TU  ÐẮC  ẤN-CHỨNG

Ðứng làm người xuất thế tầm Chơn-Sư cho đắc chánh truyền, chỉ thấu tâm-pháp, tu-hành tam-bửu, luyện tinh biến ra khí, luyện khí biến ra thần, thì thấy ấn-chứng y tam-giáo như đây chẳng sai. Nho rằng: "Tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông". Nghĩa là: lặng-lẽ tự nhiên không diêu-động cảm xúc mà thông-linh; cùng là "Tam ngoạt bất di nhơn". Nghĩa là: Trong ba tháng chẳng lìa chỗ nhơn. Còn Tiên rằng: "Yểu hề minh hề kỳ trung hữu tinh. Hoản hề hốt hề kỳ trung hữu vật". Nghĩa là: trong lúc khí yểu minh thì có chơn tinh. Trong lúc khí hoản hốt thì có chơn vật. Và có câu: "Miên miên bất tuyệt cố đế thâm căn". Cũng dùng âm-dương làm nồi lò, cũng lấy Tinh-Khí-Thần tá danh nấu thuốc Linh-đơn kêu rằng: "Hồi phong hổn hiệp, bá nhựt công linh". Nghĩa là thấu vận tốn phong nấu luyện trong một trăm ngày, thì thuốc linh-đơn chín.
Còn Phật rằng: "Nhị hầu thể mu-ni". Nghĩa là: hai chừng chừng dùng lấy mu-ni, ấy là cũng luyện Tinh hóa Khí đó. Ba tháng đắc chơn khí, một trăm ngày kiết linh-đơn.
Nên Tiền-Tổ có câu rằng: "Tam ngũ nhứt đô tam cá tự, cổ kim minh giã định nhiên hi, đông tam nam nhị đồng thành ngũ, bắc nhứt tây phương tứ cọng chi, mồ kỷ tự cư sanh số ngũ, tam gia tương kiến kết anh nhi". (Ấy là luyện Tinh hóa Khí đó), anh nhi thị nhứt hàm chơn khí, thập ngoạt thai huờn nhập thánh cơ (luyện khí hóa dương-thần xuất hiện). Nghĩa rằng:
Ðông ba nam hai, là mộc với hỏa, phối hiệp sanh Tiên-thiên chơn hỏa, là một số ngũ;
Bắc một tây bốn, là thủy với kim, giao hiệp sanh Tiên-thiên chơn thủy đó là hai số ngũ.
Hai số ngũ giao phối lại nữa, sanh Tiên-thiên chơn thủy hỏa là Ðạo.
Âm-dương hiệp nhứt lại, trung ương sanh một số ngũ là ba nhà hiệp nhau, kiết tụ thành thai sản anh hài, (bởi ba nhà Tinh, Khí, Thần hiệp lại đủ mười tháng, thành vào cõi Thánh).
Phật rằng: (1) "Xá-lợi thành hình xuất thai thân ví Phật-tử". Huê-Nghiêm Kinh rằng: (2) "Thế-Tôn tùng bạch hào tướng trung phóng đại quang minh, danh Như-lai xuất hiện".
Nho rằng: (3) "Tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông".
Tiên rằng: (4) "Hiện xuất dương thân thoát thai thần hóa".
Mấy lời đó chẳng phải Tiên, Phật, Thánh dối ngữ đâu. Vì tại thất chơn-truyền nên học không hiểu thấu và không thấy ấn-chứng, ứng nghiệm y như kinh điển.
Nếu học trúng lý, nhằm tâm-pháp thì thấy ứng nghiệm thành cảnh, như lời Nho nói đây: "Kỳ thứ trí khúc, khúc năng hữu thành, thành tắc hình, hình tắc trứ, trứ tắc minh, minh tắc động, động tắc biến, biến tắc hóa thì dĩ nhiên hạ chí thành năng biến hóa". Nghĩa là trong đoạn ứng nghiệm nó có thứ lớp. Ðoạn trước, phải tịnh tâm cho chí thành, lòng chí thành, thì có ứng hình, ứng hình thì tỏ rõ, tỏ rõ thì sáng chói, sáng chói thì cử-động, cử-động thì biến hóa, đây trong thiên-hạ ai tu nhằm lý và lòng chí thành, đặng biến hóa.
Còn Tâm-Kinh rằng: "Quan-tự-tại bồ-tát hành thâm bát-nhã ba la mật đa". Quan-tự-tại bồ-tát nghĩa là quan định chủ nhơn ông (dưỡng thần) dùng thâu phóng tâm; hành thâm bát-nhã Ba-la mật đa là diệt tận tâm ý vọng niệm mới hạ thủ dụng công, đem tâm hỏa lại luyện lấy Tiên-thiên chơn kim thì ứng nghiệm phát sanh nhiều cảnh tượng huyền-diệu.
Nếu mình tu thấu đáo nơi diệt tận định thì phát ra nhiều cảnh tượng ứng nghiệm như Thế-Tôn rằng: "Diệt tận định lục căn chấn động, mi gian thường phóng bạch hào-quang". Nghĩa là diệt tận hết nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý cho định lại thì lục-căn đó phát xung động trước chăn mày hằng phóng bạch hào-quang.
Tiên kêu rằng: Huỳnh nha sanh bạch tiết phát.
Ấy là ấn-chứng sự thành cảnh của ba nhà Phật, Thánh, Tiên.
Nên Phật luyện ra Mâu-ni bửu châu;
Tiên luyện ra Thử mể huyền châu;
Thánh luyện ra Cửu khúc minh châu.
Ðó là sự mầu-nhiệm của cái máy tu luyện trong Tam-Giáo. Nếu Tam-Giáo không có tu luyện hành diệu-pháp, vậy chớ học phép nào mà nói ra cảnh tượng dường ấy.
Còn Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang, Văn, Võ, Châu-Công, Khổng-Tử cũng học tinh nhứt chấp trung, tâm-pháp bí-mật mà thành "Thánh Thánh tương truyền ư vạn thế". Ấy là truyền tâm-pháp bí-mật trong sách kinh đó, chẳng phải truyền văn-tự không mà đọc theo hoài, không hành yếu-lý.
Nên phải thông Tam-Giáo và gặp Chơn-Sư, thì biết diệu-lý bí-mật về Phật, Thánh, Tiên mới đặng.
Nếu thông uyên-lý nhà Tiên mà không thông Phật-pháp, cố chấp một nhánh thành bịnh; thông nhà Phật không hiểu cốt-chủy nhà Nho thì bọn cuồng học chi lưu đó.
Phải dùng Ðạo Thích mà thám ngộ, dùng Ðạo Tiên mà công-phu, dùng Ðạo-Nho mà biết chỗ thể dụng thứ lớp; chớ chẳng phải Tam-Giáo dạy tụng đọc hay là ngồi tự nhiên đó mà thành đặng.
Như người muốn học đạo trước phải tu tâm, muốn thấy ứng nghiệm trước phải luyện tánh thì nhập-môn mới kiến hiệu.
Tiên-gia rằng: Tu tâm luyện tánh.
Phật rằng: Minh tâm kiến tánh.
Nho rằng: Tồn tâm dưỡng tánh.

Tập tâm tánh mà chi vậy? Có phải sửa lòng phàm tục đổi ra lòng Tiên Phật chăng?
Nho kêu rằng: "Nhơn-dục tịnh tận, thiên-lý lưu hành".
Thích rằng: "Vô vô minh, diệc vô minh tận".
Tiên rằng: "Hư tâm thiệt phúc, quan không chi Ðạo" cũng là luyện tánh bỏ lòng phàm tục, trừ các điều nhơn-dục mà hành đạo. Như gặp Chơn-Sư chỉ truyền tâm-pháp hỏa-hầu thứ lớp mà tu, mới rõ Tam-Giáo Ðạo-Sư, cũng tu luyện một lý mà thành.
Còn không gặp Chơn-Sư truyền chánh-pháp, dầu có tu khổ khắc hình-thể, đoạn dứt trần-gian, ngồi thoàn mà tịnh định, xuất đặng định âm thần, thì cũng thọ hưởng nhơn gian quí tế về cõi Lạc-Thiên mà thôi; thì phân biệt khác nhau một cái dương-thần, một cái âm-thần.
Nếu luyện dương-thần đặng, thì siêu thoát khỏi phần âm linh chi thần đó, mà ra ngoài không khí đặng.
Nên Phật, Thánh, Tiên đắc chánh truyền bí-pháp, biết hiệp Tinh-Khí-Thần mà tu luyện đổi lại dương-thần, trở nên Tiên, Thánh, Phật, nên kêu là tu luyện linh-đơn, dưỡng huờn Xá-lợi-tử, qui phục Chơn-nhứt khí (hạo nhiên khí). Vậy có câu: "Có tinh-thần lại dưỡng tinh-thần, tinh-thần bổn thị Linh-đơn dược", thì cũng chỉ quyết lấy Tinh-Khí-Thần, ba báu đó mà làm thuốc trường-sanh, kêu là (5) Tam phẩm thượng dược, Thần dữ khí tinh.
Còn phép hiệp lại mà tu, phải có người chỉ truyền mới biết mà dùng, bằng không thầy truyền, dẫu thông-minh hơn ông Nhan, ông Mẫn cũng khó mà hiểu đặng.
Thầy Tử-Cống nói rằng: "Phu-Tử chi văn-chương, khả đắc văn dã. Phu-Tử chi ngôn tánh giữ Thiên-đạo, bất khả đắc văn dã". Nghĩa là: Ðức Phu-Tử nói văn-chương thì Tử-Cống nghe đặng, còn nói cái tánh cùng Thiên-đạo thì Tử-Cống Ngài nghe không đặng rõ.
Mới biết Thiên-đạo, Nhơn-đạo hai nẻo, tánh đạo, văn chương khác nhau.
Thiên-đạo là: Tu tánh dưỡng mạng trở về không khí; tận nhơn hiệp thiên là phủi hết lòng nhơn-dục mới trở về Thiên-lý kêu là xuất thế Thiên-đạo.
Còn Nhơn-đạo là ngũ-luân ngũ-sự, ưa mến hồng trần, kêu là Nhập thế Nhơn-đạo.
Phật-đạo tu tam-bửu Tinh, Khí, Thần luyện thành Xá-lợi-tử chơn hình thiêng-liêng huờn thành một khối dương-thần hiện ra gọi là Phật-tử.
Phật Thế-Tôn dùng hào-quang trắng mà siêu thoát gọi là Như-lai xuất hiện.
Nho thì lặng-lẽ tự nhiên không động, cảm-xúc nhau mà thông linh.
Tiên-đạo luyện thành linh-đơn đủ số dương; thì dương-thần phải phát hiện ra kêu là Tiên biến hóa.
Ba bực thuốc quí báu là: Tinh, Khí, Thần có thế hiệp luyện siêu thoát đặng.

Thư Viện 1      4   5