Thiền Việt Nam không chủ trương "độc thiện kỳ thân"

 

                              

Thiền Việt Nam không chủ trương "độc thiện kỳ thân"

Thiền bắt đầu từ Ấn Độ sang Trung Hoa và phát triển xuống Việt Nam trở thành một lối Thiền độc đáo siêu đẳng.
không hoàn toàn phế đời để lo tu luyện đặng thành Tiên Phật mà riêng hưởng thú tiêu dao Cực Lạc Bồng Lai Tiên Cảnh, mà Thiền Việt Nam thịnh hành từ hai đời Lý Trần hòa mình với nhơn sanh để cứu dân, cứu nước như lịch sử nước nhà từng chứng kiến. Những hàng Thiền sư như Vạn Hạnh, Phù Vân, Viên Thông v.v... đều được các hàng Vua Chúa nước ta cầu khẩn để hỏi kế hoạch sách lượt trị dân,giữ nước chống ngoại xâm , để đem lại hạnh phúc an bình cho đồng bào khi nước nhà bị loạn lạc , được phong làm Quốc Sư, nhưng xong việc lại trở về Chùa sống một cuộc đời nâu sòng đạm bạc với hài cỏ gậy tre, ung dung tiêu sái, thoát ngoài cương tỏa của danh lợi quyền tước địa vị thế gian.
Gặp thời kỳ đức Chí Tôn Thượng Đế mở Đạo tại Việt Nam, vì anh linh Ngài còn vương vấn với non sông,Tổ Quốc Hồng Lạc, cũng như chư liệt vị công thần Trần Hưng Đạo Đại Vương, Thượng Công Lê Văn Duyệt, Trưng Nữ Vương, Vân Hương Thánh Mẫu v.v. . được Đức Chí Tôn giao phó trách nhiệm dẫn dắt người dân Việt Nam, nên thường giáng cơ trình bày đạo lý để giúp chúng ta tu hành tìm đường giải thoát kiếp
trần ai tục lụy giả tạm vô thường nầy như các Ngài vậy.
Để chứng minh, đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã giáng cơ dạy người tu hành hãy đem "Đạo Cứu Đời" và cách nào mới thiết thực (TGST 1968/1969) . Ngài cho một thí dụ cụ thể :"Cứu người trong cơn bịnh , giúp người trong lúc đói rách, đó là một nghĩa cử bác ái từ thiện, có công đức âm chất, nhưng nếu đem so sánh với những phương tiện đem cứu người qua cơn bịnh về tinh thần, khỏi cơn đói về tư tưởng, thì lại còn có công đức và âm chất nhiều hơn. Đem tiền của thực phẩm nuôi dưỡng đám cô nhi bạc phước qua khỏi lúc đói rách là điều phước thiện, nhưng nếu không đem đạo lý dạy dỗ dẫn dắt chúng trở nên người lương thiện giúp ích cho Đạo hoặc đời, thì chưa chắc gì việc phước thiện ấy được toàn thiện, toàn mỹ, nếu chúng nó lớn lên làm theo sở thích mất dạy, dễ trở nên hàng du thủ, du thực trộm cướp. v.v... Như vậy việc đem Đạo giúp đời không những có một phiến diện vật chất hoặc sức lực, mà phải cần đến phần giáo dục tinh thần ở nội tâm lại còn quí giá vô cùng.
"Nhiệm vụ người tu hành nên hiểu Đạo cứu đời không những ở phần ban bố vật chất như tiền của, lương thực thuốc men quần áo, mà còn phải được cứu ở phần tinh thần trên phương diện đạo lý pháp môn.,truyền bá quảng đại cho nhơn sanh,tùy theo hoàn cảnh và trình độ mà đem ra ứng dụng độ đời". Điều sau này Thiền Sư cho là rất quan trọng đối với người tu hành chúng ta. Ngày nay các nước tân tiến hay các cơ quan từ thiện Liên Hiệp Quốc cũng đã nghĩ tới.
Ngoài việc gởi thực phẩm thuốc men, quần áo đến giúp các nước nghèo đói, còn nghĩ đến việc tạo công ăn việc làm huấn nghệ để tự sản xuất lấy lương thực, xây cất Bệnh-viện ,Trường học để mở mang dân trí dân đức. Các cơ quan từ thiện Tôn giáo như Caritas, Secours Catholique v.v. .. cũng đều lưu ý đến phần nầy,vừa giúp về vật chất,vừa hướng dẫn về phương diện tinh thần đạo lý.
Để chứng tỏ sự ưu ái của Thiền Sư đối với sự hạnh phúc tồn vong của nước non dân tộc Việt Nam, mặc dầu Ngài đã siêu thăng Tiên cảnh,thoát xác phàm đã mấy trăm năm qua, trong một đàn cơ tặng cho Phái đoàn Cơ Quan PTGL được lịnh đi thăm viếng đồng bào, đồng đạo các tỉnh sau biến cố Tết Mậu Thân (1968), một bài thi hi hữu:

THI :
Thời xưa đã lắm kẻ ra đi
Một gánh san hà một túi thi,
Gõ phách hát câu an chiến quốc,
Nhịp cần đợi vó hội tương tri.
Non sông gởi gắm tình trăm họ,
Đạo pháp mong chờ nghĩa nhứt vi,
Nhả hết tầm tơ cho xứng phận,
Gian lao đã có Đấng Từ Bi.

Thiền Sư lại còn nhấn mạnh: Đã là sứ đồ khá hiểu câu "Nghịch hành ấy là bổn phận" , nghĩa là thấy những cái mà thường nhân không muốn thấy, hiểu những điều thường nhân không dè để mà hiểu,nói những lời thường nhân không từng nói và làm những điều thường nhân không thích làm.... Bần Tăng mong rằng, Phái đoàn đi tứ kinh, tứ tình thương và thu thập mọi kinh nghiệm vui buồn trong quá khứ để làm đề tài hành đạo cho ngày mai.
Tìm Đường Giải Thoát.
Than ôi ! phù sinh một kiếp ai đã chắc trăm năm ! Dù có trăm năm đi nữa, ai đã thấy cảnh hạnh phúc hoàn toàn hay chỉ thấy những việc khổ đau trong bốn bức tường sinh, lão, bịnh, tử mà không một ai thoát khỏi. Ngoài ra còn chứng kiến những tình đời tráo chác trong bả lợi danh,vinh nhục, rốt cuộc cũng hoàn đôi bàn tay trắng như buổi sơ sinh. Nhìn lại quá khứ, nào là Vương bá công hầu, nào là Quốc trưởng, Tổng Thống, Thủ Tướng ,Sĩ quan, Nghị viên, Bộ Trưởng, Thẩm Phán, Địa chủ ,Thương gia, Kỷ nghệ gia giàu có sang trọng, nay bổng tiêu tan phủi sạch phải lìa bỏ quê hương trôi giạt bốn phương trời, lắm người phải chịu sống đời bần cùng hạ tiện.
Cuộc đời là thế, vô thỉ, vô chung. Thiền Sư Vạn Hạnh đã xác nhận như chúng ta đã chứng kiến sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 của nước Việt Nam Cộng Hòa. Đến thời kỳ nầy, Đức Thượng Đế mượn nước Việt Nam đau khổ mà hữu phúc nầy ban huyền linh phép lạ đến thế gian để nhân sinh thấu triệt cơ huyền nhiệm đất Trời. Để sớm thức tỉnh giấc mê,nhớ lại nguồn cội thiêng liêng bất diệt cao cả của con người, sống trở lại cuộc đời Thánh đức hòa hợp thiêng liêng để tiến hóa lên bầu trời thanh thoát.
Chúng ta hãy nghe đức Vạn Hạnh Thiền Sư khuyên nhủ : "Chư Đạo hữu ! Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoát khai không chỉ một dân tộc nầy mà thôi, mà chính là sự cứu cánh chung cho nhân loại. Đường cộng nghiệp lan tràn thế giới,chiến họa thiên tai, Bần Tăng khuyên những ai là người lãnh đạo, hướng đạo,tín đồ,chí sĩ đã mang truyền thống Rồng Tiên, hãy cố gắng thức tỉnh ngoi lên khỏi bờ vực thẳm, xem nhẹ mọi quyến rũ hữu hình, để vươn mình lên và gọi kêu những người đang chệnh choạng trong bóng tối của màn đêm ". Và Ngài đã tiên tri như vầy :" Ngày mai đây là ngày mà các khối dục vọng sẽ nổ bùng ra muôn mảnh vì sức va chạm lẫn nhau. Chừng đó ai Thánh, ai phàm, ai người, ai quỉ sẽ phân biệt được ngay trước luật công bình của thiên nhiên Tạo Hóa" (TGST 1970/1971).
Giờ nầy chúng ta đang viết,đang đọc đây,trên khắp thế giới Âu Châu, sau khi chế độ vô thần sụp đổ, hiện đang xảy ra những cảnh giết hại ,tàn sát lẫn nhau rất thảm khốc như ở xứ Nam Tư CS cũ giữa dân Serbie và Bosnie, ở Afghanistan,ở Trung Đông giữa Do Thái và Á Rập, ngay cả ở Ấn Độ giữa Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo và giáo phái Sikh,Phi Châu vẫn chịu cảnh cốt nhục tương tàn và kỳ thị màu da gây bao thảm trạng giết chóc, đói rách, bệnh tật nhìn thấy đau lòng khủng khiếp ! Than ôi ! thảm cho nhân loại dường nào,cọng nghiệp do Thiên tai chiến họa vì miếng ăn chỗ ở, vì địa vị lợi quyền, danh vọng , vì tín ngưỡng dị đồng triền miên liên tiếp xảy ra không biết bao giờ dứt. Cầu xin Thượng Đế Chí Tôn chan rưới hồng ân ban huyền linh phép lạ để sớm chấm dứt cảnh thương tâm,thảm khốc nầy cho nhân loại.người Tu Học cần phải tham thiền
nhập định để an định nội tâm,chế ngự dục vọng để không bị che lấp Phật Tánh.
Chúng ta hãy nghe tâm tình của đức Vạn Hạnh Thiền Sư : "Chư đạo hữu ! khi còn sanh tiền tại thế ,còn mang nhục thể , Bần Tăng cũng như chư đạo hữu có khác nào đâu ! Cũng khi thương mến những người hạp ý mình, cũng khi bực bội căm tức những người chống chỏi lại ý mình, cũng ghét giận người hại hoặc phá mình, cũng khi thích lời kinh tiếng kệ, có lúc cũng ưa thích điệu nhạc du dương, tiếng đàn trầm bổng, cũng có khi động lòng trắc ẩn trước sự bất hạnh đau khổ của tha nhân, cũng muốn tìm cách để chia bớt nỗi đau khổ của người trong cuộc,nhưng cũng có khi nhìn lại phần thực tại là gia đình vợ con, nhà cửa sản nghiệp, còn cần phải phát triển giữ gìn cho phần tư hữu , cũng có lúc ham vui tửu sắc tài khí. Nhưng sau nhờ giữ được bản tánh thường trụ là Phật Tánh hay là sự giác ngộ, hay là sự sáng suốt bản tánh, bám chặt vào đấy đến ngày lâm chung thoát xác của cuộc đời, mà được Thượng Đế cứu rỗi trở về quê xưa vị cũ ".
Thiền Sư muốn cho người tu hành biết là trong người mình đều có Phật Tánh hay Thiên Tánh hoặc là Chơn Tâm, nhưng bị nhiễm tánh tục chốn hồng trần nó che lấp Chơn Tâm, Phật Tánh của mình, nên mình không nhận ra nó, để bị thất tình lục dục lôi cuốn gây nên tội lỗi. Bởi thế, người tu hành cần phải dành thì giờ để tọa thiền tịnh tâm, bám chặt lấy Chơn Tâm, Phật Tánh, đừng cho nó bị dục vọng lôi cuốn, cứ duy trì mãi Chơn Tâm, Phật Tánh được luôn luôn thanh tịnh, đừng cho nội tâm nhiễm tư tưởng trần tục, thì con đường siêu thoát sẽ đến khi mình phải thoát xác. Thiền Sư còn nhìn nhận là người tu hành hay bị lận đận lao đao, khi tiến khi thoái, khi hăng hái, lúc uể oải dãi đãi , là bởi vì không giữ được Phật Tánh, Chơn Tâm ấy ở mãi nơi lòng mình thế thôi.

THI:
Tiên phàm nào phải cách đâu xa,
Chính ở nơi lòng của chúng ta,
Sáng suốt Từ-bi là Thánh, Phật,
Tham sân ám muội, ấy tinh ma.


(TGST .1971)
Nhận xét về kết quả của sự Tham Thiền Nhập Định :
Vốn là một Thiền Sư đã đắc Đạo nên sự nhận xét của Ngài giúp cho Thiền sinh chúng ta rất nhiều về phần thực hành. Chúng ta hãy lưu ý những lời vàng ngọc nầy (TGST năm 1970)
" Chư đạo hữu ôi! Bần Tăng quan sát qua một vòng thấy phần đông chư đạo hữu đã được thực hành phương pháp tham thiền tịnh định, hoặc một số đạo hữu đang muốn nhập định tham thiền. Bần Tăng cho việc đó là tốt lắm, vì con người trong cõi phàm, muốn thay hồn đổi xác, hoặc xuất thần đến một cõi Phật Tiên, điều sơ đẳng là phải qua được cửa tham thiền nhập định. Nhưng mỗi đạo hữu đã thực hành rồi có thấy sự nhập định của mình có thật đại định chưa ?,có Xem mà Không thấy, có Lắng mà Không nghe, có Ngửi mà Không mùi, có Ngồi mà không tọa, có Suy nghĩ mà Không trầm tư chăng ?. Hay vẫn còn trong trạng thái - Càng nhắm mắt lại thấy sự vật càng to tướng, càng tịnh nhĩ càng nghe rõ âm vang, càng tịnh tỉ càng cảm thấy mùi thơm ngào ngạt, càng tịnh tọa càng nghe tê chơn, mỏi lưng, ngứa ngáy khắp cả châu thân, càng kềm lòng yên định càng nhớ đến trăm ngàn muôn việc còn dở dang bận tộn, càng tịnh tâm thì càng nhớ đến những ân oán vui buồn từ mấy mươi năm trong quá khứ " .
"Có trả lời được những câu hỏi ấy mới làm chủ và thấy được mức tu tiến của mình. Thông thường nơi chỗ tịnh là một nơi lặng lẽ xa cách mọi hoạt động thường nhựt của thế nhân,nhưng đó chỉ là hình thức của phần tịnh ở buổi ban sơ. Cố gắng tập làm sao đến khi ngồi giữa chợ đông mà mắt không thấy người, tai không nghe tiếng, mũi không còn biết hơi, thân không còn biết giao động, trí không còn tưởng vu vơ, đó mới thật là đại tịnh. Có đại tịnh thì Thần mới tụ, tụ rồi mới xuất phi thăng đến miền Thượng giới". Thiền sư lại thân mật an ủi Thiền sinh: "Khó quá phải chăng chư đạo hữu, nhưng không phải khó mà chẳng ai làm được,vì từ chân núi vẫn có xe chạy đến chót núi kia mà ". Thật là hữu phước cho chúng ta thay, chúng ta được Thiền sư giải bày phương pháp thiền định rất giản dị và thực tế vô cùng.
Chí-Tin

Thư Viện 1      4   5