22 tháng 9 - Bính Tý (1936)

THAM THIỀN NHẬP ÐỊNH

      CAO-ÐÀI THƯỢNG-ÐẾ,  Thầy mừng các con.

       Ðây Thầy giải về: Tham-Thiền Nhập-Ðịnh.

Thi:

Tham-thiền tầm lý huệ tâm khai,

Luyện Ðạo vận hành tạo Thánh-thai,

Nhập-định gom thần minh trực giác,

Thông công Thiên, Ðịa phục Như Lai.

       Người tu hành cần nhứt là phép tham-thiền đặng tầm cái lý Ðạo cao siêu của Tạo-Công đặt bày trên mấy cõi hư linh ngõ cho thấu triệt đến cả cội nguồn nguyên thỉ.

       Không tham-thiền định-trí thì làm sao đoạt nổi Thiên cơ, hiểu điều mắc mỏ cho được.  Thế nên người tu hay người không tu mà muốn hoát thông sự vật, tham cứu uyên nguyên thì làm sao cũng phải tham-thiền.

       Vã lại đã sanh ra đứng làm người mà nếu không hiểu biết cội nguồn nhơn loại, ví như loài người bắt đầu bởi đâu mà có?  Có làm chi? Sao lại sanh rồi tử? Tử rồi sanh?  Mà cứ mãi mãi, hoài hoài, vương vấn với bánh xe luân-hồi của Tạo-Hóa?  Vào chi chỗ trần ai cay nghiệt biển khổ, sông mê, để chịu mang lấy kiếp nặng nề mà luống khổ tâm lao lực, sớm thảm, chiều phiền, rày than, mai khóc.  Nếu tự hỏi mình bao nhiêu vấn đề ấy mà chẳng gia công nghiên cứu, tham khảo suy tầm cho tận cùng đáo để, hầu trực giác được cái nguyên lý của Ðạo thì há còn phương pháp nào khác nữa đâu?  Vậy phương pháp ấy chính gọi là "Tham-Thiền" đó.

       Không tham-thiền thì làm sao mở mang trí hóa để đạt cho thấu cái lẻ hư vô huyền diệu.  Nhưng phương pháp tham thiền rất là khó lắm.  Trước hết cần phải chủ cái tâm vào một tư tưởng nào cho cao thượng, rồi mới lấy cái tư tưởng thanh quang ấy mà nghĩ ngợi cho cùng, xét cho tột thì huệ tâm tự phát, trực giác tự khai, chừng ấy chơn lý nó mới hiện bày ra một cách rõ ràng, minh bạch.

       Con người đã sẵn có cái Thiên-tánh đặc biệt của Trời ban phú cho từ lúc mới đi đầu thai, rồi xuống ở thế gian này lại cần phải mượn lấy xác phàm mà kinh nghiệm mọi lẽ của trần để cho lần lần trở nên uyên-bác, hầu tấn-hóa mãi trên con đường đạo-đức vậy.

       Vẫn biết thế gian là bể khổ, sông mê, nhưng chính thế gian lại mà một chốn học đường của muôn loài vạn vật.  Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang trí hóa, sáng suốt tinh thần, để tấn bộ trên nấc thang cao thượng.

       Làm người là cần phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt, minh mẫn, mới biết lẽ dữ, điều lành, mới tường đường quấy, sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình.  Chớ nếu không học hỏi thì điểm linh-quang phải trở nên mê-muội mà người cam dốt nát ngu hèn.

       Bao nhiêu những món bày trò ở nơi trước mắt là bao nhiêu những bài học hay ho, hữu ích cho người, bất luận tốt hay xấu, bất cứ dữ hay lành, chi chi cũng có thể làm bài học được.  Sự nào tốt đẹp cao siêu, thuần khiết thì nên lấy đó mà làm mẩu mực để luyện trau, rèn đúc tinh thần; việc nào xấu xa, hèn mạt bạo tàn thì nên xem đó như tấm gương soi,  để sửa đổi cải canh đức tánh.  Cái bước đường lầm lạc đã trải ngày nay tức là cái bài học phòng ngừa khỏi vấp ngày mai.  Trên đời nào có cái chi là vô ích bao giờ?  Ích hay vô ích là chỉ tại nơi mình biết dùng hay không biết dùng đó mà thôi.

       Người tu hành tuy chẳng tầm chương trích cú, tuy không nấu sử, sôi kinh mà cũng có thể rõ thông suốt cả cái lý của đời rất nên đúng đắn.  Rõ thông như thế là nhờ nhập định, tham-thiền, rồi được trực giác nơi tâm thì tức nhiên trí huệ quang minh phát triển mà giúp cho thần hồn lẹ thấy, mau nghe, nên không học mà tự-nhiên cũng biết.

       Không học mà biết là do nơi cái lương tri, lương năng nó phát lộ được trong tâm thần, làm cho cơ đạt thức phải khai minh sáng suốt.

       Vậy nên người tu cần nhứt là phải tham-thiền, có tham thiền mới nghĩ ngợi được đến lý thiên-nhiên của cơ Tạo Hóa mà thấu triệt cái bổn thể hư vô, rồi mới thấy rõ cuộc đời ấy chỉ là trường mộng ảo.  Các vật đã la liệt khắp bày trên mặt địa cầu này thì chẳng bao lâu nó thảy phải rã rời, dời đổi chẳng khác nào như mù tan, như sương rã, như khói tỏa, như mây bay, nên cuộc đời nào có vững bền đâu, chỉ là một giấc huỳnh-lương, một cơn hồ-điệp bởi vậy nên mới có câu: "Thế sự vạn bang đô thị giả".  Biết vậy rồi tự-nhiên con người mới gắng chí lập tâm, quyết phế bỏ cuộc giả hư, mà mong kiếm tầm nơi chơn thật, hầu có thoát thân ra khỏi chốn mê đồ, trần khổ.

       Nhưng hễ muốn tham-thiền cho có kết quả thì phải lo nhập-định cho hẳn hòi.  Nhập-định là cốt để cho tâm thần an ổn, nghĩ ngợi, hầu có sửa mình mà trừ khử các bịnh do trong cốt tủy và diệt xong cả mấy mối loạn của thất tình, lục dục khiến xui, khuấy rối đêm ngày.  Rồi gom các tư tưởng vào nơi khối óc, đừng cho nó tưởng nhớ bá vơ những điều không tốt, lại rán gắng công tập luyện nó sao cho lần lần trở nên thuần túy tinh anh.  Mà phải nuôi cái tư tưởng ấy cho cao thượng, trọn lành mãi mãi, đừng để ngoại vật lẫn vào báo hại tâm hồn xao động.  Ðược vậy rồi mới hồi quang phản chiếu nơi tâm mà thấy cũng như không thấy, nghe cũng thể không nghe, biết cũng dường không biết:  Vạn sự thế gian đều không lưu ý vào chi hết ráo.

       Hễ nhập-định đặng như vậy thì tham-thiền mới thấy kết quả tốt đẹp phi thường, vì mỗi khi tham-thiền mà trầm tư mặc tưởng vào một vấn đề gì thì các bộ phận, máy móc trong châu thân nó lần lần ngưng nghỉ bớt, mà để cho chơn thần các con xuất ra khỏi xác theo lằn tư tưởng lóng nghe cái lý thiên-nhiên.

       Cũng có kẻ tham-thiền mà bị điên cuồng, ngây ngần, ấy cũng tại tham-thiền mà không nhập-định cho an thần rồi tưởng xét quá, làm cho xáo động tâm linh, nên ra đến thế.  Nếu rủi bị vậy thì chỉ phải tịnh an cho đúng là tất sẽ huờn phục lại ngay.

       Thầy ban ơn các con.  Thầy thăng!

 

Thư Viện 1      4   5