất có nhiều mặt, nhiều giống, nên Cỏ có nhiều thứ, nhiều loài, tùy theo chỗ đặng nó lo nó sanh nó hóa thêm ra hoài, chớ nó chẳng hề nghỉ ngơi giây phút, chẳng hề dám để trống một chỗ nào mà không có chịu được sự sanh-hóa của nó, dầu cho tận dưới đáy biển, là một chỗ cỏ cây bông trái không thể mọc được, hay là tột chót đầu non, đá dựng cũng là một chỗ khó bề cho cây trái đâm chồi nức rễ, hoặc là mấy chỗ hố thẫm hang sâu, mà nó cũng kiếm đủ phương thế đặng lo sanh-hóa đủ các thứ cây, cũ, rong, rêu cao thấp, lớn nhỏ, đứng bò, chẳng hề thiếu sót, hoặc để hở một mặt nào; trái lại những chỗ như vậy, thì nó lại hóa ra những kỳ-hoa dị-thảo, cùng là những vật quí, thuốc hay hơn nữa là khác. Bổn phận của Đất là lo tròn như vậy, các trò thử nghĩ coi, nó có Lương-Tâm hay không? Nó có Tri-Giác hay không? Nó biết vận-động hay không? Nó có làm điều chi trái với Tự-Nhiên nó và mất Thiên-Tánh nó hay không? Có phải là như vậy mới gọi rằng đủ Lương-Tri và Lương-Năng hay không? Còn phần các trò thì sao?
Đất đã chẳng những biết sanh các thứ cây cỏ mà thôi, nó còn lại biết hóa sanh các thứ cá tôm rùa trạch vậy. Nó đã biết hóa sanh đủ, mà lại cũng nuôi dưởng trọn, chẳng hề bỏ một vât nào thất thường đói khát. Xét vậy coi Lương-Tâm nó có sót chỗ nào không? Còn phần các trò có được như vậy hay không?
Sông núi kia ai sanh, châu báu nọ ai sắm, lâm-sản khoáng-sản ấy bởi đâu mà có? Thực-vật hoá-vật đó nhờ đâu mà ra, có phải đều do nơi Đất tạo sẵn, sanh sẵn, chứa sẵn hay không? Cái sức Lương-Tri Lương-Năng của nó như vậy, có đầy đủ trọn tốt trọn lành hay không? Còn phần các trò thể nào?
Ta từng nghe Đức Chí Tôn dạy phận sự của các trò là: phải mở mang khắp cỏi Hồng-Hoang và lập xong danh phận Tam Tài phòng có ngày trở về Hiệp-Nhứt với Người nơi Bạch Ngọc Kinh, vì vậy nên các trò chuyên lo xét cùng tột sự Lý của mỗi Vật của Tạo-Hóa đã hóa sanh ra nơi trong không-gian và nơi thế-hạ nầy. Các trò đã hết sức mới tìm thấy biết được những báu vật ấy, rồi biết chia ra làm năm loài, gọi chung là Ngũ-Hành, biết phân biệt ra Âm Dương Khí Chất, biết lợi dụng điển-lực không-gian, biết chế biến những vật hữu-hình càng ngày càng tinh-xảo, biết tô điểm núi sông đất nước được thêm vẻ lịch, biết giúp sức sự sanh hóa cho nhơn-loài và mở mang cỏi Hồng Hoang như trách nhậm của Đức Chí Tôn giao phó. Đã chẳng gọi như vậy là đủ, lại hằng ngày còn lo tấn tới hoài hoài, dốc được đến cực điểm mới vừa ý, thật các trò chẳng phụ lời Đức Chí Tôn ký-thác đó. Các trò có tâm chí như vậy, lẽ đâu Ta còn để tiếng trách móc được nữa, nhưng vì ngày nay Ta vưng Lịnh đến Giám-Đốc Đạo-Tràng, chẳng lẽ chẳng có điều chi khác chỉ điểm thêm cho hay sao? Vậy nay Ta khuyên các trò hãy xét kỹ lại lời của Đức Chí Tôn đã dạy kia lại cho rõ thêm coi Người dạy làm sao,
thì mới thấy phận sự các trò phải làm làm sao mà làm mới trúng lời dạy cho chớ!
Có lẽ nào Đức Chí Tôn ân cần khuyên nhủ các trò hãy mở mang khắp cõi Hồng-Hoang và lập xong danh phận Tam tài, đặng Hiệp-Nhứt với Người nơi Bạch Ngọc Kinh thì có, chớ nào có dạy mở mang khai khẩn ruộng đất hoang-vu rừng rú nơi thế-hạ nầy, đặng làm của riêng lại còn góp thâu hoa-lợi mà tiêu xái đâu! Các trò sao chẳng xét coi cõi Hồng-Hoang là cõi nào? Biết rõ cõi ấy ở đâu thì mới lập danh phận được chớ. Tam Tài là chi? Ở đâu? Biết được thì mới lập danh phận được, bằng không biết được thì làm sao choxong! Đức Chí Tôn dạy việc một nơi, mà các trò làm việc một ngã,
bảo sao mà khơng vay trả trả vay!
Các trò đã biết và đã nhìn-nhận lớp cao xanh lộng lộng biệt mù kia là Trời, khối hành-tinh cứng đặc mà các trò đứng ở đây là Đất và các trò đó là Người, nên các trò kêu ba vật ấy là Tam Tài, vậy cá trò có hiểu Tam tài là Ba hay là Một? Nếu gọi rằng Một sao Vật có Ba? Nếu gọi rằng Ba sao Lý có Một? Mà trong lòng Ba hoặc Một, Một hoặc ba đó, có chứa những chi? Ta hỏi vậy, thấy các tro bợ-ngợ, muốn trả lời, song vì chưa thông cho trọn, có trò muốn đáp rằng Ba, mà chia làm sao cho ra Ba chưa rành, cũng có trò muống đáp rằng Một, mà hiệp làm Một cũng chưa đúng. Trò nào cũng vậy, cũng đều biết rằng Một, nhưng mà tính và nói làm sao cho ra rằng Một, tự mình nghe cũng biết rằng tính và nói như vậykhông được rõ, song cũng nói bướn, cãi bướn, nói hoài cãi hoài, hễ Một của ai, thì nghĩa Ba của nấy, mà nói Ba của ai thì nghĩa Một của nấy, hóa ra chẳng biết bao nhiêu là Một, mà cũng chẳng biết bao nhiêu là Ba; Trời nào thì Người nấy Đất nấy; Đất Người, Ngưòi Đất nào thì Trời của nấy; cũng bởi vì cái cách hiểu không chắc mà vẫn nói hoài cãi hoài nên ra như vậy. Đã chẳng biết bao lâu đời rồi, vẫn như vậy hoài, song cũng chẳng thấy ai chịu học, chịu hỏi, chịu tấy cho chắc rồi sẽ làm, sẽ chỉ, sẽ dạy cho người khác, nhưng cũng vẫn bàn bàn cãi cãi hoài không ai chịu nhượng ai. Cớ ấy bởi sao vậy? Đều bởi các trò chẳng chịu nhớ chắc coi trong lòng Tam Tài ấy có chứ những chi, vì vậy nên mói ia có phần phải nấy, không nhứt định, mà chẳng được hòa, rồi sanh ra sự bàn cãi chia rẽ nhau vậy đó. Ta nay cũng chìu cá trò, nên phải nhắc lại cho – Đức Chí Tôn và chư Thiên đã dạy đã chỉ cho các trò biết bao phen rồi, bởi các trò chịu nói theo ý riêng mà không chịu nhớ lời dạy chánh đáng của Trời; cũng có khi đã hiểu lời dạy của Trời, nhưng lời dạy ấy sái ý của mình mà cũng mượn lấy có đặng làm chứng rồi giải ra một nghĩa khác mới chịu cho.
Nầy, các trò hãy nghe Ta nhắc lại cho mà nhớ: Trời, Đất, Người, trong lòng vẫn chứa một Sự Thường mà thôi. Thường ấy nghĩa là không thay đổi, không được không có, không được không không, không đủ, không thiếu, không dứt, không ngớt, không ngừng, không nghĩ, không mau, không chậm; Thường Thường hoài mà cũng Bình Thường hoài, muôn ngàn triệu ức kiếp như Một. Đã gìn giữ Sự Thường ấy được, giữ trọn vẹn như vậy, mà còn phải có Đức-Tin chắc thiệt không sai. Làm sự Thường, giữ sự Thường, làm sự Thiệt, giữ sự Thiệt, làm và giữ hoài cho Thường và cho Thiệt cho trọn sự Tin, ấy là Vật của trong lòng Trời Đất và Người chứa sẵn đó. Được Thường được Thiệt được Tin, ấy bởi nơi Lý rất chắc rất vững, có Một không Hai, lý ấy là Chơn-Lý vậy. Biết được Lý rất chắc rất vững, Làm và Giữ cho Thường cho Thiệt cho Tin, là Đạo của Trời, Đất và Người vậy. Trong sự Biết và sự Làm cho được Thường được Thiệt được Tin, ấy là do nơi Sự Sống, trong Sự Sống ấy cũng do nơi Hơi được Thường, được Thiệt được Tin, Hơi ấy tức là Ngươn-Khí hay là Sanh Khí vậy. Ngươn-Khí ấy có Thường, có Thiệt, có Tin thì mới có Sống, nên gọi Đạo là Sự Sống. Đạo, Chơn-Lý, Ngươn-Khí, mà phải cho Sống,
nên gọi Một mà Ba, Ba mà Một vậy. Một ấy là Chi? Là Sự Sống vậy.
Thử xét coi ba Vật kia có Vật nào dám bỏ, dám rời sự Sống hay không? Sự Sống ấy Ba Vật đồng hưởng chung với nhau, hay là mỗi Vật tự mình hưởng riêng lấy của mình?
Mà có Vật nào tự mình có riêng và giữ riêng lấy cho mình hay không?
Hay là phải nhờ nhau mới có? Nhờ nhau mới Sống?
Trời, Đất một lòng làm tròn phận sự Tài-năng tự-nhiên của mình và ban bố sự Sống theo bổn phận, chẳng dám sai, duy có Người thì chẳng chịu. Đã chẳng chịu lập Tài làm sự Sống cho xong hiệp đũ Ba, trái lại còn sanh tâm phá hại hai Tài kia cho được mới vừa lòng. Các trò xét coi, có Người nào mà chẳng lo chẳng tính thế thần mưu chước, dốc làm làm sao phá cho được Sự Sống của Trời Đất đặng làm trò chơi cho mình tùy theo trí của nó tính tới bực nào, hay không? Tài-năng của Trời Đất là làm cho ra Sự Sống đặng giúp Người, còn Tài-năng của Người lại làm làm sao cho mất Sự Sống của Trời Đất đã làm, như vây bảo làm sao gọi được là lập xong danh phận Tam-Tài? Chớ chi Người đã biết tìm ra Âm-Dương Ngũ-Hành Khí-chất Sanh-khắc Biến-hóa của Trời Đất thể nào đủ hết rồi, thì đáng lẽ phải dùng lấy nó, đặng lập thêm cho trọn Tài-năng của mình, đặng làm cho Sự Sống ấy, Sống thêm, cho Người Sống thêm mới gọi rằng lập xong danh phận Tam Tài cho, có lẽ đâu trộm dùng những Sự Sống của Trời Đất, hoặc Hữu-hình, hoặc Vô-hình, đặng chế tạo ra những vật khác thay đổi cả các Sự Sống tự-nhiên của nó đã sẵn có, đặng gọi là Vật của Người sanh. Thử coi những vật gọi là vật của Người làm rồi được đó, nó còn có Sự Sống hay không? Mà nếu Người đem nó ra đặng công-dụng, thì Người có Sống được với nó hay không? Hay là Người dùng nó đặng phá lấy Sự Sống của Người mà Người không hay? Nếu cứ một cách như vậy mà tiến-hành cho đến cự-điểm của lòng Người muốn, thì biết bao giờ trở về mà Hiệp-Nhứt cho được! Bảo sao không luân-hồi.
Các trò có hiểu cõi Hồng-Hoang là chỗ nào không? Các trò một gọi Hồng-Hoang là chỗ Dất cát rậm-rạp hoang-vu chưa khai phá nên dốc khai khẩn cho thành Điền, dầu cho núi non, sông biển, rừng suối, mỏ hầm, chi chi cũng lặn-hụp bươi-móc đào phá tìm kiếm trân-châu bửu-vật; các trò gọi làm như vậy là mở-mang khắp cõi Hồng-Hoang đó;
các trò nào dè làm như vậy là rất sái với Luật Trời và sái hẳn với lời đã dạy.
Chẳng có trò nào trước kia Chơn-Thân Chơn-Thể chẳng trọn lành trọn tốt, nhưng đều bởi sự tham vọng che khuất cả Chơn-Ngươn, làm cho nó phải bị tối-tăm, chẳng khác Ruộng tốt trở nên Đất hoang, thì giống tốt khó bề gieo cấy. Tâm-Địa của Người cũng vậy, nếu đã bị tình-dục choán-phủ, thì chẳng khác Ruộng kia bị hoang-phế, nếu ai còn chút điểm Lương-Tâm thì phải lo ruồng mở và bón phân thêm cho nó. Kẻ tá-canh để Ruộng hư thì vốn phải hết, nếu muốn tu-bổ lại thì phải hờ nơi chủ ruộng cho vốn thêm; cá trò nếu để Tâm-Điền hư hao thì Chơn Ngươn đâu còn trọn, nên cũng phải nhờ nơi Chủ-Nhơn-Ông ban cho Linh-Quang thêm mới có thể trau-giồi Bổn-lai xưa trở lại hoàn-toàn.
Các trò đã gọi là Người có chí Tu hành, sao chẳng hiểu cõi Hồng-Hoang Đức-Chí-Tôn dạy mở-mang ấy là nơi Tâm-Địa của các trò, chớ nào phải Đất cát sông núi nào đâu, sao chẳng lo vun tưới nó cho trở nên một cõi Tâm-Điền? Hễ Tâm-Địa hết hoang-vu thì Tâm-Điền được phì-nhiêu, tất hóa thành một cảnh Lương-Điền. Lương-Điền ấy là chi? Tức là Lương-Tâm đó. Lương-Tâm trọn lành trọn tốt, thì Thiên-Tánh được phục-nguyên, được vậy nào lo chi chẳng Hiệp-Nhứt với Trời, bởi đó nên Ta đã giải rằng: “Trong Người có đủ Trời dất và Người vậy”, nhưng Người có trọn Ba Ngôi ấy trong lòng cùng không, là cũng do nơi Người có chí làm và giữ Sự Thường và cho trọn Đức-Tin hay không mà thôi.
Trong Người đủ Trời Đất và Người, song Vô-hình. Vô-hình ấy là Lý, mà là Chơn-Lý đó. Nhờ Chơn-Lý Vô-hình, nên sanh ra Ngươn-Khí. Hễ có Ngươn-Khí rồi, thì Lý-Khí tức-nhiên phải Hiệp, rồi Sanh Sanh Hóa Hóa, nên gọi là Lý-Sanh Khí-Hóa. Lý-Khí là Sự sống cho Vật hữu-hình nên muôn muôn trùng trùng hiện tướng ra trước mắt của các trò ngó thấy được. Các trò cũng đều bởi nơi Lý và Khí Vô-hình đó Sanh và Hóa, nên mới có Sự Sống Hữu-hình nầy, nên Người cũng là Vật vậy. Đạo cũng do nơi Lý-Khí mà ra, nên Đạo cũng là một Vật vậy, chớ chẳng khác. Trời Đất đều dùng cả Tài-năng vô-hình của Trời Đất đặng Sanh Hóa ra và làm Sống những vật hữu-hình. Còn Người đây thể nào? Có lẽ nào đành cướp giựt tài-năng vô-hình của Trời Đất đặng làm tài sản của Người sao? Nếu vậy thì Người chưa lập được xong trọn danh-phận Tam-Tài của Người, vì Tài-năng là Vật vô-hình mà phải có Lý và Khí đặng làm sự Sống cho; còn Người thì lo đoạt Tài-năng vô-hình của Trời Đất đặng làm tài-sản hữu-hình của Người, trở lại giải nghĩa Tam Tài là Trời Đất, phải có Người nữa mới gọi là đủ Ba Ngôi, chớ nào chịu nhìn nhận rằng mỗi Ngôi đều phải lập xong cho đủ Ba Tài riêng của mình đặng làm Sự Sống chung cho nhau chẳng Ngôi nào được trái lịnh mà làm thiếu, nếu thiếu thì chỉ nghĩa lập chưa xong danh-phận của mình và gọi là chưa được hoàn-toàn vậy. Đã chưa được xong chưa được hoàn-toàn, còn thêm lo tính đủ phương-thế đặng cướp đoạt Sự Sống của Trời Đất mà gọi rằng là của mình, như vậy thì biết bao giờ Hiệp-Nhứt nơi Bạch-Ngọc-Kinh được!
Lúa biết dùng trọn Tài-năng, tuân theo Lý Đạo, Sanh Hóa Sự Sống, đặng Hiệp-Nhứt với Người nên Ta đem hột Lúa ra làm tỷ-dụ và bảo các trò phải xét thì thấy rõ được Tâm tánh nghĩa là vậy đó. Lúa là một Vật dễ thấy cho các trò dùng đặng xét hơn là Trời Đất, sao các trò chẳng chịu xét cho Ta coi? Nếu vậy sao được gọi là Cách Vật.
Các trò đã nghe Ta giảng giải rồi, ắt phải hiểu rằng Trời, Đất và Người là Ba Tài của mấy trò thường gọi đó, thì mỗi Tài đều phải đủ Ba Tài-năng, mới làm được Sự Sống cho mình và làm ra Sự Sống cho muôn Vật Võ-Trụ. Những Sự Sống ấy đều Hòa chung với nhau, chẳng có Tài nào được dành là của riêng mình, thì mới gọi rằng mình Trọn Hiệp được Một. Mỗi Tài đã biết Hiệp Ba của mình lại làm Một Nhỏ, làm đặng Sự Sống cho mình rồi, còn lại phải Hiệp chung Sự Sống của mình đó với Sự Sống cũa Hai Tài kia mà làm Một Lớn, đặng làm cho Võ-Trụ Vạn-Vật đều có Sự Sống Lớn và Hiệp chung lại trọn Một với mình. Được như vậy mới được gọi là hoàn-toàn.
Nếu Trời chẳng Nhứt-Tâm lo trổ hết Tài năng đặng bủa Sự Sống cho Đất cho Người chung hưởng, thì Đất Người đâu Sống được; nếu Đất Người không được Sự Sống, thì Trời kia nào còn; bởi vậy nên Ta đã có nói cho các trò hiểu rằng: “ Trời không Người thì Trời nào có, mà Người nầy phải nhờ có Trời mà ra, nhờ Đất mà lớn vậy”. Một câu nói như vậy, thì các trò cũng đủ hiểu rằng: Người, Đất không Trời thì Người Đất có, mà Trời nầy phải nhờ Người Đất mà ra, nhờ Người Đất mà lớn vậy. Vạn Vật Võ-Trụ đều cũng phải vậy. Các trò nên hiểu cho rộng lớn như thế, đặng rõ lòng Tam Tài có chứa những chi. Và cũng nên biết coi: làm sao Một mà Ba, Ba mà Một. Được vậy thì các trò mới rõ câu: “Tam Nhứt Tam Tam Tam Thập Lục” chớ!
Người từng xét mình, mới biết được rằng: Người là một Ngôi Trời Đất nhỏ, hễ Ngôi Trời Đất có những chi, thì Ngôi Người có những nấy. Sự xét biết được rất phải. Cũng còn tìm nên hiểu Người có Tinh, Khí, Thần là Ba Vật Báu. Sự tìm ấy rất nhầm. Biết được là Báu, nên toan luyện nó cho Hóa, phòng trở về Hư-Vô với Trời. Sự định ấy không sai. Nhưng tiếc thay, Người mảng tự khoe lấy mình bằng Trời mà những tưởng Trời là Vật hữu-hình ở nơi chốn cao xanh biệt mù kia nên dốc luyện Tinh Khí Thần cho được trường-sanh bất-lão, mong có ngày về với Trời đó, dặng lãnh một chức hoặc Tiên hoặc Thánh mà hưởng vô-cùng khái-lạc mà thôi. Nếy sự biết như vậy, thì nào phải biết Trời là chi, nào hiểu Tinh Khí Thần là gì đâu! Mảng ước-mơ, tưởng mộng như vậy, rốt cuộc rồi cũng tự hại lấy Sự Sống của mình mà lại tự gọi đến bực Chí-Nhơn. Nếu Người đã biết rằng Thiên Địa Nhơn là Tam Tài, sao lại đành muốn về với Trời mà bỏ Đất đi? Hay là nói rằng xác-thịt nầy về với Đất cũng là đủ rồi? Đành chia hai thân mình ra như vậy là ý nghĩa gì? Một dạy mười sai, cả nước đồng rủ nhau môt cách, trông chi thấy được tấn-hóa!
Ta nay hỏi các trò: Người đã gọi có Tinh Khí Thần là Ba Vật Báu, vật Trời Đất có Ba Vật Báu ấy không? Nếu gọi Người có Tinh Khí Thần là báu, Trời có Nhựt Nguyệt Tinh, Đất có Thủy Hỏa Phong là báu, vậy thì Trời Đất không có Tinh Khí Thần, Người không có Nhựt Nguyệt Tinh và Thủy Hỏa Phong sao? Nếu Trời Đất đã không có Tinh Khí Thần mà Người lại có đủ, thì Người còn cần chi phải chia hai thân mình ra, đặng Hiệp với Trời Đất? Nếu đã Hiệp được với Trời Đất rồi, sao Ta thấy các trò vẫn sùng bái những Vị gọi là được chức Thánh Thần Tiên Phật ấy, mà gốc cũng đều là Người như các trò vậy? Vậy thì Hiệp với Trời Ddất rồi là phải, hay là ở với các trò đó, đặng hiệp vơí các trò, để cho các trò sùng bái là phải? Các trò đã có xét vậy chưa? Nếu chưa xét, vậy thì Học làm chi cái việc mà tự mình chưa xét cho biết tới Chơn-Lý việc ấy nó là thể nào? Nếu các trò xét rồi, thì Tinh Khí Thần ấy ở đâu? Nó là Vật gì? Trời Đất có Vật ấy hay không? Nếu Trời Đất có nó, thì Vạn-Vật Võ-Trụ cũng đều có. Nếu Trời Đất không có nó, thì sao một mình các trò lại có được nó? Nếu Vạn-Vật Võ-Trụ cũng đều có nó, sao không thấy Vạn-Vật Võ-Trụ cũng đều luyện nó như cách các trò vậy? Hay là gọi Vạn-Vật Võ-Trụ không có Tri0Giác, nên không biết luyện như cách các trò vậy? Mà sao Ta thấy duy có Vạn-Vật Võ-Trụ Hiệp-Nhứt với Tam Tài mà không cần luyện chi hết,
chỉ dùng một cái Tự-Nhiên nên được mà thôi?
Thử đem một Giống Lúa là một Vật trong Vạn-Vật ra đặng xét, thì thấy rõ duy có Giống Lúa mới dùng đặng Tâm Tánh Tự-Nhiên đặng Hiệp-Nhứt với Tam Tài mà nó chẳng hề luyện Tinh Khí thần của nó mảy nào!
Các trò từ khi Đức-Chí-Tôn chọn và ban cho một Điểm Linh-Quang, dạy giáng phàm công-quả, thì các trò đã trải qua nhiều lớp có chứa bốn chất Địa Thủy Hỏa Phong mới làm nên thân Người nầy được, thì Lúa cũng vậy. Từ khi Người chọn làm Hột Giống rồi, thì nó cũng phải trải qua nhiều phen hứng chịu mưa nắng bùn lầy với Địa Thủy Hỏa Phong mới đi đến ruộng đặng làm nên cây Lúa. Trong những lúc phong trần như vậy, nó phải dùng hết Khí-Lực, thâu hết Tinh-Lực, trông đến ngày đặng nó chuyển hết Thần-Lực đặng có trổ ra gié lúa được. Đến khi cây lúa trổ ra gié rồi, thì gié nầy sanh những chi? Nó sanh toàn những Hư-Tâm, trong Hư-Tâm ấy, nó sẵn có Tinh-Lực, Khí-Lực và Thần-Lực của nó thâu rút Tinh-Khí-Thần của Đất, chực sẵn để dành đợi lúc Trời ban Tinh-Khí-Thần của Trời cho khắp vạn-vật, thì nó mở cái Hư-Tâm nó ra đặng hứng trọn vào cho đầy đủ , rồi khép lại chứa vào đặng làm một Hòn Ngọc của nó riêng. Hòn Ngọc nầy chứa đầy một cái Tánh Tốt, là để dành giúp Trời ban Sự Sống cho Người, đặng Người đủ Tinh-Khí-Thần mà giúp Trời sanh các Sự Sống khác cho Vạn-Vật Võ-Trụ đó thôi! Tánh Lúa chẳng có Sáu Tình xấu như cay, dắng, mặng, lạt, chua, chát, duy có Ba Đức tốt là béo, ngọt và thơm , nên mới được trọn lành; không một chút tình dục, nên mới được chánh-đáng, dầu ở trong hoàn-cảnh nào nó cũng Nhứt-Tâm Nhứt-Đức. Xét vậy thì đủ thấy Lúa, đã dùng hết Tinh-Khí-Thần của nó nhiều lớp, đặng thâu đưng đủ Tinh-Khí-Thần của Trời, Đất và Người vào trong Tâm nó, đặng thành ra một Hột Ngọc để giúp Sự Sống cho Người giúp Trời, nên Ta đã nói: “Người là Lúa của Trời mà lại là Trời của Lúa. Trong Lúa đủ Trời Đất và Người, cũng như trong Người đủ Trời Đất và Người vậy, vì vậy nên Con Người và Lúa chẳng hề rời rã được”. Lúa đã dùng hết sự Sống của nó đặng giúp Trời của nó làm bổn phận, mà biết bao nhiêu là giống cỏ phá hại nó, lấn lướt nó, chẳng hề cho nó được tự-nhiên, lại cũng có thứ cỏ dám mạo hình thể của Lúa đặng gạt gẫm Người, mà những giống nhbư vậy, nó đã nhiều lại mạnh hơn Lúa bộ phần. Tuy nhiều và mạnh hoon Lúa như thế, song Lúa tốt hay xấu, sống hay chết cũng tại nơi Người mà thôi! Nếu Người biết chịu cực ra sức làm làm sao cho cỏ ấy trở lại làm phân cho Lúa, thì nào có hại chi! Bằng chẳng vậy, thì nào có trách chi cỏ hiếp Lúa. Người biết sửa mình cũng vậy. Nếu biết trị Tình-Dục cho thành Đức-Dục, thì Người nào lại chẳng nên, chớ có ai diệt cho tắt tình-dục bao giờ! Nếu Người diệt tắt tình-dục thì Người ấy đâu còn có Sự Sống! Cũng như Đất không cỏ thì Đất ấy nào có màu mở mà nuôi Lúa. Cỏ giết Lúa hay là nuôi Lúa, đều bởi nơi Người chịu đem hết Tinh Khí Thần của mình, đặng trông nom vào sở ruộng đó hay không mà thôi.
Vì vậy nên Ta nói “Người là Trời của Lúa, Người nào ăn Lúa bao giờ”.
Một Hột Giống của Người gieo xuống, thì thấy trong một kiếp của nó, nó đã lập xong hoàn-toàn công-quả của nó rồi đặng nó trở về với Người và đem về cho Người biết bao nhiêu hột, so laiï với Đức-Chí-Tôn ban cho Người một Điểm Linh-Quang làm Giống, mà đã bao nhiêu kiếp rồi, thì Người thể nào? Có đem được một Hột Giống đó trở về cho Đức-Chí Tôn hay không? Sao Người lại trách Ta đem Tâm tánh Người mà sanh với Lúa? Lúa biết dùng hết Lương-Tri Lương-Năng, biết chịu Mở Hư-Tâm ra đặng rước Tinh Khí Thần của Trời nơi không-trung đặng đem vào làm Ngọc; biết giúp sức cho Trời của nó Hiệp-Nhứt với Trời của Người, nên mỗi kiếp nó đều lập danh-phận Tam-Tài của nó xong, có phải là nhờ nó biết Đạo-Lý của nó hay không? Còn Người thì trái hẳn là tại sao vậy? Có phải là do nơi Người chẳng chịu Mở Tâm cho trống đặng rước lấy những lời dạy dỗ của Trời mà đem vào làm Ngọc cho mình hay không? Đã chẳng chịu mở Tâm ra đặng rước lấy lời Châu tiếng Ngọc của trời, mà lại chịu chất chứa những sự ô-tạp uế-trược sanh ra bởi hoàn-cảnh của Đất, đành vui lòng làm những việc trái-ngược với Đạo-Lý Chơn-Chánh, chẳng sợ Luật Trời, không kiên phép nước, là tại sao vậy? Có phải đều do nơi môt cái Vọng-Tâm mà ra hay không? Có phải là do quá tin cậy nơi cái Lý-Trí của Người hay không? Có phải là do nơi chưa biết dùng sự Cách-Vật Trí-Tri, mà lại tự khoe mình rằng là Cách-Trí đã được tôt bực hay không? Một việc Ta nói “Người chẳng ăn Lúa”, mà trò trỏ lại nói rằng: “Người chẳng ăn Lúa thì Người ăn cơm gạo”,
một việc như vậy còn chưa rõ, mà vội khoe mình rằng biết Cách-Trí !
Quả thật cũng nên khen các trò là tận-tâm xét thấu đến trong hột lúa có chứa những chất chi là bao nhiêu phần, để dùng làm việc gì, song xét như vậy đặng nhôi Cái Người cho đủ món mà thôi. Các trò làm như vậy gọi là Cách-Vật, mỗi vật mỗi vật cũng vẫn xét cho cùng tột những chất đã có chứa sẵn sàng trong mình nó rồi, gọi vậy là Trí-Tri nào dè đâu làm như vậy là Cách sự chết của Cái Vật đó đặng Trí cho chết cái Tri của mình, chớ nào có Sống bao giờ! Sao các trò chẳng chịu học Cách thử coi cái Vật làm Sự Sống của Lúa ở đâu mà bắt chước nó, đặng làm thêm Sự Sống cho mình,
sao đành nói rằng Người ăn cơm gạo? Cơm gạo có làm Sống được Người đâu?
Ta đã nói: « Người là của Trời sanh, nào có ăn vật chi của Đất sanh, Người thì phải dùng những món chi của Trời sanh đặng nuôi sống ». Chớ chi các trò chịu Trí Lương tri đặnd xét lời Ta nói, thì đã rõ chỗ ta muốn nói rồi.
Các trò thử xét coi: trên mặt Đất nầy có vật nào chịu mở cái Tâm ra cho trống mà rước lấy Tinh Khí Thần nơi không-gian đặng làm Vật quí của mình hay không? Các trò chớ gọi Lúa ngậm sương mà lầm. Lúa nào ngậm sương bao giờ! Sương đó bao giờ làm cho thành Ngọc Trời, mà các trò gọi rằng là gạo đó cho được! Thử coi, sương nó nhuần gội cho vạn vật, mà có vật nào ngậm nó thành được một chất chi hay không? Biết bao nhiêu là vật có hứng sương, đựng sương vào mình, mà nào có thành được một vật chi dâu! Sương tấm mát cho vân-vật thì có, chớ nào sương có làm Hột Ngọc cho Lúa được! Nếu sương đó đựng vào một chỗ nào, trong một giống cây cỏ nào, mà sương đó không tan ra, thì chỗ ấy phải hóa ra một thứ sâu phá hại thì có, chớ nào có thành được Hột Ngọc Trời bao giờ! Các trò nên xét kỹ lại: Chớ gọi Lúa ngậm sương thành gạo mà lầm.
Lúa hứng Thần Khí Tinh của Trời mà thành Ngọc mà các trò gọi la gạo đó.
Đây Ta giải Thần, Khí, Tinh của Trời ra cho các trò nghe. Phải nghe cho kỹ, xét cho rõ, hiểu cho thấu lý, nghiêm cho tinh tường, thì mới thông được và thấy được một phần mối chánh-lý mà sửa mình cho khỏi lầm lạc theo các mối khác. Nếu sái,
thì thành sái mất Đường ngay của Trời phú cho lúc ban sơ.
Các trò chớ quá nghe lời những đứa giả mạo danh Ta, nó gạt gẫm các trò, nó bảo phải luyện Tinh Khí Thần sẵn có trong mình đó đặng làm Thần Tiên. Các trò chớ có vọng tâm nghe như vậy mà phải uổng công sanh ra làm được kiếp Người. Tinh Khí Thần sẵn có trong mình rồi đó, nó là một vật cặn bã của máu thịt xác phàm, nó là một vật phải có nhờ sức ăn uống đặng nuôi nó, thì nó mới sống, bằng không thì nó phải chết. Nếu các trò lo luyện lấy nó, thì chính là các trò muốn lo luyện một vật phải có ngày chết được mà thôi. Cái vật chết được như vậy, bao giờ thành được vật chi quí.
Nầy các trỏ hãy nghe cho kỹ:
Thần của Trời Đất và Người là chi?
Ấy là một cái Lý mầu-nhiệm vô cùng, không đo lường được, rất kín-đáo, rất thanh-tịnh, rất êm-lặng, rất sâu-xa, rất cẩn-mật, rất dè-dặt, rất mật-thiết, rất u-vi, rất quan-trọng, rất châu-đáo, rất tinh-tế, mà nó lại rất lưu-chuyển, rất hoạt-động, hoặc ẩn, hoặc hiện, rất hoạt-bát, biến-hóa vô-cùng, không một vật nhỏ nào, chỗ kín nào mà nó chẳng suốt thông, không một vật lớn nào, chỗ trống nào mà nó không thấu hiểu. Nhỏ hết sức nhỏ như một cái chót lông, một cái tế-toái vi-trùng, Thần cũng có thể ngự nơi ấy được. Lớn hết sức lớn là cả Võ-Trụ Kiền-Khôn thế-giái, Thần cũng thấu suốt qua thong thả. Thần nhờ chi mà được như vậy? Chỉ nhờ có một cái sức mạnh là rất Điềm Tĩnh mà thôi.
Trời Đất làm sao có được Thần?
Những cơn lặng-lẽ êm-đềm, những lúc yên-tịnh, vắng-vẻ, Trời không một chút gió khua, Đất không một tiếng trùng động, Nước không một lượn sóng xao, bốn phía, trên dưới chẳng một vật chi lay-chuyển, thanh-vắng lặng-trang như tờ giấy trải, như bình nước lóng, ấy là lúc Thần cuả Trời Đất đương điều-hòa cả Võ-Trụ Vạn-Vật và gầy ra có được Sanh-Khí đó.
Thần của Trời Đất như vậy, và Trời Đất phải dường ấy mới có được Thần,
thì Người cũng phải Thể lấy cách ấy mà tự mình gầy ra Thần cho Người.
Thần như vậy mới là Chơn-Chánh, mới gọi là Ngươn-Thần,
Thần như vậy mới thấu được cả chỗ Hư-Không tế-toái và lập nên hình thể Vô-Vi.
Khí của Trời Đất và Người là chi?
Thần của Trời Đất đã điều hịa rồi, nên gầy ra được một giống gọi là Khí; ấy là một Giống Hơi Vơ-Hình mà cĩ sức Hĩa Sanh muơn vật. Giống Hơi nầy gốc bởi Thần mà ra, nên nĩ làm căn-bổn cho muơn Vật được Sự Sống, nên gọi là Ngươn-Khí. Giống Hơi ấy gồm cĩ Âm và Dương ở trong, ngĩ khơng thấy, rờ khơng đụng, duy cĩ dùng Lý mà hiểu. Nĩ đã cĩ từ lúc chưa cĩ Trời Đất. Trời Đất nhờ cĩ nĩ nên mới thành lập được Trời Đất và Hĩa Sanh muơn Vật khác cho đến vơ-cùng vơ-tận; mà Trời Đất cũng nhờ cĩ nĩ hồi hồi làm căn-bổn cho Vạn-Vật, nên Vạn-Vật mới cĩ Sự Sống đặng nuơi lấy Ngươn-Thần của mình mà Hiệp-Nhứt lại làm Một với Trời Đất. Bởi vậy nên gọi Thần cĩ Khí mới Sanh, Khí nương Thần nên Hĩa. Một sanh Hai là vậy đĩ. Hai sanh Một cũng là vậy đĩ.
Đã gọi Khí là một Vật Vô-Hình làm Căn-Bổn Sự Sống cho muôn Vật, phải dùng Lý mới hiểu, vậy các trò muốn tìm Lý ấy đặng xét, Ta cũng chỉ cho mà nghiệm.
Nhửng lúc Trời Đất êm lặng, ấy là lúc Trời Dất Ngưng Tụ Ngươn-Thần lại, ấy là lúc Trời Đất Định Tâm đặng Dưởng Thần đó; những lức ấy Người gọi là Đứng Trời. Trời nào có đứng bao gời ! Nếu Trời đứng thì muôn Vật đâu còn Sự Sống! Muôn Vật có Sanh là nhời nơi Khí Âm, được Lớn là nhờ nơi Khí Dương, nên những lúc thanh-vắng muôn giống tiếng nơi Không-Giang đều nín lặng ấy là lúc Trời Đất Định Tâm, nuôi cho sung Ngươn-Thần và ung đúc cho ra Ngươn-Khí đó. Đã gọi Khí là một Giống Hơi song Hơi nầy không thấy Thở, vì không thấy Thở nên Người mới gọi là Đứng Trời.
Tuy không thấy Thở mà có Thở ở trong rất đầm-ấm êm ái.
Chớ tưởng Trời Đất không Thở mà lầm, cũng chớ gọi Người nhờ Thở mới Sống mà hại. Sự Sống nhờ Hơi mà được, nhưng Hơi phải thay đổi mới Sống. Hơi thay đổi được nên gọi nó là sự Thở. Nhưng sự Thở phải êm-lặng, nhẹ-nhàng, không xao, không động, thì nuôi Hơi mới được. Sự Thở, tuy có vô có ra, lên xuống, song nó đều quan-hệ với nhau, phải cho liên tiếp một cách liên-lạc, mà chẫm rãi rất khéo léo, đừng cho nó đứt khúc một tý nào, thi nó mới bao bọc gom gói và luân chuyển lấy Hơi, khiến cho Hơi đi một vòng tròn, không thấy được mối mang chỗ nào, nên sự vào ra lên xuống của nó không ai hay biết được. Sự Thở như vậy mới có Sanh Hóa. Nếu sự Thở không được điều hòa như vậy, thoạt mau thoạt chậm. thoạt mạnh thoạt yếu, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc dài hoặc vắn, hoặc đứt khúc một lúc ở giửa, thì sự Thở ấy không được Thường, không được Thiệt, và không được Tin. Nếu nó như vậy thì nó nào có làm Sự Sống cho Vật chi đâu! Hãy xét vầy thì biết: những lúc Đứng Trời, hoặc giông-gió bảo-tố, hoặc Đất Động, hoặc Lửa Núi tưới phung, hoặc nưóc biển tràn đầy, ấy là do nơi sự Thở của Trời Đất không được Thường Thiệt và Tin đó. Những lúc như vậy muôn Vật ra thể nào?
Ngươn-Khí của Trời Đất lúc đã Dưỡng được Ngươn-Thần rồi, thì nó bay ra một giống Hơi đầm-ấm, mát-mẻ, không nóng không lạnh. Nhứt là lúc giửa ban đêm cho đến lúc bình minh, ấy là lúc Trung-Tâm của Trời Đất đương Định đó. Các trò hãy dùng Chơn-Thân hứng lấy Thanh-Khí nơi không trung và dùng Chơn Lý mà khảo cứu cho kỹ được, thì các trò thấy rỏ ràng rằng: cái Giống Hơi nầy nếu dùng con mắt mà xem thì không thấy nó được, hay là lóng tai mà nghe, thì cũng không biết nó ở đâu, tuy có dùng Lý nơi Chơn-Thân Chơn-Thể mà hứng thì thấy và biết được cái Mầm Giống của Sứ Hóa-Sanh của Trời Đất ngụ ở trong cái Giống Hơi mát-mẻ ấm-áp lúc Trời thanh-tịnh vắng-vẻ êm-lặng khỏe-khoắn ấy mà thôi.
Ta đã gọi Hơi ấy Vô-Hình, các trò chớ gọi lúc ấy là lúc có sương, vạn vật nhờ hứng lấy sương đặng Sống mà lầm, vì sương là một giống khác, nó hữu-hình; bởi nó hữu-hình nên hể mặt nhựt mọc lên thì nó tan, bằng nó chẳng tan mà nó đọng vào một chỗ nào, thì chỗ ấy phải hóa ra một thứ sâu bọ phá hại. Còn Ngươn-Khí kia thì chẳng vậy, nó trở lại điều-hòa với Dương-Khí đặng làm sự ấm-áp cho kiền-khôn thế-giái mà trưởng-dưởng vạn-vật. Nếu ban ngày mà Ngươn-Khí đứng lại thì Trời Đất phải Ngột. Nếu Trời Đất Ngột thì muôn vật thế-gian đâu còn ! Vì vậy nên Ngươn-Khí chẳng hề Đứng mà chẳng hề Ngột bao giờ, vì nó là Sanh-Khí lưu-chuyển rất Thần.
Người học Đạo phải Thế lấy lời Ta giải đây mà tự mình gầy ra sức Điều-Hòa Trời Đất trong Thân Người, cho được Thần-Khí trong sạch và yên lặng chớ vọng-tưởng tin càng mà sanh sự khổ cho thân-thể. Tinh của Trời Đất và Người là chi?
Các trò muốn hiểu Tinh là chi, hãy nhớ lại lời chơn-truyền của Nghiêu Thuấn, kẽ trao người lãnh cho đến Khổng Khưu thì mới rõ. Cả Tam Tài đều chú trọng nơi một điều Tinh nầy. Có Tinh mới Nhứt được, có Nhứt mới Tinh được. Nếu Tinh không Nhứt thì Tinh kia cũng hõng, nếu Nhứt không Tinh thì Nhứt ấy phải tan. Vì Tinh gốc bởi nơi Thần và Khí đã được Chơn-Nhứt mà sanh ra, nên mới gọi Một mà Ba, Ba mà Một. Một là Ba là phân ra Đạo có ba Thể, đồng một vật mà khác tên đặng cho biết mà xét, còn Ba mà Một là tóm lại cho rõ Đạo tuy Ba Thể mà Sự Dụng vốn có Một, đều bởi nơi Vô-Vi mà có. Có Vô-Vi mới sanh ra Thể, Tướng, Dụng, và dựng nên ngàn hình muôn trạng trong võ-trụ ; hình trạng ấy đều là những chỗ chứa cho Đạo có Thể mà đứng, đặng tỏ bày Bổn-Tánh của Ngôi-Độc-Nhứt vốn rât trong sạch, chi-thiện chí mỹ, nhờ có Tinh nên mới được vậy.
Tinh là một vật rất sáng sủa, rất trong sạch, rất tốt đẹp, quí nhưt, trọng nhứt, mà lại là bản-tánh, bản-chất của Ngươn-Thần và Ngươn-Khí đó.
Thử xét coi một vật của nhơn tạo, muốn cho tốt đẹp còn phải dày công trao giồi mới được tinh-xảo tuyệt diệu thay, huống chi một vật của Tạo-Hóa dụng hết Chơn-Thần gầy ra Ngươn-Khí đặng hóa sanh vạn vật mà chẳng tinh-anh thuần-túy sao ? Mặt Trời, mặt trăng kia, bởi đâu có ánh sáng, mà hai cái ánh sáng ấy lại khác nhau ? Ấ cũng bởi cái Tinh của Thần và Khí của hai vật ấy đều khác nhau. Sự Sáng tuy chẳng đồng mà sự Sống vốn chẳng lạ, là vì Thần Khí Tinh của hai vật ấy đều nhầm Chơn-Lý của Đạo vậy. Cái Tinh như vậy mới gọi rằng Tinh, nó vì sanh bởi Ngươn-Thần Ngươn-Khí của Trời Đất đã điều hòa trong lúc Định-Tâm mà ra. Trung-tâm của Trời Đất được Định, nên võ-trụ mới yên-lặng, nhờ vậy nên Ngươn-Thần đọng lại được mà sanh ra Khí-Tinh ; vì vậy nên Thần không Tinh không Khí thì không đủ gọi là Ngươn-Thần ; mà Khí không Thần không Tinh, hoặc Tinh không Thần, không Khí, đều không được gọi là Ngươn-Khí Ngươn-Tinh. Một sanh Ba là vậy đó. Ba về Một là vậy đó.
Ngươn-Khí thuộc Dương nên Aám, mà trong Aám có Mát, Ngươn-Tinh thuộc Aâm nên Mát, mà trong Mát có Aám, thẩy đều là Vật Vô-Hình. Tuy là Vô-Hình, song đều là Thần. Nhờ có Thần nên bay ra khắp Kiền-Khôn Võ-Trụ Sanh Sanh Hóa Hóa cho Vạn-Vật mới được. Thần bay ra khắp võ-trụ là Thần nương Khí ; Khí có Thần nên bay ra làm Sự-Sống mà Sự-Sống nầy gốc có Tinh, biết thấu được vậy mới rõ Thần Khí Tinh thuộc về Tiên-Thiên, rất điềm-tỉnh yên-lặng vô-hình, đứng về phương diện Tinh-Thần, trong Thể của nó đủ Tướng Dụng của Đạo, nên nó mới Hành ra được sự Sanh Hóa và Trưởng-Dưỡng muôn vật. Còn Tinh Khí Thần của kẻ mượn danh hiệu Ta đặng dạy dỗ các trò ấy, nó là Hậu-Thiên Hữu-Hình, tùy theo hoàn cảnh ô-trược mà biến hóa, thuộc về vật-chất, nào có sanh-háo chi được những việc thuộc về Đạo-Lý, nên kiếm thế làm trái ngược Đạo-Lý của Chơn-Lý của Trời, mà lại tự khoe mình rằnh hay hơn Trời, cao hơn Trời, mà cũng tự xưng mình là Tiên-Thiên Đại-Đạo vậy.
Ta đã giải sao rằng là Tiên-Thiên, sao là Hậu-Thiên rồi, vậy thì các trò phải gia-tâm mà xét đến cho được cực-điểm, khi ấy mới hiểu thấu thêm sự Thánh Thần Công Dụng của Chơn-Lý Đại Đạo gồm ở trong bài giảng nầy, đặng các trò đem vào Chơn-Thân Chơn-Thể cho hiểu Tâm Tánh của Người là chi. Chơ làm, chớ nghe, và chớ tin những điều chi lộn với cách Ta giảng đây mà phạm Thiên-Điều. Nếu phạm Thiên-Điều thì Luật Trời đâu thứ. Các trò được vậy mới thấu được Ngọc của Trời là chi. Hiểu rồi,
làm được rồi mới được gọi rằng là không thẹn với tiếng là Trời của Lúa vậy,
mới chẳng phụ tiếng là Con của Thầy vậy.
Quí quá thay cho những trò có chí tập sự vào khoa Cách-Vật Trí-Tri của Ta đương chỉ bảo. Nếu mỗi trò đều được như vậy, thì lo chi chơn không bước đến được Cung-Tường của Ta. Sự học là vụ phải gia-công suy-tầm cho lắm thì mới trông thấy được, dầu cho một vật chi nhỏ mọn cũng còn phải lắm công-phu khảo cứu mới có thể hiểu thấy, huống chi Đại-Đạo là một vật Vô-Hình, thì lại càng phải dụng công nghiên-cứu lấy cho lắm mới rõ được làm sao gọi rằng Chơn-Lý, thì mới trông tìm ra mối manh của Đại-Đạo. Đại-Đạo đã là một vật Vô-Hình từ xưa đến nay chưa từng có người đem ra chỉ bảo cho chán chường rành rẽ, cũng cứ chỉ và giải một cách bóng dáng, làm cho kẻ muốn học Đạo mỗi người nghe hiểu một cách riêng, rồi tự mình tưởng rằng mình đã tìm ấy là trúng, chớ nào chịu biết rằng Đại-Đạo chẳng hề dùng trí riêng của người đem vào tưởng-tượng cho hiểu được. Cũng bởi tự người dùng lý-trí riêng của mình đặng cân, đặng gióng, đặng đo, đặng lường Chơn-Lý, nên mới có sai lạc vào ngả khác mà không ai chịu sửa mình. Ta nay vưng-lịnh Đức Thượng-Đế đến đây Giám-Đốc Đạo Tràng, thấy rõ sự sai lầm của các trò như vậy, nên Ta phải dùng những vật có hình đem ra làm tỷ dụ cho các trò dể suy-gẩm, song Ta lại còn phải khuyên-nhủ các trò nhắc-nhở các trò, chớ hiểu lầm những vật Ta đã đem ra cho có hình ấy nó thật phải là trúng Đạo rồi đâu, vì còn phải biết thêm rằng : tuy hiện thời nó là vật có hình, nhưng nó vẫn là bởi nơi Vô-Hình mà có đó. Biết được Vật gốc bởi Vô-Hình nên sanh Hữu-Hình nầy, rồi nó cũng còn phải do nơi cái Hữu-Hình nầy đặng mượn làm Thể dùng thâu rút các vật Vô-Hình nơi Võ-Trụ không-gian kia, mà Sanh Sanh Hóa Hóa thêm ra muôn vàn Sụ Vật khác, mới có thể giúp công cho Tạo-Hóa. Biết được như vậy, mới đủ phân biệt sao gọi rằng Tướng, sao gọi rằng Dụng của Vật cho trúng Đạo-Lý, đặng đem ra làm công-dụng cho cá trò cho phải chỗ.
Các trò đã nghe Ta giải cái sức Tiên-Thiên Vô-Hình kia nó sanh ra Hậu-Thiên Hữu-Hình nầy rồi, vậy thì các trò cần biết thêm rằng Hậu-Thiên Hữu-Hình nầy có rồi, thì nó còn phãi làm sao cho gọi rằng phù-hạp với Đạo-Lý Chơn-Chánh, chớ hễ đã là hữu-hình rồi mà chẳng rõ sự công-dụng của nó phải làm thế nào, thì lâu ngày nó sẽ phải hoại, bằng làm sái sự công-dụng chơn-chánh của nó lại càng mau hoại thêm, chớ bao-giò có dùng vật hữu-hình mà luyện nó cho hoàn hư-không, như kẻ mạo danh Ta mà dạy các trò tự bấy lâu nay đó bao giờ? Vì nếu hễ dùng vật Hậu-Thiên Hữu-Hình mà luyện, tức thì sẽ thấy luyện Tinh thì Tinh kiệt, luyện Khí thì Khí khô, Tinh Khí đã bị khô kiệt rồi, thì đâu còn Thần mà hoàn hư-vô? Dầu cho Tinh Khí ấy lúc chưa khô kiệt thì nó đã hoá làm một chất đàm thiêu-nhớt, sình ứ-động trong châu-thân ngăn lấp huyết-mạch làm cho khí huyết không phương vận-động thì có, chớ nào có thành được Diên Hống chi đâu! Vì vậy Ta đã nói rằng: “Tinh Khí Thần là vật Hậu-Thiên Hữu-Hình, thuộc về vật-chất, tùy theo hoàn-cảnh ô-trược mà biến hóa, nào có sanh-hóa chi được những việc chi thuộc về Đạo-Lý”. Kẻ tả-đạo bàn-môn dối Trời, gạt Người, hại Đạo đến thế là cùng! Thương cho cái gọi là Con Người đến đây mà còn chưa chịu thức tỉnh!
Giống Lúa (Ta gọi là Giống Lúa đó) biết tuân theo Đạo nên chụi mở Hư-Tâm ra, hứng lấy Thần, Khí, Tinh của Trời Đất vào mình đặng làm Ngọc. Ngọc ấy do nơi Vô-Hình sanh ra Hữu-Hình (Ta gọi là Ngọc mà cá trò gọi la Lúa đó). Vậy nay các trò hãy vạch thữ coi trong thân nó có những chi đặng nó Sanh Sanh Hóa Hóa được? Các trò biết kiếm cho được như vậy mới gọi là Cách-Vật, mới gọi là Trí-Tri. Biết Cách-Trí như vậy, mới làm được Sự Sống cho Con Người, vì biết Cách-Trí như vậy mới thấy Đạo-Lý, vì Đạo là Sự Sống. Biết đem Sự Sống của Đạo mà dùng, thì mới gọi là biết Đạo. Biết được Đạo rồi mới tuân theo Luật Đạo đặng làm Sự Sống, giúp Trời cứu Người được cho. Nếu các trò chẳng biết khoa Cách-Trí của Ta chỉ, mà traí lại các trò vẫn dùng khoa Cách-Trí theo Lý-Trí của các trò đã thường dùng bấy lâu nay, thì các trò vạch Lúa ra nào thấy được Ngọc của nó! Các trò thử nghĩ coi, một khi đã vạch nó ra rồi, thì nó đã hư cái lớp không-tâm của nó mà các trò gọi là vỏ đó. Vừa phá cái vỏ nó ra rồi, thì Lúa kia đã chết, nào còn Sự Sống đặng cứu Người? Các trò đã vạch cho lột cái vỏ Lúa, thì các trò thấy gạo mà thôi. Gạo là gạo chớ nào phải là Ngọc. Gạo nuôi được Sự Sống cho Cái Người, chơ nào nuôi được Sự Sống cho Con Người bao giờ. Gạo tuy rằng nuôi Sự Sống cho Cái Người, mà có khi Cái Người còn phải bịnh phải chết vì gạo nữa! Gạo đã chẳng phải là vật nuôi cho trọng sống Cái Người, thì nào nó có làm chi cho sống Con Người được đâu?
Vì vậy nên Ta đã nói rằng: “Con Người chẳng hề ăn cơm gạo” là vậy đó.
Vậy thì Con Người ăn những chi mà Sống?
Ta đã nói Giống Lúa biết tuân theo Đạo, nên chịu mở Hư-Tâm ra hứng lấy Tiên-Thiên Vô-Hình vào mình đặng làm Ngọc cho nó, vậy thì đủ rõ biết rằng Tiên-Thiên Vô-Hình ấy là Chơn-Lý của Đạo, một khi Lý ấy đã đựng vào Tâm của Lúa rồi, thì nó thành ra Hậu Thiên Hữu Hình; nó đã thành hình rồi, thì Đạo ấy Lý ấy kêu là Ngọc, vậy thì Con Người phải dùng Ngọc ấy mà nuôi sống, vì Ngọc ấy mới chánh là Đạo-Lý của Vũ-Trụ đựng vào trong thân của Lúa, chớ Gạo kia nuôi cho khắp cả mọi vật đều được, nào phải để riêng nuôi cho Cái Người của Con Người mà thôi đâu! Ngọc kia mới nuôi cho Con Người được. Vậy muốn tìm cho biết Ngọc, thì phải tìm cho thấy Chơn-Lý Đại-Đạo đã ẩn ở trong thân Con Người, cũng như tìm cho thấy Chơn-Lý Đại-Đạo đã ẩn ở trong thân của Lúa vậy. Thấy được vậy rồi mới rõ Đạo là Ngọc của Người để dành nuôi và làm Sự Sống cứu Người. Người cần phải mở cái Hư-Tâm của mình ra đặng hứng lấy nó vào mình đặng làm Ngọc thì mới có được Sự Sống cho mình đặng giúp Sanh Hóa cho Trời.
Bởi các trò thường dùng Cái Trí của Cái Người đặng Cách Cái Lý của Vật mà gọi rằng Cách-Vật Trí-Tri, làm thể ấy chính là dùng Lý-Trí của Cái Người đặng Cách Sự-Lý Vật-Chất của Cái Vật, chớ nào phải là chụi Trí Lương-Tri của Con Người đã sẳn có, đặng Cách cho đúng tột Tinh-Thần Sự-Lý của Vạn-Vật Võ-Trụ đâu? Nếu dùng theo Lý-Trí của các trò đặng Cách-Vật, thì Ta thấy các trò xét biết Lúa là một vật để nuôi sống cho Người, nếu Người muốn sống thì phải xay Lúa cho ra Gạo, phải chà phải giả Gạo ấy cho trắng, phải nấu cho chín thành Cơm mà ăn mới sống. Hoặc cũng có trò lại khảo cứu các tánh chất trong hột Lúa có những chi, đặng chế biến Gạo ấy cho thành Bột có thể dùng trong những món ăn khéo-léo khác mà gọi là nuôi sự sống cho Người. Các trò làm như vậy gọi là Cách-Vật, làm như vậy gọi là Trí-Tri. Xét coi cái khoa học của trò Cách Trí như vậy, tìm tánh-chất của các Vật thể ấy, nếu đem ra đặng biến hóa càng nhiều càng tinh xảo chừng nào, thì Ta thấy càng chế thêm ra nhiều thứ thuốc độc để hại sanh mạng của Người cho mau tiêu-diệt thì có, chớ nào có ích-lợi chi cho Sự Sống của Người đâu, mà sao Ta coi các trò lại ưa chuộng những khoa-học hóa-học ấy hoài? Phải biết Khoa-Học Hóa-Học là khoa vụ tìm cho ra sự Sanh-Sanh Hóa-Hóa của Võ-Trụ, vụ giúp sự Trường-Sanh cho Chơn-Thân Chơn-Thể Con Người kìa chớ! Muốn tìm cho ra khoa Hóa-Học Trường-Sanh, thi phải dùng khoa Cách-Trí của Ta đã chỉ, là phải Trí Lương-Tri đặng Cách Sự-Vật cho Tinh-Thần mà thôi. Muốn theo khoa Cách-Trí Tinh-Thần thì phải nhớ rằng: Vạn-Vật Võ-Trụ với Người đây vốn đồng Một Sự Sống như nhau, vì đều bởi Một mà ra, bởi Một mà nên. Nếu ai không biết đến Một nầy, thì ắt phải tiêu-diệt. Đã là Một rồi, song Một ấy lại hóa ra Hai. Hai nầy là Hồn và Xác, tuy gọi Hai song vốn có Một. Vậy nên Vạn-Vật Võ-Trụ với Người không lạ chi, vẫn là Một, vì thảy đều có Hồn và Xác như nhau, và cũng đều do nơi Một kia mà có vậy, dầu cho cầm thú, cỏ cây cũng đều có Hồn và Xác như Người, song Người là một Vật Quí hơn các Vật trong Vạn-Vật, vì Người trọn đủ phần Hồn hơn. Hồn của Người như là như là Ngọc của Lúa vậy. Lúa kia còn phải có Ngọc mới được Sống thay, huống chi Người nầy lại không có nó sao? Vậy nên Con Người phải dùng Ngọc của Lúa đặng nuôi Sự Sống cho Ngọc của Người. Mà Ngọc của Người là chi? Ấy là phần Hồn đó. Sao chẳng nhớ rằng: “Hồn con là Ngọc của Thầy”.
Nếu các trò muốn lột cái vỏ của Lúa cho ra Gạo, thì Lúa đâu còn sự sống? Nếu không còn sự sống, thì giống Lúa của Ta nói đâu còn? Nếu giống Lúa không còn, thì đâu còn kiếm được Ngọc mà nuôi Sự Sống cho Ngọc của Người được Trường-Sanh Trường-Tồn? Nếu vậy thì Giống Người đâu còn có nữa? Nếu Giống Người đã tuyệt, thì Vạn-Vật Võ-Trụ phải ra thế nào? Các trò hãy nhớ lời Ta nói rằng: “ Trời không Người thì Trời nào có. Trời nầy phải nhờ Người, Đất mà ra, nhờ Người, Đất mà lớn vậy. Vạn-Vật Võ-Trụ cũng đều phải vậy”. Biết rõ vậy mới hiểu rằng: “Trời Sống bởi Người, mà Người không Lúa thì Người đâu còn, cũng như Trời không Người thì Trời nào có?”
Xét đủ các lời Ta đã chỉ, thì các trò đủ hiểu hễ ai là Người muốn tìm Đại-Đạo thì vụ phải rõ Chơn-Lý là sao. Có tìm được Chơn-Lý mới xét đủ các lời Ta đã chỉ, khi ấy mới hiểu Đại-Đạo vụ phải rõ Chơn-Lý cho được. Có tìm được Chơn-Lý mới thấy Hồn Xác Con Người thể nào. Muốn biết Hồn Xác Con Người thể nào lại càng phải xét cho ra Hồn Xác của Giống Lúa mới được, vì Người là Lúa của Trời, mà lại là Trời của Lúa. Muốn biết Người đây mà là Người nào chính là Người của Trời chọn làm Giống Người, đặng Sanh Sanh Hóa Hóa ra Người Giống giúp Trời, thì Người phải tự xét lấy mình coi mình phải chọn lấy Lúa nào ra làm Giống Lúa đặng Sanh Sanh Hóa Hóa ra Lúa Giống giúp Ngưòi, xét vậy thì đủ rõ.
Kẻ nông biết Lúa ẩm lép thì không thể mọc, nên không chọn làm Lúa Giống, thì Trời kia cũng vậy, nếu chọn Giống Người, thì lẽ nào lại để cho những ai không no đầy Đạo-Đức làm Người Giống sao? Muốn cho được Lúa Giống cho tốt, thì người nông dầy công-phu biết mấy, nên hễ đến mùa lúa chín, thì phài rảo bước đi từ bụi, chọn gié nào sai hột và no đủ, tưóc đem về ca củm phơi nắng lấy sương cho vừa cho đều rồi còn phải lựa kỹ từ hột một không cho lộn lạo: được chắc ý rồi, mới chịu đựng kính vào lu vào vò, để dành làm giống cho mùa ruộng năm tới. Hột Lúa nào được chọn kỹ như vậy mới gọi rằng là Hột Giống, vì nó đã tích trử no đầy Tiên-Thiên Tam-Bữu trong lúc đơm nhụy cho đến lúc trổ bông và nó đã hứng chịu Hậu-Thiên Tam-Bữu trong những lúc nên trái cho đến lúc phơi phong rồi. Đủ Tiên-Thiên Hậu-Thiên hiệp-nhứt vào mình rồi mới gọi là trọn Chơn-Ngươn. Hột Lúa nào được chọn có đủ như vậy, mới gọi Hột Lúa ấy là Hột Lúa Giống vì nó no đầy Tứ-Đại-Giả trong mình nó.
Nhờ sự chọn kỹ lưỡng như vậy, nên mỗi một Hột Giống đến ngày trở ra ruộng thì đủ sức vận-động lấy Chơn-Ngươn ấy đặng biến hóa Tứ-Đại-Giả có sẳn trong mình, thành ra một cái Hình-Thể mới, gầy dựng nên một gia-tộc đông đảo có đoàn-thể, có cơ sở riêng, đủ thế lập lấy mình đặng hấp-thụ Không-Khí Trời Đất đương lưu-chuyển trong vòng Tứ-Giả nơi mấy từng không-gian kia. Cái cơ sở riêng ấy là chi? Là cá Vỏõ non của mỗi Hột Lúa lúc vọt ra khỏi mình Mẹ nó đó. Đến đây là rồi bổn-phận của Hột-Giống, mà cái Vỏõ non kia bắt đầu phải làm làm sao cho trọn bổn-phận mình đặnglàm cho nên Hột Lúa đó.
Muốn nên được Hột Lúa, thì cái Vỏ non nầy bắt đầu từ đây phải tập mình hứng lấy sương nắng cho quen Không Khí nơi không gian, cho nở nang mạnh mẻ các cơ quan trong những đường gân sớ thịt, làm cho nó có sức mõ ra khép vào trong những lúc phải cần dùng. Cái tiếng mà cac trò noí Lúa hé Vỏ ngậm sương làm gạo đó, đến đây các trò hiểu chưa? Aáy la cái Vỏ phải hứng sương nắng cho quen để dành làm việc bổn-phận mà thôi, chớ sương nào có làm Gạo cho được. Sương nắng để tự nhuận và ấm áp cỏ cây bông trái cho được đúng mức mà thôi.
Hột Giống lập xong cơ sở để lại cho Vỏ non, tuy để laị có một cái Vỏ không không mà thôi, song trong ấy có một cái chất rất quí để dành sao có thể làm Hình đặng hứng lấy Ngọc Trời. Chất ấy, các trò gọi là Ngòi. Nhờ có chất nầy mà Vỏ non đến khi đủ sức mở và khép tự nhiên rồi, thì nó bắt đầu hứng lấy Tiên-Thiên Tam-Bữu nên các trò gọi là Nhụy, chớ các trò nào rõ ấy là một cái Hư Tâm có sẳn Tánh khéo làm Nhơn-Duyên cho nó, nên biết rước những Khí Vô-Hình ở ngoài đem vào đựng cho đầy đủ,
đặng làm Chơn-Tâm mà nuôi lấy Chơn-Thân Chơn-Thể của nó đâu!
Tuy biết rằng Tiên-Thiên Tam-Bữu là Khí Vô-Hình, song trước khi nó đựng được vào Hư-Tâm kia, nó cần phải trải qua biết mất từng Không-Gian thay đổi biết mấy lần không-khí, trong thời-gian ấy nó phải pha-trộn biết bao nhiêu Khí-Chất của Tứ-Giả, nhứt là từng ở gần trái Địa-Cầu nầy. Cho đến lúc Hư-Tâm kia hứng chịu Khí-Chất Hậu-Thiên Tam-Bữu cho nên Hình mà các trò gọi là Gạo đó, thì chất nầy là một chất để dành nuôi lấy Ngọc Trời vô-hình ở trong thân nó mà thôi, cũng như phép y phương dùng hơi Gạo đặng nuôi nhiều vị thuốc quí vậy. Xét vậy thì đủ tấy trong Gạo phần nào thuộc về Tiên-Thiên Tam-Bữu thì là phần Linh-Hồn, phần nào thuộc về Hậu-Thiên Tam-Bữu thì là phần Anh-Hồn, phần nào pha trộn của Tứ-Giả thì thuộc về Thần-Hồn, cò Vỏ kia là cái xác đựng Tam Hồn vậy. Vì vậy Ta đã nói rằng trong Lúa có Hồn và Xác, nên hễ ai lột Vỏ Lúa ra đặng lấy Gạo thì Lúa kia đã chết, nào có làm được Sự Sống cho Con Người.
Các trò phải biết Trí Lương-Tri như vậy, đặng Cách cái Vật của Hột Lúa, thì rõ mỗi Họt Lúa trong mình nó đều hứng chịu Tam-Bữu của Tiên Hậu Thiên khác nhau chớ chẳng đồng, nên cũng thì một Hột Giống đem gieo xuống đất sanh sản ra nhiều chồi nhiều tược, mỗi chồi mỗi tược lại trổ ra nhiều gié, mỗi gié đâm ra nhiều nhánh, mỗi nhánh có nhiều bông; có nhiều như vậy nó mới lập gia-tộc đoàn-thể cơ-sở về sau cho nó được, song gốc có Một Hột Giống mà thôi; mà sao lúc trổ bông trái lại không đồng nhau, gié thì thưa, gié thì sai, gié thì lép nhiều, gié thì chắc nhiều, có gié thì trọn chẳng tốt, có gié lại không một hột chắc nào, có giè lại vào gạo không đầy, cũng có giè phải khô tại bụi trong lúc các gié khác đương trổ bông, có gié lại dốc ra thứ giống khác hẳn với Hột Giống khi trước, có giè lại trổ đôi ba thứ giống khác nhau. Aáy là nói trong một Hột Giống đó, còn nói chi đến trong một vuôn ruộng gieo xuống biết bao nhiêu Hột Giống, thì nó lại càng trổ ra khác nhau thế nào? Tại sao mà nó không đồng với nhau như vậy? Các trò thử nghĩ xét coi. Thử Trí cái Lương-Tri đâng Cách cái Vật Hột Luá nầy cho Ta nghe thử.
Ta khuyên các trò phải xét nơi Hột Lúa mà thôi, đừng kiếm cớ khác đổ thừa tại gió, tại sâu bọ thời tiết chi hết, vì những vật ấy đều là vật ở ngoài. Các trò chính xét coi, nếu đổ thừa tại vật nầy phá, vật kia hại như vậy, là tại không ai chịu Trí Lương-Tri cho cùng Lý của Sự Vật, nên mới đổ thừa qua loa như vậy cho rồi chuyện. Nếu cứ như vậy hoài thì biết bao giờ cho thoát kiếp Luân Hồi, vì một Sự Lý như vậy mà không chụi xét cho cùng mà sửa lại cho kỹ, cho khéo, cho hay, thì bao giờ mới biết Sự Lý của Võ-Trụ Vạn-Vật, thì trông chi Hiệp-Nhứt cho được.
Nếu đổ thừa cho gió làm bay nhụy nên hóa lép, hoặc là ngậm sương không đều nên không đủ gạo, thì sao cũng là đồng một bụi lúa với nhau, , trổ với nhau một lược, sao lại có gié nầy đủ, gié lại không? Cũng thì đồng một gié với nhau sao lại có hột vầy hột khác? Nếu vậy thì phải tại gió đâu! Gió nào có làm bay nhụy ở trong vỏ cho được! Hoặc là đổ thừa cho sâu bọ thì cũng vậy, sao gié có sâu, gié lại không?... Gió làm cho cây Lúa ngã hoặc gãy, nên lớp Lúa nào nằm phía trên thì phải lừng phải hư, chớ gió không làm cho Lúa bay nhụy, hứng sương không được, nên hóa lép bao giờ. Còn sâu là tại cây Lúa nào có bệnh, nhánh lá nó không được hứng lấy sương nắng một cách tự nhiên, nên sương đọng vào mấy chỗ bệnh ấy, rút vào trong ruột cây Lúa, không tan ra được mới hóa sâu, chớ không phải cây Lúa tự-nhiên sanh ra con sâu được.
Gió là gió, Lúa là Lúa, hai vật đều làm bổn-phận tự-nhiên của mình, cớ chi gió lại làm cho đến đổi Lúa ngã, gãy, lừng, lép hư hao? Chắc các trò thường thấy những dám ruộng nào Lúa đương trổ hễ gặp gió thổi mạnh thì ngã rạp hóa ra lừng lép, nên các trò đổ lỗi cho gió, sao các trò không trách tại cây Lúa sao không chịu đứng vững-vàng, đừng để làm ngã, làm gãy, làm xiêu thân mình của nó? Hay là các trò nói tại Lúa trúng, bông Lúa sai quằn, nếu gió mạnh thì đứng không nỗi nên phải ngã. Các trò tưởng như vậy là rất lầm. Gió thổi làm cho bay những vật nào đóng ngoài thân cây Lúa, như sương như sâu, đặng giúp cho Lúa, chớ không bao giờ làm hại Lúa,
còn Lúa ngã gãy là tại cây Lúa nào quá tham, hưởng qua sự tự-nhiên nên mới ngã.
Hễ vật nào làm quá sự trung bình thì đều phải bị hại.
Sao chẳng xét cũng thì một đồng Lúa một sở ruộng, cũng đồng bị một ngọn gió như nhau, cớ chi có chỗ ngã gãy hư hao, có chỗ lại không? Mấy chỗ không hư hao ấy Lúa cũng trúng chớ nào phải không? Nếu các trò chịu gia-tâm Trí cái Lương-Tri thêm một chút nữa, thì các trò sẽ thấy cái cớ làm sao cho Lúa ngã gãy hư hao ấy là tại Tham Tâm của Hột Lúa thái quá, hưởng quá sức tự-nhiên của nó, nên gốc rạ chụi không nỗi với sức bông trái quá no, quá sai, làm cho quá sức chụi của nó nên nó đứng khôn được vững chớ nào phải tại gió làm ngã đâu. Còng những chỗ kia cũng đồng một sự trúng như nó mà không bị hư hao, là nhờ bông Lúa chỗ ấy biết dùng sự Trung-Bình sức Tự-Nhiên của mình đặng hứng lấy Ngọc Trời cho vừa, còn sự đóng và mở của Vỏ Lúa cũng làm bổn-phận theo năng-lực tự-nhiên, nên sự hấp-thụ Tam-Bữu nơi Không Trung không thái quá, nhờ có sự Trung-Bình ấy nên gốc rạ đủ sức chịu đựng với sức gió mới đứng được vững vàng đó.
Các trò phải nhớ rằng: Muôn Vật trong Võ-Trụ đều đồng Một Thể với nhau, chẳng có một vật nào chẳng làm việc tùy theo bổn-phận mình; mà trong sự làm việc cũng không được thái-quá hay là bất-cập, phải đều tuân theo một Luật Bình-Thường cho trúng Đạo-Lý: nếu chẳng phải vậy thì là một sự Biến lạ-thường đó thôi. Đạo chỉ biết có một sự Thường, không hề biết dến sự Biến. Hễ có Biến thì là sái Đạo. Hễ vật nào sái Đạo thì có hại.
Vậy thì bổn-phận Vỏ non của Hột Lúa là phải mở ra khép vào lúc nào mới gọi cho rằng trúng Đạo-Lý trong những lúc phải cần dùng. Ấy là những lúc Lúa mở Hư-Tâm ra rước Tiên Hậu Thiên Tam-Bữu vào làm Chơn-Tâm đặng nuôi Chơn-Thân cho nên Hình ấy, đều là những lúc nó phải làm bổn-phận đó, nếu nó biết tuân luật Thường, thì hễ nó mở vừa đủ sức rồi thì nó phải đóng lại và giữ kín đó, được vậy thì những bông trái đó nào có quá no quá sức, làm cho đến đổi nặng quằn, khiến cho gốc rạ đứng không được vững vàng mà gây ra sự thiệt hại ngày sau, bí gió thổi cho đến đỗi phải gẫy phải hư! Nếu nó đã đựng vừa đủ sức rồi mà nó chưa chụi khép kín lại, còn mở ra đặng thâu hứng thêm nữa, thì chỉ nghĩa rằng nó đã biến cái Hư-Tâm làm cái Tham-Tâm nên Lúa mới bị hại. Song nếu chính đương lúc ấy mà nó Hồi-Tâm nhớ lại rằng nếu tham như vậy là hại, tức thì nó đóng kín lại, thì những chất nào đọng đủ trong Hư-Tâm ấy phải chảy ra và đọng lại một chỗ khác nào trong những chỗ nó đọng được, thì chất nầy liền pha trộn với nước sương, nó sẽ biến nên một thứ Hình như Giống Trái, song có màu khác, mà các trò thường gọi rằng hễ ruộng nào có Trái Lúa chỉ nghĩa rằng ruộng ấy trúng lắm, chủ ruộng rất có phước. Chẳng có phước sao được! Nếu chất ấy không chảy ra thì Lúa phải ngã phảu hư. Rất mừng cho chủ ruộng nào có Lúa biết làm trọn bổn-phận như vậy. Vì sao chất ấy hễ đọng vào một chõ nào lại hóa sanh ra được một thứ trái? Là gì hễ có một chút chất Tam-Bữu đã trải qua cảnh Tứ-Giả rồi mà được đọng vào một nơi đâu, thì chất ấy pha lộn với Sương Nắng rồi trở nên một thứ Hoa hay Quả chi chi chẳng luận, tùy theo Vật Chứa và tùy theo Chất Vật và Chất pha trộn mà Hóa nên Hình và màu sắc.
Hậu-Thiên Tam-Bữu nơi Không-Gian lớp gần mặt Địa-Cầu có nhiều chất Tứ-Giả rất hỗn tạp, không được thuần-túy, mà rất nặng nề cứng cỏi nên sanh ra nhiều màu nhiều giống, Tánh chất đều không được giống nhau, bởi cỏi ấy chứa đựng nhiều Vật-Chất và Khí-Chất bởi sức trần-gian biến hóa. Giống Người cũng vậy, nếu Người nào Khí bẩm hứng chịu Tứ-Giả nầy, thì dầu cho sanh ra bởi một cha mẹ, một nòi giống song vì Tánh Chất pha trộn hỗn-tạp nên Tánh tình cũng phải khác. Đã khác nhau bởi cớ ấy thì bảo sao Tâm Tánh không khác nhau cho được! Giống Người là Giống khôn hơn muôn Vật mà còn vậy thay, huốn chi Giống Lúa! Vì cớ như vậy nên tuy là Lúa trổ cũng đồng một bụi, một tược một gié, mà lại nảy ra nhiều Hột nhiều Giống chẳng đồng. Tuy vậy nhưng cũng bởi gié nào, hột nào vì cái Vỏ non không làm bổn-phận cho tròn hay là Hư-Tâm không được Chánh, còn mê-hoặc, thích hứng chụi lấy những Khí-Chất hỗn-tạp,
nên nó mới có thể đựng vào đó được.
Các trò hãy xét cho kỹ hai tiếng Nòi Giống thì đủ hiểu rõ thêm. Phàm loại chi, Vật chi, thiệt nòi thiệt giống, thì rất ít, trái lại hình thể giống nhau mà không thiệt nòi thệt giống thì rất nhiều. Đạo cũng vậy, Chơn-Lý cũng vậy, vì Đạo là Chơn-Lý, Chơn-Lý là Đạo, thì Chơn-Lý hay là Đạo đâu kiếm được có Hai có Ba! Hãy nghe Ta giải thêm, Đạo Sanh bởi Lý, Hóa ra bởi Khí, nên có câu: “Lý-Sanh Khí-Hóa”. Lý đây nghĩa là Chơn-Lý, còn Khí là Ngươn-Khí đó, nên mới gọi tắt là Chơn-Ngươn. Chơn-Ngươn tuy là hai tiếng nói tắt bởi Chơn-Lý và Ngươn-Khí mà ra, song nó cũng có nghĩa riêng là: “Thiệt chính Gốc đầu bài”. Có đủ Chơn-Ngươn mới có thể dựng nên Võ-Trụ Vạn Vật mà Sanh Sanh Hóa Hóa vô-cùng vô-tận vô-thỉ vô-chung, nên mới có hình tỷ dụ cho Đạo là Một cái “Vòng Trống” kêu là Vô-Kiệt, chớ Đạo nào có Hình thể bao giờ! Xét cho hiểu rõ chắc như vậy, mới rõ Gốc Cái, Giống Cội, Nòi Chánh của Đạo-Thể bởi đâu, rồi cứ do nơi đo ùđặng phăn theo, đặng tìm lấy Tướng và Dụng cho được. Được như vậy mới có thể chi-phối cho Hiệp Lý, khi ấy mới vui biết sao gọi Một mà Ba, Ba rồi về Một. Phàm vật chi cũng phải cho Hiệp Lý mới đáng gọi là Một Vật, có Sanh có Hóa, có Thành, đừng thái-quá, đừng bất-cập; Kịp đến lúc Thành rồi thì cũng phải cho Hiệp Lý đặng Sanh Hóa thêm bất tiêu bất diệt. Vật như vậy mới thiệt là Giống Cội-Gốc của Nòi-Chánh thuở ban sơ. Nòi Giống ấy là chi? Ấy là Chơn-Ngươn đó. Mà trong Chơn-Ngươn còn phải chọn cho được Ngươn-Chơn mới thiệt gọi Nòi-Giống Gốc-Nguồn cho.
Các trò hãy nhớ lời Ta đã giảng về khoa Tiên-Thiên và Hậu-Thiên là chi rồi, vậy thì các trò đã hiểu Đạo là Đạo, Đạo không phải thuộc về Tiên-Thiên, Đạo là Đạo, Đạo cũng không phải thuộc về Hậu-Thiên. Đạo là Đạo, không phải Tiên-Thiên Hậu-Thiên chi được gọi là Đạo. Đạo là con Đường. Tiên-Thiên Hậu-Thiên đều là con Đường của Đạo Sanh Hóa ra đặng lập nên Kiền-Khôn Võ-Trụ đó thôi. Đạo là Chơn-Ngươn ở cùng khắp trong Vạn-Vật, dầu cho Điểu-Thú Căn-Cai Côn-Trùng Thảo-Mộc chi chi cũng đều có Đạo ở trong cả thảy. Nếu vật nào sái Chơn-Ngươn đều phải bị Đào-Thải bởi Luật Tự-Nhiên.
Các trò nghe kỹ lời nầy rồi, đủ rõ Đạo-Lý là chi rồi thì cũng đủ hiểu vì sao Lúa phải bị ngã gãy hư hao, và vì sao cũng chung cùng nhau một bụi một gié mà nó lại trổ ra nhiều Giống khác nhau. Nếu các trò đã rõ đã hiểu rồi thì các trò đủ chắc rằng lời Ta giải không sái với Đạo-Lý chơn-chánh của Võ-Trụ và Vạn-Vật. Chẳng những Lúa bị Tham-Tâm hay là Mê-Hoặc-Tâm làm cho nó đến đỗi hư hao và sai lạc Nòi-Giống mà thôi, dầu cho Vạn-Vật cũng vậy, dầu cho Nhơn-Loại cũng vậy, cũng đồng một Luật chung của Tạo-Hóa. Than ôi! Còn nói chi đến Lúa lép Lúa lừng kia! Bởi Tâm nó đã chết nên mới không biết mở ra đặng hứng lấy Ngọc Trời, hoặc là nó mê-muội biến-nhác, nên làm bổn-phận không tròn, không chụi mở ra và đóng lại cho nhằm thời-tiết, nên gió mới có thể lọt vào làm cho Nhụy nó bay hết, hoặc là bay bớt một vài phần, nên nó phải chịu phần lép phần lừng đó; chớ gió đâu có kiếm thế tàn phá nó đâu. Gió đối với Lúa cũng như Hoàn-Cảnh đối với Người, đều có phần tốt và phần xấu; song xấu hay tốt là tùy theo Tâm của Lúa và của Người tự chọn lấy mà rước vào mình đó thôi.
Ta đã bảo các trò xét vì sao Ta đem Hột Lúa ra làm tỷ-dụ Tâm Tánh loài Người cho Ta nghe, Ta có ý trông, song chưa thấy trò nào làm cho y lời Ta muốn; Ta biết các trò lúc ban đầu còn bợ-ngợ, e giải không trúng, chớ chi các trò cố-gắng tìm-tòi để-ý thêm vào, thì lâu ngày phải trúng chớ nào không; nào dè đâu lâu ngày chừng nào, rốt cuộc thì lại bỏ qua. Thật chưa thấy có trò nào cho khỏi có trước không sau, hoặc có sau rồi lại không trước. Nếu vậy mà muống làm Thánh, Thần, Tiên, Phật thì có lẽ nào được! Ta cũng đả giải cho nhiều rồi, mà coi lại các trò cũng chưa chịu để tâm vào mà chịu tìm chịu xét. Ta cũng vui, vui giùm thấy các trò cũng chưa đổi tánh xưa nết cũ đã có từ bao giờ cho đến bây giờ ấy. Nếu tánh ấy còn đeo còn mang nó hoài vào mình,
thì biết bao giờ đi cho đến nơi đến chốn? Đã biết tánh các trò như vậy rồi,
nhưng bổn-phận Ta phải nói, nên Ta cũng vẫ vui mà giải thêm,
ưóc trông trong các trò có trò nào chịu nghe chịu xét chăng?
Tâm Tánh của loài Người chẳng khác chi Tâm Tánh của Hột Lúa, nên, hư, tốt, xấu, lành, dữ chi cũng do nơi nó mà ra. Ta nói vậy, Ta thấy có trò thầm nói rằng: Điều ấy ai cũng biết vậy, cần chi Ta phải nói, vì ai ai cũng vậy, chuyện chi hoặc hiền hoặc dữ đều bởi nơi Tâm mà ra. Nếu trò nào tưởng như vậy thì rất lầm, lầm là lầm vì chưa biết Tâm Tánh là chi, mà tự bấy nay hễ ai mở miệng ra giải về khoa Đạo-Lý, thì cũng đều mượn hai tiếng Tâm Tánh ra đặng nói cho dể nghe, mà rốt cuộc thì Tâm Tánh nói đó đều là một lời nói ảo-huyền, chớ cũng chưa thấy ai biết nó là gì. Nếu có ai biết được rồi, sao không thấy ai chịu xét coi lành hay dữ ấy tại đâu mà Tâm Tánh nó có sẳn đặng nó ra? Lành, dữ, nên hư, xấu, tốt là tại Trời mà ra thì có, chớ nào phải tại nơi Tâm Tánh có sẳn bao giờ! Bởi Người cảm thế nào, thì Trời Ứng lại cho thế ấy, chớ Tâm Tánh vốn là Hư Không, nào nó có chi đâu mà gọi rằng nó có lành hay dữ trưóc sẳn? Tâm có sẳn một cái Tánh Sáng thì có, song cái Sáng của nó có sẳn đó, lại vì các trò làm cho nó phải Tối tâm lu lờ, vì vậy nên nó không phân-biệt làm sao gọi rằng lành, dữ, nên, hư, tốt, xấu, phải, quấy, chi nữa, đặng nó quyết đoán thì có, chớ nào nó có sẳn những Tánh ấy bao giờ? Những cái Tánh như vậy, đều do nơi các trò tạo nó ra, chớ nào nó có sẳn! Các trò phải biết rằng: Các trò là các trò, chớ các trò không phải là Tâm Tánh, mà Tâm Tánh cũng không phải là các trò, cũng như Tâm Tánh là Tâm Tánh, chớ Tâm Tánh không phải là Đạo, mà Đạo cũng không phải là Lý, cũng như Lý không phải là Trời vậy; vì mỗi vật đều là mỗi vật, khác nhau rất xa, cũng như Trời là Trời, chớ Trời nào phải là Đất! Nhưng mà trái lại, các trò vốn là Trời đó, Trời vốn là các trò đó! Vì sao được vậy? Được vậy là nhờ nơi Tâm biết phân-biệt và quyết-đoán đó. Nếu Tâm phân biệt và quyết-đoán được, thì muôn việc chi mới do nơi đó mà ra chớ!!! Tâm phân-biệt và quyết-đoán được là Tâm phải Hư-Không kìa mới được.
Tâm Tánh đã được Hư-Không rồi, mà các trò lại còn phải biết phân biệt sao gọi là Hư, sao gọi là Không, dùng sự phân-biệt nầy mà xử trí những Sự Lý hay là Sự Vật tiếp xúc hằng ngày hằng giờ cho trúng tiết, thì khi ấy Tâm nó mới là Sáng, các trò mới gọi là Trời. Vì vậy nên Người học Đạo trưóc hết phải cần dùng sự sửa Tâm Tánh cho được Hư-Không hoài mà lại còn phải biết mỗi khi phát ra đặng ứng sự tiếp vật đều phải chọn cho nhằm mà dùng mới gọi là phù hạp với Đạo Lý. Được phù hạp thì muôn việc đều Hòa đều Nên, nếu chẳng vậy thì muôn việc đều Nghịch đều Hư, nên Ta mới nói: Nên, hư, xấu, tốt chi cũng do nơi Tâm Tánh mà ra đó.
Ra sự nên, hư, tốt, xấu là tại Tâm, còn lảnh sự nên, hư, tốt, xấu là tại phần các trò phải lảnh, sao các trò chẳng chịu xét coi Tâm Tánh của các trò ngày nay nó được thế nào? Phần Ta thì hiện nay Ta thấy Tâm Tánh các trò đều chưa tấn-hóa. Ta đây hỏi: Nếu để Tâm Tánh một bực như vậy hoài, thì Con Người của các trò đứng vào hạng nào?
Đã gọi Tâm Tánh vốn Hư Không nên mới được có Tánh Sáng, nhưng còn phải biết Hư là làm sao, Không là thể nào, lúc nào gọi rằng Hư, lúc nào gọi rằng Không, thì mới rỏ cách dùng nó cho phải chỗ phải cách, mới có thể làm cho Sáng sự Sáng của nó, bằng chẳng biết rõ, ắt mỗi khi muốn dùng, thì làm sao cho khỏi sai, khỏi lộn sự Sáng của nó. Nếu sai, nếu lộn thì là Vọng. Nếu Vọng thì chẳng phải Chơn. Tâm đã chẳng được Chơn, thì có lẽ nào kềm chế sự Vọng được, vì Vọng là tại nơi mất sự Chơn mà ra. Người kềm chế Tâm chưa được, là vì chưa biết Tâm là chi đó. Người chưa biết Tâm là chi, là vì chưa thông hai nghĩa Hư và Không đó. Hư hay là Không mà còn chưa hiểu, thì có lẽ nào mà hiểu Sự Sáng của nó mà dùng! Dùng sai Sự Sáng của Tâm Tánh thì làm sao phân biệt và quyết đoán cho trúng việc phải, việc nên việc lành? Nếu dùng nó chẳng trúng, thì Người phải Mê-hoặc với Sự-Vật hay là Sự-Lý mà tách xa ra khỏi Chơn-Tâm Chơn-Tánh rồi, hoặc là vì Mê-hoặc Sự-Vật mà phải bó buộc theo nó, hoặc ưa chuộng nó mà chứa-chất nó vào, thì Người với Tâm Tánh đã chia rẽ, Người là Người, Tâm Tánh là Tâm Tánh, nếu vậy thì Tâm Tánh nào còn có Hư Không? Đã chẳng còn được gọi là Hư Không, là Người chẳng rõ cái Thiệt-Hữu Thường-Hữu của nó thế nào, cái Thiệt-Tướng Chơn-Tướng của nó làm sao, khiến cho bụi trần che-bít Chơn-Linh của nó, rồi lại làm cho sự Tham Dục của mình càng Vọng thêm, càng chất-chứa chồng-chật bao phủ thêm hoài vào mình, thì sự Sáng của Tâm Tánh đâu còn, đến lúc như vậy thì như Ta đã nói: Các trò là các trò, Tâm Tánh là Tâm Tánh, mỗi vật đều là mỗi vật, chớ còn biết lấy chi mà phân biệt sự phải, quấy, hư, nên, lành, dữ nữa được! Có phải là những Tánh ấy đều do nơi các trò tạo nó ra, chớ nào phải Tâm có sẳn?
Đã biết Hư với Không nghĩa có cũng đều là trống không, trống lổng vậy, song trong sự Trống ấy, Thể, Tưóng, Dụng nó đều khác nhau, mà lại khác nhau rất xa. Nếu muốn cho các trò rõ nghĩa hai vật ấy, thì Ta nay phải đem một vật vô-tri-giác đặng ví-dụ cho các trò thấy mà hiểu. Chớ tưởng rằng vật vô-tri-giác mà không có Hư-Tâm và Không-Tâm, cũng như các trò chớ khinh rằng Đất không có Lương-Tri và Lương-Năng vậy mà lầm.
Kìa một tấm pha-ly mà Người gọi là Kiến đó, nếu để nó đứng ra trước mặt, thì những Người vô-tâm vô-ý chẳng hề thấy có nó, vì những vật chi ở phiá sau lưng nó, thì Người đều thấy rõ-ràng, dường như không có nó đứng chận ở giữa vậy; kịp đến lúc có thợ biết dùng biết chế ngân-tinh đặng tráng vào phía sau lưng nó, thì Người kêu nó lại là tấm Gương. Gương hay Kiến chi cũng là một tấm pha-ly ấy mà tên lại khác nhau, là tùy theo có tráng ngân-tinh đặng làm cho nó hiện ra Chơn-Tướng của nó hay là không đó mà thôi. Song đến khi Chơn-Tướng của nó đã phát hiện, thì sự Trong sự Sáng của nó đã đổi, mà đổi một tánh-cách khác xa hơn xưa, là vì những vật chi ở phía sau lưng nó, thì Người không còn thấy được nữa, mà trái lại, những vật chi ở phía trước mặt nó, thì đều thâu vào mình nó đặng chiếu ra cho Người thấy rõ.
Vì sao cũng một tấm pha-ly ấy, trước sau màu Trong đều không giống nhau, Sự Sáng không giống nhau, cho đến cách rọi cách chiếu cũng đều khác nhau như vậy? Là bởi Kiến nó là Hư-Tướng còn Gương là Không-Tướng vậy. Xét vậy thì hiểu rõ nghĩa Hư và Không rồi, Hư hay là Không đều nghĩa là Trống nhưng sự Trống của Hư là sự Trống chẳng có sự trở-ngại, Trống thấu suốt từ trước ra sau, tù tả qua hữu, vuôn tròn chi cũng đều thông thấu, ấy là Có mà Không, Không mà Có vậy. (Có vật mà Không vật, Không vật mà Có vật). Còn sự Trống của Không thì lại khác hẳn, Không nó đã nó đã sẵn có một cái Thiệt-Tướng làm căn-bản cho nó rồi, ấy là ngân-tinh đó. Mà ngân-tinh nầy chánh là của một tay thợ khéo chế vào cho nó đó. Nó đã có được Chơn-Tướng Chơn diện-mục của nó rồi, thì nó mới có thể ứng-đối với những vật tương-đối với nó, đặng nó rọi ra không sót phân hào, nên nó mới phân-biệt và qyuết-đoán được: nhưng vì đến khi nó quyết đoán mỗi vật rồi, thì nó chẳng hề lưu trử chất-chứa vật ấy vào mình nó,
nên nó mới được gọi là Không. Ấy cũng Có mà Không, Không mà Có như Hư vậy,
song hai cách Có Không Không Có nầy kkhác nhau xa.
Ta trưóc nói Tâm Tánh không có chứa sẳn sự hư, nên, lành, dữ chi hết, những sự ấy do nơi Người tạo nó ra mà thôi. Tâm nó vốn là Hư-Không, mà có Tánh Sáng, vậy thì sao gọi là Hư, sao gọi là Không, các trò nghe Ta giải có lẽ cũng dư hiểu rồi. Nếu đả hiểu thì chẳng lẽ còn có chỗ nào đáng dùng Kiến mà lại dùng Gương, hay là đáng dùng Gương mà lại dùng Kiến được. Nếu dùng như vậy mà bảo làm sao cho thiệt Sáng?
Gương Kiến chẳng Sáng thì chẳng hại chi cho Gương Kiến.
Nếu Tâm Tánh chẳng Sáng thì có hại cho các trò không?
Tâm Tánh loài Người, lúc ban sơ gốc là Hư, kịp đến khi lớn lên rồi, nó trở nên Không. Hư hay là Không chi cũn đều có sự Sáng riêng của nó cả thảy. Song trong cái Không càng phải chủ-ý đặng phòng ngừa cho lắm. Hãy xét thữ coi, nếu tấn pha-ly kia chẳng đặng một tay thợ khéo chế ngân-tinh cho thật tinh-anh vào, thì cái Gương ấy nó ra thế nào? Hoặc để cho các tay giả-mạo rằng thợ, đem lọ-lem bôi vào mà tưởng rằng là ngân-tinh, thì cái ấy còn có Sáng hay không? Con Người cũng vậy, muốn Tâm Tánh cho được Chơn-Không, cho được Chí-Thiện, thì chớ để cho Manh-Sư chỉ dẫn. Tuy đã biết vậy rồi, nhưng còn phải ngừa sự tranh Sáng với nhau mà hại việc, như Gương Kiến tranh Sáng với nhau vậy. Song le Gương với Kiến hai vật chẳng hề tranh sự Sáng với nhau, sự tranh ấy là do Người làm chủ Gương Kiến mà ra, nên Ta phải gọi là Mê-Hoặc đó. Vì đâu mà có sự Mê-Hoặc? Là vì Tâm bị sa vào cái Tánh Chấp-Kiến, Hữu-Ngã, nên lầm sự Sáng đi rồi hóa thành Vọng Kiến mà không hay, mà hễ Vọng thì có hại. Thử nghĩ coi, cái Gương kia nó có chất-chứa vật chi trước sẳn vào mình nó rồi nó mới rọi ra hay không? Mà nó có lầm vật nào không? Nó không lầm không sái là nhờ nó thật Không nên nó được quyết-đoán. Vật vô-tri-giác mà còn như vậy thay, huống chi Lương-Tâm Thiên-Tánh cuả loài Người! Vì vậy nên ta trước có chỉ cho các trò rằng: Người Học Đạo phải sữa Tâm Tánh cho Hư-Không là vậy đó.
Triết-Lý Phật-Đà đã có luận câu “Sắc tứ thị Không, Không tức thị Sắc” và “Sắc bất vi Không, Không bất vi Sắc”, tức là giải nghĩa Không của Hư-Không nầy đó. Sắc tức là vạn tướng hiện có ở ngoài đó, cũng như Ta nói các Vật ở trước mắt tấm Gương vậy, nó đều Có mà Không, Không mà Có vậy. Có Không Không Có là Có Không Không Có ở trong lòng tấm Gương vậy. Gương nào Có chi đâu mà đều Có hết thảy, mà nào Có chi đâu! Như vậy mới gọi Chơn-Không. Tiếc vì chưa ai chịu luận tột Lý đến Hư và Không cho phân biệt. Chẳng phải Phật-Đà luận chưa phân biệt, ấy là kẻ học theo Phật-Đà chưa biết quyết-đoán cho phân biệt, mỗi người đều chấp-nê theo cái thành-kiến của mình mà luận, nên sự luận chẳng được quán-triệt, thường hay mâu-thuẩn với nhau, nên mới có những sự cãi cờ cãi gió không nhứt-định, rốt cuộc có ai cho một cái Lý thứ ba nữa gọi là Tâm Động, rồi hai gả kia tức nhiên phải gọi là tuyệt-đối cho rồi, chớ nào phải là tuyệt-đối, vì ai giải theo thuyết nấy mà thôi. Học Đạo mà giải như vậy thì muôn vàn kiếp cũng chưa đến bến. Ta vì vậy nên mới có ít lời dạy để cho các trò dùng làm căn cứ, hãy do theo đó đặng bước vào Con Đường Chơn-Lý mới đến được cho. Hư hay là Không mỗi vật đều có Bổn-Thể, Thiệt-Tướng và Công-Dụng của nó riêng. Khắp cả Thế-Giái – như Tam-Thiên Đại-Thiên Thế-Giái của Phật-Đà nói – thì không có một Thế-Giái nào mà chẳng có Hình-Thể của nó riêng. Ví dụ: Cái Trống lổng, không không từ mặt Địa-Cầu cho đến chỗ cao ngất tuyệt vời, chỗ gọi là Trời đó, nó cũng có Hình-Thể của nó vậy chớ nào có Trống không đâu! Nếu nó Trống thì sao Người thấy được cái Hình-Tướng của nó mà gọi chỗ ấy là Trống? Nếu biết được nó Trống, thì là vì nó có cái Thể và cái Tướng của nó nên mới cho tên cho nó đặng phân-biệt với chỗ chẳng Trống đó. Bởi chỗ Trống ấy là Trống với phàm nhãn, chớ nào phải Trống với Chơn-Lý vì trong chỗ ấy nó chứa biêt bao nhiêu là Thể-Chất Hình-Chất đặng làm Công-Dụng cho Hóa-Công! Phàm-nhãn chẳng thấy những chất vô-hình ấy, vội cho chỗ ấy là trống-không. Nếu vậy Gió kia, Hơi thở nầy cũng đều là vô-hình tướng sao? Kẻ Phàm-Tâm Nhục-Nhãn dùng cái Phàm-Thức sẳn có cân-lượng của Phàm-Thân mà đem ra phê-phán sự Công-Dụng của Đạo, ấy sao chẳng tự xét lấy mình vậy? Ta khuyên các trò, nếu trò nào muốn tìm Chơn-Lý của Đại-Đạo, hãy Trí cho hết cái Lương-Tri đặng suy-tầm mỗi Vật cho đến được chỗ Chí-Thiện của nó, thì lo chi Thánh, Thần, Tiên, Phật
chẳng có sẳn trong Tâm mình.
Ta đem một vật vô-tri-giác kia là tấm pha-ly làm tỷ-dụ cho nghĩa Hư và Không như Kiến và Gương cho các trò thấy dễ hiểu, dễ biết, dễ nhớ, phòng có dùng cái tỷ-dụ ấy dêm rộng lớn cao xa thêm lên mà xét cac việc khác đó thôi, khuyên các trò hãy chớ lầm nhận rằng Kiến Gương kia vốn là Tâm Tánh đó. Ta cũng đã có dùng Hột Lúaví dụ Hư-Tâm Không-Tâm nọ ra cho các trò nghe rồi, mà các trò chẳng chịu tìm kiếm cho thông thêm, có lẽ vì Tâm Tánh Hột Lúa là vật biết tri-giác chúc ít nên các trò chẳng chịu khó để ý vào, vì vậy Ta phải dùng Tâm Tánh pha-ly là vô-tri-giác mà còn được Hư-Không như vậy, dặng cho các trò khỏi phải thất công tìm hiểu.
Vậy khuyên các trò hãy dùng cách phân biện ấy đặng xét trong thân mình,
coi Tâm Tánh của mình ở đâu và nó ra thể nào?
Ta nhắc lại một lần nữa cho các trò nhớ rằng: Người Tu, Người Sửa mình, là vụ Sửa Tâm mình cho Trong-Sạch, cho Trong-Trống, cho Trong-Sáng, đặng dùng nó mà tìm cho Thấy Đạo, chớ chẳng phải Sửa được Tâ Tánh thì Đạo có ở tại Tâm rồi đâu, chớ tưởng vậy mà lầm. Đã Sửa Tâm Tánh Trong, Sạch, Trống, Sáng, rồi còn phải biết cách gìn giữ nó hằng ngày, hằng giờ, đừng để chút mảy mún vật-dục nào có thể đóng-dính, che-khuất nó được, khi ấy mới được gọi là Sửa Tâm Tánh đó. Đến chừng Tâm Tánh khỏi còn phải thất công gìn-giữ mà Trần-Tục chẳng hề dính, chẳng còn phải săn sóc mà Tình-Dục chẳng hề che, Sanh, Tử, Tử, Sanh chẳng hề mừng sợ mà cũng chẳng biết nó là vật chi, thì khi ấy, lúc ấy, chừng ấy, Người mới có thể gặp Đạo được. Gặp được Đạo là Tâm đã Sánh, Tánh đã Thông, nên Đạo mới có thể Ứng vào nơi chỗ Thông chỗ Sáng ấy, không cầu không kiếm mà cũng có, chẳng cần gìn giữ mà cũng có Thường hoài. Đạo Thường hoài, Đạo Thiệt hoài, mà Đạo cũng giữ Đức Tin của Đạo hoài cho chắc Thiệt hoài, chắc Thường hoài, chẳng hề thất Tin, chẳng hề rời xa Người nào Tâm Tánh đã Sáng, đã Thông mà đã gặp được Đạo. Vì vậy Ta nói: Tâm chẳng phải là Đạo,
mà Đạo cũng chẳng phải là Tâm, nếu ai Vọng Chấp gọi Đạo là Tâm,
Tâm là Đạo, thì muôn kiếp luân-hồi cũng chưa thoát.
Nhưng mà chẳng phải rằng Tâm đã Sáng, Tánh đã Thông, đã gặp được Đạo như vậy rồi, mà được gọi là đủ bổn-phận cho Người Tu, hãy còn phải cho có các đồng chí mới được, nhưng vì Ta đương còn cần phải giải cho rồi Hồn Xác của Hột Lúa, rồi Ta sẽ giải qua sự Tu cho các trò hiểu thêm.
Các trò nghe Ta giảng, ắt hiểu rằng: Trời Đất và Người là Ba Tài, mà mỗi Tài đều phải có đủ Ba Tài-Năng, nghĩa là đều phải trọn đủ Trời Đất và Người Hiệp lại làm “Một nơi Mình”, thì mới làm được “Sự Sống cho Mình” và làm ra “Sự Sốùng cho muôn Vật trong Võ-Trụ”. Các trò đã hiểu rằng: Những “Sự Sống” ấy đều phải Hòa chung với nhau làm Một, chẳng Tài nào được xưng rằng: riêng là của mình riêng, được vậy, thì mới đáng gọi mình trọn Hiệp được Một. Mỗi Tài đã biết Hiệp Ba, đặng làm “Sự Sống Một” cho mình rồi, lại còn phải “Hiệp chung Sự Sống Một” của mình ấy, với hai “Sự Sống Một” của hai Tài kia lại, đặ làm “Sự Sống Đoàn-Thể chung”, lại cũng cò phải làm làm sao cho mỗi Vật trong Võ-Trụ cũng đều được có “Sự Sống Nhỏ” của nó, phòng cho mỗi Vật ấy biết “Hiệp Sự Sống Một Nhỏ” ấy lại, mà Hòa chung lại làm “Một Sự Sống Lớn” với “Một Sự Sống Đoàn-Thể chung” kia, đặng làm “Một Sự Sống Vô-Cùng Vô-Tận”.
Được như vậy, mới đủ gọi rằnh là “Lập xong danh-phận Tam-Tài”
cho và mới được gọi là “Hoàn-Toàn Trách-Nhậm” đó.
Ta nói vậy, Ta thấy trong các trò, có trò ngơ-ngáo, không để-ý đến đặng nghe Ta nói vậy là nói chi, mà lại để-ý nghi-ngờ rằng: Có lẽ nào Người sanh ra ở trên mặt Địa-Cầu này, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ sanh-nhai nghiệp-nghệ, chỗ đi đúng, chỗ giao-thiệp, so lại với trái Địa-Cầu kia, thì khác nào một con kiến bò trên một chiếc thuyền hàng-hải, biết đời nào cho giáp; có lẽ nào mà Người Hiệp chung sự tài-năng của mình với những sự tài-năng của Người khác trong Điạ-Cầu nầy lại mà làm Một với mình cho được. Huống chi lại còn phải Hiệp chung sự tài-năng của Trời Đất và Vạn-Vật Võ-Trụ? Đả không thể Hiệp như vậy được thay, lựa là còn phải làm làm sao cho ra Sự Sống của Trời Đất và Người cho Hiệp với Võ-Trụ Vạn-Vật lại làm Một nữa, thì lại là một việc càng không thể hiểu biết cho thấu, huống chi lại phải làm cho được! Xét lại coi, thì Sự Sống là một Sự Thiêng-Liên Huyền-Bí của Tạo-Hóa, thân Người đây làm cho Người Sống còn không được thay, huống chi phải làm làm sao cho được
“Một Sự Sống Đoàn-Thể Chung cho đến Vô-Cùng Vô-Tận”!
Trò đó, những trò đó, những trò hồ nghi bợ-ngợ như vậy đó, cũng vì bởi không trọng Thân mình, không trọ Đúc-Tin mà xét lờ Ta giảng bổn-phận làm Người, làm Người thế-hạ nầy đó, rồi tưởng rằng lời Ta nói viễn-vong cao-xa mờ-mịch bóng-dáng, làm cho các trò phải ngã lòng thối chí, không muốn để-ý mà nghe thêm cho rõ, cho tường-tận tim-tế chu-tất. – Trò nào đó, tưởng như vậy cũng là phải cho trò đó – . Tại sao mà Ta khen rằng phải? Là tại tự mình của trò đã chia Người của trò ra làm hai bộ-phận rồi. Người của trò mà trò còn không biết hiệp lại làm Một, trò chỉ biết có Cái Ta Cái Người của trò mà thôi, mà trò cũng chưa biết Cái Ta Cái Người của trò nó ra thế nào nửa, thì nào trò có thể nhìn-nhận rằng: Cả thảy Người Vật ở Thế-Gian này đều là ruột-thịt của trò, đều là giống thương yêu triều-mến trò đâu! Lại trò cũng chia Trời Đất của trò trong mình trò là khác, còn Trời Đất của ruột-thịt trò, và của Vạn-Vật trong Võ-Trụ nầy là khác nữa. Trò đã chia manh, chia mún Trời Đất và Vạn-Vật rồi, mà trò còn chia Người của Trời Đất ra cũng là không biết bao nhiêu Người rồi, như vậy bảo sao trò không thề Hòa và Hiệp lại đặnh “Một Sự Sống Đoàn-Thể chung cho đến Vô-Cùng Vô-Tận” . Hễ ai nói rằng: Người ta sống ra bởi nơi Vô-Thỉ, thì trò chịu nghe, chịu tin-phục, mà chẳng chịu biết Vô-Thỉ là đời nào; còn ai giải Người Sống hoài cho đến Vô-Cùng Vô-Tận, thì trò lại bảng lảng sửng sốt khọng chịu nghe, không chịu xét, không chịu tin, mà cũng chẳng rõ Vô-Cùng Vô-Tận là chi. Nếu trò cứ hoài như thế mãi, thì sự Hòa sự Hiệp làm sao trò biết được, huống hồ chi là làm! Ta khen trò phải, là phải cho cái Trí tưởng của phần riêng trò đó. Nếu vậy hoài, thì có thể nào mà trò vào cửa Đạo cho đến được.
Ta đã từng đem sự Trường-Sanh của Giống Lúa ra giải cho các trò dể hiểu dể thấy sự tài-năng của nó, biết làm hoàn-toàn phận-sự của nó, cho các trò nghe, đặng so sánh lại với phận-sự của các trò mà làm cho chu-đáo, song Ta thấy các trò nghe qua-loa rồi bỏ qua không chịu xét, nên không mấy ai chú-ý đến mà hiểu cho thấy cho kỹ mấy chỗ cơ-quan của Hột Lúa đặng làm tỷ-dụ mà đặt để vào thân mình cho trúng chỗ, vẫn cứ nết cũ, hoặc đọc sơ qua rồi gát cất, hoặc nghe thoáng rồi gió bay, như vậy làm sao mà học cho đến những chỗ yếu-lý huyền-cơ của Đạo được, vì sự học Đạo phải càng ngày càng tới mới được cho. Cũng có trò chăm-chỉ học lắm, như học và lượm-lặt những chỗ gọi là hiểu đó, còn những chỗ gọi là khó hiểu thì lại cũng bỏ qua, rồi chấp-xiên vá-quàn lăng-xăng lộn-xộn, thiếu trước hụt sau, phui-pha cho lấy có, học như vậy lại càng thêm hại chớ có bổ-ích vào đâu. Đến chừng chịu gắng chí gia công tìm tòi tới nữa, thì ngày giờ hư-phí đã biết bao nhiêu rồi, khi ấy mới thấy những chỗ mình đã gọi rằng là hiểu khi trước ấy, thì là một sự hiểu rất lạc lầm, bởi tại nơi mình bỏ qua những chỗ mà mình gọi khó chẳng tìm, đến nay xét lại mới ăn-năn, sự mình ham bươn chạy là vấp nặng, rồi than thở với ai? Tuổi trên đầu nào có biết chờ biết đợi! Ta vì thấy vậy, nên Ta phải đành gát sự giải Hột Lúa lại một bên, đợi các trò coi thể nào, rồi Ta sẽ giải tiếp.
Nay mốn cho các trò dễ hiểu dễ thấy hơn nữa, thì Ta phải dùng một Vật khác làm tỷ-dụ cho các trò dùng đó mà suy-nghiệm, thì thấyvật ấy nó đã biết làm được Một Sự Sống Nhỏ của nó, rồi nó lại biết “Hiệp Sự Sống Nhỏ của đồng-loại nó mà làm Một Sự Sống Lớn với Một Sự Sống Đoàn-Thể Chung Vô-Cùng Vô-Tận”.
Trong các trò, có trò đã dùng con kiến bò ở trên thuyền hàng-hải làm ví-dụ cho loài Người trên mặt Địa-Cầu, ấy trò đó còn dùng một vật biết đi, biết chạy, biết làm ăn, biết đoàn-thể, biết làm phậ-sự, mà trò đó lại gọi rằng không phương-thế chi Hiệp Sự Sống Chung cho đến Vô-Cùng Vô-Tận được. Trò đó dùng cái tỷ-dụ ấy nên đoán vậy là rất phải cho phần trò đó vậy. – Nay Ta dùng một Vật không biết cử-động, nếu nó đứng đâu ở đâu, thì đứng đó ở đó hoài cho đến chết mới thôi, mà nó lại biết Hòa-Hiệp Trời Đất Người và Vạn-Vật Võ-Trụ lại làm Một Sự Sống Chung với nó, mà nó cũng biết Hiệp Sự Sống Nhỏ của nó đó, đặng Hoà-Hiệp Một Sự Sống Đoàn-Thể Chung mà làm Một Sự Sống Vô-Cùng Vô-Tận – . Chắc các trò gắp nghe và muốn nghe gắp cái tên vật ấy lắm chớ! Mà cũng chắc trong các trò cũng có trò đương nghĩ-nghị coi Vật ấy là Vật gì chớ! Phaỉ, trò nào đương nghĩ-nghị cũng phải, mà trò nào muốn nghe gắp cũng phải, ai cũng đều phần phải nấy, song trò nào gắp nghe ấy là Tâm-Vọng, muốn nghe coi cho mau, chớ nào coa chịu khó đâu! Ta muốn chưa nói, song vì thương có trò đương nghĩ-nghị ấy, e cho trò suy nghĩ lắm rồi lạc mất đường ngay đi, nên Ta phải nói đây. Vật của Ta dùng đây, nào có ngoài cái sự biết của các trò đâu, mà các trò cũng có trò đã hiểu rồi, song không chịu xét thêm cho cùng Lý, rồi bỏ qua không biết phăn đến nữa cho đến chỗ chí-mỹ đó thôi! Vật ấy nào lạ chi với các trò, ấy là loài Thảo-Mộc Hoa-Quả đó. – Những vật nầy nào có biết đi, biết chạy, biết làm ăn chi như loại kiến kia đâu, mà nó biết Hiệp Sự Sống của nó, đặng làm Sự Sống như loài kiến vậy. Ấy là vì sao vậy? Là nó có một cái Biết, là Biết làm hoàn-toàn trách-nhậm của nó, y như Tài năng của Trời ban-phú cho nó, chẳng hề dám canh cải, nên nó mới hoàn-toàn trách-nhậm của nó được.
Mổi trò, mỗi trò nào cũng vậy, cũng đều biết rằng hễ Người sanh có ra ở đời, thì ai ai cũng dều phải có một cái gia-trụ riêng, chẳng lớn thì cũng nhỏ, đặng làm chỗ để che thân và nghĩ-ngơi, hoặc làm chỗ hội-hiệp thân-tộc liên-hữu mà trù nghĩ các phương thế mình đã định, sẽ định, đặng làm công việc của mình đương làm, đã làm, hoặc se làm trong cái đời của xác-thịt đương tạm gởi đây. Gia-trụ nầy nó đã phải cần dùng đỡõ sương nắng mưa gió cho xác thân phàm nầy, mà nó lại còn phải cần dùng để nuôi dưỡng cho xác thân tinh-thần mới gọi là đủ. Vì sao vậy? Vì nếu tinh-thần không thơ-thới, thì sự lo-liệu, tính-toán, trù-nghĩ việc chi không được mở-mang trí-não, nên sự suy-nghĩ không được chu-đáo. Sự che chở cho xác thân vật-chất nầy, thì ai ai cũng đều hiểu được, còn nuôi dưỡng xác-thân Thiêng-Liêng thì ai cũng hiểu, mà ích ai làm được, hoặc có Người làm được, nhiều Người có thấy làm ra vẻ được, song ít có Người hiểu rỏ sự mình làm ấy là để cần dùng vào việc chi cho thân mình, mảng nói rằng: hễ có nhà cửa ra rồi, thì phảicó nó cho xinh-đẹp cái nhà mà thôi, chớ nào hiểu rằng nó có đặng nuôi dưỡng cho xác thân Thiêng-Liêng đâu! Các trò cũng gắp muốn biết coi Ta muốn cần dùng sự chi hay là vật chi ch cái nhà, mà nó lại nuôi dưỡng Tinh-Thần Thiêng-Liêng được lấm chớ? Có chi đâu là lạ, là mới, mà không biết! Ấy là phải cho có chỗ đặng lập Một Cảnh Vườn Hoa đó. Ta nói Cảnh Vườn Hoa, nghĩa là Ta nói phải cho có Cảnh có Vườn và có Hoa vậy. Hoa không Vườn thì Hoa nào đẹp! Vườnkhông cây thì Vườn nào có Cảnh! Cảnh không Hoa lhông Vườn thì Cảnh nào xinh!
Người nào có chí khí lớn, nếu được gặp thời-thế thuận thì có thể lập Cảnh Vườn Hoa lớn, dủ thứ thảo-mộc hoa-quả, hầu có đủ dùng dưỡng tinh-thần cho sung-túc mạnh-mẻ, koẻ-khoắn phòng có đủ nghị-lực mà chịu-đựng trong những việc to tác, lớn lao trong đời phải cần dùng; bằng gặp phải thời-thế chẳng đặng thuận, thì cũng có: kìa rải-rác một vài nhánh Hoa thơm, nọ lơ-thơ một ít chòm cỏ lạ; hoặc dự-trử sẳn một nơi có khóm cây, sẳn bóng mát, cũng phòng thủ sẳn có chỗ phong-cảnh gió mát trăng trong. Ấy chi vậy? Là để nưng đỡ tinh-thần lúc đương khuẩn-bách đó! Những chỗ như vậy nếu lại thêm được có thuận cảnh, thì lại nhẹ-nhàn biết mấy. Ấy một gia-trụ còn phải cần dùng có Cảnh Vườn Hoa là vậy đó chớ nào phải để dùng làm cho đẹp mắt Người, hay là thêm vẻ lịch-sự cho cái nhà đâu!
Người bực Đại-Hiền-Triết, dầu có một bụi cỏ mọc trước sân mà phải chỗ, thì cũng không đành dẩy bỏ hay là cắt bớt nó, huống chi được một Cảnh Vườn Hoa chẳng lớn cũn nhỏ. Ấy là để chi vậy? Là để đặng xét cái thế-lực tự-nhiên của bụi cỏ ấy nó trổ hết tài-năng trưa, chiều, sớm, tối của nó thể nào, mà nó đởm-đương với khí-tiết Trời Đất cùng là hấp-thụ sự Sanh Hóa Âm Dương ra làm sao phòng có ngày nó Hiệp-Hòa với Võ-Trụ Vạn-Vật đặng, huống chi có một Vườn Hoa mà có Cảnh!
Thảo-Mộc Hoa-Quả đều là vật trồng đâu ở đó, không có chơn đi được như loài kiến, song nó khác hẳn với loại nầy vì kiến không biết Hòa-Hiệp với Tam-Tài và Vạn-Vật Võ-Trụ, còn Thảo-Mộc Hoa-Quả lại có đủ Tài năng mà Hòa-Hiệp đủ. Vì sao vậy? Là vì nó nhờ có đủ nghị-lực, kiên-nhẩn, nên tuy nó không chơn tay, song nó biết đi và đi được khắp cả hoàn-cầu thế-giái. Thử nghĩ coi, những kỳ hoa, dị thảobởi đâu mà có? Có phải loại nầy bởi nơi cao-sơn tuấn-lãnh sanh ra trước nhứt hay không? Trước hết thì nó ở nơi chốn thanh-vắng u-tịch như vậy, ít có dấu chơn Người đạp đến sao nay lại thấy các nơi thành-thị, đô-ấp cùng là chốn rẩy-bái thôn-quê, khắp cả hoàn-cầu đâu đâu cũng đều có giống ấy? Xét cho chính lại mà coi, có phải là nhờ lúc nó ở đầu non chót núi, hố thẳm hang sâu ấy, giống nào, giống nào cũng đều biết làm tròn bổn-phận tùy theo giống của nó, hoặc giống có mùi hương hay là có sắc đẹp, hoặc giống có lá tốt hay là có trái ngon, thì cũng đều cứ vậy lo cho nên giống, nên tài của mình mà thôi, chẳng hề bỏ phận-sự mà đi tranh-giành với tài-năng của giống khác. Lại nó cũng biết trổ hết tài cán đặng vượt khỏi những loại giống như nó vậy mà không có chi làm lợi-ích xinh-đẹp cho phong-cảnh, đất nước non sông, chỗ nó sanh ra. Nó dầu cho có đứng trơ-trọi một mình trong những đám vô-dụng kia, thì nó cũng một mực theo bổn-phận mà trì-chí thủ-thân, chẳng hề bị giống vô-dụng làm cho nó thay đổi Tâm Tánh nó. Nó đã có chi-khí nhẫn-nại như vậy, nên mới thắng nỗi loại kia và trỗ đủ tài-năng đặng Hiệp với Hóa-Công mà tô-điểm cho non song đất nước, cho sanh-sản ung-đúc cho có nó ra đó được. Nhờ vậy, nên một khi có khách du-lịch thế-giái, xa xa nghe thấy khí-tượng và khí-sắc của nó, tuy rằng ở trong bụi săng-cỏ mà chẳng giống với săng-cỏ, nên liền đẹp lòng vui mắt thỏa-thích tinh-thần, hai đàng tuy không nói không rằng chi với nhau, mà đã tâm-đầu ý-hợp, nên mới hòa-hiệp với nhau được; Hoa-Quả, Thảo-Mộc kia chẳng mời mà khách du-lịch nọ phải giày-sành đạp-sỏi lướt bụi tuôn gai đến tận nơi mà chào mừng mà rước nó về ở chung cho được mới là hả-hơi phỉ chí.
Một khi nó đã từ-giả chốn sơn-lâm tịch-mịch của nó rồi, nó theo bên Người tri-kỷ của nó đến phương xa, chẳng biết đâu là đâu, đặng lập quê quán mới, nó đã chẳng nại phong-thỗ cùng là thời-tiết thích-hợp với nó cùng chăng, nó vẫn cứ một niềm cương-quyết nhẫn-nại đi cho đến chỗ và tùy theo thỗ-tánh với khí-hậu của Trời Đất nơi chỗ ấy, cùng là sự tài-bồi vung-quến của Người bạn thân, nó tận-lực hòa-hiệp với Ba Tài nầy đặng trổ hết Tài năng của nó làm cho nó có Sự Sống danh-dự nơi quê xa đất khách, cũng một mực như lúc nó ở tại chót núi đầu non vậy.
Hoa-Quả Thảo-Mộc làm được Sự Sống như vậy,
có phải là nó biết Hiệp Ba lại đặng làm “Sự Sống Một Nhỏ” cho nó hay không?
Khi nó đã làm được “Sự Sống Một Nhỏ” cho nó rồi, nó mới bắt đầu lo “sự Hiệp-Chung với Vạn-Vật”, nó đơm nhành, kết trái, khoe lá, đua màu, bắn mùi, dưng đẹp, đặng dưng cho Người vung-quén nó và cho cả những Người biết yêu thương nó. Trong những lúc như vậy, chẳng những một mình nó chụi dưng riêng sự xinh đẹp của nó có mà thôi đâu, nó lại biết chung sức với những vật đồng loại đồng ở trong một hoàn-cảnh đặng quây-vầy cho nó được một đoàn-thể, chẳng chút tranh đua, thảy đều một lòng một dạ trổ hết Tài năng so-sánh với nhau cho đến bực tận-thiện tận-mỹ, tươi cười với nhau một cách êm-đềm lặng-lẻ, nguyện dưng hết cả sự quí báu của nó đã làm ra được “Sự Sống” cho Chủ Nhơn Ông nó xem, chẳng hề giấu-giếm làm phụ lòng Người ấy. Ấy có phải là nó đã biết làm được “Một Sự Sống Một Nhỏ” của nó rồi, nó lại còn biết “Hiệp Sự Sống Một Nhỏ” kia, đặng làm “Một Sự Sống Lớn cho Đồng Loại” của nó đó không?
Chẳng những nó và đồng loại nó “Hoà-Hiệp Một Sự Sống Lớn” mà thôi, nó lại còn biết dưng Tinh-Thần cho Tạo-Vật là khác nữa. Hoa tủa mùi hương, Cỏ chưng lá đẹp, cây thì nói sao cho cùng! Kìa giống có trái thì đổi thay đủ sắc, nọ giống có lá thì khoe dọn đủ màu, tàng thì nhánh rước chim reo, cội lại bóng chào khách ngụ; ấy là đều bề ngại dung của nó ung-đúc sẳn-sàng đầy đủ để giành ngày Hòa-Hiệp với Vạn-Vật Hữu-Hình nơi chốn Thời-Gian đó. Đã chẳng phải vậy gọi rằng là đủ, hãy xét phần nội-dung của nó kìa mới thấy mà kinh cho. Lúc ban ngày bóng Trời vừa mọc, bảy sắc hào-quang đều ánh chiếu vơí ngàn hồng muôn tía, trên rọi xuống, dưới rọi lên hòa-hòa hiệp-hiệp, cảm-cảm ứng-ứng với nhau. Đặng rưóc đặng nhuộm thêm vẻ đẹp màu xinh, làm tươi-tươi mướt-mướt cho nhau; lúc ban đêm bóng nguyệt vừa hừng, trăm giống mùi thơm phưởng-phật chực sẳn gương-trong đặng có xông mùi hương chưng vẻ đẹp. Cả thảy đồng-loại nó đều hòa-lẫn những tinh-anh quí-báu của mình, Hiệp-Nhứt với nhau chẳng hề chia rẽ, dốc làm được một Khối Tinh-Anh Thuần-Túy, đặng đợi có chút gió lồng lên, thì phút đã nghe ngào-ngạt bốc tận mây xanh rải tuôn bốn cõi. Một cảnh cũng vậy, cả các cảnh đều cũng vậy, cho đến tận năm châu thế-giới cảnh nào cũng như cảnh nấy, cũng đều làm một phận sự như nhau, vì bởi các giống ấy có ra là cũng đồng Một Gốc mà có, là Gốc nơi cao-sơn tuấn-lảnh, nơì chốn thanh-vắng u-tịch kia mà có ra đó vậy. Từ lúc Vô-Thỉ của chúng nó cho đến ngày nay, chúng nó đều Sanh-Sanh Hóa-Hóa ra hoài, choán khắp cả thế-giái, góp nhóp “Một Sự Sống Lớn đặng Hiệp với Một Sự Sống Đoàn-Thể Chung với Tam Tài làm Một Sư Sống Vô-Cùng Vô-Tận” vậy. Tài năng của Thảo-Mộc Hoa-Quả như thế, ai lại gọi rằng Cảnh Vường Hoa là một chỗ để khiển hứng cho kẻ tao-nhơn mặc-khách, để giải muộn cho kẻ tài-tử giai-nhơ mà thôi! Sao chẳng xét đến chỗ công-cao đức-cả của nó, chỗ nó giúp ích và bồi bổ tinh-thần cho những bực chí-sĩ làm biết bao công việc vĩ đại không chỗ nói được.
Ta nói rằng cái Tinh-Thần nội dung của Hoa-Quả Thảo-Mộc hiệp với hơi gió, lên tận đến mây xanh, rãi tuôn ra bốn cõi chắc nhiều trò không tin lời Ta, gọi rằng Ta nói cho suông lờ, chớ chẳng lẽ hương hoa đâu có thể như vậy được! Ấy các trò tự khi lấy mình các trò đó, chớ nào Ta có nói dối đâu! Thử xét coi: Một đốt hươmg trầm của các trò dùng đặng cầu-nguyện đó, nó đã là một món vậy khô-khan, tinh-ba không còn, lại là một vật-chất không có được thanh-khí hư hoa kia, mà các trò còn có thể mượn nó mà dưng đặng khấn-cáo trong khi hữu-sự, và tin rằng mùi hương ấy sẽ bay đến được chín từng mây bạc thay! Huống chi cả khối tinh-thần của Hoa, của Vườn Hoa, của Cảnh Vườn Hoa đương lúc đầy đủ tinh-tấn, hiệp nhau lại, them có gió trong giúp sức và Thần, Khí, Tinh của Nhựt, Nguyệt, Tinh đã thâu-thập và tô-điểm Tinh-lực, Khí-lực,
Thần-lực của nó nhiều phen rồi, mà nó đi đến được tận Cung-Bạch-Ngọc sao?
Các trò cũng chớ tưỏng rằng khi nó đã về đến Ngọc-Kinh của nó rồi mà nó thôi làm phận-sự của nó đâu! Nó lại còn biết tìm đến chổ chánh-gốc của nó bởi đâu mà có nó sanh ra ở thế-hạ nầy, ở chốn núi-non thanh-vắng đó, đặng Hiệp lại một lần nữa cho thêm được Tánh-Chất và Khí-Chất Thanh-Tịnh Thiêng-Liêng, rồi nó còn đem những chất ấy ban-bố cho đồng-chủng chúng nó ở tại thế-gian, đặng tấn-hóa mới-mẻ tươi-tốt khéo-léo lạ lùng xinh đẹp thêm hoài cho đến vô-cùng vô-tận. Trái lại, nếu giống nào chẳng chịu giữ theo bổn-phận, chẳng chịu Hiệp-Nhứt với Tam-Tài cùng Vạn-Vật Võ-Trụ thì giống ấy phải tuyệt-chủng.
Kiến là một vật rất siêng năng, có đoàn-thể, có trật-tự, rất cần-kiệm, có đủ tánh-chất giữ trong và ngừa ngoài cũng như ong kia vậy. Song xét lại coi, nó có những tánh ấy mà chi? Có ích chi cho nó và cho Người hay không? Hay là nó có tánh ấy đặng đủ tư-cách tài-năng mà lo phương-thế phá hại các vật khác để dành tư-ích cho nó mà thôi? Sao chẳng xét những vật chi sống ở thế-gian đều bị chủng-tộc của nó phá mà hao mòn, những vật chi của Người sắm, của Tạo-Vật sanh, cũng bị chủng-tộc nó xoi-đục mà hư-hại? Chủng-tộc mảng biết bòn-tha, rút-rỉa của vật khác cho đầy lòng tham của nó mà thôi nào có thấy nó đến đâu mà không lo trộm cắp vật-liệu của Người đặng đem về làm của riêng nó đâu. Nào có thấy nó chung hiệp với loại nào bao giờ. Hễ nó ở chỗ nào, thì thấ chỗ ấy phải mục-nát, phải tốn-kém, phải mòn-mõi với nó thì có!! Mỗi giống đều tách riêng ra, chẳng hề biết chung-hiệp với đồng-loại, mà nólại biết hễ bầy của nó vừa được đông-đảo, thì liền lo tách bầy ra tư-riêng, cố tranh cho được làm kiến vương, cũng như đoàn ong tranh xưng chức ong chúa vậy. Ôi thôi! Các loại đã chẳng biết Hiệp mà lại giỏi cách chia bầy tách ổ, loại như vậy nào có biết đồng-chủng là chi mà phòng trông biết được Vạn-Vật Võ-Trụ mà Hiệp! Bởi nó là một giống phá hư sanh-mạng của Tạo-Vật sắm ở thế-hạ nầy, nên Người hễ thấy nó đến đâu thì lo tàn sát nó đó luôn luôn. Loại ở một chỗ nào còn chẳng được yên thân thay, trông chi đi cho giáp được chỗ nào! Sao cac trò là Người đã gọi mình là khôn hơn muôn vật, mà nở bó sự quí báu sẳn có của mình đi, lại đành đem thân mình mà so sánh với kiến?
Ta đã giải tài-năng của Thảo-Mộc Hoa-Quả và của ong kiến thế nào rồi, các trò lẽ cũng phải hiểu Tài-Năng của mỗi trò là làm sao, phòng có thể “Hiệp Đoàn-Thể Chung mà làm Một Sự Sống Vô-Cùng Vô-Tận đặng cho hoàn-toàn trách-nhậm” chớ lẽ nào không? Tuy các trò đã biết hễ đứng ra làm Người, thì phải có trách-nhậm, bằng chẳng vậy thì hổ với cỏ cây, chẳng khác ong kiến, song các trò còn cần phải hiểu rõ coi Tài-Năng của mỗi Tài ra làm sao, thì các trò mới biết mà nhứt-định tùy theo Tài-Năng của mính mà làm, thì làm mới phải việc và đủ sức, vì mỗi trò đều có Tài riêng Sức riêng. Cũng cò phải biết Hiệp là Hiệp làm sao mới được gọi là Một, Hòa là Hòa thể nào mới được gọi là Hòa Hiệp được! Hiệp mà chẳng Hòa, khác nào buổi chợ đông, đã phải có Người canh-giữ trật-tự mà nào khỏi sự hình-phạt!
Trăm nghề ở đời, mỗi nghề đều phải có nhiều vật-dụng, nhiều đồ phụ-phối, nhiều thức văn sức, hòa hiệp lẫn nhau cho phải kiểu mẫu, thì nghề ấy mới xinh mới khéo, mới đúng tài-năng của nhà nghề. Mỗi món vật-dụng, mỗi phần phụ-phối, mỗi món tài-liệu, mỗi kiểu-mẫu văn-sức, đều bởi nhiều tay nhiều công của nhiều nhà nhiều nghề nhiều công làm ra mới được có, mà ai biết chọn lựa sắp đặt vào cho có lớp-lang, cho phải trật-tự, cho hạp màu-sắc, đặng Hiệp lại cho Hòa với nhau cho thành được một món khéo, được như vậy mới gọi rằng rành nghề. Rất đỗi nghề mà còn phải vậy thay, huống chi Người là chủ trăm nghề! Trong trăm nghề rút lại có Tứ Dân, Tứ Thú là nghề có danh tiếng lưu truyền đến nay, trong ấy có bực Sĩ, là người biết học, đứng bực trước. Tuy nghề nào cũng phải có học mới biết, song nghề Sĩ là nghề học Chữ, lại càng khó hơn, mắc mỏ hơn, vì Chữ là lời nói của bực Hiền-Triết Tiền-Bối nói ra, người sau chép lại, hoặc là người đương đời với mình mà ở cách xa, viết ra thành pho thành sách, mà mình tìm kiếm đặng khảo-cứu nên khó mà truy-cứu cho đúng nghĩa-lý với lời nói của những người viết ấy muốn nói. Bởi vậy nên chữ Sĩ là chữ để chỉ nghĩa để dùng kêu những người nào đã tận-tâm nghiên-cứu nghĩa-lý trong văn-tự cho được cùng lý, biết phân-biện rõ-rệt chơn ngụy mà hành-động theo cho đúng-đắng, hay là kế chí hoặc phụ sức vào diễn-giải phiên-dịch ra cho người sau biết rõ chỗ thật, lẽ phải, đường ngay, cho khỏi lầm lạc, chớ nào phải kẻ cập sách đi học vụ thi cho đậu đặng ra làm quan vinh-thân phì-gia ăn trên ngồi trước trăm họ mà được kể vào hạng Sĩ đứng trước hàng Tứ Dân,
Tứ Thú cùng là trăm nghề khác đâu.
Bực Sĩ là một bực rất vinh-diệu như thế, mà bực Sĩ ngày nay sao Ta trông đến thì dều là kẻ Sĩ trong làng văn trànlan qua đến lập nhà nơi nền Đạo-Đức như Ta đã từng than-thở, miệng tuôn ra những giọng Hòa-Hiệp mà lòng cưu-kết những sự phân-chia, ngấm nghầm lo kết Đảng dựng phe, ăn không ở rảnh, kẻ tính lập danh, đứa toan thủ lợi! Ôi thôi! Đã xưng mình rằng bực Sĩ Quân-Tữ mà lòng dạ sâu-độc như thế, cân lại với nọc của loài ong kiến, thì tấy sức nặng nhẹ nhau cũng không hơn kém nhau là mấy lượng đó! Cách hành-động như vậy nào khác chi kẻ sợ cọp-một trên núi, nên nuôi muôn sói đầy nhà, kẻ ghét mũi nhọn mà treo gươm bén hộ thân, sự hại đã thấy trong lưng trong nhà sẳn. Người lòng dạ như vậy, bảo sao cho nó Làm Sự-Thật,
Hiểu Sự-Sống của Đoàn-Thể-Chung cho được!
Có trò lại tưởng rằng: Tài-Năng của Người thì hiểu được rồi, nếu Người gắng-chí gia-công thì có lẽ phải có Người làm được; Tài-Năng của Đất cũng có thể hiểu được, song chưa rõ cách Hòa-Hiệp thế nào, nhưng có lẽ ráng tìm cũng phải thông; duy có Tài-Năng của Trời, thuộc về sự Sanh Hóa, thì không có thế nào mà làm cho giống như Trời được, vì Trời thấy đó mà khó hiểu, cũng không ai biết Trời là chi cho rõ-ràng. Trời đã không hình mà cũng không nóinăng chi cho ai nghe, thì có thế nào cho Người biết rõ cách-thức phải làm làm sao mà Hòa mà Hiệp cho trúng? – Các trò tưởng vậy rất lầm. Trời tuy không nói mà biết nghe. Người đã gọi là biết nói, sao không nghe tiếng nói của Trời? Người trách Trời không nói là tại Người không chịu nghe đó thôi! Bởi Người không chịu nghe, nên các trò mới không thông-hiểu tiếng nói và việc làm của Trời dạy, Trời chỉ, đặng mà làm theo cho trúng, phòng có Hòa-Hiệp lại với Trời đó, chớ Trời nào không nói, khó thấy, như các trò tưởng vậy! Thử nghĩ coi Trời biết đi, biết chạy, biết vận-chuyển, biết làm, biết thấy, biết nghe, biết thưởng phạt, mỗi việc đều Thường đều Thiệt đều Tin chắc, mà lẽ nào lại không biết nói! Người gọi Người biết nói, sao lại không chịu nghe, chịu xét coi Tài-Năng của Trời nói ra làm sao, dạy làm sao, mà làm theo cho trúng, đặng Hiệp lại với Trời cho Hòa? Nếu nói rằng Trời không biết nói, sao Ta thường nghe các trò thường nói rằng: Trời sai, Trời khiến, Trời dạy, Trới biểu. Những tiếng nói như vậy, duyên cớ bởi đâu mà các trò nói? Đã biết nói như vậy, sao lại còn trách Trời rằng không biết nói? Có phải là miệng trò biết nói mà tại trò không biết nghe tiếng của mình nói hay không? Tiếng của mình nói mà mình không biết nghe thay,
huống chi là tiếng nói của Trời!
Ta thử chỉ cho các trò coi một vài việc đặng xét lấy, thì thấy rõ nghe rõ sự làm và tiếng nói của Trời. Các trò xét rồi thì không còn gọi lời Ta nói là không bằng cớ hiển-nhiên. Ta thử hỏi các trò: sự làm, sự thở, sự thấy, sự nghe, sự nói, hằng ngày hằng giờ hằng phút của các trò ấy, bởi những vật nào các trò phải cần dùng, đặng làm cho những sự kia phải làm cho trúng, cho phải, cho nên? Các trò nghe hỏi rồi, đều trả-lời rằng: Năm sự ấy đều do nơi phần giác-quan mà ra, còn sự làm ra cho trúng cho nên ấy, là do nơi sự Biết trong Tâm phát ra sai khiến cho năm giác-quan tuân theo mà làm. – Trả lời như các trò vậy, thì Tâm nầy đã có sự Biết rồi, nên dùng sự Biết ấy mà sai khiến ngũ-quan cho tuân theo hay sao? Sao Ta thấy Tâm của các trò sai ngũ-quan của trò mà nó thường không tuân theo vậy? Nếu vậy là tại ngũ-quan không tuân hay là tại Tâm không biết nên sai nó không tuân? Ta lại cũng từng thấy những lời Chư Thần Thánh dạy, mà các trò cũng không biết? Nếu vậy thì sự Biết và sự Tuân ấy nó ở đâu? Có trò muốn trả lời rằng: Tâm có Nhơn-Tâm và Đạo-Tâm, ai bị Nhơn-Tâm quá nặng thì Nhơn-Dục che lấp Thiên-Lý, nên không chịu nghe theo Thánh-Giáo, chớ trong Lương-Tâm vẫn có Đạo-Tâm luôn luôn, chẳng hề khi nào làm những điều quấy, vì nó nghe theo Lương-Tâm sai khiến. Các trò rất lầm đó. Tâm là Tâm mà thôi. Nếu gọi Tâm có Nhơn-Tâm và Đạo-Tâm, thì ra Trời ban cho mỗi Người hai thứ Tâm hay sao? Hay là ban cho Người nầy có Đạo-Tâm mà không Nhơn-Tâm, người kia có Nhơn-Tâm mà không Đạo-Tâm, còn có Người thì hai thứ bằng nhau, hoặc có Người thứ nầy nhiều, thứ kia ít hay sao? Nếu vậy thì sao gọi Trời là Chí-Công Vô-Tư, sao gọi Công-Bình cho được? Hiểu nghĩa như vậy, thì ngày nào cho rõ được Chơn-Lý của Trời? Lại thêm rằng có một thứ Lương-Tâm nửa! Ôi thôi! Tâm đâu mà nhiều như thế! Bởi các trò chia Tâm Tánh ra làm nhiều lớp, nhiều ngăn như vậy đã quen, mà tự xưng mình biết cách-vật, biết trí-tri, nên mới có thể dùng sự biết đó mà chia Nhơn-Loại ra nhiều thứ, nên mới đành lòng phân rẽ nhau ra được. Chớ chi các trò chịu nhìn-nhận rằng Tâm là Tâm, Tánh cũng là Tâm: Tánh là Tánh, mà Tánh ở trong Tâm, đồng vật mà khác tên, thì có đâu nhiều như vậy. Tâm Tánh Ta nói dây, là Ta chỉ vào Tâm rất ngay-thẳng, bền-vững, có Một không Hai, Tâm rất sáng-suốt, thông-hiểu chẳng hề mê-muội, ấy là “Cái của Trời ban-phú cho loài Người Đó”, nên Ta cũng kêu nó là “Cái Đó” chớ Ta chẳng hề chỉ vào Tâm-Tánh hay là tánh-nết như các trò lầm lộn bấy nay. Nếu Tâm cứ bền lòng, trước sau như Một, mà chẳng có Tánh cho Sáng Thông biết phân-biện, thì Tâm kia co khi phải lắm, vì vậy nên Tâm Tánh cũng là Một, chẳng hề có Hai, bởi nó là đồng Một Vật mà có Hai tên khác nhau, khác là khác phần việc đó. Thữ nghĩ coi , nếu Tâm mà không có Tánh, thì Tâm kia nhờ cậy chi mà phân-biện cho sáng-suốt, còn có Tánh mà không Tâm, thì Tánh nầy nương vào đâu đặng biện phân mà làm cho được toàn vẹn? Tuy gọi nó là hai vật, ví chẳng khác như Xác với Hồn vậy màø thôi; Người có Xác phải có Hồn, nếu có Xác không Hồn thì Người ấy ra sao, có Hồn không Xác thì có mà làm gì? Cũng như Ta nói Kiến là Kiến, Gương là Gương, song Gương không Kiến thì làm sao cho có Gương,
Kiến không Gương thì Kiến kia là một vật trống rỗng để cho
Người dùng che gió bụi cho cho vật khác đó thôi.
Các trò nghe Ta giảng vậy, lại còn hoài nghi rằng: Lời Ta nói trước sau không phù hạp, vì Ta đã từng giảng rằng: “trong Lương-Tâm có sẳn Lương-Tri Lương-Năng”; nay sao Ta lại gọi rằng Tâm là Tâm chớ không có Lương-Tâm, Nhơn-Tâm, Đạo-Tâm nào khác nửa, nếu vậy Ta nói rất trái ngược với Ta đó, như vậy thì các trò cò biết nương cậy vào đâu nữa mà phăn, mà dò, mà học? – Bởi các trò chịu biết cho nhiều tiếng rồi chịu học cho thuộc đặng để-dành mà nói chuyện với nhau đâng khoe-khoan sự học-thức, sự trí-thức cao thấp với nhau mà thôi, chớ chẳng chịu hiểu những tiếng nói ấy nghĩa là gì, vì vậy nên gọi Đạo là mắc-mỏ. Sao chẳng xét Lương-Tri Lương-Năng là chi, rồi sẻ hỏi? Lương-Tri Lương-Năng với Lương-Tâm là Ba hay sao? Tâm với Lương-Tâm là Hai vật hay sao? Tâm với Nhơn-Tâm Đạo-Tâm là Ba vật hay sao? Các trò muốn dò phăn mối Đạo, thì hãy tìm những tiếng Chánh-Gốc của Đạo mà nghiên-cứu, thì sự Thấy, sự Biết, sự Thông Hiểu mới có thể Ứng lại cho được, bằng kiếm những tiếng Giải-Nghĩa mà Học, rồi gọi những tiếng ấy là tiếng Chánh-Gốc, thì càng ngày càng sai lạc đường ngay. Đã biết những tiếng Chánh-Gốc thì vắn-tắt mà khó hiểu, nên phải có tiếng đặt thêm đặng phụ-ích vào, đặng cho Người dễ hiểu, song những tiếng phụ-ích ấy nào có đủ nghĩa-lý cho trọn tiếng Chánh-Gốc đâu, bởi vậy nên lần lần lâu ngày, Người đời sau thấy nó còn thiếu sót nghĩa gì, thì đặt thêm tiếng khác nữa cho dễ hiểu thêm, càng lâu ngày thì càng thấy còn cần phải có thêm tiếng phụ-hội vào hoài, nên càng lâu chừng nào, thì những tiếng gia-phụ càng thêm nhiều chừng nấy, càng nhiều chừng nào, lại sự trật càng xa, mà không hay, không biết. Người xa dời chừng nào, thì nào hay sự khổ-tâm của Người đời trước, vì muốn cho dễ hiểu theo đường đời, mới có đem ra nhiều tiếng như vậy đâu! Lại lầm tưởng những tiếng ấy là chánh-gốc Đạo, rồi nương theo đó mà dùng, lại còn diển-giải thêm ra cho rộng nữa, gọi vậy là thông-thuộc, nào dè càng phụ-họa thêm vô chừng nào, thì lại càng xa càng lạc bến chừng nấy mà quên đường trở lại. Càng lâu càng nhiều, càng xa càng lạc, ấy là cái nấc khó-khăn cản-trở mà làm cho các trò khó bước lên đến thềm nhà Đạo ngày nay, là bởi những tiếng không nhứt-định đó lắm vậy. Ta vẫn biết sự lầm-lộn của Nggười đới nhu thế, nên trước ki Ta muốn gải Tâm Tánh cho các trò hiểu, thì Ta cần phải dùng những tiếng thường dùng, mà tiếng của trò thường dùng đó, đặng gải cho các trò nghe, rồi Ta chẳng muốn cho các trò còn dùng những tiếng ấy hoài má quanh-quẩn cũng còn lộn-lạo không rành, nên Ta tóm tắt lại dùng hai tiếng “Cái Đó” chỉ rằng “Cái của Trời ban-phú cho loài Người Đó” đặng chỉ ngay vào hai tiếng Chánh-Gốc là Tâm Tánh mà thôi. Sao các trò không dùng theo tiếng của Ta đã chỉ cho, mà vẫn dùng những tiếng phụ-họa hoài?
Ta cũng đem vài vật trước mắt các trò , đặng làm tỷ-dụ cho vật nào hể càng phụ-ích chừng nào, thì lại càng hại cho Người lầm-ạc chừng nấy cho các trò nghe mà xét lấy. Kìa, Con Đường Cái vẫn có Một cái, dài luôn hoặc từ Đông chí Tây, hoặc từ Nam chí Bắc mà thôi. Lâu ngày Người muốn thông-thương cho dễ, thì phải đắp thêm đường mới cho nhiều, mà đường mới vẫn có từ khúc từ chặn, lại chia xẻ con đường cái ra, làm cho nhiều ngã nhiều lối, càng ngày càng thêm đường cho rộng cho nhiều chừng nào, thì lại càng làm cho Người quanh quanh, lộn lộn, không biết Co Đường Cái ở đâu, mà đi cho thẳng đến chỗ Chánh-Gốc là mục-đích của mình muốn đi đến. Biển kia cũng vậy, cũng có một Nguồn mà bao-bọc cả Toàn-Cầu, Sông lớn tuy nhiều, mà cũng có Một Nguồn mà ra vào với Biển; cũng vì Người muốn phương-tiện về mặt dinh-thương, nên vẫn đào kinh xẻ rạch, chẳng dè kinh rạch càng nhiều thì dễ bề cho Người lạc đường ra cửa chừng nấy, chớ nào có ích chi? Chơn-Lý cũng vậy, cũng lâm vào một luồng tai nạn như thế, là cũng bị những tiếng dẫn giải phụ-họa thêm hoài, tưởng rằng nhiều như vậy đặng cho rõ nghĩa chữ Chánh-Gốc, nào dè làm như vậy là làm cho Người lầm tưởng những chữ ấy là chữ Chánh-Gốc, nên càng ngày Tả-Đạo Bàn-Môn càng nảy thêm. Đạo-Lý nói nghe càng rành, song hỏi thử lại coi Chánh-Gốc của Đạo bởi đâu, thì vẫn cứ Trời mà đổ. Hỏi Trời là chi thì u-ơ không biết đâu mà nói, rồi muốn cho Người gọi là bực trí-thức, thì phải đặt thêm ra vài ba tiếng chữ mới khác nữa đặng gọi sự học cao-thượng của mình, để làm cho bưng-tai, chóa-mắt Người, mà nó chẳng dè nó tự dối lấy mình nó vậy; dầu cho trong đám ấy cũng có nhiều đứa biết hổ-ngươi sự dối-giả của nó, mà nó cũng vẫn cứ hiu-hiu tự-đắc lấy vậy là đắc-chí, nên không chịu quay đầu về trở lại với Đạo.
Các tò vẫn đều là Người đứng vào hạng Sĩ tử của Chơn-lý,
có lẽ đâu chưa hiểu trước những diều Ta nói đây sao?
Nầy, hãy nghe Ta giải cho rõ: Lương-Năng vốn ở nơi Lương-Tri mà ra, có Lương-Tri mới có Lương-Năng được, bởi có sự Biết Sẳn rồi nên mới có Sẳn Tài hay được. Sự Biết sẳn đây là sự Biết sẳn có trong mình mình rồi, chẳng đợi phải học, hay là phải suy nghĩ mới biết. Lương –Năng cũng vậy, nhờ có sẳn biết nên mới có sẳn Tài hay. Lương-Năng đã ở sẳn trong Lương-Tri, mà Lương-Tri lại ở sẳn trong Lương-Tâm, nên Ta đã giải cho các trò rằng: Lương-Tri Lương-Năng ở trong Lương-Tâm, nên cũng gọi là Tánh, mà Tánh ấy là “Cái Đó”, Cái của Trời ban phú cho Đó. Thữ nghĩ coi: Đã gọi Tánh là của Trời ban-phú, thì nó nào có làm việc chi sái, việc chi quấy bao giờ! Mà sao Ta thấy phần nhiều trong thế-gian, hễ ai Lương-Tri Lương-Năng nhiều chừng nào, thì lại càng làm nhiều điều quấy chừng nấy? Quấy cho đến đổi thọc Trời, rạch Đất, khuấy biển, lấp sông, rối loạc cả trật-tự bình-an, mà gọi những việc ấy đều do nơi Lương-Tâm phát ra? – Thử bắt một tên trộm nghề, hỏi nó sao không lo làm ruộng-rẩy hoặc làm thuê-mướn đặng nuôi thân, để lo làm chi cái nghề trái Nhơn-Đạo như vậy? Thì nó đáp rằng: tại Lương-Tâm nó bảo nó phải làm nghề ấy, bởi tài-năng của nó sẳn có và hay giỏi trong nghề ấy, nên mới xoay chuyển vào nghề ấy được mà thôi, còn các nghề khác thì không biết. – Hỏi đến một tên tướng cướp, hoặc một đứa chuyên nghề gươm-dao nuôi sanh-mạng, thì nó cũng đều trả-lời một cách là tại Lương-Tâm nó xúi-giục nó bảo nó phải làm nghề ấy, nên nó mới có đủ sẳn mưu-chước mà làm được, lại Lương-Tri Lương-Năng của nó cũng đã sẳn có vào nghề đó, nên mới có đủ nghị-lực can-đảm và trí-thưc đặng trù-nghĩ các phương-thế mà cướp người giết người chẳng ghê-ghớm chú nào. Nếu hỏi thêm nó nữa rằng: Lương-Tâm nó có bảo nó hồi-tâm làm điều phươc-thiện chi chăng, hay là cứ việc đeo đuổi theo nghề ấy cho tới cùng? Nó liền trả lời không đợi suy-nghĩ rằng: Nếu thời-thế nó thuận, thì nó sẽ đi cho đến bực làm Trời Con nó mới thôi. – Trái lại nếu các trò hỏi một vị Hiền-Triết sao cứ cậm-cụi nơi phòng sách, hoặc hiến thân vào nơi phòng hóa-học, đặng lo khảo-cứu những sách-vở cùng là nhữngvật-liệu chi đâu rất xa vời, khó tìm khó móc cho ngó thấy được, lại thêm là hao-tổn tinh-thần trí-nảo, sao không lo thi khóa làm quan càng sung-sướng khoẻ-khoắn hơn; thì những vị nầy cũng trả-lời một cách như tên cướp kia vậy: Tại nơi Lương-Tâm bảo vậy, Lương-Tri Lương-Năng cũng xô đẩy vào xét những việc huyền-bí cao-xa như vậy mà vẫn vui lòng, nên mới đeo-đuổi theo hoài mà chẳng biết mệt mỏi. – Thử xét lại coi, sự hành-vi của hai bực Người như kia, đều trái hẳn với nhau như trời với vực mà sao cũng đều do nơi Lương-Tâm sai-khiến, cũng đều do Lương-Tri Lương-Năng có sẳn đủ tài hay nên mới thông-thạo hay giỏi vào nghề ấy được! Nếu vậy, Lương-Tâm có hai thứ hay sao?
Ta cũng giải luôn cho rõ phần Tâm Tánh của các trò hay thường dùng đó, cho các trò xét hiểu thấu đáo. Tâm là một Vật chứa có Tánh Sáng, Tánh nầy là Tánh của Trời ban phú cho loài Người trước nhứt vậy. Tâm đã là một vật chứa có Tánh Sáng, mà Tánh Sáng nầy lại là Tánh của Trời phú, báu lạ vô-cùng. Các trò thử xét coi, từ xưa đến nay, có thấy ai dùng một vật xấu hèn để chứa đồ quí báu không? Chẳng ai nở dùng một vật hèn mà chứa đồ báu, thì Tâm kia nào có xấu bao giờ! Vì nó phải là một vật quí mới được chớ! Tâm đã chẳng phải là một vật hèn, mà sao nó càng ngày càng xấu đi? Ta hỏi: Tâm hèn xấu , nên làm cho Tánh phải lu-lờ, hay là Tánh lu-lờ rồi hóa ra Tâm phải hèn xấu? Câu hỏi Ta hỏi đây, các trò cần phải tự hỏi lấy mình hoài, tự xét lấy mình hoài và tự mỗi trò phải tự biết lấy mình, coi bởi đâu mà trong hai vật ấy phải bị sái vơi nguyên-chất của Trời ban lúc xưa, đặng tự mình các trò lo mà trau dồi kiểm-điểm nó lại cho trong sạch. Nếu biết Tâm là vật quí, thì nó vẫn có Một mà thôi, sao lại đem nó chia hai, đặng phân nó ra kêu là Nhơn-Tâm, Đạo-Tâm mà làm gì? Nếu gọi nó là một vật hèn, sao nó lại chứa có Tánh Sáng của Trời ban là vật quí? Nếu gọi Nhơn-Tâm vì Tình-Dục và Vật-Dục che phủ, nên Đạo-Tâm phải mờ ám, vậy thì Đạo-Tâm ở đâu, Thiên-Tánh kia sao không Sáng đặng thấy rõ trước sự quấy của Tình-Dục và Vật-Dục mà ngăn đón nó trước, cho khỏi bị nó phá rối? Nếu gọi rằng hễ Nhơn-Tâm mạnh thì Thiên-Tánh phải yếu, thì nào có cái lý đó bao giờ! Lý ấy là Lý-Trí của các trò mượn mà nói đặng che lỗi mình đó. Lý ấy là lý của Người dặc tiếng ra nói, đặng dẩ đường cho các trò đi sái Chơn-Lý đó. Thiên-Tánh là một vật báu lạ vô-cùng, nào có ở trong một vật chi nhơ-nhớp xấu-xa làm cho Tình-Dục Vật-Dục có chỗ dựa-nương mà che khuất án lấp nó được đâu! Các trò hãy chừa những Lý thuộc về Lý-Trí ấy đi, thì mới rõ Chơn-Lý. Ta đem thêm vài việc ra đây nữa hỏi các trò, các trò xét lấy thì thấy rõ sự mờ-ám của các trò bị kẻ dẩn đường dặt ra nhiều tiếng, làm cho rộn-ràng Chơn-Lý, sai-lạc cả mối-manh, nên trò không phăn, không thấy được. Hãy xét coi, kìa một Người hễ gặp được Người thương, dầu cho Người ấy có là điều quấy, cũng thương; nếu gặp Người ghét thì ghét, dầu cho Người ấy có làm phải, cũng ghét. Tại sao vậy? Hỏi: Lương-Tâm nào đã có sự Thương, sự Ghét rồi, còn Lương-Tâm nào của Trời đã ban-phú cho cái Tâm được tận-thiện tận-mỹ? Lương-Tâm của Người đó có sẳn chứa sự thương ghét trước như vậy là phải, hay là không phải? Người đó chứa trước Tánh Sáng rồi chứa sự thương ghét sau, như vậy là Nhơn-Tâm hay Đạo-Tâm? Như vậy có trúng với “Cái Đó” hay không? Nếu nói như vậy là tại Nhơn-Tâm, thì kìa, một Người Hiền-Triết – là một bực rất thông Đạo-Lý đó, mà lại là Người có quyền cai-trị thưởng-phạt nữa, dầu thấy, dầu biết con mình làm một việc chi sái vời Đạo-Lý và trái với Luật-Nước, thì cũng đã có sẳn lòng binh-vực rồi: nếu binh-vực thì là Nhơn-Tâm, nếu đem ra pháp-luật thì mất vẻ Đạo-Tâm, mà cũng không được từ-chức trốn-tránh cho qua việc, cho Người khác lo xử, cũng không được xử nửa phạt nửa tha, theo luật đời, mà goị rằng cầm bực Trung-Dung, vậy thì Người ấy phải xử-trí cách nào cho ổn-thỏa? Còn kìa, một đứa đại tàn-ác đại hung-bạo, mà hễ nó thấy ai làm điều chi quấy, nó cũng biết ghét, giết cho được mới vui lòng, làm chi phải, nó cũng biết thương dầu cho Người ấy có lâm nguy, nó cũng ra tay cứu vớt; như vậy đó là Nhơn-Tâm hay là Đạo-Tâm? – Hỏi: sự thương sự ghét của bực Người nầy như vậy, có trúng với Lương-Tâm hay không? Nếu trúng, thì ai là Nhơn-Tâm, ai là Đạo-Tâm? Ai là trúng với “Cái Đó”? – Ta chắc các trò sao sao cũng trả lời rằng: Bực Hiền-Triết kia vì tình-thương quá nặng, nếu đem con ra trước mặt hình-pháp thì Lương-Tâm cắn-rứt, bằng chẳng đem ra thì trái Luật Trời, bởi mình là Người cầm quyền thưởng-phạt thay thế cho trong nước, nếu sái với Luật Nước là sái Luật Trời, mà Luật Trời tức-nhiên là Luật Đạo vậy; Người Hiền-Triết gặp một cảnh rất khó-khăn, Nhơn-Tâm Đạo-Tâm hai cái còn đương phân-vân, khó bề nhứt-định được.; còn tên hung-bạo kia mà làm được những việc Đạo-Đức như vậy, ấy là nhờ cái lúc mà Lương-Tâm nó phát-hiện ra trong giây phút đó thôi, phải chi nó có Đạo-Tâm trong mình nó hoài, thì đâu nó có làm những việc tàn-nhẫ hung-bạo ba giờ! Tuy nó làm được như vậy mặc dầu, cũng chưa đủ gọi nó là Người có Đạo-Tâm. Nói như các trò vậy, sao Lương-Tâm tên hung-bạo nầy biết phát hiện ra điều tốt, còn Lương-Tâm Người Hiền-Triết kia lại cắn-rứt? Trong Lương-Tâm của Người Hiền-Triết không có Lương-Tri Lương-Năng hay sao, mà để cho đến đổi gặp việc khó-khăn như vậy mà làm cho Nhơn-Tâm Đạo-Tâm hai cái nó tranh lấn với nhau mà không quyết-định được? Các trò có biết cái tội-lỗi nầy bởi đâu mà ra hay không? – Hãy nghe Ta giải cho mà tự tỉnh lấy.
Tiếng nói của đời Thượng-cổ, chẳng hề có nói tiếng đôi tiếng ba bao giờ, nhứt là về phần dạy Đạo, thì tuyệt-nhiên chẳng dùng tiếng đôi. Thượng-cổ nói ít hiểu nhiều, tiếng nói ít mà nghĩa lý cao-sâu, chẳng phải như đời nay nói nhiều mà chẳng rõ, nói nhiều mà nghĩa-lý vụng-về, có khi nói nhiều mà chẳng hiểu chi hết vậy. Thượng-cổ dạy Đạo cho Nhơn-sanh thì thuộc về phần Người nào cầm quyền cai-trị ở thế-hạ nầy mới có trách-nhậm gánh vác đều ấy. Trước khi Người ấy muốn trao trách-nhậm lại cho Người khác, thì phải kén chọn coi cả thế-gian có ai là Người đủ sức thay-thế cho mình không? Nếu được, thì đem về gióng-sức và tập-rèn cho được am-hiểu đến chỗ cội-nguồn của Nhơn-sanh, rồi mới được phép trao quyền cho. Nhờ vậy nên kẻ trao Người lảnh, hai Người đã như một Người vậy. Kịp đến lúc trao quyền, thì dặn-dò nhau một ít tiếng thêm là đủ, không cần phải nói nhiều lời. Nhờ vậy nên trong nước đều được thai-bình thạnh-trị, Nhơn-sanh chẳng hề có họa thảm-khóc. Đến sau, Người cầm quyền bỏ cái lệ rất công-bình nầy, gọi nước là gia-tài riêng của mình, nên cứ truyền ngôi báu lại cho con cháu, chẳng luận đứa đó Tâm Tánh nó thể nào, vì vậy nên lâu ngày sanh ra sự chia rẽ, rồi mới có nỗi gây sự chiến-tranh. Đến lúc Châu suy, cái họa tranh hùng bằng cách chém giết nhau, càng thấy thêm khóc-hại, gớm-ghiếc. Trên không còn Vua Thánh, dưới chẳng có tôi hiền, Nhơn-sanh đồ khổ không còn chỗ than-thở vào đâu, nên Luật Chí-Công phải trao quyền dạy Đạo ấy cho một Người không có trách-nhậm chăn dân mà phải gánh vác lấy, ấy là Đức Khổng-Thánh đó. Từ ấy lẫn sau mới thấy có Người không quyền chăn dân mà lại có trách-nhậm dạy dỗ, ấy bắt đầu từ Khổng-Phu-Tử làm trước vậy. Chớ chi những Người có quyền dạy dỗ lúc sau, mà đều được là bực Thánh như Khổng-Phu-Tử, thì nghĩa-lý của tiếng nói đời thượng-cổ cũng chẳng có đem ra mà giải cho sai chạy lắm, ngán nỗi nhiều Người dùng ý-riêng mình mà chú-giải tiếng nói xưa, nên mới làm cho các trò mờ ám đó. Thương thay cho các trò, tiếng dạy xưa thì gọi là mắc-mỏ khó hiểu, còn những tiếng dạy sau thì lại khen hay, khen rằng dạy rõ-ràng dể hiểu, rồi cứ đem những tiếng ấy vào lòng mà thụt độc, đặng có đem ra mà nói, song nói mà cũng chẳng chụi hiểu nghĩa coi lời nói thể nào! Nhứt là hai chữ Tâm Tánh là nguồn-gốc của Đạo của Trời, mà lại càng không hiểu nữa! Như vậy mà bảo hiểu Đạo hiểu Trời, thì do nơi nào mà hiểu cho thấu!
Nầy, hãy lóng kỹ tiếng Ta giải Tâm Tánh mà nghe. Hai tiếng Nhơn-Tâm Đạo-Tâm của các trò từng nói ấy, sao không xét kỹ lại coi cho rõ? Hãy xét kỹ đi, thì mới thấy nghĩa-lý của nó hiện ra chán chường trước mắt chẳng có đâu xa. Ta đã nói rằng: tiếng nói đời Thượng-cổ chẳng có nói tiếng đôi tiếng ba, sao các trò lại giải rằng Nhơn-Tâm là cái Nhơn-Tâm, Đạo-Tâm là cái Đạo-Tâm? Tâm là Tâm mà thôi nào có cái nào mà gọi rằng Nhơn-Tâm hay Đạo-Tâm cho được! Sai lạc là tại nơi ấy. Nhơn là Người, Người không có quyền ở địa vị chăn dân đó, ấy là Nhơn-sanh dân-giả. Nhơn-dân Tâm thường hay lo sợ. Sự lo sợ của Nhơn-dân không biết nói sao cho cùng; mỗi việc đều mỗi lo, mỗi việc mỗi sợ, chẳng được yên Tâm bao giờ. Ấy là phần Tâm của Nhơn-dân đó còn phần Tâm của Người chăn dân thì thể nào? Người chăn dân thì phải biết có Trời, vì hễ biết có Trời là một vị cầm quyền cai trị thế-gian, muôn việc chi đều do Người mà làm, thì chẳng hề sợ-sệt lo-lắng điều chi. Muốn biết do Trời mà sửa trị thế-gian, thì phải do nơi Đạo, vì Đạo là Trời vậy. – Đạo là Trời, Trời là Đạo; mà Trời ở đâu? Đạo ở đâu? Làm sao biết được, thấy được, hiểu được, thì mới chắc mình được cho. Chắc mình được rồi thì Nhơn-sanh mới tuân theo mới hết lo hết sợ cho. Phải biết rằng Đạo chẳng ở đâu xa, Trời thì ở nơi Tâm mỗi Người, vì Người do Trời mà có, Trời là nguồn-gốc của Đạo, Đạo lại ở nơi Tâm mỗi Người vì Trời đã ban-phú cho sẳn có từ lúc mới sanh có loài Người: bởi vậy nên mới gọi: “Người Trời Một Thể Một Ngôi”. Tuy biết vậy, song Người đã sanh đi sanh lại nhiều phen rồi, nên Người ở địa-vị Nhơn-dân thì Tâm thường lo sợ, lo sợ nỗi Trời còn có thường ngự nơi Tâm hay chăng? Bởi lòng hay thường sợ như vậy, nên mới sanh ra kẻ thì chắc không có, kẻ thì chắc không còn có, kẻ thì chắc không lý có, nên mới có kẻ thì lo sợ, kẻ thì không kể đếm tới, cũng có kẻ phải cậy mượn nơi những vật đê-hèn đặng tìm kiếm han hỏi. Cũng vì Nhơn-sanh có lòng lo sợ ấy mới có kẻ giả mạo đến danh Trời. Đã biết Trời thì có Đức Hiếu-Sinh, không bỏ một đứa con đỏ, vậy thì Người dân-giả hay là Người cầm-quyền cũng đều là con của Trời, lẽ nào Trời binh-vực Người nầy hay bỏ-bê Người kia đâu, khác nhau có một đều là Người cầm-quyền là Người chắc vững có Trời ngự nơi Tâm thường hay sáng-suốt được. Vì vậy nên Người cầm-quyền phải thể lấy Tâm của Trời, đặng xét biết cho rõ Tâm của Nhơn-sanh thường hay lo sợ, hay tưởng-nhớ đến Trời, lại cũng phải biết Tâm của Trời đều có nơi Tâm của mỗi Người, nên mỗi Người đều có Đạo nơi Tâm vậy, song Đạo nơi Tâm, hay là Trời nơi Tâm thì u-vi kín-đáo, chẳng phải dùng tư-tưởng riêng cậy lý-trí riêng, mà dò la tìm kiếm han-hỏi, nên Người cầm-quyền cần phải lo sợ, cần phải tưởng nhớ sự mật-nhiệm ấy, đặng lo-lắng cho phần mình phải được khéo-léo, phải lừa-lọc Tâm mình cho được trong-sạch, sáng-suốt, phải bỏ hết những vật tạp-chất có chứa ngụ nơi Tâm, phải làm sao cho Tâm được rạng-rỏ như nhựt-nguyệt, tinh-tú đừng để chút mây-che sương-áng, phải giồi-mài Thần-linh mình cho được thuần-túy, ý-tứ cho tinh-tế; hễ có biết lo, biết sợ, biết tưởng, biết nhớ đến Trời như vậy thì việc chi lại làm không được! Đã làm được rồi, thì phải Nhứt-Tâm Nhứt-Đức thể lấy lòng Trời mà hành Đạo cho vững-vàng, mà chỉ bảo dìu-dắt Nhơn-sanh đều phải như mình vậy, phải biết tìm chỗ cốt-yếu của từ Người bởi đâu mà lo sợ Trời xa mình: tìm kiếm cho ra, xét-nét cho thấu, rồi do đó mà lập phương-thế chỉ bày dạy dổ cho nó hiểu, khiến cho nó vui mừng chắc-chắn biết rõ ràng Trời là Đạo Đạo là Trời, hễ Đạo chẳng xa Người, Người chẳng rời Đạo, thì Người đâu có xa Trời, Trời đâ có xa Người! Nhơn-sanh nghe rõ hiểu thấu thì nó mới tự mình lo-lắng sự giồi-mài Tâm Tánh nó lại và hết sợ-sệt về sự Tại nó tưởng Trời là Một Riêng, nó là Một Riêng, nên nó ngại Trời bỏ nó không gần-gủi chỉ bảo nó. Nếu nó tỉnh-ngộ được rằng Trời với Người vốn có Một, phải lo gìn-giữ cho được còn Một hoài mà thôi, chớ nào có dư công đâu mà lo lắng chỗ không đáng lo, sợ chỗ không đáng sợ! Được vậy thì lo chi Trời Người không Hiệp-Nhứt. - Người có trách-nhậm và cả thảy Nhơn-sanh đều dược Hiệp-Nhứt cùng nhau và đều Nhứt-Tâm Nhứt-Đức lo lắng sự dồi-mài Tâm Tánh cho sáng-suốt và Nhứt-Tâm Nhứt-Đức chuyên-cần nhìn-nhận Đạo ở nơi Trời, Trời ở nơi Tâm, nên vui lòng lo Hiệp-Nhứt với Trời. Đã Hiệp-Nhứt với Trời rồi, mà cũng chẳng phải tới đó vậy rồi mà gọi rằng là đủ, còn cần phải cầm cho chặc, giữ cho vững Đức-Tin ấy trong Tâm mình hoài, hằng ngày hằng phút chẳng đặng sơ-sót hào ly. Nếu Tâm xao-dợn một mảy, thì lòng lo sợ trước liền đọng lại, tức thì cái Tâm Nhơn-sanh xưa nó phát lại liền, như vậy thì nào có ích chi! Vậy thì phải làm cách nào cho nó đừng có xảy ra những sự như vậy nữa? Cũng chẳng có chi lạ! Nếu ai đã biết được cái Tâm của Nhơn-sanh vì xiêu lạc cái Tâm của Trời, của Đạo, nên hay lo hay sợ, vì cả lo sợ nên mới xao-động, rồi tính tới lo lui xao-xuyến hoài chẳng nhứt-định, nào có khác chi loại đột, loại khỉ, nào chịu ở yên một nơi một nhành cây nào đâu! Người có trách-nhậm đã tự tỉnh mình trước rồi, nên phải đinh-ninh khắn-khích, vổ-về chúng nó phải Định lấy Tâm lại cho vững, đặng tưởng nhớ lấy Đức-Tin của mình cho chắc, cho có Sự Sáng nơi Tâm, Sự Sáng ấy là của Trời đã cho rồi, nay mình Tối đi, thì sự Tối ấy là tự mình làm cho mình Tối, chớ cái Tối ấy nào có phải là của Trời làm hay sao, mà mình Sửa nó lại không được? Hễ Sửa cái Tối lại không được Sáng, là tại nơi mình đành bỏ mình mình rồi, thì Người như vậy nào có ích chi! Còn Người chịu Sửa Mình, là phải lần lần đem Sự Sáng lại thay thế cho cái Tối, được chút nào thì phải có nghị-lực có can-đảm mà giữ-gìn nó cho thật chắc, phải cho bền-chi mỗi ngày mỗi Sáng thêm hoài, làm cho Sự Sáng mỗi ngày mỗi cho thường có, cái Tối mỗi phút mỗi thường lui, phải Tự Tin lấy mình rằng mình đũ sức mạnh mà giữ-gìn Sự Sáng đã có trở về rồi ấy chẳng cho nó rời ra khỏi Tâm, vẫn giữ nó kín đáo ở nơi Trung-Tâm mà là Trung-Tâm của Trung-Tâm kìa, ấy chính chỗ Trung-Tâm-Điểm vậy. Nơi Trung-Tâm-Điểm mà Thiệt có Sự Sáng rồi, thì Đức-Tin mới Thường có, “Cái Đó”, Cái của Trời ban-phú đó mới Thường phát hiện, làm cho Trời Người Hiệp-Nhứt, và Thường, Thiệt, Tin rằng chẳng hề khi nào rời rã nhau.
Các trò nghe rồi, xét rồi, liền phải thấy rằng: tự bấy nay những Người chỉ-dẫn, dìu-dắt cho các trò, vẫn chia Nhơn-Tâm Đạo-Tâm ra rằng nó có hai cái; lại gọi Nhơn-Tâm là lòng xấu, lòng dữ, còn Đạo-Tâm là lòng tốt, lòng nên, lòng lành, rồi đặt ra kêu cái Nhơn-Tâm, cái Đạo-Tâm, chính gốc làm cho sai lạc nghĩa-lý của Đạo Trời là do nơi đó. Nay các trò hiểu rồi, phải nhìn-nhận rằng Tâm vẫn có Một, chia hai là tại Người, tại Người không Thông, không Sáng đó. Các trò vì quá giữ cái hủ-tục chia hai đó, nên không rõ câu của Đức-Chí-Tôn đã dạy và đã chỉ rành rằng: các trò vẫn chia Tâm của phần Đạo và phần Nhơn ra làm hai cái, ấy là lầm đó; vì vậy nên dạy các trò phải Hòa cái Nhơn-Tâm của các trò đó lại cho thành Đạo-Tâm, đặng làm Một cái, rồi phải giồi-mài nó lại cho Tinh-khiết đó sao? Các trò đã nghe rồi, hiểu rồi, liền biết rằng: Người gọi Hiền-Triết kia cũng vì chia Tâm ra nhiều cái, nên chẳng biết tự sửa lấy mình. Đã chẳng biết Sửa lấy Mình, thì làm sao mà Sửa con mình cho được nên nó mới sa vào hình-luật đó. Con trong nhà mà cò Sửa không được, thì còn chi mà chăn dân, mà gọi Hiền-Triết cho được! Người Hiền-Triết đâu có đến đổi như thế! Đâu có đến đổi gặp việc khó-khăn mà không biết nhứt định!
Trong các trò, có trò đã nhìn-nhận lời Ta đã dạy, và Ta thấy chịu hứa rằng sẽ tuân y lời dạy mà làm theo. Ta rấy vui mừng cho trò đó, Ta hứa chắc cho trò nào đó, sẽ có ngày gặp Trời nơi Tâm và sẽ được nghe rõ tiếng Trời dạy cho mà làm từ giờ từ phút chẳng hề rời rã đâu. – Còn có trò lại nói rằng: Tuân theo lời Ta chỉ bão rằng phải Tin cậy có Trời nơi Tâm thì là Hiệp-Nhứt với Trời, sự ấy có thể tin được; song le làm làm sao cho thấy được Trời nơi Tâm mà Tin? Làm sao nghe được tiếng nói của Trời mà Tin? Sự ấy cò mơ-hồ, nên Tâm của trò đó còn lưởng-lự. - Trò nào đó; trò nào còn lưởng-lự đó, ước mơ Trời cho có hình, cho biết nói, thì mới chịu nghe theo lời Ta. Ta khen cho trò đó, vì muốn cho mỗi việc đều có Thiệt-Hữu, như “Cái Người” của trò có Thiệt-Xác ra vậy mới thiệt gọi là Người cho. Trò mảng vì kẻ làm mê-hoặc quá lâu, nên trò mê-tín quá nặng, Ta khen cho muốn biết, mà thương cho muốn biết theo cái Vọng của mình, mà quên “Con Người” của trò và “Trời nơi Tâm” của trò vốn là Thiêng-Liêng đó. Ta vì thương trò như vậy, nên Ta chẳng trách mà phải cạn lời giải thêm cho trò được thấy và được nghe hình dạng cùng lời ăn tiếng nói của Trời hiện ra trưóc mắt trò cho trò Tin. – Trò nào ước mơ như vậy, ấy là trò quá nặng về Vật-Chất-học mà quên vói tới Tinh-Thần-học. Đã biết rằng các khoa học vật-chất đều dạy ròng về phần vật-chất, song nếu Người học vật-chất mà trong mình không có hay là không đủ tinh-thần, thì làm sao đứng vào khoa vật-chất-học cho vững? Trò muốn thấy hình dạng của Trời và nghe tiếng nói của Trời, ấy là trò muốn ngã về khoa Vật-Chất, song chưa có chúc Tinh-Thần trong mình, nên mới không thấy được đó, không nghe được đó thôi, vậy Ta phải thêm vào cho trò một chút Tinh-Thần mà xét vào việc của trò mơ-ước. Trò thữ nghĩ coi, một vật chi của Ngưởi thương-yêu, kính-mến, thân-mật thiết-tha của trò, trao cho trò để làm kỹ-niệm, đinh-ninh dặn-dò rằng đừng quên, đừng để mất, để lạc, vì vật ấycó một không hai, một lần cách mặt đây, chưa ắt bao giờ thấy gặp lại nữa. Ta hỏi trò, khi trò thọ lãnh vật ấy rồi, trò có cất kín, giữ-gìn kỹ-lưởng để làm vật quí hay không? – Có chớ lẽ nào không? - Đã cất giữ kỹ-lưởng rồi, một khi nào trò nhớ đến Người ấy, nên đem vật ấy ra cầm tay, trò chăm-chỉ nhìn vào vật ấy, thì liền thấy hình dạng người thương kia, nghe đủ lời dinh-ninh dặn-dò sau trước, chẳng sót một mảy chớ nào không! Có khi nhìn vào vật ấy, mà vật ấy cũng biết nói nói cười cười chẳng khác chi Người sống đứng trước mặt vậy. Có vậy hay không? Một vật, mà là đồ vật-chất, của một Cái Người kia trao cho Cái Người nầy, mà còn biết hiện hình ra ăn nói trò chuyện được như vậy thay, sao một Vật quí –báu vô-cùng vô-tận nơi Thiêng-Liêng mà Trời là Đấng rất yêu thương trò, nên ban-phú cho trò để dành làm bùa hộ thân hộ mạng sống, mà trò lại không gìn-giữ cho kỹ-lưởng, lại đành bỏ rơi đâu không biết mà tìm? Vật ấy là Tâm Tánh đó. - Tâm Tánh là một Vật rất quí-báu lạ-lùng của Cha Thiêng-Liêng ban cho trò, trong lúc ban cho ấy, cũng đinh-ninh dạy bảo nhiều lời kỹ-cáng rằng: phải lập cho xong danh-phận Tam Tài rồi sẻ trở về, đừng ham mê theo hồng-trần làm cho đến phải luân-hồi khổ não, trò cũng hết lòng nguyện giữ lời dạy rồi mới ra đi. Vật ấy bây giờ ở đâu? Vật ấy Sáng rở như Châu, nào có tối-tăm mê-chướng như hòn đất hầm-chín rồi đâu mà khó thấy khó tìm! Tại nơi trò đành bỏ mất đi, đành không coi nó là quí, bảo sao không còn có nơi Tâm đặng cầm mà nhìn! Chớ cho còn có nơi Tâm, thì mỗi khi thấy hình-dạng Trời cùng là nghe tiếng nói Trời, thì hãy cầm lấy nó cho kỹ, nhìn lấy nó cho tường-tận, thì nào có chi mà chẳng nghe chẳng thấy Trời hiện ra nói ra! Ấy cũng bởi trò quá thiên về Vật-Chất nên cầm và coi món đồ vật-chất của Cái Người làm đồ quí, còn coi của quí Thiêng-Liêng Tinh-Thần làm hèn, nên bỏ rơi rớt, nên không cò nghe còn thấy được vậy. – Tuy trong các trò , cũng có trò biết vật Thiêng-Liêng kia là quí, song vì đã làm lạc mất rồi, nay muốn tìm lại, nên mỗi khi trò ấy muốn khảo-cứu một vật chi, thì đem hết tư-tưởng mình ra; song than ôi! Ấy là cái tư-tưởng thuộc về Lý-Trí của trò lượm-lặt hằng ngày, hằng giờ, lộn-lạo ô-tạp của thời-gian, chớ nào phải là của Bổn-Nguyên của Trời ban phú đó đâu. – Tại sao vậy? Là tại không Nhứt-Tâm lo cho có được Sự-Sáng cho Thiệt-Sáng, cho Thường Sáng và Tin chắc rằng Sự-Sáng ấy chắc có Thiệt, có Thường nơi Trung-Tâm Điểm của mình hoài hoài, trước khi muốn khảo-cứu một vật khác đó, đợi dến muốn khảo-cứu rồi mới tìm kiếm Sự sáng ấy ra, thì sự Biết ấy nào có Thiệt đáng Tin bao giờ!!! Như vậy mà trò gọi rằng có Lương-Tâm, Lương-Tri, Lương-Năng!!!
Muốn nói cái Tư-Tưởng thì phải hiểu nghĩa tiếng Tư-Tưởng là chi, cũng như muốn nói cái Lý-Trí thì cũng phải biết nghĩa Lý-Trí là cái gì. Biết được rồi sẽ nói, thì tiếng nói ấy mới khỏi sái với với chánh nghĩa của Tư-Tưởng và Lý-Trí của các trò muốn nói vào việc gì; bằng mới vừa vừa hiểu một phần hay là phân nửa của một tiếng nào, rồi đem ra dùng vào trong câu nói của mình muốn nói về việc chi, thì bao giờ tiếng nói ấy cũng chưa đúng trọn, hoặc là sai hẳn với cái ý muốn của mình mà mình không hay; nếu dùng như vậy, là đã làm cho mất giá-trị của tiếng nói, sai lầm nghĩa câu nói, người nghe thì hiểu một nơi, người nói thì định một ngã, công việc của sự vật muốn nói ấy nó lại là một ngã khác nữa, nó đã làm mất cái chân-diện-mục của tiếng nói, mà lại làm cho hư hỏng công việc muốn làm, muốn nói, muốn nghe, của cả thảy đôi bên.
Những tiếng nói đã có đặt ra cho đời dùng, chẳng hề có ai đặt sai, sai là tại nơi Người dùng sái đó thôi. Người dùng sái là tại nơi Người không chịu xét cho cùng lý ý nghĩa tiếng ấy làm chi, miễn là vừa vừa hiểu, thì đã tự phụ mình biết được tiếng mới, mà cũng chẳng đợi xét cho biết tiếng mới ấy có nên dùng vào chỗ mình dùng đặng nói hay không làm chi, miễn là có nói ra được tiếng mới thì đã gọi mình rằng Người trí-thức rồi. Tự mình đã tự gọi mình là Người trí-thức, Người ngoài nghe được mình có tiếng nói mới thì cũng tôn mình là Người trí-thức; một Người tôn, nhiều Người tôn theo; một Ngưòi nói, nhiều Người nói theo; mà chẳng ai chịu xét chịu hiểu cho trúng ý-nghĩa tiếng nói ấy là chi, trở lại đồng nhau gọi rằng tiếng ấy để dùng vào phân giải những phẩm Hình-nhi-thượng-học, mà cũng chưa ai hiểu cho cạn lý Hình-nhi-thượng-học là thuộc về phẩm nào. Cũng vì đổ thừa chuyền cho nhau như vậy, nên chẳng ai chịu ra công khảo cứu ý nghĩa của nó, rốt cuộc lại còn bịa thêm nào là Siêu-hình-học, Thần-linh-học, Thông-Thiên-học, thử hỏi ai coi, thì ai cũng chưa hiểu vật chi là vật chi, mà cũng mừng rỡ rằng được thêm nhiều tiếng mới nữa, nên vẫn nói hoài, nói nói dùng dùng hoài, văn nầy sách kia reo hò Đạo-Đức để làm một khoa-học sáo-ngữ thông-dụng về phẩm thông-huyền. Hiểu thì không Người chịu hiểu, nói thì nhiều Người bắt chước nói, bảo sao trong nước chẳng thiếu Người gọi là “Người mới vừa học nói”! Chớ chi có ra công chịu học, chịu hỏi cho hiểu, rồi sẻ đem ra nói, như vậy mà Người gọi mình là kẻ mới học nói thì chẳng nói chi, vì tuy mới học nói, mà nói ra điều nhầm nơi, nhầm chỗ của mình muốn nói, tuy câu nói không được hay, chớ ý nghĩa câu nói rất trúng, dầu cho bị kẻ khinh rẻ cũng chẳng hại gì; tỷ lại với những kẻ học nói kia để làm cho mất giá-trị của tiếng nói, thì tội ấy lại biết bao!
Kẻ vừa vừa học nói thì ham nói lắm, mà lại ham làm cho Người biết rằng mình là Người học cao, thấy rộng, nếu vậy thì nào khác chi các trẻ mới vừa nhập học, muốn cho Người biết mình là học-trò, thì tay chơn quần áo môi mép phải cho nhuộm đầy những mực!
Ta vưng lịnh Thượng-Đế đến dìu-dắt các trò, ý Ta đã định làm cho các trò được như Ta vậy. Ta đã làm cho Liểu, Đào là hai giống Mộc-Tinh đều được gần Ta đó, đều được đến tận Ngọc-Kinh chầu Thượng-Đế đó, có lẽ nào các trò đều có Chơn-Linh Chơn-Thần mà lại chẳng được sao! Ta khi trước cũng hình Người như các trò vậy, Ta có hơn chi các trò đâu! Khuyên các trò hãy tự trọng lấy mình làm hơn, chớ có học kẽ học nói, chớ có tự phụ, mà phải sa vào đường quấy, rồi tự mình hại lấy Chơn-Ngươn của mình.
Các trò hãy lóng nghe Ta phân. Người hay nói mà nói không trúng Lý, là người gọi rằng “Học nói theo lớp vừa tập theo tiếng nói của Người đó”. Người học tập như vậy, chưa được đứng vào hạng gọi là Con Người. Chưa được đứng vào hạng Con Người, là vì còn mới vừa học cho biết nói tiếng Người, chớ nào có biết nói và làm như Người! Chưa biết nói và làm như Người, là vì chưa hiểu tiếng nói của mình đã nói. Chưa hiểu tiếng nói của mình đã nói, là vì mình chưa thật-hành lời nói của mình nói đó cho được. Chưa thật-hành lời nói của mình nói đó cho được, là vì mình mới vừa Học-Tập nói, chớ chưa hiểu, chưa thông lời nói của mình, mà vội đem ra nói khoe-giác với người, nên làm không được vậy. Các trò tự bấy nay đều ham mộ làm cho được Thánh Thần Tiên Phật nên mới bước vào con đường Tu, sao các trò chẳng lo Làm cho được, mà vẫn cứ lo ham nói? Hãy học Làm đi! Tự mình hãy dạy mình Làm theo những tiếng nói mình đã nói, đã nói tự nơi tiếng nói của mình biết nói, chẳng phải nói theo tiếng nói của Người. Đã Làm được như vậy, tức-nhiên mình đã được đứng vào hạng Thánh Thần Tiên Phật rồi vậy. Bởi các trò tự bấy nay mảng nói mà chưa hiểu nghĩa, nên làm theo không được đó. Biết nói mà chưa hiểu nghĩa là vì các trò bắt-chước tiếng nói của người khác mà nói theo, trong ý cũng tưởng rằng đã hiểu rồi, nên mới dạn nói đặng đứng vào hạng trí-thưc với người. Học Đạo như vậy rất lầm. Rất lầm là vì không rõ được sự phân-biện tiếng nói. Cái chỗ sai lầm ấy, nó làm cho các trò rộn lòng rối trí, làm cho các trò phân-vân Tâm Tánh, cũng như kẻ đi đường đến chỗ thông-cù, ba bên bốn phía đều có ngã lui tới, không biết ngã nào phải đặng đi. Kẻ đi đường gặp đường cái trước mắt, song bị nhiều nẽo quá còn phải phập-phồng trở-ngại bước đường thay, huống chi các trò học Đạo! Đạo vẫn là một Con Đường Cái, song nỗi nhiều ngày nhiều người đắp thêm nhiều con đường tẻ ra nữa, mà con đường nào cũng tương-tợ như con đường nấy, còn phần các trò tự bấy nay đã lâu ngày rồi không chịu để ý nhớ đến Con Đường Chánh lúc xưa, lại cứ dọ hỏi thăm những con đường mới sau nầy đặng để lòng vào cho biết mà thôi. Biết vậy mà chi? Biết đặng nói, đặng khoe rằng mình biết thạo đủ đều, dủ chỗ những con đường mới ấy với người, cho người khen tặng rằng mình là người biết đủ, đã từng trải khắp nơi khắp xứ. Cái họa ấy nó làm hại cho các trò ngày nay dốc lòng ra đường đặng đi, song đi đến chỗ tứ-chi bát-yếu đó mà ngẩn-ngơ không biết chánh Con Đường Cái là con đường nào vậy. Những con đường tẻ ấy là chi? Chính là nhữnh tiếng nói mới, tiếng mới tập nói theo người mà không thiệt hiểu nghĩa đó. Con đường nào mà không đi, song muốn đi thì phải cho thông-tạo sẽ đi thì không lạc. Tiếng nói nào lại không nói, song nói phải cho hiểu nghĩa thì nói mới không lầm. Con đường đại-lộ trước mắt, nếu không thạo, đi còn phải lạc thay, huống chi Con Đường Đạo là một Con Đường thuộc về Thiêng-Liêng, nếu không thông thì làm sao cho khỏi sa vào Tả-Đạo! Ta nói các trò rất sai lầm là vì ham dùng tiếng nói mới nên làm cho các trò rộn lòng, rối trí không biết Đạo ở đâu, Đạo là chi, là tại nơi đó vậy. Ta vì vậy nên phải phân lại cho các trò nghe, chớ tưởng và chớ chê rằng lời Ta nói là tầm-thường thấp-thỏi rồi bỏ qua hoài.
Phần đông của các trò đều cho rằng cái Tư-Tưởng của Người rất mạnh, cái Lý-Trí của Người rất cao, nên thường nhìn-nhận triết-lý của Phật-Giáo là siêu-việt. Vậy nay Ta dùng một đoạn lúc Tất-Đạt-Đa sơ-sanh đặng hỏi. Tất-Đạt-Đa lúc vừa ra khỏi mình mẹ thì đã biết đi, biết đứng, một tay chỉ Trời, một tay chỉ Đất, chào đời bằng một câu nói rằng “Trời trên, Đất dưới, Một Ta lớn hơn”. Sự tích ấy và câu nói ấy nghĩa chi vậy? – Sao vậy? Các trò hãy đam hết Tư-Tưởng và Lý-Trí ra đặng tìm thử coi.
Các trò đã gọi rằng: Nhìn vào một vật kỹ-niệm của Người thương yêu để lại, dùng hết tư-tưởng để vào ấy, thì thấy và nghe được lời Người thương ấy nói, vì vậy nên Ta cho cái vấn đề trên đây, đặng cho các trò hãy dùng lý-trí mà suy-nghĩ đi, dùng tư-tưởng mà kết-cấu lại cho hiện tượng đi, đặng nhìn vào hình của Tất-Đạt-Đa và suy-nghiệm lời nói ấy cho chín-chắn, nghe Tất-Đạt-Đa sẽ trả lời thế nào cho các trò biết, vì chẳng có vật nào kỹ-niệm cho quí bằng hình ấy mà cũng chẳng có lời nói nào cho trân-trọng bằng lời nói ấy. Triết-lý Phật-Đà có một cái hình ấy, và câu ấy, đủ làm cho Người giải-thoát nếu ai thấy được, thấu hiểu được, thì cũng gọi cho là Người biết Mối Đạo đó. Các trò suy nghĩ và tưởng-tượng cho hết lý-trí và cùng cái tư-tưởng đi, rồi tự mình các trò hãy trả lời cho đến khi nào các trò cịu nhìn-nhận đã nhìn thấy va nghe được Tất-Đạt-Đa đã hiện tướng ra nói dạy, chỉ, biểu cho các trò rồi, câu nói lời dạy ấy thiệt là chánh-đáng; rồi các trò hãy nhìn lại nơi Tâm, coi nó sẽ trả lời lại làm sao? Đem hai câu mà so-sánh lại, thì khi vừa muốn so-sánh, ắt chẳng khỏi có Lương-Tâm nó còn cho một vài cái lý-luận khác và Lương-Tri Lương-Năng nó cũng tiếp vào dẫn theo một bọn Tâm-Lý Đạo-Lý Luân-Lý-Học, khiến cho các trò phải bối-rối, hóa ra như kẻ điên-cuồng với nó, rồi không còn lý-trí nào nữa mà nhứt-định lại. – Cớ ấy bởi đâu? Vì sao ra đến đổi như thế? Có chi đâu lạ! Là vì các trò học được nói nhiều tiếng mới quá, học được rồi, nói cũng được rồi, song lão-thông tiếng nói mà không chút thông nghĩa-lý tiếng nói. Cũng vì nhiều tiếng, nên hóa ra nhiều tư-tưởng, mỗi tư-tưởng nó hiện-tướng mỗi tiếng ra mỗi hình, mỗi hình nói mỗi cách, mỗi cách đều có nghĩa-lý cao-sâu của nó ra theo mỗi lý-tri riêng của nó, thành ra các trò phải mê-hoặc. Có phải vì những tiếng mới ấy nó làm cho các trò phải không còn chi làm căn để đặng nhứt-định một cái vấn-đề hay không? Dầu cho có trò nào quyết-chí nhứt-định một cách nào cho rồi, là cũng quyết định cho rồi việc, chớ trong lòng vẫn cũng bán tính bán nghi. – Vậy nay Ta hỏi các trò: Vật nào là Vật qui-báu, có giá-trị, để cho các trò trước khi suy-tính một vấn-đề chi, dầu đã kinh-nghiệm hay là chưa cũng vậy, phải dùng lấy nó đem ra làm chuẩn-đích đặng phân-biện cho rành, giúp cho sự biết của cái ý mình muốn biết, rồi nương lấy đó dùng làm Chỉ-Nam, một đường đi tới hoài cho cùng Sự-Lý mà vẫn không lầm lạc?
Ta từng nghe và từng thấy các trò mỗi khi gặp một vấn-đề chi, thì đều ngã-quyết qua một phía, cho rằng cái Tư-Tưởng của Người rất mạnh, gồm đủ các phương-diện cho Người dùng, nên cứ tin-cậy nơi nó, coi nó cũng như một cái phép thiêng-liêng huyền-bí vậy. Ta cũng cho vậy là phải đi, vì làm Người phải có nghị-lực quyết-định một con đường của mình muốn đi như vậy là phải, song Ta tiếc cho các trò biết có một mặt mà thôi, chưa thấy được mặt thú hai, có đâu thông cho đủ mười phân vẹn mười! – Ta nói chưa dứt câu, có trò lại vội thầm nói rằng: Đạo như ngọn đèn trong lồng kiến, có nhiều mặt nhiều màu, hễ ai đứng về mặt nào thì thấy theo màu nấy chớ biết làm sao! Ta nói chưa ráo tiếng, mà đã có trò vội dùng cái lý-trí mới vừa học được biết nói đó, đam ra phê-bình lời Ta muống giảng. Trò muốn dùng cái đèn kiến nhiều mặt nhiều màu đặng đem ra ví-dụ cho Chơn-Lý Đại-Đạo, sao không nhớ rằng: Đạo có Một, nào có nhiều đâu mà phải dùng kiến nhiều màu! Nhiều màu ấy là tại thợ làm kiến thấy các trò ham chuộng nhiều màu, nên nó mới nhuộm kiến cho các trò dùng đó thôi, chớ kiến nào có màu chi khác hơn màu trong trắng! Nhưng Ta cũng cho rằng kiến có nhiều màu đi cho vừa lòng các trò, vì các trò đã lỡ gặp cái đèn như vậy rồi, Ta biết làm sao! Song Ta hỏi các trò: Đèn nhiều mặt ấy là tại nơi đâu? Sao các trò không chịu khó đến cho tận cái đèn mà coi? Chớ chi các trò gia-công một chút đặng đi cho đến cái đèn, thì thấy rõ rằng trong lòng kiến vẩn có Một cái đèn mà thôi; các trò thấy được vậy, mới có thể phân-biệt được kiến là kiến, đèn là đèn, chớ kiến không phải đèn, mà đèn cũng không phải kiến. Trong lòng đèn vẫn sáng trắng chớ nào có màu sắc chi đâu! Bởi các trò không chịu gần đèn, nên mới bị kiến màu làm cho các trò tưởng lầm rằng đèn cũng nhiều màu vậy đó. – Có trò lại cượng lý nói rằng: Đèn đển dùng rọi sáng cho chỗ xa mà thôi, nếu có người có ý xét kỷ thì thấy xhánh chỗ đèn đứng, chỗ gốc đèn, thì bao giờ cũng tối, nên người ở gần đèn cũng chưa chắc chi thấy tỏ hơn ai. – Cũng còn một thứ lý-trí vụng-về hơn nữa, song Ta khen cho, khen là khen có một trò nói nữa đó. Sao chẳng xét vì cớ đâu chính chỗ để đèn đứng, hoặc chỗ treo đèn đó, bao giờ cũng có bóng tối? Hãy xét cho kỹ rồi sẽ nói, chớ vọi dùng tư-tưởng-xằng mà làm tội cho cái đèn. Gần đèn thì sáng chớ nào có tối bao giờ! Ngọn đèn có Tánh Sáng, nhờ trong Tâm nó có chứa đủ Sự làm cho nó được Sáng; còn Sự Tối đó, là tại Người dùng một vật chi để áng khuất Sự Sáng của nó đi, rồi Người đúng tại chỗ bón khuất đó mà ngó, vùng chê rằng đèn tối, chớ ngọc đèn nào có tối! Người làm cho nó có bóng tối thì Người chịu lấy, nếu Người muốn cho nó có Sự Sáng lại, thì hãy dẹp bỏ đồ Người che áng đó, thì Người thấy tỏ rõ lại như thường. Đèn tối hay sáng là tại nơi Người làm, nếu vội đổ lỗi cho ngọn đèn, là tự mình khi mình dối lấy mình vậy, chớ nào có hại chi cho ngọn đèn đâu! Dầu cho ngọn đèn bị vật che khuất, nếu ai được ở gần nó thì hãy còn nhờ lấy Sự Sáng chút ít của nó mà thấy được mờ mờ, bằng Người đúng xa chừng nào thì thương hại biết bao!
Ta đã từng đem kiến và gương ví-dụ sự Hư-Không của Tâm Tánh cho các trò nghe rồi, sao các trò không chước-lượng lấy mà học đặng đem ra mà nói, sao lại vẫn bo bo học theo những Người mượn lý-tri và tư-tưởng giả làm Chơn-Lý mà dùng hoài? Ai bắt chước được tiếng nói tầm thường của Ta, đam dùng vào lời nói của mình muốn nói, tuy chẳng đặng đứng vào hạng trí-thưc của Người, song chẳng rớt đến hạng hạ-ngu; còn ai học nói theo tiếng nói mới của người, thật là nhiều người yêu quí lắm, người coi dường của báu,vì cả thảy đòng loại được mấy ai được có như mình vậy, nên tưởng mìng sang trọng, nào dè đâu là mình làm hạ phẩm-giá tư-cách của mình, đành lòng đứng vào phương-diện chim lồng mà chẳng hay. Vậy Ta khuyên các trò hãy cẩn-thận trong lời nói, mỗi tiếng phải kiên dè, được vậy rồi, sẽ lần lần dò theo tiếng nói của mình, đặng tập làm, cho đến khi nào nói được, làm được; việc làm và lời nói, lời nói và việc làm đều không trái nhau, khi ấy các trò sẻ hiểu Đạo ở đâu! Hiểu được, làm được, nói được, làm cho Người bắt-chước làm theo được, ấy là Thánh Thần Tiên Phật đương đời hiện tại đó, chớ có vọng cầu vọng tưởng ở đâu xa, để cho trọn đời mình vẫn giả-dối với mình, biết sái mà không chịu sửa. Nếu vậy, trách chi luân-xa không chật chỗ.
Học Đạo là vụ cho càng ngày càng mới lấy mình, chẳng để cho những tánh nết xấu xứ đóng dính lại một chỗ nào gọi rằng chưa sạch, chớ nào phải học Đạo là vụ mới lấy lời ăn tiếng nói đâu! Các trò mảng chê rằng Tâm Tánh là vật cũ, đồ xưa, nên không còn để ý tư-tưởng lấy nó, mảng để ý chăm-chỉ đặng tư-tưởng vào Lý-Trí, đặng phẩm-phân những sự vật kín-đáo mật-nhiệm hiện-tiền ở thế-gian ra cho thấy, cho biết, và dốc làm ra lẽ cho ngó thấy y theo ý-muốn; dầu cho gặp Sự-Lý, Vật-Lý chi mắc-mỏ rối-ren, khó-khăn đến bực nào, nếu các trò muốn tìm, thì các trò cũng chịu nhọc trí lo đến tưởng đến tin đếnchẳng hề chịu thôi, chịu bỏ qua. Cái chi có sự kiên nhẫn như vậy, thì việc chi lại tìm chẳng ra mối! Vì vậy nên các trò mới quí trọng về phần Tư-Tưởng theo Lý-Trí hơn. Bởi các trò thiên về một mặt đó hơn, nên các trò mới khuynh-hướng theo phía đó, cũng tỷ như kẻ bịnh con mắt, gặp được kiến hạp-nhãn vậy, hóa ra sự thấy biết của trò nó cũng thấy và biết những sự vật quay-quẩn nội trong vòng hoàn cảnh ô-trược nầy, cao lắm là cũng nội cái không-khí nơi không-gian của thế-giái hữu-hình đây mà thôi, chớ nào dùng nó mà thấy biết cho được Lý Đạo của Trời, vượt ra khỏi không-gian nầy biết còn bao nhiêu từng không-khí nữa, mới Sanh-Hóa ra được Võ-Trụ nầy đâu! Ở từng không-gian thế-giái hữu-hình nầy, dầu cho có Sự-Lý hay là Sự-Vật chi u-ẩn khuất-lấp, hoặc cơ-mưu chi bí-mật éo-le, hoặc là cơ xảo chi thần-kỳ tuyệt-diệu, hoặc là thuật-nghệ chi huyền-bí trí-xảo đi nữa, chẳng qua đều là Sự-Vật của Người tài-lực chế tạo ra, của Người dùng mưu-mô trù-nghĩ lấy, của Người dùng trí-não chế-biến lấy, của Người dùng phương-pháp xảo-trá bày-biện lấy, chớ nào có một cái Hiện-Tướng nào của Trời bày vẻ cho! Vì đều là phương-pháp máy-móc cách-thức của Người bày ra cho Người làm, đặt ra cho Người tính, khiến cho Người lo, nên Người phải dùng Tư-Tưởng phần Lý-Trí của Người đặng Người theo mà làm cho thành cái mục-đích của Người đeo Người mang đó. Vậy thì, nếu Người nầy dùng Tư-Tưởng của Lý-Trí tính ra nên làm được, thì Người khác cũng dùng một cách ấy đặng đấu sức chọi lại với mình, hoặc họ đủ sức theo, hoặc họ dư sức nên thắng nỗi mình cũng có. Cả thế-giái hữu-hình nầy đều đua chen nhau như vậy, đặng tranh giành nhau lấy Tiếng, hoặc là cướp đọat nhau lấy Danh, hoặc là lấn lướt nhay lấy Thế, ai cũng muốn chuộn về một mặt mà khác nhau nơi việc làm, cũng đều do nơi Tư-Tưởng của Lý-Trí phàm nầy mà ra; sao nở đành quên rằng những phương-diện ấy đều thuộc về một phương-diện của hoàn-cảnh mơ-mộng, thấy đó mất đó, được đó thua đó, ấy là cái thế-giái ảo-tưởng nó làm cho sai lạc cái tư-tưỏng chơn-chánh đi, nó làm cho Người phải Luân-Hồi khổ-não, đau-đớn vô-cùng, nó làm cho Người phải lạc mất cả Tâm Tánh Thiêng-Liêng tốt-tươi sáng-láng vui-vẻ của Trời ban phú cho khi xưa, mà chẳng còn biết còn nhớ đến nó nữa! Dầu cho miệngcác trò vẫn cũng thường dùng hai tiếng Tâm Tánh Thiêng-Liêng mà nói vậy, song trong lòng vẫn hiểu rằng: Tâm Tánh đó là vật để chứa Thất-Tình Lục-Dục Tam-Độc Ngũ-Uẩn mà thôi, ngoài ra nó không còn có để dùng vào việc chi khác nữa; duy có một cái Lý-Trí và Tư-Tưởng là phương học siêu-hình, mới có thể lường Trời đong Đất được thôi. Ôi thôi! Vật quí-báu vô-giá-trị của Trời ban cho, đến ngày nay gặp cơn phải bị loài Người sa-thải ra làm một vật để chứa đựng những đồ nhớp bẩn của thế-gian! Người gọi học khoa Hình-Nhi Thượng-Học mà còn vậy thay, bảo sao Chơn-Lý của Trời chẳng bị cơn ma-ách mà phải luân-trầm trụy-lạc, Đại-Đạo chẳng bị trăn-vu hoan-phế!!! Bảo sao ngụy-học chẳng được phồn-thạnh phóng-khởi!!! Tội ấy bởi đâu mà ra? Đều bởi cái tục ham kiếm, ham tìm những tiếng mới của Người đặng học, song chẳng chịu hiểu tột nghĩa những tiếng nói ấy, miễn biết một đôi câu sáo ngữ thì vội đem ra dùng, lâu ngày thành quen, mà chẳng ai chịu khảo-cứu lại cho tinh-vi, đặng sữa đổi lại cho ngôn chánh danh thuận, phòng biết dùng cho trúng chỗ dùng, nói cho trúng cách nói mà ra vậy. Nếu biết dùng cho trúng chỗ, nói cho trúng cách, thì sự nói và việc dùng đều nhằm Lý, có đâu đến nước sai lầm mà chẳng hay; bằng trái lại, thì một bước đi cũng chưa biết bước làm sao cho phải đường trúng chỗ, huống chi vọng-tưởng đến việc bước vào Con Đường Đạo, là con đường chẳng phải gọi là Siêu-Hình hay là Hình-Nhi-Thượng mà gọi rằng là hiểu thấy được.
Nay Người mảng thiên trọng về Tư-Tưởng và Lý-Trí, gọi nó là Thần Thánh trong sự Hình-Nhi-Thượng-Học, vật Ta cũng nương lấy chỗ Người thích đó mà giải ra cho Người nghe, phòng biết được mà dùng cho trúng chỗ, nói cho nhằm lý, thì Người mới khỏi mang tiếng gọi là Người trong bực tinh-tinh anh-võ.
Trong mỗi việc chi, người đều thiên về phái suy-nghiệm đặng giảng luận sự-lý, vật-lý chi, nên mới hay dùng tiếng Tư-Tưởng mà nói. Ta nay hỏi các trò: Có hiểu chữ Tư là chi, Tưởng là chi, Tư-Tưởng là chi hay không? Bởi đâu mà có những cái ấy? Nó là một cái hay là ba cái? Mỗi cái đứng vào phương-diện nào? Bởi sao mà sanh ra có những vật ấy? Nó hữu-hình hay vô-hình? Các trò tự bấy nay đã có dùng phép Biện-Chứng hoặc là phép Luận-Lý đặng tính xuôi trở ngược hay là đã liểu-kết rồi đặng phân-tích nó ra cho rành mà hiểu chưa? Hay là dùng tiếng nói đặng nói suông hiểu ngầm mà thôi? – Ta chắc rằng trong mấy câu hỏi đây, chưa có trò nào đã có để-ý vào cho rõ hết, là vì học nói theo Người, song tiếng nói và ý-nghĩa của Người đặt ra trước hết đễ dùng, thì vẫn đứng vào một phương-diện khác, nay các trò đem vào một phương-diện khác mà dùng theo ý-tưởng riêng của mình, sẵn dùng hoài hóa quen, rồi lại đem luôn vào phương-diện Đạo-Đức mà dùng nữa, như vậy thì khác nào các trò muốn bắt cá mà lại trèo lên ngọn cây đặng kiếm! Ta cũng hỏi luôn các trò: mỗi khi các trò dùng tiếng ấy mà nói, vậy các trò có định nói nó, đặt-dể nó vào sự-lý hay vật-lý nào hoặc là lý của sự-vật nào trước, rồi sẽ nói nó ra sao hay không? Có định cho rằng: vì Tư nên phải Tưởng, hay là vì Tưởng nên phải Tư hay không? Kết cuộc Tưởng Tư Tư Tưởng ấy, đem nó ra hoặc nó đem ra hành-động vào việc chi? Dùng nó vào Tinh-Thần, hay là vào Vật-Chất? Tinh-Thần của Tinh-Thần hay là Tinh-Thần của Vật-Chất? Hay là dùng Tinh-Thần đặng làm nô-lệ cho Vật-Chất? Chớ tưởng Vật-Lý-Học không cần dùng Tinh-Thần mà lầm! Tuy biết rằng: Hễ có Vật-Chất mới có Tinh-Thần, Người coi dường như Tinh-Thần là vật phụ-thuộc của Vật-Chất vậy, song Người muốn tìm Vật-Lý thì phải trước có Tinh-Thần mới được, vì cái Vật kia là một món để Tinh-Thần khảo-cứu, chớ cái Vật này nào có biết truy-tầm thí-nghiệm chi cái Vật kia đâu! Tinh-Thần và Vật-Chất của Tinh-Thần ví như Hồn với Xác, song Tinh-Thần là Tinh-Thần chớ không phải là Hồn, mà Vật-Chất vốn thiệt là Xác vậy. Ta sẽ giải Hồn Xác thế nào ra sao cho các trò hiểu. Ta đã hỏi các trò rằng: Người có Hồn không Xác, hoặc có Xác không Hồn, thì nào có phải là Người, huống chi có Hồn có Xác đủ, mà thiếu Tinh-Thần của Hồn Xác, sao được gọi là Con Người!!! Khuyên các trò chớ mộng tưởng theo như kẻ tôn sùng Duy-Tâm làm căn-bản, Người chuyên trọng Duy-Vật làm cốt-yếu, đành đem Tâm và Vật làm chiến tuyến đặng tương-địch, tương-tàn lẫn nhau, rốt cuộc cũng chưa ai rõ Tâm là chi, Vật là chi, cũng như các trò ngày nay đương đứùng vào trong Tư-Tưởng, Tưởng-Tư không rành, Lý-Trí chưa thạo, kết cuộc đành để cái xác thân hữu-dụng nầy làm một bộ máy cho tấn-tuồng mộng-ảo sai khiến mà không hay.
Sao không chịu xét: Nếu Tâm không Vật thì Tâm lấy chi mà dùng; Vật không Tâm thì Vật lấy chi mà biết? Không Vật thì Tâm đâu có; không Tâm thì Vật ích gì? Có Tâm có Vật mà không Tinh-Thần, thì Tâm Vật kia là một bộ máy vô chủ chớ có chi là lạ! Sao không chịu hiểu: toàn-thể của Vật kia, của bộ-máy kia, đều là tôi-tớ của Tinh-Thần, có nó sai khiến mới biết phải làm, làm sao bằng chẳng có lịnh sai, thì vật nọ là một vật lỡ sống, lỡ chết, hoặc đã chết đó thôi. Tôi-tớ bao giờ cũng muốn lấn-lướt chủ nhà, chẳng dè sự-sống của chúng nó là do chủ nhà phân-phát cho mới có; ví như Sự Sống của toàn-thể cái Xác là do Hơi thở, mà bao giờ cái phổi cũng tranh nó là chủ, nhờ có nó mới có hơi thở cho Xác sống; vậy thử đam nhốt Xác vào một chỗ kín, không Không-Khí, bảo cái phổi có Hơi mà Thở đi. Có phải Hơi kia là chủ, Thở là Tớ, còn phổi nọ là bộ máy của Tớ hay không? Tinh-Thần và Vật-Chất cũng vậy. Chớ gọi Tinh-Thần không có Thể-Chất riêng của nó mà lầm, tại con mắt của các trò chưa có thể thấy mà phân-biệt được đó. Song nếu đến ngày các trò thấy và phân-biệt được, Ta khuyên cho chớ đặt tên mới, tiếng mới đặng nói, rốt cuộc rồi phải bị những tên những tiếng ấy nó làm cho phải điên cuồng vì nó. Hãy Thở, hãy Sống bằng Tinh-Thần, vì Tinh-Thần là chủ của Sự-Thở, Sự-Sống khắp Vạn-Vật, cả Vạn-Vật nơi không-gian, làm chủ cả Võ-Trụ vậy. Một Vật chi dầu nhỏ; dầu lớn, con mắt của trò thấy được, đặt tên được, đều là tôi-tớ của Tinh-Thần cả thảy, khác nhau là mỗi tên, mỗi đứa, mỗi vật đều có trách-nhiệm riêng đó thôi; vì vậy nên đứa nào, vật nào, hễ thấy mình lảnh được một vài trách-nhậm chi, liền tự gọi mình là chủ, rốt cuộc phải hết thở vì dành cái tên cho mình đứng làm chủ đó vậy. Các trò hãy nhớ rằng: Phàm Vật chi, dóc dành riêng cái tên cho mình, gọi là chủ của vật nào, thì tên kia phải làm hại cho Vật nọ, vì Vật ấy phải bị đem ra thí-nghiệm. Hễ Vật đã bị thí-nghiệm rồi, thì Vật ấy đã sai lạc Nguyên-Khí, Nguyên-Chất của nó, ví như nước lả đã bị nấu sôi rồi, thì Sanh-Khí của nước đâu còn! Chớ tranh tên đoạt vật mà lầm, hãy phản-bổn hườn-nguyên, do theo Tâm Tánh, nuôi lấy tánh-mạng, được vậy mới rõ Võ-Trụ Vạn-Vật là đồng một Thể chẳng hề chia rẽ; riêng có Cái-Người nầy dốc-lòng chia rẽ , nên mới sanh ra Tư-Tương, Lý-Trí, rồi đặt tên phân-tách ra, tự mình dùng lấy mà chiến-đấu với mình, cho đến chết cũng chưa thôi. Bởi tại Người muốn tách rẽ với Võ-Trụ, nên càng ngày càng phải xa mà càng xa lại càng tối-tâm mờ-mắt, nào còn thấy được Tinh-Thần của Võ-Trụ đặng biết đặng nhớ! Mảng biết, mảng nhớ những vật của khi mình đã tách Võ-Trụ ra rồi, tìm kiếm được những chi, rồi đặt tên riêng ra mà dùng đó thôi, trở lại mừng cho mình sẽ tranh-đoạt được, cải-tạo được Võ-Trụ khác! Các trò nếu vẫn cứ một cách đó mà đi hoài, đi tới hoài, thì nghĩa là mình dắt mình vào đường quanh lối lộn, lại tự đắc rằng mình thuộc nhiều nẻo đi đó thôi. Nếu có Người hỏi: Bao giờ đi mới gặp Đường Cái thì các trò mới trả lời thế nào! Vì đi hoài, thì gặp đường mới dắp mới xẻ thêm hoài!! Nếu các trò chẳng chịu sữa mình lại, quầy đầu trở lại cho gặp bến gặp bờ, thì khác nào các trò cứ thả bè trôi lư-liên linh-đinh theo giọt nước ròng mà lại gọi rằng dốc tìm cho ra ngọn suối. Ai cũng muốn thân hình cho tráng-kiện, mà lại nở dùng thuốc độc gọi là thuốc bổ, khiến cho thân-thể bạc-nhược, trở lại đổ tội cho thuốc không hay!
Các trò dốc đem mình vào Con Đường Đạo, ngày nay đương khởi đầu bước vào khoa Minh-Tâm Kiến-Tánh, sao chẳng lo chú-trọng vào nơi đó mà tìm cho ra mối, lại ham mộ chi những điều bóng dáng phưởng-phất trong trí-tưởng, khiến làm cho sai lạc con đường chánh của mình muốn đi, muốn tìm, muốn gặp. Đã biết những điều ngày nay đương còn phưởng-phất trong trí ảo-tưởng của các trò đó, nếu các trò cứ dùng Tư-Tưởng Lý-Trí khảo-cứu thí-nghiệm, rồi tổ-chức lại cho có hệ-thống, thì nó cũng hóa ra được một vật như tự-nhiên cho các trò học thêm và dùng ra được như tự-nhiên vậy, vì vậy nên các trò mê-mẫn vào đó hoài. Sao chẳng xét: Phàm vật nào của Người tổ-chức ra, dốc đoạt sự Sống tự-nhiên của Tạo-Hóa thì vật ấy nào còn có sự Sống của Tạo-Hóa trong mình nó đâu! Nếu không có sự Sống tự-nhiên trong mình nó, thì vật ấy là một vật chết! Dầu cho vật ấy có biết vận-động là cũng nhờ có Người làm nô-lệ cho nó mà thôi! Hóa công sanh loài Người, nào phải để làm tôi-tớ cho vật chết bao giờ? Vì loài Người với Trời Đất vốn đồng một Thể và một chức-vụ, là để tuân theo Đạo mà làm Sự Sống cho muôn Vật mà thôi.
Tam-Giáo Thánh-Nhơn và các vị Đại-Hiền-Triết xưa nay, vị nào cũng lo cho đời có cái bịnh hay hờ-hỏng, nên hay bỏ quên, bỏ sót, bỏ lạc Tâm Tánh của mình rồi cứ vơ, cứ vét vật nào phương-tiện dễ-dàng làm cho sống cái xác-thân trong giây lát, làm cho vui cái xác-thịt trong đôi khi, làm cho vinh cái danh-dự ảo-mộng trong chớp-nháng vậy là đủ; vì vậy nên Tâm Tánh quí báu kia bị kẻ thì để cho hủ-lậu mê-muội, u-ám, kẻ thì làm cho nó hư-hao, xao-xuyến, rối-rắm, Người thì buông tha nó ra luông-tuồn, xiêu-lạc không nơi, không chỗ, bởi cớ nên các Ngài mới ân-cần khuyên-lơn, nhắc-nhở mở mắt dỗ dạy Người phải giữ-gìn Tâm-Thần cho vững-vàng, đừng dể lêu-lỏng, hỏng-hẻo nó ra khõi ngoài, đừng để cho nó bịt vật-ngoài quyến-rủ làm cho nó mê-mẩn, rồi dắt nó làm tôi-tớ đặng sai-khiến, vì nó không biết phân-biện, nên nó không hay, dạy Người phải tự mình kềm-chế săn-sóc lấy mình cho được định-tỉnh thường thường, đừng để cho Thiên-Tánh bộn-rộn, dợn-xao; dạy Người phải cho biết, cho thấy, đặng nhìn-nhận tỏ-rõ, chán-chường Nguồn-Gốc của Người bởi đâu mà có. Người đã Sữa Mình được như vậy rồi, thì lòng Người tức-nhiên đã được Sáng, không còn bị Tình-Dục, Vật-Dục che ẩn được nữa, tự-nhiên Người được biết, được thấy, và nhìn-nhận được Chơn-Ngươn của Người rồi đó. Hễ nhìn-nhận được rồi, thì biết Bổn-Tánh của Người là Linh-Thông, nào còn cần phải dùng Tư-Tưởng của Lý-Trí phàm nữa làm chi cho sai lạc Bổn-Lai Chân-Thể của mình,
làm cho mất hết Sự-Sáng Nguyên-Chất đi! Làm cho mất Sự-Sống vô-cùng vô-tận đi!
Hễ Người thấy rõ được Căn-Bổn, thì phải nhớ rằng: Tỏ rõ được bao-nhiêu, thì đừng để cho vật chi che đậy làm cho nó lu-lờ lại, phải giữ nó cho bền vững, và nuôi-nấng Tinh Thần nó cho càng ngày càng Sáng thêm hoài, quyết trau-giồi nó cho đến chừng nào nó không còn chút bụi-bậm, bợn-nhơ, cho được sáng-chói rực-rở tốt đẹp, trong trắng, mới chịu cho. Được vậy, tức nhiên là được nhìn nhớ lại những lời Trời đã dạy dỗ, đã khuyên-lơn, đã ban-phú cho mình lúc ban sơ đó, tức-nhiên không để hờ-hỏng, quên-sót Tâm Tánh nữa rồi, khi ấy mới được Trời Thường ngự nơi Trung-Tâm-Điểm vậy. Được như vậy rồi lại còn phải đem sự mình đã thí-nghiệm, đã kinh-nghiệm rồi đó, đặng dạy dỗ chỉ biểu cho Người khác làm theo, một Người làm được, trăm ngàn muôn Người làm được, cả nước làm được, trọn hoàn-cầu thế-giái đều làm được, thì còn chi chẳng gọi được rằng: “Một cái thế-giái tấn-bộ vào sự Văn-Minh Tinh-Thần”! Sự văn-minh nầy nó làm ra cho Người thơ-thới, vui-vẻ, hòa-bình chẳng còn chi phải nảo-lòng, long-óc, choán-mắt, điếc-tai với những cái văn-minh thuộc về Lý-Trí và Tư-Tưởng phưởng-phất như các trò đã từng học nói theo tiếng nói của Người dạy cho biết nói tự bấy nay đó,
mà chẳng hiểu ý-nghĩa nó là chi vậy.
Đã biết rằng sự Sáng-thấy, sự Hiểu-biết, sự Thông-suốt, sự nhìn-nhận được hoàn-toàn như vậy, là nhờ sự thí-nghiệm khó-khăn lâu ngày mới được kinh-nghiệm, song chẳng phải vậy đâu, ấy đều bởi lòng Người vẫn bị đua chen theo Tình-Dục và Vật-Dục nên mãi mãi bươn-chải dông-rủi riết ruợt theo nó hoài, cố-gắng bắt nó cho được mới nghe, nào dè nó là một miếng mồi nhữ cho Người phải vì nó mà mê-mẫn, rốt cuộc nào có được nó những chi! Người lấy Tư-Tưởng Lý-Trí riêng mà đua với Tinh-Thần của Đạo cũng vậy. Ví chẳng khác kẻ dùng một con thuyền nang bé bé, tuông sóng, lướt gió, đặng kiếm cho ra gốc rễ sóng gió bởi đâu mà có vậy thôi. Hãy xây hướng trở về yên nghĩ nơi chỗ cũ, định-trí lại thì biết rằng: cái vọng-tưởng khi trước, là một cái mộng-ảo, dầu cho có rán sức bực nào thì gặp được những bèo-trôi bọt-đóng lặn-hụp giữa giòng, rồi vội mừng rằng cái thấy, cái gặp đó là một thứ vật sanh đẻ ra sống gió đó, rồi đam về thí-nghiệm nữa vậy.
Chính xét lại mà coi, Người vì một phút hờ-hỏng để đến đổi quên-sót, làm cho sai-lạc Tâm Tánh; đến khi biết nhớ lại nên mới chịu ăn-năn, chịu quày-mình ngó lại tìm kiếm coi nó rơi-rớt tại chỗ nào. Đã biết mấy phen nhọc-lòng, cực-trí, mõn-sức, hao-hơi, vì phải trải qua chẳng biết mấy đoạn rắc-rối, biết mấy lúc gian-truân, biết mấy cơn thử-thét, biết mấy chuyện cam-go; hết sức nhẫn-nại, hết sức bền-gan, gian-nan, cay-đắng, thắt-ngặt, éo-le biết là mấy lớp, ai có sức chịu đựng cho qua cho nỗi mấy cách thí-nghiệm của đường đời, thì mới tìm kiếm nó lại được mà đam nó về, khi ấy mới biết gìn-giữ kỹ-lưỡng Nguyên lai như lúc Trời mới phú ban sơ. Trong những lúc bị khảo-dược thử-thét thí-nghiệm ấy, đã từng-trải, đã thiệt-nghiệm, đã chứng-chắc biết là bao-nhiêu sự chông-gai, sự gian-xảo, dối-trá, lường-gạt, sự mưu-mẹo, máy-móc của hoàn-cảnh đã hữu-tâm đặc-để làm bẩy, làm cạm, làm rập, làm giò, làm lưới, đặng vây-ví bao-bộc, xô-đuổi, lùa ép, chận-đón Người cho sa vào nơi hố-thẩm hang-sâu, vào chỗ rất tối-tâm sầm-uất, không phương thế tránh, là chỗ những chông-gai, giò-bẩy kia đã dặt để sẳn tứ phiá, quyết bắt cho được Người làm nô-lệ cho nó thì nó mới nghe cho. – Vậy nay trong các trò, cũng có trò đã thí-nghiệm những bước đường ấy rồi, chẳng những đã thí-nghiệm rồi mà thôi, lại cũng đã kinh-nghiệm rồi và thiệt-nghiệm rồi nữa, thì Ta tưởng những trò nào đã kinh-nghiệm và thiệt-nghiệm rồi đó, chẳng còn việc chi thuộc về cơ-mưu bẩy-rập của hoàn-cảnh trải qua trưóc mắt mà còn gọi là không biết rõ, đặng nhờm gớm nó sao? Biết rõ được vậy là nhờ nơi đâu? Là vì biết những việc ấy đều là việc của kẻ mới biết bày ra được thấy ngày nay đó, nên chúng nó mừng, rồi gọi đó là đồ mới, chớ cái gọi là đố mới đó, là mới với kẻ mới biết bày ra ngày nay, nên mới thấy đó thôi, chớ vốn thiệt là cái đồ củ của trò đã bị vướn khi xưa, cái đường gai chông ấy trò đã lầm-chân, lở-bước khi trước rồi đó chớ nào có chi đáng gọi là mới đâu! Dầu cho ngày nay, hoàn-cảnh có sữa đổi lại chút ít thêm cho lạ mắt, song hễ trò choán thấy trước mắt, hoặc trò nghe thoảng bên tai, thì trò đã hiểu liền rồi. – Vì sao được vậy? Vì nhờ “Cái Đó”, là một vật quí-báu rất Thiêng-Liêng của Trời ban phú, sáng-láng, chói-rực, không việc chi thấy mà không biết, nó là một cái Gương phản-chiếu, ánh giọi tỏ-rạng hực-hở, chẳng chi so sánh kiệp. Nhờ Nó ở thường nơi Tâm, nên các bực Hiền Thánh xưa mới có thể giúp Trời hành Đạo được hoàn-toàn trách nhậm. Vì vậy nên Ta nói rằng: “Cái Đó” nó đã sẵn có sự Biết rồi, nào cò cần phải học, hay là phải suy-nghĩ mới biết được đâu! – Các trò đã chẳng chịu nhìn-nhận Nó đã có sẳn Tài-Năng đủ Biết rồi, mà lại còn bịa đặt ra thêm còn có cái Lương-Tâm, Lương-Tri, Lương-Năng nữa, hay hơn Nó, sáng hơn Nó, đặng làm cho chia rẽ Nó đi, lại gọi Nó là một vật để chứa đồ nhơ-nhớp của thế-gian, như là Thất-Tình Lục-Dục, Ngũ-Uẩn, Tam-Độc vậy; đến ngày nay còn gia-phụ thêm vào những tiếng Tư-Tưởng, Lý-Trí gọi là cao-thượng hơn Nó nữa! – Ta hỏi,
làm cho trễ-nải bước đường của các trò, đến ngày nay còn bơ-ngơ,
lơ-láo giữa đường ấy, lỗi tại nơi đâu?
Ngày nay trò nào đã biết hồi-tâm qui-hướng về Chơn-Lý Chánh-Giáo Đại-Đạo, thì Ta mừng rồi. Ta xiết chi vui mừng rồi, nhưng Ta lại còn ước-ao sao cho trò đó phải bền cầm, bền giử “Cái Đó” nơi Trung-Tâm-Điểm cho Thường, cho Thiệt, cho Tin, đừng để giây phút nào hờ-hỏng nữa làm cho Nó thoát ra, thì chẳng còn biết có được lúc nào gặp Người chỉ cho, đặng biết đặng tìm Nó lại như ngày hôm nay đây vậy nữa. – Ta đã thấy cũng còn có trò đương hồi-tâm nhiều, mà vẫn cũng có trò đương mơ-tưởng, lưởng-lự chưa trọn Đức-Tin, nên sự hồi-tâm ấy cũng chưa được trọn Thường, Thiệt có Tin. Uổng thay sự hồi-tâm ấy! Sao chẳng thấy cái bánh Luân-Xa đương xoay-chuyển nào có biết ngại chi ai mà tránh đâu! Hãy cố gắng sức, bền gan thì mục-đích Chơn-Tu có ngày ai cũng gặp được, gặp được đều như vậy. – Đạo chẳng bỏ ai, chẳng tránh ai; tránh hay là bỏ, là tại nơi Người không chịu nhìn nhận đó thôi. Khuyên Người hãy mau Tự Tỉnh. – Các trò thử coi những Người đi đường kia mà làm gương thì sẽ thấy rõ.
Hễ ai một bước tấn tơí một bước, đừng nhìn lại sau, nếu để nhìn lại sau hoài,
thì kẻ đi sau phải tới trước! Cí chi lạ hơn nữa! – Đại-Đạo gần đến lúc hoằng-khai,
ngọn Đuốc lúc còn đương cao ngọn, trăng trong mấy lúc, gió thuận mấy cơn,
gặp một lúc như vậy, sao chẳng chịu trương-bườm,
vững-lái cho kịp nước kịp thời, mà còn trông chi còn ngóng nỗi chi?
Ta rất thương hại cho có trò chẳng chịu xét kỹ lời Ta vừa nói lại vội phê rằng: Tấm Gương kia dầu cho có Trong, có sáng bực nào, nó cũng vẫn có hai mặt, phía trước Sáng được bao nhiêu, thì phía sau cũng Tối bấy nhiêu; lại sự Sáng kia là nhờ nơi sự Tối nọ nó làm cho đó, chớ nào pải là Cái Sáng Riêng của nó đâu! Vậy thì đâu dám chắc rằng Cái Tối nọ là vật vô-dụng sao? Nếu bây giờ đam nó ra mà cạo bỏ hết những vật đóng dính ở phía sau lưng nó đi, vì chê nó gọi nó là vật ô-tạp ở ngoài dính vào thì phía trước đó còn có được sự Sáng hay không? – Ta rất mừng cho trò nào đó, đã hiểu được và biết được về sự Trí-Tri, nên cũng biết được lý Cách-Vật rồi đó. – Phàm việc chi nhờ có Tối mới biết Sáng, nhờ có Hư nên mới biết Nên, nhờ có Dại nên mới biết Khôn, nếu chẳng vậy, thì làm sao biết Sửa Mình đặng đến chỗ Chí-Thiện. Song le phải Sửa Mình cho càng ngày càng đến chỗ Chí-Thiện hoài mới được, chẳng nên sữa vừa mới được hay là vừa vừa gọi được rằng khéo, rồi vội mừng rằng đã được khéo rồi mà thôi sữa thêm nữa, nếu thôi nữa chừng như vậy, thì sự Khéo kia nào có gọi rằng Thiệt Khéo đâu? Vì là mới vừa biết Sữa, mới vừa thấy Khéo hơn cái Vụng mà thôi chớ nào có phải là Thiệt Khéo đâu mà phòng vội mừng, vội thôi? Hãy ráng sức thêm hoài, giồi mài thêm hoài cho càng ngày càng Mới, càng Sáng, càng trong-mướt, càng bóng-láng thêm hoài, lại còn cần phải dặn-dò rằng: Cứ bền lòng như vậy, đừng biến-nhác, cứ Sữa Mình hoài chẳng biết ngày nào là gọi rằng là ngày được nghỉ. Răn bảo lòng cho được như vậy, làm dược như vậy, mới vừa biết Đạo đó. Phàm vật chi cũng có hai mặt như trò đã biết được rồi đó, nên Đạo đã có dạy rằng: trong Khí Âm có Khí Dương, trong Khí Dương có Khí Âm, trong chỗ Tịnh có chỗ Động, trong chỗ Động có chỗ Tịnh, trong cảnh Sắc có cảnh Không, trong cảnh Không có cảnh Sắc là vậy đó. Nếu ai gọi Tối là Tối, Sáng là Sáng, Tịnh là Tịnh, Động là Động, Sắc là Sắc, Không là Không, biết có một mặt như vậy thì vật ấy là vật chết chớ nào phải là vật Sống! Người biết có một mặt như vậy, thì Người ấy Tâm Tánh cũng vẫn Chết rồi chớ nào có Sống đâu! Các trò đều là Người tìm Đạo mà học, thì các trò cũng biết rồi; Đạo là Sự Sống! Vậy hãy tìm Sự Sống mà học. Trò nào kia, biết tấm Gương nhò có phía Tối ấy nên mới được Sáng, Ta mừng cho đó, mừng là mừng biết được hai mặt vậy.Song Ta còn lo cho trò mới vừa biết Sáng, Tối kia là cái Sáng, cái Tối của một Vật Chết mà thôi, vì tấm Gương là “Một Vật Chết” đó; nó tuy có Sáng thiệt, nhờ nó còn sáng nên mới cò dùng nó đó thôi, chớ cái Sáng của nó có biết chi đâu! Sáng là phải Biết, phải phân-biệt, mới gọi là sự Sáng Sống. Cái Sáng của nó lá cái Sáng Chết, không thay-đổi, không vận-động. Cái Sáng không phải tự mình nó biết phân-biện, vì cái Sáng ấy là Sáng bề-ngoài, nhờ có Người lau chùi mới được Sáng theo ý Người làm ra đó thôi, mà lại cũng còn phải nhờ cái Tối Chết ở phía sau lưng kia nó mới được Sáng, thì sự Sáng ấy để mà coi cho thấy một vật chi của Người muốn soi bề ngoài, chớ tự mình nó, nó có biết soi chi đâu mà gọi nó là Vật Sáng? Vì trò dùng tấm Gương có sự Tối, sự sáng, dùng ba Vật đều là ba Vật Chết đam ra ty-dụ,
nên Tâm Tánh của trò chưa rõ, chưa phân được Sự Sống, Chết thể nào,
như vậy thì làm sao trò có thể tìm Sự Sống của Đạo cho thấu!
Các trò ngày nay bước đầu khảo cứu vào khoa Minh-Tâm Kiến-Tánh, nên Ta đam Tâm Tánh ra chỉ dẫn rõ cho biết thêm, phòng dùng đặng Sữa Cũ thay Mới, Sữa Tối ra Sáng mà bước vào con Đường Sáng cho biết mà đi cho vững cho mau tới, sao các trò chẳng biết dùng phương-pháp Sống ấy mà tự cứu lấy mình, lại đành chấp-nê theo cái vật Chất kia đặng dùng làm bằng-cớ? Đã hiểu rằng mỗi vật chi đều có hai mặt, như tấm Gương nhờ có bề Tối ở sau nên mới có bề Sáng ở trước, vậy thử cạo cái vật Tối kia ra coi trong cái Tối của nó có chi gọi là có Sáng hay không? Hay là một thứ đồ vụn-vằn của Người chế-tạo, hòa-hiệp với tấm Kiến mà thành ra sự Sáng, đặng làm ra thành tấm Gương? Nếu ba vật ấy ma phân-rẽ ra, thì vật nào còn sự Sáng? Kìa hãy ngước lên coi lấy cái gương của Mặt-Nhựt mà tìm lấy Sự Sáng Sống của nó. Thử nhìn coi, trong lòng Mặt-Nhựt theo con mắt của các trò thấy, thì Mặt-Nhựt vốn chứa một vừng Tối Đen mà Mặt-Nhựt phải có vừng Tối Đen ờ trong ấy nên mới tỏ rạng cả thế-giới. Cái vừng Tối Đen ở trong ấy, nó vẩn có chứa phận nó một Sự Sáng rực-rỡ vô-cùng. Cái vành Sáng Chói ở ngoài gọi là Mặt-Nhựt đó vốn là cái khuông Thiêng-Liêng để chứa cái vừng Tối Đen nọ mà thành ra Sự Sáng vô-cùng cho thế-giới hưởng nhờ. – Ta nói vật, thử các trò đem Lý-Trí hay Tư-Tưởng ra mà xét coicái vừng Tối Đen kia là chi vậy? Cũng như Con Người, nhờ Tâm có chứa Tánh Sáng sẳn, mà sự Sáng của Tánh không ai dòm ngó cho thấy, chẳng ai dùng con mắt phàm mà phân-tích ra được, cũng như cái vừng Tối Đen ở trong Mặt-Nhựt kia vậy, tự ý Người muốn gọi nó thể nào cũng xong, nhưng mà chánh Sự Sáng của Mặt-Nhựt là do nơi đó mới có. – Trong Sáng có Tối, trong Tối có Sáng là vậy đó, hãy Trí-Tri đi cho gặp, mới thiệt gặp. Các trò vẩn chấp-nê theo vật đã chết rồi đặng dùng xét, gọi rằng là thí-nghiệm cho ra bằng-cớ; sao chẳng dùng vật có Tri-Giác mà thí-nghiệm cho ra ẩn-chứng, vì vật có Tri-Giác là vật có sẵn tánh-chất tự-nhiên của Trời ban, lại ý chi các trò vui chụi theo vật Vô Tri-Giác, mà lại là vật đã bị Người nhồi-nắn cho mất hết Tánh-Chất Tự-Nhiên rồi đặng làm một cái vật-dụng cho Người tự-ý đặt-để vào chỗ nào cách nào, cũng không biết đau-đớn hổ-thẹn chi, mà các trò lại dùng nó làm tỷ-dụ đặng so-sánh với Tâm Tánh? Với Chơn-Lý Đại-Đạo? Với Lý Tự-Nhiên của Hóa-Công? Bởi vậy nên Ta đã có nói rằng: “Các trò là các trò, chớ các trò không phải là Tâm Tánh, mà Tâm Tánh cũng không phải là các trò, cũng như Tâm Tánh là Tâm Tánh, chớ Tâm Tánh không phải là Đạo, mà Đạo không phải là Lý, cũng như Lý không phải là Đạo” vậy. Nhưng mà nếu trái lại, “các trò vốn là Trời đó, Trời vốn là các trò đó”. Được vậy là nhờ nơi Tâm Tánh biết phân-biệt và quyết-đoán đó. – Nay trò nào biết được Cách-Vật Trí-Tri rồi, nên mới hiểu được, phàm vật chi cũng có hai mặt, như Gương và Kiến của Ta tỷ-dụ cho nghe rồi, Ta rất mừng cho; song Ta lại hỏi rằng: Vì ý chi các trò chẳng dùng chẳng dùng Lúa, là vật có Tri-Giác như Ta đã giãng rồi, nó đã là một vật biết tuân theo Lý Tự-Nhiên, biết tùy thời biến hóa, biết khép mở thân-thể nó đúng theo thời-khắc, biết dùng Hư Không của nó mà rước lấy Hư Không của Tiên-Hậu-Thiên Tam-Bữu đặng làm Ngọc cho nó, biết Hòa Hiệp Tam-Tài của nó với Tam-Tài của Tam-Tài đặng làm Một, biết làm hoàn-toàn trách-nhậm của nó, không một chỗ nào thiếu-sót cho Vạn-Vật Võ-trụ, cớ chi vật như vậy, Ta chẳng thấy trò nào dĩ-hơi tưởng-tượng sự hai mặt của nó, sự hai mặt rất Sống, rất Thường, rát Thiệt, rất Tin của nó, vì một mặt nó đã lo cho hoàn-toàn bổn-phận và một mặt nữa là nó lo làm cho Trời nó đủ Thần, cho đủ thấy Thể-Dụng của Hóa-Công làm cách nào mà mỗi vật cũng đều được có đủ Tướng, Dụng và đủ giúp Thần cho cái Tướng Dụng của Trời nó vì Tướng Dụng của Trời nó đủ Tướng Dụng của Trời Đất, quí báu hơn trong các Tướng Dụng của Vạn-Vật, thì cái Tướng, Dụng nầy phải xét thấu cả phương-pháp trong mình mình sẵn có, cùng là cả các gương Võ-Trụ Vạn-Vật kia mà mình hưởng được, trông được, dùng được, đặng Hiệp-Nhứt trở về với Trời Tự-Nhiên vì Lúa nó sẵn biết rằng Trời nó vốn Một hột-giống của Trời Tự-Nhiên vậy. Sự hai mặt của hột Lúa đã như-thế, mà mỗi một vật thì chứa biết là bao nhiêu Công-Dụng, tiếc thay Trời nó chỉ biết lo có nó cho nhiều, biết lo cho nó Sống, biết quí-trọng nó là Ngọc, mà chẳng hiểu chẳng xét, lo cho nó Sống, lo có nó cho nhiều đặng dùng vào làm việc chi? Lại cũng chẳng chụi xét hiểu coi vì sao mà nó Sống. Vì sao mà muốn có nó cho nhiều, vì sao mà quí-trọng nó đặng mà dùng nó vào cách nào cho phải cách dùng! Bởi Người đã gọi rằng là Trời của Lúa, mà chẳng biết làm phận-sự Trời của Lúa mà dùng Lúa cho đủ hai mặt, và xét cho đủ tài-năng của nó chỉ biết có một mặt, thua thiếu hơn Gương và Kiến kia, nên Người coi nó cũng là một vật như các vật thường khác, dùng nó đặnglàm theo ý-muốn của mình muốn, tùy theo mình day trở, đặt-để nó vào phương-diện nào cũng xong, nên phải có nó cho nhiều mới đủ dùng mà thôi. Nếu có trò nào giỏi về khoa cách-vật trí-tri, thì trái lại, lại dùng khoa cách-trí ấy đặng khảo-cứu coi trong bì-phu thân-thể của nó cấu tạo ra đó đựng là mấy chất, đặng phá nó ra cho nát cái Tự-Nhiên Tam-Bửu của nó đã dày công luyện ra cho nên hòn Ngọc, đặng các trò làm cho sung túc cái vô-lượng dục-tình của các trò đó thôi. Hoặc có kẻ lại còn nhẫn-tâm dùng đủ phương-pháp chế biến làm khổ thân nó chẳng biết bao nhiêu, vì đam nó ra mà pha trộn vơí những chất khác, không phải Ngọc, đặng làm hư Chơn-Tánh nó đi, mà lại mừng gọi rằng ấy là cái báu riêng của Người đã thí-nghiệm nhiều phen rồi, nay mới thiệt-nghiệm được đó, đủ các sức mạnh chế trị các vật khác được. Dầu những khoa cách-trí ấy có tinh-xảo đến đâu, cũng chỉ biết có một mặt mà thôi, là chỉ biết xay, biết đốt, biết nghiền, biết pha, biết trộn, cái mặt hiện-tại, cái mặt Sáng trước mắt của các trò ngó thấy đó thôi, chớ còn một mặt nữa là cái mặt Tối của nó, cái mặt mà các trò phải dùng nó đặng làm cho các trò biết được tột đến cùng các Lý của khoa cách-trí mà các trò phải cần dùng hằng giờ, hằng phút, chẳng đặng lìa xa? Cái mặt đó mới thật cái mặt làm nên cho hột Lúa sắm được đủ thứ của các trò muốn cho nó có đó nên mới làm cho nó có, sao các trò lại đành bỏ đi mà không để Tâm tìm đến? Sao các trò lại nở gọi rằng phàm vật chi cũng có hai mặt như Gương và Kiến? Các trò mới vừa nghe Ta nói Gương và Kiến tỹ-dụ rằng nó có hai mặt, là một mặt Tối và một mặt Sáng, các trò liền chấp-nê theo đó, chưa chụi để Tâm nghe cho ráo nghĩa, nên quả-quyết rằng Gương và Kiến có hai mặt mà thôi; chớ các trò nào biết được Gương và Kiến là bao nhiêu mặt? Bởi cái tánh riêng của các trò đã vậy hoài, vì vậy nên mới có trò Mê mà chẳng Tỉnh, hễ có nghe ai vừa nói một câu chi hay là một tiếng chi lạ-tai, ưng-ý các trò, thì các trò cứ Chấp lấy tiếng nói đó, câu nói đó, gọi là Thần là Thánh, rồi đam ra mà so sánh cạ đọ với Vạn-Vật Võ-Trụ; chưa thấy chưa biết rõ coi vật nào, vật nào giá-trị nó là bao-nhiêu, mà hễ các trò một khi thấy thoán qua vật nào cũng không kể đếm tới, cứ cầm lấy cái của mình mới học, mới tìm, mới nghe, mới biết đây, một chút đó, rồi gọi là cao-thượng hơn hết, mà chẳng dè rằng Vạn-Vật Võ-Trụ còn chẳng biết bao nhiêu là Lý Vô-Cùng, vì vậy dầu cho các trò ở trong Giảng-Đàn Chơn-Lý mặt dầu, song Mê cũng hoàng Mộng đó thôi. Bởi các trò đã như vậy, nên các trò dùng sự Cách-Trí của các trò tìm đặng đam ra mà khảo-cứu hột Lúa là Vật Báu Trời, Hột Ngọc Trời, coi nó có được bao nhiêu chất, làm như vậy thì lại càng làm cho nó phải chết, chớ có chi đâu lạ. Hễ Ngọc của nó đã chết theo khoa Cách-Trí của trò tìm ấy rồi, thì làm sao cho Nhơn-Loại Sống được?
Ta đây hỏi thử các trò: Vì ý chi những loại đá, loại cát, những loại chai thuộc về loại sừng, cùng những loại thuộc về nước đọng thành cục cứng, và những loại của thú-vật bị khí huyết ngưng trệ thành ra một thứ cứng như sạn như đá, những vật nầy, nếu trò gặp được một chút nào thì các trò gọi là Ngọc, là báu là quí, cho nó được nên một hình chi của sức Nhơn-tạo thêm vào sức vật-tạo ấy, đặng các trò đặt đủ thứ tên cho nó, tăng thêm phẩm-giá của nó cho các trò dùng mà khoe-khoan với đời, rằng mình được một Giống Ngọc quí, cất đựng trong hộp rất kỹ; nếu phải là bạn tri-kỷ mới đam ra cho coi, hoặc là gặp nơi đô-hội thắng-cảnh lới đeo vào mình hay là để vào rương đặng đam đi so sánh vơí những ai là Người có giống đá gọi Ngọc đó, đặng làm cho các trò nở mày nở mặt, mát dạ vui lòng? Còn cái giống Ngọc của Trời kia, sao các trò lại đành phụ-phàn chà-xát nó, biết có một mặt của nó mà thôi? Còn cái mặt mà nó làm cho nó Sống, cho nòi giống nó Sống, giúp Trời của nó được Sống về Hiệp-Nhứt với Trời Tự-Nhiên, sao các trò lại đành bỏ đi mà không quí lấy nó? Hay là các trò gọi rằng không biết cái mặt quí ấy chăng? – Chắc là các trò gọi gọi rằng là không biết rồi đó. – Bởi các trò không biết, nên mới Tối, nếu Tối mà sao biết gọi rằng vật nào cũng có hai mặt? Các trò rất vọng-tưởng rằng nghe một biết hai biết ba như vậy là thông hiếu được sự lý, nên mới biết được Gương Kiến kia nhờ có mặt Tối phiá trong nên nó mới Sáng, sao lại không biết dùng sự lý ấy đặng biết hột Lúa nầy, cái mặt Tối của nó ở đâu, nên nó mới làm nó Sống? Cho Vạn-Vật Sóng, cho Trời của nó Sống, và làm cho Trời của Trời nó được Sống? Nếu vậy thì sao gọi rằng là trí-tri cách-vật? Ta đã nói cho các trò nghe hiểu rồi rằng: “Người Sống bởi Lúa cũng như Trời Sống bởi Người, Người không Lúa thì Người đâu còn, cũng như Trời không Người thì Trời nào có! Nhưng mà Lúa ấy phải nhờ Người mới có, cũng như Người nầy phải có Trời mà ra vậy”. – Các trò đọc kỹ câu Ta nói cho các trò nghe ấy đặng tự mình, mình suy-gẩm lấy. Coi thử hột Lúa nó có mấy Mặt? Mấy trách-nhậm? – Sao các trò nở bỏ qua một câu then-khóa của Ta chỉ bảo về sự Cách-Vật Trí-Tri Tinh-Thần của Đạo như vậy, mà các trò vẫn dùng Lý-Trí tưởng-tượng ra những diều làm cho mất sự Sống của mình đi, mà lại gọi làm như vậy là nhờ thông khoa cách-trí nên tìm mới được những khoa-học hại mình ấy, vì khoa ấy đã làm làm sao cho nát hết những chất tự-nhiên của Vạn Vật, đặng tìm cho ra một cái chất của mình muốn kiếm cho mình dùng! Nếu chất nào tự mình pha trộn mà thành ra cho mình dùng được, thì chất ấy là chất Sống của Người, mà là chất Chết của Tự-Nhiên. Các trò chụi dùng chất đã Chết như vậy mà gọi rằng Sống, thì sao được gọi rằng là đứng vào khoa Minh-Tâm Kiến-Tánh? Khoa học kia đã làm cho chất của Võ-Trụ Vạn-Vật phải Chết vì cái Lý-Trí, Tư-Tưởng, vọng-động, vọng-tưởng, vọng-cầu của mình, mà khoa-học ấy cũng không biết rằng tới đâu là bờ bến, minh-mông như thuyền trôi giữa biển trong lúc đêm mưa dông, tối-tăm mịt-mù, dầu ỷ y rằng có địa-bàn, song làm sao cho tránh được khỏi va vào những đá hàn, cồn nỗi, hòn ngầm lố rạng, cùng nhiều sự hiểm-nghèo khác nó làm cho dấm thuyền bởi tên lái thuyền kiêu-ngạo kia! Những khoa-học như vậy có ích chi cho Tâm Tánh của Người đứng vào Ngôi Tam Tài hay chưa? Hay không?
Các trò từng gọi Lúa ấy là Ngọc của Trời, chỉ nghĩ rằng các trò biết quí-báu nó đó vậy. Ta nay hỏi: Các trò quí-báu nó vào phương-diện nào? Nghĩa là quí-báu nó vào Mặt nào của nó? Ta hỏi vậy, Ta đều thấy các trò đồng có ý muốn đáp rằng: Các trò quí nó là vì nó làm cho các trò được no lòng, khỏi đói, lại thêm hễ có Lúa nhiều thì dể bề tính và làm những việc ước-ao, vì vậy nên quí nó đó. – Nếu các trò muốn đáp như vậy, thì sao đáng mặt gọi là Người ở nơi Đạo-Tràng của Đức Thượng-Đế sai Ta đến dây làm Giám-Đốc? Tuy vậy, Ta cũng khen các trò đó, vì đã có ở nơi Đạo-Tràng nầy, nên muốn đáp như vậy mà chưa đành mở miệng ra đáp lại, ấy là cái cẩn-thận trong lời nói ấy, hãy rán mà cẩn-thận trong những chỗ đáng cẩn-thận mới gọi thiệt là biết cẩn-thận, biết nghe lời. Ta khuyên hãy cẩn-thận, hãy kiên-dè trong mỗi tiếng nói, rồi sẽ lần lần do theo tiếng nói của mình đặng tập làm, khi ấy sẽ hiểu Đạo. Chớ nếu cứ gọi không nói ra lời mà gọi rằng cẩn-thận lời nói, ấy là không biết, không thiệt biết sự cẩn-thận lời nói là chi. Ta thường thấy trong mỗi khi trò nào gọi mình là cẩn-thận lời nói ấy, thì chỉ nghĩa là không nói ra bằng lời nói cho anh em đồng nghe ý mình muốn nói chi đó thôi, còn trong lòng thì nói không biết bao nhiêu là lời vấn-đáp với thất-tình lục-dục của mình! Nếu vậy thì sao gọi rằng khôn nói? Nếu vậy sao gọi là cẩn-thận lời nói! Các trò hãy nghe Ta nói: Lời nói của Người muốn nói, nó chẳng phải ra từ nơi chót lưỡi cửa miệng đầu môi mới gọi rằng là lời nói đâu? Những lời nói như vậy khi thật, khi giả không chừng! Phần Ta đây, Ta cứ nghe nhũng lời nói kín-đáo trong khối thất-tình aỏ-tưởng của mỗi trò, rồi đam ra nghiệm lại nơi lời nói bằng con mắt, lới nói bằng khí-sắc, và lời nói bằng sự cử-động của mỗi trò, Ta thiệt-nghiệm những lời nói ấy, vì đều là thiệt lời nói của mỗi trò vậy, nên Ta dùng nó mà chỉ bảo điểm-khuyết cho từ trò vậy. – Ta khuyên các trò hãy chừa nhữnh lời nói mà các trò gọi rằng là vô-hình, vô-thinh ấy trong những lúc còn ở Đạo-Tràng nầy, khuyên hãy đam hết sự mình nghiên-cứu, nhũng lý mình gọi rằng là cách-trí đó, đam nó ra mà tỏ cho anh em đồng khoa với nhau, dồng lòng biện-phân, phân-biện, biện-biệt, biệt-phân với nhau, cho cùng Lý của cái Lý Tinh-Thần, tìm kiếm sự Không bởi Có, sự Có bởi Không, Lý Thiệt-Nghiệm nhờ nơi Ứng-Nghiệm, Lý Ứng-Nghiệm bởi nơi Thiệt-Nghiệm, Người bởi đâu mà Có đây, Có đây bao giờ mới gọi rằng Thiệt Có, rồi bao giờ mới Hoàn Không; có Hoàn Không là Hoàn nơi chỗ nào? – Vạn-Vật Võ-Trụ cũng đều phải xét một cách như vậy, rồi mới thấy được sự Sanh-Khắc Khắc-Sanh vô-cùng vô-tận. Lại còn phải hiểu rằng sự Ứng đây là bởi lòng Chí-Thành cảm đến Lý Tự-Nhiên, chớ không phải dùng Lý-Trí Tư-Tưởng riêng của mình mà xét rồi cũng cái Lý-Trí Tư-Tưởng ấy nó Ứng lại cho mà gọi là Cảm-Ứng. Ấy là do một tia của Luân-Hồi đó vậy thôi. – Ta xét thấy có giống khoa-học dùng mảnh-lực của Tư-Tưởng mà khua-động được, sai khiến được đến vật Vô-Tri-Giác, cùng là những vật Có Tri-Giác rất phàm, mà tự mình gọi rằng dùng Tư-Tưởng Cá-Nhơn cũng đủ đoạt được mầu-nhiệm Tạo Hóa theo ý muốn của mình. Thương thay khoa-học ấy, ấy là tự mình làm cho mình phải luân-hồi, và sai khiến Người cũng phải luân-hồi theo mình đó mà thôi.
Các trò học Đạo, tìm Đạo, nếu gọi rằng là quyết lòng học Đạo, tìm Đạo, thì hãy biết các trò vốn là Một trò, nào phải là Các trò đâu! Hễ là Một với nhau, thì phải Thường nhận mình là Một với nhau, phải Thiệt biết rằng mình là Một với nhau và cũng phải Tin chắc rằng mình là Một với nhau. Được Thường, được Thiệt, được Tin như vậy rồi, thì nào còn có cái thói không nói ra bằng lời nói cho anh em mình nghe hiểu ý mình muốn nói, muốn giải một việc chi đó cho rành, đặng thương-lượng với nhau cho ra Lý Chơn-Chánh, và vừa giúp nhau trong những sự học hỏi, mà lại tự gọi mình là Người cẩn-thận lời nói? Với các anh em của mình mà mình đã chụi nhìn-nhận rằng là Một với nhau, thì mình lại cẩn-thận từ lời nói, còn với chẳng biết bao nhiêu bè bạn trong đám thất-tình lục-dục, thì mình lại vẫn vui lòng vấn-đáp với nó cho thỏa-thích sự ước-ao của nó muốn sai khiến mình! Là ý chi vậy? Nếu vậy sao gọi rằng mình Thường, Thiệt, Tin rằng mình là Người được Thường, được Thiệt, được Tin , rằng mình là mình, rằng mình là Một với mình! Với mình của mình đây, mà mình còn chưa được Một với mình thay, vậy thì bao giờ mình được Một với ai: Đã chưa được Một với ai; nên dầu cho Ta đây là Giám-Đốc Đạo-Tràng nầy, mà các trò cũng cẩn-thận từ lời nói với Ta trong lúc Ta giảng sự quí-báu thiệt Hột Ngọc của Trời! Ta nào có bảo sự cẩn-thận, dè-dặt lời nói như vậy đâu! Sao không đam hết ý-tưởng của mình mà phô-bày ra cho các bạn trò hiểu, rồi Ta mới có thể Một lời giải mà các bạn trò đều hiểu đồng Một với nhau?
Các trò có ý muốn đáp rằng: Các trò quí Ngọc Trời ấy, là ví nó làm cho các trò được no lòng, khỏi đói, dễ bề cho các trò phỉ-chí ước-ao. – Ta cũng nương theo cái ý đó đặng Ta hỏi thêm rằng: No cái lòng nào? Đói về việc chi? Chí ước-ao nhũng gì mà muốn cho được thích? Ta đây khuyên các trò hãy đổi con đường đi của các trò muốn ấy đặng nghe theo Ta giảng cho. – Hễ các trò được nhiều Ngọc Trời bao nhiêu, thì cái lòng của các trò nó lại càng đói bấy nhiêu, chớ nào được no bao giờ! Nó đói cho đến con mắt, lổ tai, cả châu-thân của các trò cũng đều đói hết thảy. Các giác-quan, các bộ-phận đâu đâu của các trò cũng đều đói, thì nào gọi thích-chí cho được? Vậy mà nói Lúa là Ngọc Trời nổi chi? Có nó nhiều, thì nó lại càng làm cho mình đói, mình khát, mà sao gọi là Ngọc?
Các trò thử xét coi, phàm vật chi ở thế-gian nầy gọi là vật quí đó, chỉ nghĩa rằng vật ấy ít có lắm. Vật ít có, nên vật ấy Mgười cho là quí, rồi Người dặt tên là Ngọc. Hễ đã được gọi là Ngọc rồi, thì lại càng quí hơn các vật quí khác ở thế-gian nầy hết thảy. Rất đổi là một cục đá lâu đời cao năm già tuổi, nên mới có một chút tia-sáng ánh-chói ra ngoài, mà các trò cũng còn quí báu nó thay, cũng gọi là Ngọc vậy, cũng còn vô số những Ngọc như vậy nữa các trò cũng đều quí, cũng đều gọi là Ngọc hết thảy. Xét vậy thì càng hiểu rõ Ngọc nghĩa là một Vật rất ít có, nên Người mới quí. Cái vật ít có trên mặt Đất nên quí nó gọi nó là Ngọc, còn Lúa kia cũng ở trên mặt Đất vậy, mà ở khắp cùng cả thế-giái chỗ nào cũng có, sao kêu là Ngọc. Lúa nó có ích chỗ nào mà gọi nó là quí, lại tặng cho nó là Ngọc Trời! Đáng lẽ Ngọc Trời thì là rất ít, mà lại càng phải rất ít, mà lại càng không có kìa, nên nếu ai được có nó phân, ly, hào hột nào, thì mới gọi là quí cho, chớ có lẽ nào tràng đồng khắp cả thế-gian, ai ai cũng dày đạp nó, hủy hoại nó như cỏ, như bụi, mà lại xưng-tụng nó là Ngọc-Trời?
(Còn tiếp)

Thư Viện 1      4   5