TRUNG DUNG, TRUNG ĐẠO  

(Châu Minh, 16-2 năm Đại Đạo 36 Tân Sửu, 1-4-1961)
       Người tu nhứt là phải luôn luôn bình tĩnh trọn đức tin với thiêng liêng, giữ vững lập trường chơn chánh, dù cho hoàn cảnh xáo trộn thế nào, dù việc biến đến bên mình cũng vẫn giữ thái độ tự nhiên bình tĩnh mới sáng suốt để điều hành những điều khó khăn gay trở sắp đến được. Nếu chư hiền luôn luôn xao động, việc một tưởng mười, thì càng tai hại cho thân tâm chư đệ muội đó vậy.
       Người tu phải biết rõ lý trung đạo, trung dung của Ơn Trên thường dạy. Người mà không giữ được trung dung, tức nhiên bị chênh lệch mất thăng bằng, tức nhiên phải mất sự sáng suốt linh hoạt vậy. Vì gần với kẻ mình hờn ghét thì không thấy đặng điều tốt, điều hay của người; còn với kẻ mình ưa, mình thích thì không thấy đặng cái dở, cái xấu của người. Bởi thế, người tu chơn đạo phải để tâm không không, là tâm trung dung, trung đạo, không thiên lệch, không tư vị, không xu hướng, như thế mới nhận định được những điều hay dở.
LÝ THÁI BẠCH

Thư Viện 1      4   5